Đấu đá nội bộ: Truyền thông Trung Quốc đăng lại bài báo 8 năm trước chỉ trích ông Tập

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gần đây, hơn 20 kênh truyền thông trực tuyến ở Trung Quốc đồng loạt đăng lại một bài báo cũ của năm 2013, có tiêu đề "Hãy để người dân cùng được hưởng cơ hội tự do phát ngôn". Phân tích chỉ ra rằng, vụ việc này đủ để phản ánh tình trạng đấu đá nội bộ hiện nay giữa các lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Sau khi phát hiện ra hiện tượng hy hữu trên, nhà bình luận thời sự Hong Kong Trình Tường (Ching Cheong) đã công bố một bài viết có tiêu đề "Lực lượng chống Tập đang tập hợp” để chia sẻ quan điểm của ông về sự việc này.

Ông Trình Tường chỉ ra rằng, bài viết “Hãy để người dân cùng được hưởng cơ hội tự do phát ngôn" được viết vào năm 2013. Khi đó, ông Tập Cận Bình mới nhậm chức và các chính sách của ông ta vẫn chưa được tiết lộ, do đó, đối tượng mà bài báo nhắm vào không thể là ông Tập. Nhưng nó lại được đăng lại rầm rộ vào thời điểm hiện nay, điều này rõ ràng là có ý nhằm vào ông ta.

Tác giả bài báo cũ là ai?

Tác giả của bài viết này là ông Lý Vĩnh Trung (Li Yongzhong), Phó Viện trưởng Học viện Kiểm tra Kỷ luật và Giám sát Trung Quốc, là người trong hệ thống kiểm tra kỷ luật của ĐCSTQ.

Ông Lý Vĩnh Trung có vài chục năm kinh nghiệm trong công tác kiểm tra kỷ luật và giám sát, do đó rất quen thuộc với tình hình chống tham nhũng của ĐCSTQ. Ông cho rằng, điểm đột phá của công cuộc chống tham nhũng trong tương lai là nằm ở việc cải cách cơ cấu quyền lực. Vị Phó Viện trưởng từng đề xuất học theo Ủy ban Độc lập Chống Tham nhũng Hong Kong (ICAC), sử dụng hệ thống chống tham nhũng thay vì chiến dịch chống tham nhũng. Nhà bình luận Trình Tường cho rằng, điểm này đi ngược lại với "chiến dịch chống tham nhũng" của ông Tập Cận Bình.

Sau khi đọc cuốn sách "Hồ sơ Cải cách Ngôn luận", ông Lý đã viết bài báo trên để bày tỏ ý kiến cá nhân và bình luận về các vấn đề thời sự, chính trị. Đây là cuốn sách của ông Hồ Đức Bình (Hu Deping) - chính trị gia, con trai cả của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Hồ Diệu Bang.

Ông Trình Tường nói rằng, cuốn sách này có tổng cộng 7 phần và 82 bài viết, bắt đầu với "Tiếng pháo vì tự do" năm 1984, đến năm 2013 thì kết thúc bằng bài viết “Dân sống thì quốc gia sống”. Loạt bài này được ông Hồ Đức Bình ghi chép lại từ việc kế thừa những sáng kiến cải cách của cha mình.

Nội dung bài báo cũ là gì?

Tự do ngôn luận

Bài báo viết: "Vì tự do phát ngôn là mục tiêu đấu tranh ngoan cường của những người đảng cộng sản", "quyền tự do của những người đảng cộng sản bao gồm tự do ngôn luận mà Hiến pháp trao cho người dân, cùng quyền tự do phê bình nội bộ đảng và phê bình cá nhân mà Điều lệ đảng cấp cho". Ông Trình Tường chỉ ra rằng, điều này hoàn toàn trái ngược với quy định "Không được phép tự ý thảo luận về Ban Chấp hành Trung ương".

Trong đó cũng viết rằng: "Lịch sử Trung Quốc là một bộ lịch sử giao chiến giữa tự do phát ngôn và cấm phát ngôn, lịch sử [thời] cải cách mở cửa lại càng như vậy... Đồng thời, lịch sử cũng nhiều lần chứng minh rằng, bất cứ điều gì đi kèm với việc cấm phát ngôn, thường là sự suy bại của đảng cầm quyền và sự suy vong của vương triều"; "Có thể phát ngôn hay không đã trở thành một dấu hiệu quan trọng cho thấy sự thịnh suy của chính quyền, thời hoàng kim của một triều đại thì người ta dám phát ngôn, đến đời cuối thì thường suy bại vì bị cấm lên tiếng".

Bài học từ sự tan rã của Liên Xô

Bài báo còn nói rằng, sự tan rã của Liên Xô có liên quan đến việc kiểm soát ngôn luận. "Đảng Cộng sản Liên Xô trường kỳ thực thi 'tam độc quyền' về kinh tế, chính trị và ngôn luận; kiểm soát ngôn luận và trói buộc tư tưởng. ‘Báo Chân lý’ (Pravda) thì không có chân lý, ‘Báo Tin tức’ (Izvestia) thì không có tin tức. Toàn quốc im hơi lặng tiếng, không ai lên tiếng, toàn đảng nghe lời răm rắp, cấp trên không hiểu cấp dưới, cấp dưới không tín phục cấp trên, đảng không nghe được tiếng nói của người dân, người dân không tin vào lời của đảng, đảng xa rời nhân dân, cán bộ và người dân chia rẽ, cuối cùng không ai có thể chịu trách nhiệm cho cả thiên hạ", do đó "phải ghi nhớ [bài học] thảm kịch của Liên Xô và Đông Âu".

Ngoài ra, ông Lý Vĩnh Trung còn cảnh báo rằng: độc quyền ngôn luận, vì phát ngôn mà bị kết tội, là đặc trưng quan trọng của "chế độ cũ" và nó sẽ trở thành nguyên nhân chủ yếu dẫn tới một "cuộc cách mạng lớn" tiếp theo. Nhà bình luận Trình Tường cho rằng, những nhận xét này rõ ràng là nhằm vào chính sách cấm tự do ngôn luận mà ông Tập Cận Bình đang thực thi hiện nay.

Bài báo của ông Lý Vĩnh Trung cũng chỉ ra rằng, "Đừng bao giờ dễ dàng tuyên bố thắng lợi trước chủ nghĩa xã hội, đừng nói bừa rằng sẽ sớm xây dựng thành công, đừng xem nhẹ cuộc tập kích của các xu hướng tư tưởng 'tả' và 'hữu', đừng tuyên bố quá sớm việc bắt đầu quá độ sang chủ nghĩa cộng sản, và đừng coi nhẹ những thay đổi mạnh mẽ ở các nước xã hội chủ nghĩa Liên Xô, Đông Âu”.

Ông Trình Tường nói rằng, những nhận xét này nhắm vào thái độ gấp gáp xây dựng một "cộng đồng chung vận mệnh cho nhân loại" (Community of shared future for mankind) của Tập Cận Bình, và cũng không đồng điệu với luận điệu thách thức trật tự thế giới hiện tại của ông ta.

Doanh nghiệp tư nhân

Về vấn đề các doanh nghiệp tư nhân bị chấn chỉnh, ông Lý đã dẫn lời ông Hồ Đức Bình. Đó là "doanh nghiệp tư nhân không có nguồn gốc tội lỗi", mà "nguồn gốc tội lỗi là ăn trái cấm, để đột phá nền kinh tế kế hoạch thì ắt phải ăn trái cấm". Ông Trình chỉ ra rằng, những lời này là nhằm vào việc ông Tập yêu cầu các doanh nhân tư nhân rút khỏi vũ đài lịch sử.

Ngoài ra, trong quá trình đô thị hóa cũng thường xuyên xảy ra các vấn đề bảo vệ quyền lợi của người dân và để lại hậu quả nghiêm trọng. Hay về vấn đề công tác văn hóa và phần tử trí thức, bài viết của ông Lý cũng đều thể hiện những quan điểm cá nhân.

Xây dựng dân chủ và xã hội

Về vấn đề xây dựng dân chủ, bài báo nêu rõ: "Nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng kinh tế, ngoài việc phải gắn với dân sinh, dân quyền thì cũng phải gắn với dân chủ. Bởi vì lúc này, lá phiếu trong tay công dân... và lợi ích vật chất, quyền lợi hợp pháp của bản thân [quan chức] có quan hệ mật thiết như máu thịt, như hơi thở. Nếu nói về dân chủ kiểu này mà công dân không quan tâm, thì chất lượng công dân không thể từng bước nâng cao, đó mới là một trò đùa lớn".

Về vấn đề xây dựng xã hội, bài báo thẳng thắn cho rằng: "Không thể dùng phương pháp của thời Đại Cách mạng Văn hóa để giải quyết những mâu thuẫn hiện nay"; "Những mâu thuẫn xảy ra trong nhân dân, miễn là vấn đề kinh tế, thì cần được xử lý như chơi ván cờ; Vấn đề xã hội nên đàm phán để giải quyết; Vấn đề chính trị thì nên bàn bạc thương lượng để đạt được tiếng nói chung".

Cuối bài viết cảnh báo: "Hữu ngạc ngạc tranh thần giả, kỳ quốc xương; hữu mặc mặc du thần giả, kỳ quốc vong” (Tạm dịch: Quốc gia có bầy tôi dám can gián Vua thì nước đó hưng thịnh, còn bầy tôi mà im lặng trước sai trái của Vua và chỉ giỏi nịnh hót thì nước đó suy vong).

Vấn đề của 8 năm trước dường như vẫn là vấn đề của hiện tại

Ông Trình Tường nói rằng, bài báo tuy đã xuất bản từ năm 2013 nhưng lại đề cập gần như chính xác những vấn đề chính trị của chính quyền Trung Quốc hiện nay. Đó là: tập trung quyền lực quá mức, không có tự do ngôn luận cho đảng viên và người dân, cải cách chính trị trì trệ, cải cách kinh tế thụt lùi, các doanh nhân tư nhân gặp khó khăn về mặt chính trị, và xã hội có nguy cơ quay trở lại thời Đại Cách mạng Văn hóa.

Nhà bình luận tiếp tục chỉ ra rằng, không chỉ những vấn đề của 8 năm trước vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, mà còn có những nguy cơ ngày càng gia tăng, vì vậy bài báo dường như đang nói về những vấn đề của ngày hôm nay. Còn các kênh truyền thông mạng đăng lại bài báo này là để bày tỏ bất mãn với tình hình hiện tại và mượn lời tác giả để chỉ trích các chính sách của ông Tập Cận Bình.

Ai đứng sau màn chỉ trích công khai này?

Tuy nhiên, dưới sự kiểm soát chặt chẽ của ĐCSTQ, mà những bài báo mang "năng lượng tiêu cực" như vậy lại có thể đồng loạt xuất hiện trên các kênh truyền thông trực tuyến Trung Quốc. Ông Trình cho rằng, phải có một thế lực nào đó đứng đằng sau, và thế lực này đủ mạnh để chống lại Bộ Tuyên truyền Trung ương, cơ quan quản lý mạng, cùng các ban ngành khác được ông Tập sử dụng để kiểm soát suy nghĩ và lời nói của người dân.

Vậy lực lượng này gồm những ai? Ông Trình suy luận rằng, tác giả bài báo xuất thân từ hệ thống kiểm tra kỷ luật, điều này khiến người ta không khỏi nghĩ tới ông Vương Kỳ Sơn - cựu Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ nhiệm kỳ 2012 - 2017 và hiện là Phó chủ tịch nước.

Cách đây vài ngày, thân tín của ông Vương Kỳ Sơn là Đổng Hoằng rớt đài. Ông Trình suy đoán rằng, hành động qua cầu rút ván của Tập Cận Bình chắc chắn sẽ khiến một nhóm quan chức cấp cao vốn ủng hộ ông ta cảm thấy ớn lạnh. Có thể họ đã đăng lại bài báo cũ để thể hiện sự bất mãn. Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc đang đến gần. Ông Tập cũng đang dốc sức để tại nhiệm trọn đời trong Đại hội ĐCSTQ lần thứ 20 diễn ra vào năm sau. Hiện tại, bài báo chỉ trích Tập Cận Bình chắc chắn sẽ gây áp lực lớn lên ông ta.

Mai Hạ - Đông Phương

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Đấu đá nội bộ: Truyền thông Trung Quốc đăng lại bài báo 8 năm trước chỉ trích ông Tập