Đâu là danh tính thực sự của 'bà mẹ 8 con Từ Châu'? Liệu còn tội ác nào đang bị che giấu?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vụ án bà mẹ 8 con ở Từ Châu, Giang Tô, Trung Quốc bị đeo xích vào cổ vừa xuất hiện bằng chứng mới về danh tính của nạn nhân. Một phóng viên điều tra ở Trung Quốc đã đăng ảnh chụp giấy đăng ký kết hôn của người chồng Đổng Chí Dân và vợ lên mạng Internet. Tuy nhiên, khuôn mặt và ngũ quan của người phụ nữ trong giấy kết hôn rất khác so với hình ảnh hiện tại của “bà mẹ 8 con”, nhiều cư dân mạng nghi ngờ đây là hai người phụ nữ khác nhau.

Hôm thứ Ba (15/2), ông Đặng Phi (Deng Fei), một cựu phóng viên điều tra nổi tiếng của Trung Quốc, đã tiết lộ bức ảnh chụp giấy đăng ký kết hôn mà ông Đổng Chí Dân (Dong Zhimin) và vợ nhận được vào ngày 2/8/1998 lên Internet. Giấy chứng nhận này cho thấy, tên của người phụ nữ đăng ký kết hôn là "Dương Khánh Hiệp” (Yang Qingxia), sinh ngày 6/6/1969; Đổng Chí Dân sinh ngày 3/5/1966. Ngày cấp giấy chứng nhận kết hôn là 02/08/1998.

Tuy nhiên, ngoại hình và tuổi tác của người phụ nữ trong ảnh khác xa hình ảnh của bà mẹ 8 con trong video được tiết lộ gần đây. Nhiều người đã so sánh và đều cho rằng đây là hai người hoàn toàn khác nhau.

Giấy đăng ký kết hôn của Dong Zhimin
Giấy đăng ký kết hôn của ông Đổng Chí Dân và vợ bị tung lên mạng. (Nguồn ảnh: Weibo)
bà mẹ 8 con từ châu trung quốc, người phụ nữ đeo xích từ châu trung quốc, Giấy đăng ký kết hôn của ông Đổng Chí Dân và vợ bị tung lên mạng
Giấy đăng ký kết hôn của ông Đổng Chí Dân và vợ bị tung lên mạng. (Ảnh chụp màn hình)

Sau khi giấy chứng nhận kết hôn bị lộ, ông Thái Thận Khôn (Cai Shenkun), một nhà bình luận về các vấn đề thời sự gốc Hoa, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Đài Á Châu Tự do (RFA) rằng, có nhiều dữ kiện chứng minh rằng những lời giải thích của chính quyền thành phố Từ Châu và huyện Phong là không đáng tin cậy. Ông nói: "Tôi đã xem ảnh chụp giấy đăng ký kết hôn và đó là hai người hoàn toàn khác nhau. Vấn đề này rất nghiêm trọng".

Dùng công nghệ hiện đại có thể xác định hai người trong bức ảnh có phải là một

Ông Mạc Thiếu Bình (Mo Shaoping), một luật sư bào chữa hình sự ở Bắc Kinh, cho rằng không khó để điều tra vụ án này thông qua các phương tiện kỹ thuật hiện đại. Ông nói với RFA: "Theo trình độ công nghệ hiện nay, có thể dễ dàng đưa ra kết luận rằng tấm ảnh trên giấy đăng ký kết hôn không phải là người phụ nữ bị đeo xích vào cổ. Theo trình độ công nghệ hiện nay, đây không phải vấn đề gì [to tát]. Người dân có yêu cầu [làm rõ sự việc], [điều này] rất đúng đắn. Cơ quan thẩm định có đủ năng lực sẽ đối chiếu mặt mũi, xem có phải là người đó không".

Nhiều cư dân mạng vô cùng nghi ngờ rằng các quan chức Từ Châu có thể đã dùng thủ đoạn xảo trá, đổi trắng thay đen để lừa dối công chúng. Họ cho rằng chính quyền huyện Phong và thành phố Từ Châu từ chối công bố giấy đăng ký kết hôn vì lo lắng rằng người dân sẽ phát hiện ra điều kỳ lạ và tiếp tục yêu cầu điều tra.

Bốn lời giải thích của chính quyền vẫn không thể đập tan nghi vấn trong lòng người dân

Sau khi vụ việc bị phanh phui vào ngày 28/1, nhiều người nghi ngờ rằng người phụ nữ này đã bị lừa bắt đi, bị ngược đãi, xâm phạm tình dục và làm công cụ sinh con trong một thời gian dài. Sau đó chính quyền đã lần lượt đưa ra 4 tuyên bố sau:

  • Tuyên bố ngày 28/1: Hai người đã kết hôn vào năm 1998, không có chuyện bắt cóc buôn người. Vì người vợ bị bệnh tâm thần và có xu hướng tấn công người khác nên bị xích lại.
  • Tuyên bố ngày 30/1: Người phụ nữ này đã được gia đình chồng cưu mang khi đang đi lang thang xin ăn, họ không rõ danh tính thực sự của cô.
  • Tuyên bố thứ ba được đưa ra vào khuya ngày 7/2: Người phụ nữ này từng kết hôn một thời gian, sau đó do bị bệnh nên được người thân từ thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam đưa đến huyện Đông Hải, tỉnh Giang Tô để chữa bệnh, gia đình hy vọng sẽ tìm được một "đối tượng tốt" để gả cô đi. Tuy nhiên, sau khi đến nơi cô bị mất tích, nhưng người thân đi cùng đã không báo cảnh sát và cũng không thông báo cho gia đình cô.
  • Tuyên bố thứ tư đăng ngày 10/2: Người vợ đã được xét nghiệm ADN và xác nhận rằng cô chính là Tiểu Hoa Mai (Xiao Huamei), quê ở huyện Phúc Cống, tỉnh Vân Nam. Đổng Chí Dân bị tình nghi giam giữ người trái phép; một người đàn ông và một người phụ nữ khác cùng quê với “Tiểu Hoa Mai” bị tình nghi bắt cóc và buôn bán phụ nữ. Cả 3 người đã bị bắt giữ hình sự.

Manh mối cho thấy ‘bà mẹ 8 con’ không phải là ‘Tiểu Hoa Mai’

Tài khoản Twitter người Hoa @zhaoworld cho biết, có cư dân mạng đã lấy được bức ảnh của "Tiểu Hoa Mai" ở làng Á Cổ, tỉnh Vân Nam. Khi so sánh với hình ảnh trên giấy đăng ký kết hôn, có thể phán đoán rằng "Dương Khánh Hiệp" chính là Tiểu Hoa Mai, nhưng "Tiểu Hoa Mai" lại không phải là "bà mẹ 8 con".

Tiểu Hoa Mai (trái) và Dương Khánh Hiệp.
Tiểu Hoa Mai (trái) và Dương Khánh Hiệp. (Ảnh chụp màn hình)
Tiểu Hoa Mai (trái) và bà mẹ 8 con
Tiểu Hoa Mai (trái) và bà mẹ 8 con. (Ảnh chụp màn hình)

Dựa trên các manh mối, cư dân mạng này suy đoán rằng: Rất có thể người kết hôn đầu tiên với Đổng Chí Dân và người phụ nữ sinh con trai đầu lòng là "Tiểu Hoa Mai" ở Vân Nam. Tuy nhiên, sau khi "Tiểu Hoa Mai" hạ sinh người con trai cả, không rõ vì lý do gì mà "đã biến mất" (có thể là qua đời, mất tích hoặc bị bán đi). Sau đó, nhà họ Đổng đã tìm thấy "người phụ nữ đeo xích" và lấy làm vợ. Đổng và "người phụ nữ đeo xích" sinh thêm 7 đứa con. Điều này có thể giải thích tại sao người con cả lại lớn hơn người con thứ hai đến hơn chục tuổi.

Theo chính quyền công bố, trong vòng 23 năm sau khi bà Dương và ông Đổng kết hôn năm 1998, họ sinh được 8 người con, đứa lớn nhất 23 tuổi và đứa nhỏ nhất 1 tuổi 8 tháng. Tuy nhiên, ông Đổng từng khẳng định rằng người con trai cả tên là "Đổng Hương Cảng" sinh năm 1997.

Do đó, có cư dân mạng thậm chí còn cho rằng, trong năm 1996 nhà họ Đổng rất có thể còn một người phụ nữ khác.

Đạo diễn người Từ Châu: ‘Người phụ nữ đeo xích’ là Lý Oánh, dân địa phương đều biết

Lâu nay, công chúng vẫn nghi ngờ "người phụ nữ đeo xích" là Lý Oánh (Li Ying), một cô gái người Tứ Xuyên bị mất tích vào tháng 12/1996. Khi so sánh bức ảnh của Lý Oánh hồi 12 tuổi với “bà mẹ 8 con”, có thể thấy mức độ tương đồng khá cao.

Ảnh bà mẹ 8 con (bên trái) và ảnh Lý Oánh khi 12 tuổi.
Ảnh bà mẹ 8 con (trái) và ảnh Lý Oánh khi 12 tuổi. (Ảnh từ Internet)

Về việc “người phụ nữ đeo xích” ở Từ Châu có phải là Lý Oánh hay không, trước đó vào ngày 14/2, ông Vương Thánh Cường (Wang Shengqiang), nhà sản xuất kiêm đạo diễn chương trình "Phỏng vấn Chuyên gia Nổi tiếng" của Trung Quốc, đã đăng trên Weibo rằng: Sự việc "người phụ nữ đeo xích" là "chuyện ở quê tôi, ở ngay thị trấn lân cận. [Chúng tôi] đều biết đó là Lý Oánh, nhưng, có người không cho phép cô ấy làm Lý Oánh".

Ông Vương còn viết trên Weibo rằng: "Răng của người phụ nữ đeo xích ở huyện Phong là bị dùng kìm bẻ gãy. Người đàn ông ... lo rằng cô ấy cắn người nên dùng kìm bẻ răng đi. Quê tôi ở huyện Phong, tôi có bản ghi âm của dân làng địa phương".

"Dân làng nói rằng, ba người nhà ông ta dùng chung một người phụ nữ, khi đó ông già vẫn chưa chết". "Đây là một vấn đề lớn, không chỉ liên quan đến cưỡng hiếp mà còn có thể là hiếp dâm tập thể. Tội ác tày trời! Tội ác tày trời! Thiên lý bất dung!”.

Vậy tại sao chính quyền không công nhận ‘bà mẹ 8 con’ là Lý Oánh?

Về lý do tại sao nhà chức trách không công nhận "người phụ nữ đeo xích" là Lý Oánh, ông Vương Thánh Cường cho rằng có thể là do "Cha của Lý Oánh là một quân nhân tham gia bảo vệ đất nước, nhưng con gái của ông lại không được bảo vệ", “Bị bán đến huyện Phong, là ai đã đổi tên của cô? Ai làm hộ khẩu? Ai làm giấy đăng ký kết hôn? Cán bộ nhà nước mà không nhúng tay vào thì có giải quyết được việc này (mấy thủ tục trên) không? Hễ bị phanh phui là lộ ra cả ổ, vậy nên đó nhất định không thể là Lý Oánh!".

Sau đó ông Vương lại đăng Weibo rằng: "Các lãnh đạo chính quyền quê tôi đã gọi điện đến, không cho tôi nói về việc này. Tôi sẽ không xóa hay cập nhật Weibo. Chúng ta dừng lại ở đây ha. Dù sao thì tôi cũng thực sự là người huyện Phong". Tuy nhiên, ông Vương vẫn xóa tất cả nội dung liên quan vào đêm hôm đó. Ông nói rằng chính quyền đã nhờ một số “người thân ở huyện Phong" thuyết phục ông.

Nhiều cư dân mạng nghi ngờ rằng “Tiểu Hoa Mai” thật đã không còn sống, và các quan chức của huyện Phong, tỉnh Giang Tô đã chuyển danh tính của Tiểu Hoa Mai cho “bà mẹ 8 con”. Có thể còn nhiều tội ác hơn nữa ẩn sau việc này.

Cư dân mạng Đại lục đang kêu gọi các cơ quan chức năng điều tra kỹ lưỡng hơn về vụ việc.

Đông Phương

Theo NTD tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Đâu là danh tính thực sự của 'bà mẹ 8 con Từ Châu'? Liệu còn tội ác nào đang bị che giấu?