Hành trình từ leo cao đến ngã ngựa của cựu Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ông Phó Chính Hoa (Fu Zhenghua), cựu Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc, đã bị kết án tử hình nhưng được hoãn thi hành án 2 năm. Cách đây vài ngày, một số tình tiết trong vụ án Phó Chính Hoa đã bị phanh phui, ông ta bị buộc tội "dựa thế" Tôn Lực Quân để leo lên vị trí cao.

Từ ngày 7/1 đến ngày 10/1, bộ phim về chủ đề chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) được phát sóng trên CCTV. Trong tập phim ngày 7/1, ông Phó Chính Hoa đã “thú nhận tội lỗi” và tiết lộ mối quan hệ giữa bản thân và cựu Thứ trưởng Bộ Công an Tôn Lực Quân.

Phó và Tôn bắt chung tần số

Bộ phim kể rằng vào năm 2008, khi đang công tác tại Công an thành phố Bắc Kinh, Phó Chính Hoa đã gặp và kết giao với Tôn Lực Quân. Khi đó Tôn là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Bộ Công an Trung Quốc. Phó Chính Hoa cảm thấy Tôn Lực Quân tuy còn trẻ nhưng đã giữ một vị trí quan trọng, ông ta vội vàng muốn tạo dựng mối quan hệ với cấp trên. Trong khi đó, Tôn Lực Quân cũng vừa mới đến Bắc Kinh, cũng đang tìm kiếm thành viên cho "vòng tròn nhỏ" của mình. Thế là cả hai bắt chung tần số, Phó Chính Hoa trở thành thành viên trọng yếu trong nhóm chính trị của Tôn Lực Quân.

Phó Chính Hoa thừa nhận trước ống kính: "Xác thực là tôi hoàn toàn tuân theo mệnh lệnh của ông ta. Trong chính trị, ông ta cũng cố gắng hết sức để tiến cử và làm việc. Đây thực sự là lợi dụng lẫn nhau trong chính trị".

Từ năm 2010 đến 2017, sau khi được Tôn Lực Quân “đề bạt”, Phó Chính Hoa liên tiếp được thăng lên làm Giám đốc Công an thành phố Bắc Kinh, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Bắc Kinh, Phó Bí thư Đảng ủy và Thứ trưởng Bộ Công an.

Theo nội dung phim, Công an thành phố Bắc Kinh lúc bấy giờ phụ trách rất nhiều chuyên án quan trọng, Tôn Lực Quân không phải là thành viên của đội chuyên án nhưng vẫn thường xuyên đến tham dự các cuộc họp. Mỗi lần Tôn đến, Phó Chính Hoa đều đích thân xuống lầu nghênh đón và bày tỏ rằng sẽ thực hiện mọi “chỉ thị” của Tôn. Phó Chính Hoa còn ký duyệt các vấn đề quan trọng theo ý kiến của Tôn, thậm chí còn đem các tài liệu cần nộp lên cấp trên giao cho Tôn xem xét và phê duyệt trước.

Tham nhũng nghiêm trọng

Theo bộ phim, từ năm 2005 đến năm 2021, Phó Chính Hoa nhận được số tiền của vật chất trị giá 117 triệu nhân dân tệ (CNY), tương đương với hơn 404 tỷ VND. Trong đó có hơn 80% là nhận được sau Đại hội toàn quốc lần thứ 18 của ĐCSTQ. Căn biệt thự ở Bắc Kinh mà ông ta nhận được từ một ông chủ có giá hàng chục triệu CNY. Nhiều người thân của Phó cũng được hưởng lợi từ quyền lực của ông ta.

Phó Chính Hoa còn chiếm dụng trái phép nhiều ngôi nhà và văn phòng trong một thời gian dài. Ông ta từng chiếm giữ một ngôi nhà tứ hợp viện rộng hơn 700 mét vuông ở trung tâm Bắc Kinh. Đồng thời, chiếm dụng 6 phòng ở tại nơi làm việc và các nhà khách trực thuộc đơn vị, tổng diện tích lên tới 1.300 mét vuông.

Thăng tiến nhanh chóng

Đến tháng 1/2015, Phó Chính Hoa chính thức bước chân vào cấp Bộ và lần lượt giữ các chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng nhóm lãnh đạo đề phòng và xử lý vấn đề X giáo (tà giáo) toàn quốc, Giám đốc “Phòng 610” trung ương (cơ quan nằm trên cả pháp luật và chuyên trách bức hại học viên Pháp Luân Công). Tháng 5/2016, lên chức Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an.

Tháng 3/2018, Phó Chính Hoa nhậm chức Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Tới tháng 5/2020, được điều động làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Xã hội của Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc – một chức vụ nhàn hạ.

Hôm 2/10/2021, Phó Chính Hoa bị điều tra khi đang tại chức. Vào ngày 22/9/2022, Phó Chính Hoa bị kết án tử hình, hoãn thi hành án 2 năm, hết hạn 2 năm được giảm xuống tù chung thân và bị giam giữ suốt đời.

Ngã ngựa vì tham gia nhóm chính trị chống ông Tập

Phó Chính Hoa bị cáo buộc là thành viên của "băng đảng chính trị Tôn Lực Quân", vụ án này được ĐCSTQ coi là vụ án chính trị nghiêm trọng nhất kể từ Đại hội 19. Các quan chức liên quan đều là quan chức cấp cao trong hệ thống chính trị và pháp luật, đều từ cấp thứ trưởng trở lên.

Ngoài Phó Chính Hoa, hai người khác cũng bị kết án tử hình có ân giảm là Tôn Lực Quân, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc; và Vương Lập Khoa, nguyên Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật tỉnh Giang Tô.

Nhóm chính trị Tôn Lực Quân cũng bị cáo buộc là một nhóm chống ông Tập, các thành viên và nhân vật hậu đài của nó đều là cốt cán phe Giang.

Tiến sĩ Vương Hữu Quần (Wang Youqun) từng là người viết bản thảo cho ông Úy Kiện Hành – cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ kiêm Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương. Ông Vương từng viết trên The Epoch Times rằng, “Nhóm chính trị Tôn Lực Quân" dám chống lại ông Tập Cận Bình là vì các ông chủ đứng sau Tôn là Mạnh Kiến Trụ – cựu Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương; Tăng Khánh Hồng – cựu Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch nước; và cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân.

Tay sai đắc lực của phe Giang

Bên cạnh đó, với tư cách là cựu Giám đốc Công an thành phố Bắc Kinh, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng nhóm lãnh đạo xử lý X giáo trung ương, Giám đốc “Phòng 610” trung ương và Bộ trưởng Bộ Tư Pháp, Phó Chính Hoa không chỉ là một tay sai đắc lực trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ và tập đoàn Giang Trạch Dân, ông ta còn là người lên kế hoạch ở hậu trường và chỉ huy tiến hành nhiều hành vi bức hại khác. Phó Chính Hoa phải chịu trách nhiệm cho nhiều tội ác xảy ra trong nhiệm kỳ của ông ta vì bức hại Pháp Luân Công.

Theo trang Minghui.org ở hải ngoại, vào tháng 1/2022, các học viên Pháp Luân Công ở nước ngoài đã báo cáo hồ sơ bức hại Pháp Luân Công và lý lịch cá nhân của Phó Chính Hoa lên chính phủ của 29 quốc gia. Họ yêu cầu chính phủ các nước áp đặt các biện pháp trừng phạt theo luật định đối với Phó Chính Hoa và người nhà ông ta, bao gồm cả việc từ chối cấp thị thực và đóng băng tài sản.

Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện giúp tâm thân an hòa, nâng cao sức khỏe, được truyền rộng tại Trung Quốc từ năm 1992 và rất được công chúng đón nhận. Các học viên luôn cố gắng tu sửa bản thân theo nguyên lý “Chân, Thiện, Nhẫn” để trở thành những người tốt hơn nữa.

Đến cuối thập niên 1990, nội bộ Công an Trung Quốc điều tra cho thấy có từ 70 - 100 triệu người đang tu luyện Pháp Luân Đại Pháp tại nước này. Bất chấp sự phản đối của 6 vị trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị, một mình cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân đã phát động cuộc bức hại trên quy mô toàn quốc, kéo dài từ tháng 7/1999 cho đến hiện nay.

Hơn 20 năm qua, hàng chục triệu học viên Pháp Luân Công đã bị bắt giữ phi pháp, mất tích, bị kết án tù, tra tấn, cưỡng bức lao động, thậm chí bị mổ cướp nội tạng khi vẫn còn sống. Trong khi nhiều luật sư nhân quyền ở Trung Quốc đã chỉ ra rằng, không có điều luật nào của Trung Quốc nói rằng tu luyện Pháp Luân Công là phạm pháp.

Tòa án độc lập bên ngoài Trung Quốc đã kết án ĐCSTQ và tập đoàn họ Giang phạm tội ác chống lại loài người. Người Trung Quốc luôn tin rằng “Thiện có thiện báo, ác có ác báo, không phải là không báo, mà là chưa đến lúc”. Vậy phải chăng đã đến lúc các quan chức hành ác của ĐCSTQ nhận báo ứng vì hành vi của mình?

Theo NTD tiếng Trung

Đông Phương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Hành trình từ leo cao đến ngã ngựa của cựu Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc