Hiệp hội các nhà báo nước ngoài tại Trung Quốc: ĐCS Trung Quốc đang đe dọa truyền thông quốc tế chưa từng thấy

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, chính quyền Trung Quốc đã thu hồi thẻ báo chí của ba phóng viên Wall Street Journal trú tại Trung Quốc. Hành động này được xem như sự đe dọa trả thù đối với Wall Street Journal. Ngày 2/3, “Hiệp hội Nhà báo nước ngoài tại Trung Quốc” đã đưa ra một báo cáo chỉ rõ, chính phủ Trung Quốc đang sử dụng thị thực làm vũ khí, đe dọa truyền thông nước ngoài ở Trung Quốc với "mức độ xưa nay chưa từng có".

Tổng hợp các thông tin truyền thông, hiện có ít nhất 12 phóng viên nước ngoài được cấp thị thực với thời hạn hiệu lực dưới 6 tháng, trong khi thời gian hiệu lực bình thường là 1 năm. 12 nhà báo nước ngoài ở Trung Quốc có thị thực bị rút ngắn thuộc các hãng truyền thông: New York Times, Wall Street Journal, BBC, Daily Telegraph, Global Post, World News, Business NewsVoice of America.

Báo cáo của Hiệp hội Nhà báo nước ngoài tại Trung Quốc căn cứ trên khảo sát điều tra với 114 phóng viên nước ngoài.

Theo báo cáo, số lượng 12 nhà báo bị rút ngắn thị thực nói trên đã tăng hơn gấp đôi so với năm 2018. Trong số 12 phóng viên nước ngoài, có 2 người chỉ nhận được visa với thời hạn từ một tháng vào thời điểm tháng 1, tháng 2. Hiệp hội lo ngại rằng Bắc Kinh dường như cố ý để chuẩn bị trục xuất nhiều phóng viên truyền thông nước ngoài hơn nữa.

Báo cáo chỉ ra cuộc khảo sát của Hiệp hội tiến hành trong năm thứ hai liên tiếp cho thấy không có phóng viên tham gia khảo sát nào nói rằng các điều kiện báo chí ở Trung Quốc được cải thiện. 82% số nhà báo tham gia khảo sát cho biết họ từng gặp phải sự can thiệp, quấy rối hoặc bạo lực trong khi tác nghiệp. Và 70% người cho biết cuộc phỏng vấn của họ bị hủy do can thiệp của chính quyền Trung Quốc; 22% cho biết họ gặp khó khăn trong việc gia hạn thị thực, gần gấp đôi so với 13% vào năm ngoái.

Báo cáo nói rằng phần lớn các thành viên của Hiệp hội tin rằng những sự việc này xảy ra, chủ yếu có liên quan tới "các thông tin mà họ đã viết".

Trong bản báo cáo viết: "Khi ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc đạt đến một tầm cao mới, Trung Quốc dường như ngày càng sẵn sàng sử dụng quyền lực quốc gia của mình để áp chế các thông tin nói lên sự thật nhưng không phù hợp với hình ảnh quốc tế mà Trung Quốc muốn tạo dựng. Trong khi mọi người ngày càng quan tâm theo dõi Trung Quốc, truyền thông nước ngoài có được quyền tự do để đưa tin về Trung Quốc là quan trọng hơn bao giờ hết”.

"Các nhà báo nước ngoài ở Trung Quốc không bị cản trở, điều này vô cùng quan trọng và cần thiết để các kênh truyền thông quốc tế có thể thực hiện đưa tin chất lượng về Trung Quốc".

Báo cáo đề cập rằng các quan chức chính quyền Trung Quốc đang sử dụng thị thực như "vũ khí chống lại truyền thông nước ngoài" với "sức mạnh chưa từng có". Kể từ năm 2013 tới nay, tổng cộng 9 nhà báo nước ngoài đã bị chính quyền Trung Quốc trục xuất trực tiếp, hoặc phải rời Trung Quốc do bị từ chối gia hạn thị thực.

Reuters đưa tin, theo danh sách chính phủ Trung Quốc công bố năm ngoái, tổng cộng có 536 nhà báo nước ngoài ở Trung Quốc đại lục.

Trước đó, đầu tháng 2, Wall Street Journal đã đăng một bài báo "Trung Quốc là kẻ lắm bệnh ở châu Á", chỉ trích quan chức của chính quyền Trung Quốc che giấu sự thật về dịch bệnh Covid-19, dẫn đến sự chậm trễ trong phòng chống dịch bệnh và gây ra sự phẫn nộ trong dân chúng với chính quyền.

Trong một cuộc họp báo ngày 19/2, ông Cảnh Sảng (Geng Shuang), phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói rằng phía Trung Quốc đã nhiều lần trao đổi nghiêm túc với Wall Street Journal, yêu cầu tờ báo chính thức xin lỗi và điều tra xử lý những người có trách nhiệm liên quan. Ông cũng nói, "Phía Trung Quốc đã quyết định thu hồi thẻ báo chí của ba phóng viên Wall Street Journal ở Trung Quốc bắt đầu từ hôm nay".

Trong những năm gần đây, chính quyền Trung Quốc đã nhiều lần từ chối cấp hoặc gia hạn thẻ báo chí cho các nhà báo nước ngoài. Nhưng lần này là lần đầu tiên chính quyền Trung Quốc thu hồi thẻ báo chí dành cho các nhà báo nước ngoài và giới hạn ngày thị thực.

Theo phân tích của hãng tin AFP, điều này cho thấy Trung Quốc đang có một đường lối cứng rắn mới trong chính sách ngoại giao. Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn khiến các doanh nghiệp và các quốc gia không tuân thủ chính sách của Trung Quốc trong tất cả các vấn đề và lĩnh vực nhạy cảm liên quan đến Đài Loan, Hồng Kông, Tây Tạng và nhân quyền... phải trả giá về mặt kinh tế và ngoại giao.

Hãng tin AFP lấy ví dụ mùa thu năm ngoái, quản lý của Houston Rockets, Daryl Morey đăng dòng tweet ủng hộ người biểu tình Hồng Kông trong phong trào Phản đối Dự luật dẫn độ. Kể từ đó, các kênh truyền thông và các trang web trực tuyến chính thức của chính quyền Trung Quốc đã tuyên bố sẽ không còn được phát sóng trực tiếp các trận đấu của đội Houston Rockets và chấm dứt tất cả các hợp tác.

Cuối tháng 8 năm ngoái, AFP đưa tin một nhà báo người Singapore của Wall Street Journal tên là Vương Xuân Hàn (Wang Chunhan) đã bị Trung Quốc từ chối gia hạn visa công tác, buộc ông phải rời khỏi Trung Quốc.

Minh Thanh
Theo Sound of Hope



BÀI CHỌN LỌC

Hiệp hội các nhà báo nước ngoài tại Trung Quốc: ĐCS Trung Quốc đang đe dọa truyền thông quốc tế chưa từng thấy