Một động thái gần đây của ông Tập Cận Bình ám chỉ: ông ta 'vĩ đại' hơn Mao Trạch Đông

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một sự việc gần đây đã khẳng định rằng: Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình hiện nay không phải là người hâm mộ của Mao Trạch Đông. Trên thực tế, ông Tập đã gửi một thông điệp tới người dân Trung Quốc rằng, việc tô vẽ cho Mao Trạch Đông không còn là “mốt” và không còn được ưa chuộng ở Trung Quốc.

Chiều ngày 2/8, các vận động viên Chung Thiên Sứ (Zhong Tianshi) và Bào San Cúc (Bao Shanju) của đội đua xe đạp nữ Trung Quốc đã giành huy chương vàng tại Thế vận hội Tokyo. Họ đã đeo huy hiệu Mao Trạch Đông khi lên bục nhận giải.

Điều 50 Hiến chương Thế vận hội quy định rằng, "không cho phép bất kỳ hình thức biểu tình hoặc tuyên truyền chính trị, tôn giáo hoặc chủng tộc ở bất kỳ địa điểm, địa điểm thi đấu Olympic hoặc các khu vực khác".

Người phát ngôn Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) Mark Adams cho biết hôm 3/8 rằng, "Chúng tôi đang điều tra vụ việc này”.

Ngày 8/8, IOC cho biết phía Trung Quốc đã khẳng định rằng các vận động viên của họ sẽ không đeo huy hiệu chính trị tại các buổi lễ trao huy chương Thế vận hội Tokyo.

Nhiều người cho rằng, việc các vận động viên Trung Quốc đeo huy hiệu Mao Trạch Đông sẽ được ông Tập hoan nghênh. Nhưng ngược lại, chính quyền đã xử lý nghiêm ngặt các bài báo đưa tin về sự việc này. Đồng thời đảm bảo rằng việc đeo huy hiệu Mao sẽ không còn là một phong trào phổ biến ở Trung Quốc.

Nhiều bài báo chỉ ra rằng, ban đầu các “tiểu phấn hồng” đều cảm thấy thích thú với việc các vận động viên Trung Quốc đeo huy hiệu Mao, các kênh truyền thông của ĐCSTQ cũng rất tự hào về việc này. Nhưng rất nhanh sau đó, ông Tập đã thẳng tay đàn áp họ, ngay lập tức, tất cả các kênh truyền thông của ĐCSTQ đã xoá các bài báo liên quan.

Tờ Thời báo Hoàn Cầu ban đầu đã đăng một bức ảnh và viết rằng: "Hãy nhìn xem! Chủ tịch Mao đang ở trên ngực của các vận động viên. Chủ tịch Mao đang ở trên ngực của các nhà vô địch”. Nhưng sau khi đăng bài viết này được 6 giờ và nhận được hơn 10.000 lượt thích, tờ báo này đã xóa bài đăng trên và gỡ một mẩu tweet tương tự trên Twitter.

Ngoài ra, chủ đề nóng ban đầu “Bào San Cúc và Chung Thiên Sứ đeo huy hiệu Mao Chủ tịch khi nhận giải” trên mạng xã hội Trung Quốc Sina Weibo cũng bị xóa. Trong video phát lại lễ nhận huy chương Thế Vận hội, CCTV đã sử dụng công nghệ photoshop để "gỡ bỏ" huy hiệu Mao của hai vận động viên.

Video phát lại lễ nhận huy chương trên CCTV đã dùng photoshop xóa huy hiệu Mao của hai vận động viên. (Ảnh cắt từ video)
Video phát lại lễ nhận huy chương trên CCTV đã dùng photoshop xóa huy hiệu Mao của hai vận động viên. (Ảnh cắt từ video)

Nhà báo chính trị Ấn Độ Sanbeer Singh Ranhotra cho rằng, khi thấy chính sách của ông Tập chuyển sang phía cánh tả trong những năm gần đây, rất nhiều người nghĩ rằng ông ta muốn học hỏi Mao Trạch Đông. Nhưng gia đình ông Tập là một trong những gia đình bị Mao đày đọa trong thời Cách mạng Văn hóa (1966-1976) và Đại nhảy vọt (1958-1962). Khi ông Tập lên 9 tuổi, cha ông là Tập Trọng Huân đã bị Mao khai trừ khỏi đảng. Trước đó, ông Tập đã sống cuộc sống sung túc của một “Thái tử Đảng”

Năm 1968, khi đó ông Tập mới 15 tuổi, cha ông đã bị đưa vào tù. Không có sự bảo vệ của cha, ông Tập đã bị gửi tới làm việc ở làng Lương Gia Hà, thị trấn Wen'anyi, Diên Xuyên, Diên An, Thiểm Tây năm 1969 và bị "cải tạo" trong Phong trào xuống Nông thôn của Mao. Mao đã biến "hoàng tử" Tập Cận Bình thành "kẻ ăn mày". Do đó, khi các quan chức, kênh truyền thông của ĐCSTQ ca ngợi Mao, ông Tập chắc chắn không hài lòng.

Ở Trung Quốc hiện nay, ông Tập là nhà lãnh đạo tối cao. Ông ta không nghĩ rằng mình thấp hơn hoặc bằng Mao. Trên thực tế, ông Tập cho rằng mình vĩ đại hơn Mao rất nhiều. Do đó, người dân Trung Quốc chỉ được phép có một thần tượng - đó chính là Tập Cận Bình, chứ không phải là Mao Trạch Đông.

Mai Hạ

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Một động thái gần đây của ông Tập Cận Bình ám chỉ: ông ta 'vĩ đại' hơn Mao Trạch Đông