Người dân Trung Quốc: 'Không ai hay biết những gì đang diễn ra bên trong thành phố nhỏ bé này'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một cư dân của thành phố Chu Châu, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc đã đề nghị các phương tiện truyền thông tăng cường đưa tin về chính sách kiểm soát đại dịch hà khắc của chính quyền địa phương, vì 'không ai hay biết những gì đang diễn ra bên trong thành phố nhỏ bé này'.

"Những tin tức của các bạn thực sự hữu ích đối với chúng tôi. Chính quyền của chúng tôi đầy rẫy tham nhũng. Họ chỉ cảm thấy áp lực khi xuất hiện tin tức từ bên ngoài. Không giống như Bắc Kinh, Thượng Hải hay Thâm Quyến, thành phố của chúng tôi rất nhỏ; cho nên sẽ chẳng ai hay biết chuyện gì đang diễn ra ở nơi nhỏ bé này”, một cư dân Chu Châu nói với The Epoch Times ấn bản tiếng Trung vào ngày 22/11.

Cô Vương là cư dân Chu Châu và yêu cầu sử dụng bí danh để đảm bảo an toàn. Cô nói với The Epoch Times rằng, chính quyền địa phương đã chặn tất cả các kênh truyền thông.

"Bên trong thành phố này quả là hỗn loạn, thế nhưng những người bên ngoài lại không hề hay biết", cô Vương nói.

Chu Châu, thành phố có 3,9 triệu dân ở phía nam tỉnh Hồ Nam, đã chính thức báo cáo 15 trường hợp nhiễm Covid-19 không có triệu chứng vào tháng 11/2022, theo Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Nam. Kể từ ngày 25/11, chính quyền địa phương đã tuyên bố chín khu vực của thành phố là khu vực có nguy cơ cao và người dân hiện bị cấm rời khỏi nhà của họ.

Giá thực phẩm tăng vọt

Theo cô Vương, khu vực này bị phong tỏa bắt đầu vào ngày 2/11 và hiện vẫn còn hiệu lực. Theo cô, nhiều hộ gia đình hiện đang không có thức ăn.

Chính quyền địa phương đã chỉ định các thương gia cung cấp thực phẩm cho các khu dân cư. Những người này sau đó bán thực phẩm với giá cắt cổ, gây ra tình trạng thiếu lương thực. Trong khi đó, các nhà cung cấp khác không được phép giao thực phẩm đến các khu dân cư, cô Vương chia sẻ.

“Cho dù giá có cao đến đâu, mọi người vẫn phải mua từ các nhà cung cấp do chính phủ chỉ định, bởi vì chúng tôi cần phải ăn”, cô Vương nói.

“Chúng tôi phải trả hơn 8 USD để mua một cây bắp cải Trung Quốc”, cô Vương tức giận nói.

Một người đàn ông đeo khẩu trang và cầm túi rau đi dọc một con phố ở Bắc Kinh vào ngày 12/2/2020. (Ảnh: STR/AFP/Getty Images)

The Epoch Times không thể tìm thấy danh sách giá rau gần đây ở Chu Châu. Vào tháng 1 năm nay, bộ phận giám sát giá thị trường thành phố đã đưa ra một phân tích về giá của các nhu yếu phẩm hàng ngày.

Theo đó, thời tiết xấu đã đẩy giá rau tăng từ 5% lên 21%. Vào tháng Giêng, giá bắp cải Trung Quốc là 2 nhân dân tệ/500 gam (khoảng 0,25 USD/pound). Trong đợt phong tỏa tháng 11, giá bắp cải tăng gấp hàng chục lần so với tháng Giêng.

Theo cô Vương, người dân phải trả tiền cho nhân viên chính phủ để tiếp cận với các thực phẩm đắt đỏ.

“Tôi đã từng không nhận được thực phẩm ngay cả sau khi tôi đã hối lộ bọn họ. Chỉ sau khi tôi lên tiếng phàn nàn thì họ mới giao đồ ăn cho tôi. Ở Trung Quốc, chúng tôi phải trả tiền cho các quan chức chính phủ, bằng không, chúng tôi sẽ chết đói", cô Vương nói trong cuộc phỏng vấn.

Chủ doanh nghiệp may mặc phá sản

Quận Lusong của Chu Châu có một trung tâm thương mại bán buôn hàng may mặc, và tháng 11 thường là thời gian cao điểm để những thương nhân này bán các sản phẩm may mặc cho mùa đông, nhưng năm nay thì không. Cơ sở này đã bị phong tỏa kể từ ngày 2/11.

“Chúng tôi được phép vào trung tâm thương mại, nhưng chúng tôi phải sống trong các cửa hàng của mình ở một trung tâm thương mại bị phong tỏa”, bà Liang (bút danh), một chủ doanh nghiệp may mặc, nói với The Epoch Times ấn bản tiếng Trung vào ngày 23/11.

Mùa đông năm nay, bà Liang đã chuẩn bị hàng ngàn chiếc áo khoác lông vũ để phục vụ khách hàng. "Tuy nhiên, tôi dần cảm thấy tuyệt vọng vì không thể ra ngoài và khách hàng không thể vào [mua sắm]. Tôi không biết mình có thể trụ được bao lâu nữa", cô nói.

Theo cô Vương, nếu không tiêu thụ hết các mặt hàng may mặc cho mùa đông và các ngày lễ sắp tới, các chủ doanh nghiệp sẽ bị lỗ nặng và nhiều người sẽ phá sản.

“Những thương nhân đang chịu áp lực tài chính rất lớn. Họ phải trả các khoản vay mua nhà, vay mua ô tô, chi phí vải, lương nhân viên và tiền thuê nhà. Nếu không thể bán được hàng trong mùa [cao điểm], họ sẽ không đủ sống”, cô Vương nói.

Công nhân sản xuất áo khoác lông vũ tại một nhà máy cho công ty quần áo Trung Quốc Bosideng ở Nam Thông, tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc, hôm 24/9/2019. (Ảnh: STR/AFP/Getty Images)

Số ca tự tử vì đại dịch tiếp tục tăng

Trung Quốc là một trong số ít quốc gia trên thế giới tiếp tục thực thi các quy định phòng chống dịch nghiêm ngặt, vốn được cho là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tự tử trên khắp đất nước.

Cô Vương nói với The Epoch Times rằng, 5 người đã tự tử trong đợt phong tỏa mới nhất. Hai nạn nhân đã nhảy từ các tòa nhà gần nhà ga xe lửa ở Chu Châu, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch. Bà không tiết lộ bất kỳ thông tin nào về thời điểm xảy ra các vụ tự sát. The Epoch Times không thể xác nhận các trường hợp tử vong.

Cô Dai (bút danh), một cư dân Chu Châu, nói với The Epoch Times rằng, ba người đã tự tử vào ngày 21/11: một người nhảy lầu từ khách sạn Gold Dragon, một người tự sát trong khu dân cư Xiangyin và một người khác ở khu dân cư Cuigu.

“Nhảy lầu đã trở thành một căn bệnh truyền nhiễm còn khủng khiếp hơn cả đại dịch Covid-19, vì tỷ lệ tử vong của nó là 100%", cô Dai nói.

Vào ngày 21/11, các nhà bất đồng chính kiến ​​và nhà vận động nhân quyền Trung Quốc Hua Yong và Wang Qiaoling đều đã đăng lên Twitter rằng, một người đã tự tử bằng cách nhảy khỏi một tòa nhà trong khu dân cư Jinxin Garden. Đây là vụ tự tử thứ sáu trong thời gian phong tỏa gần đây ở Chu Châu.

The Epoch Times đã liên hệ với Ủy ban Y tế thành phố Chu Châu về vụ tự tử, nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi vào thời điểm đăng bài.

Người dân địa phương phản đối chính sách Zero Covid

Cô Dai đã chỉ trích chính quyền vì lan truyền thông tin sai lệch về đại dịch Covid-19.

Cô cho biết các triệu chứng và tỷ lệ tử vong do Covid-19 ngày nay không khác gì cảm lạnh hoặc cúm mùa.

“Hàng ngày, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV [Tập đoàn Phát thanh Tuyên truyền Quốc gia Trung Quốc] đều đưa tin rằng, hàng chục triệu người ở Hoa Kỳ bị nhiễm và tử vong vì Covid-19. Đây là lý do chính dẫn đến sự hoảng loạn của người dân Trung Quốc”, cô Dai nói.

Cô gọi CCTV là phương tiện truyền thông "vô đạo đức", đồng thời chỉ trích kênh này đã gieo rắc nỗi sợ hãi cho người dân Trung Quốc và tẩy não họ bằng việc tuyên truyền thông tin sai lệch.

"Nếu bạn không đủ tiền đi học, không ai quan tâm đến bạn; nếu bạn không thể đi khám bệnh, không ai quan tâm đến bạn; nếu bạn không thể trả nợ, không ai quan tâm đến bạn. Không ai quan tâm nếu bạn sống hay chết. Tuy nhiên, họ lấy dịch họng bạn mỗi ngày [để lấy mẫu xét nghiệm Covid-19]. Bạn có tin rằng họ thực sự quan tâm đến sức khỏe của bạn không?”, cô Dai chỉ trích việc xét nghiệm PCR hàng loạt của chính quyền.

Cô Vương nói với The Epoch Times rằng, các chủ doanh nghiệp ở quận Lusong đã đụng độ với cảnh sát vài ngày trước vì họ đang phải vật lộn để kiếm sống trong khi không có khách hàng. Sau đó, cảnh sát địa phương đã tuần tra thành phố bằng xe bọc thép.

Cô Vương cho biết, cha mẹ của cô đều không còn tin vào những luận điệu của chế độ này sau khi trải qua tình trạng thiếu lương thực và phong tỏa.

"Tôi hy vọng nhiều người hơn nữa biết đến tình hình ở Chu Châu, nơi còn tồi tệ hơn cả Quảng Châu", cô Vương chia sẻ.

Lam Giang

Theo The Epoch Times

Trung Quốc


BÀI CHỌN LỌC

Người dân Trung Quốc: 'Không ai hay biết những gì đang diễn ra bên trong thành phố nhỏ bé này'