Nhiều nơi Trung Quốc phong thành, các công ty nước ngoài và chuỗi cung ứng quốc tế nhận trái đắng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thời gian gần đây, nhiều nơi ở Trung Quốc rơi vào trạng thái phong thành do dịch bệnh leo thang. Hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, chuỗi cung ứng quốc tế cũng bị tác động. Phân tích chỉ ra rằng, chính sách không nhân nhượng Covid của Bắc Kinh sẽ mang lại trái đắng cho nền kinh tế thế giới.

Tờ The Wall Street Journal đưa tin hôm 12/1, khi các biến thể Delta và Omicron hoành hành khắp Trung Quốc, trong 20 ngày qua, các thành phố Tây An (tỉnh Thiểm Tây), Vũ Châu và An Dương (tỉnh Hà Nam) đã lần lượt phong thành và xét nghiệm PCR quy mô lớn nhiều lần.

Hiện có hơn 24 triệu công dân đang bị nhốt tại nhà do "chiến lược không khoan nhượng" Covid-19 của chính phủ Trung Quốc. Nhiều nhà sản xuất lớn buộc phải đóng cửa các nhà máy, thiếu hụt nhân công, các vụ tắc nghẽn cảng cũng nối tiếp xảy ra. Các nhà kinh tế cảnh báo rằng, các nhà sản xuất sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức hơn khi dây chuyền cung ứng bị thắt cổ chai.

Nhiều nhà máy phải tạm đóng cửa

Theo bài báo, kể từ cuối tháng 12 năm ngoái, các thành phố như Thiên Tân ở miền đông Trung Quốc, Tây An ở miền trung Trung Quốc và Thâm Quyến – một trung tâm công nghệ ở miền nam Trung Quốc, đã bắt đầu áp dụng các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh nghiêm ngặt. Điều này đã buộc nhiều nhà máy phải ngừng sản xuất trong những ngày gần đây.

Do phát hiện các ca nhiễm Omicron, khoảng 14 triệu cư dân ở Thiên Tân được yêu cầu phải làm xét nghiệm PCR. Do đó, nhà máy liên doanh của Toyota tại Thiên Tân cũng buộc phải tạm ngừng sản xuất vào ngày 10 và 11/1.

Vào ngày 11/1, ông Stephan Wöllenstein, Giám đốc điều hành của Volkswagen Trung Quốc, cũng tiết lộ rằng nhà máy Volkswagen ở Thiên Tân đã tạm thời đóng cửa. Gần đây, Volkswagen cũng đóng cửa một nhà máy ở Ninh Ba.

Nhà máy ở Tây An của Samsung ElectronicsMicron Technology, hai trong số những nhà sản xuất chip DRAM lớn nhất thế giới, cũng gặp phải tình trạng tương tự. Do Tây An thi hành các biện pháp phong thành nghiêm ngặt từ ngày 23/12 năm ngoái, sản lượng DRAM đã giảm đáng kể trong ngắn hạn. Vào cuối tháng 12, Micron Technology công khai thừa nhận rằng, việc phong thành Tây An đã gây ra tình trạng thiếu lao động trong các nhà máy của họ, ảnh hưởng đến việc sản xuất chip.

Ngoài ra, do có hơn 20 ca nhiễm được phát hiện ở khu vực xung quanh, Ninh Ba - Chu Sơn (Ningbo-Zhoushan), cảng container bận rộn thứ ba thế giới, đã bắt đầu hạn chế xe tải ra vào và hoạt động của kho hàng. Ngoại giới lo ngại rằng, điều này sẽ khiến tình trạng tồn đọng hàng hóa tại cảng càng trầm trọng hơn.

Do phát hiện 10 trường hợp nhiễm Covid-19 ở quận Bắc Luân, một số cơ sở sản xuất tại thành phố Ninh Ba của các thương hiệu thời trang như Nike, AdidasUniqlo đã bị phong tỏa từ ngày 3/1 đến ngày 10/1. Đến ngày 10/1 mới có một số dây chuyền sản xuất hoạt động trở lại.

Chính sách Zero Covid và sự xuất hiện của Omicron có thể đẩy tình hình tệ hơn

Trong hai năm kể từ khi Covid-19 bùng phát, chính quyền Trung Quốc vẫn luôn theo đuổi “Zero Covid” (Không Covid). Chính sách này gây ra sự gián đoạn đứt quãng đối với các nhà máy sản xuất và chuỗi cung ứng.

Bài báo của The Wall Street Journal chỉ ra rằng, đại dịch đã làm căng thẳng chuỗi cung ứng toàn cầu, hàng hóa tồn đọng không thể lưu thông làm tăng chi phí vận tải. Giờ đây, Omicron – một biến chủng dễ lây lan hơn – đã xuất hiện ở một số vùng của Trung Quốc. Nó sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng thậm chí còn lớn hơn. Các nhà kinh tế cảnh báo rằng, lần này hậu quả tiềm tàng sẽ nghiêm trọng hơn.

Ông Guillaume Faury, Giám đốc điều hành của Airbus – nhà sản xuất máy bay chở khách lớn nhất thế giới, cho biết trong một cuộc họp hội nghị vào ngày 10/1 rằng, các nhân sự cấp cao của công ty hiện đang "theo dõi rất chặt chẽ những gì đang xảy ra ở Trung Quốc". Vì so với hai năm qua, sự xuất hiện của Omicron có nhiều khả năng sẽ thay đổi tình hình ở Trung Quốc.

Ông Frederic Neuman, đồng trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế Châu Á tại HSBC, nói thẳng rằng: "Rủi ro mà Omicron đặt ra là, nút thắt chuỗi cung ứng có thể sẽ thụt lùi một bước lớn". Theo ông, với vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu, tình hình hiện tại có thể sẽ càng thách thức hơn năm ngoái.

Các nhà kinh tế đã bắt đầu dự đoán rằng, với sự lây lan của dịch bệnh, chính phủ Trung Quốc có thể sẽ ra lệnh cho tất cả người dân Trung Quốc “không bước chân ra khỏi cửa, không lái xe ra đường”. Trong những tháng tới, Omicron có thể sẽ khiến nhiều nhà máy hơn nữa phải tạm thời đóng cửa, sẽ tiếp tục phá vỡ kế hoạch của các nhà sản xuất Trung Quốc và hoạt động tại các bến cảng.

Đông Phương

Theo NTD tiếng Trung

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Nhiều nơi Trung Quốc phong thành, các công ty nước ngoài và chuỗi cung ứng quốc tế nhận trái đắng