Ông Tập lặp lại tuyên bố của ông Putin trong đề xướng ‘sáng kiến an ninh toàn cầu’ mới

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm 21/04, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra những lời chỉ trích về các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và đồng minh đối với Nga, đồng thời đề xướng cái mà ông gọi là “sáng kiến ​​an ninh toàn cầu” mới do Trung Quốc dẫn đầu.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, sáng kiến ​​mới này dựa trên “mối quan tâm chính đáng về an ninh" của tất cả các quốc gia và tán thành “nguyên tắc an ninh không thể tách rời”, những nguyên tắc cốt lõi mà Nga đã sử dụng để biện minh cho hành động thôn tính Crimea năm 2014 và cuộc tấn công vào Ukraine hồi tháng 2.

“Nền an ninh không thể tách rời” đề cập rộng rãi đến ý tưởng rằng an ninh của một quốc gia này không thể tách rời với an ninh của các quốc gia khác trong khu vực. Do đó không có quốc gia nào có thể tăng cường an ninh của mình bằng việc gây mất an ninh của quốc gia khác. Khi biện minh cho cuộc xâm lược Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lập luận rằng chiến lược của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã vi phạm nguyên tắc này.

Bình luận của ông Tập trong bài diễn văn qua video tại Hội nghị thường niên Diễn đàn Á Châu Bác Ngao được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh tiếp tục tăng cường mối quan hệ với Moscow ngay cả sau cuộc xâm lược của ông Putin. Đầu tuần này, một nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc đã cam kết sẽ thắt chặt liên kết đối tác với quốc gia này trong cuộc gặp với đặc phái viên Nga tại Bắc Kinh.

Kể từ khi chiến tranh bùng nổ, Trung Quốc đã nhiều lần chỉ trích các lệnh trừng phạt của phương Tây và từ chối lên án Moscow. Nước này cũng lặp lại tuyên truyền của Moscow rằng Hoa Kỳ và NATO đã khởi phát cuộc xung đột này.

Trong bài diễn văn của mình, ông Tập Cận Bình cho biết sáng kiến ​​an ninh này ủng hộ việc “không can thiệp vào công việc nội bộ” và tôn trọng “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”, các khẩu hiệu vốn đã được Bắc Kinh sử dụng để biện minh và làm sai lệch những lời chỉ trích về hành động gây hấn của họ đối với Đài Loan. Bắc Kinh coi hòn đảo tự trị này là lãnh thổ của riêng mình và có thể sẽ hợp nhất với đại lục bằng vũ lực nếu cần thiết.

Ông Tập không giải thích cách thức triển khai sáng kiến này.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (bên trái) và lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình cùng chụp ảnh trong cuộc gặp tại Bắc Kinh hôm 24/02/2022. (Ảnh: Alexei Druzhinin/ Getty Images)

Lãnh đạo Trung Quốc cũng nhắc lại sự phản đối của Bắc Kinh đối với “quyền tài phán" và “các biện pháp trừng phạt đơn phương” mà không nêu tên trực tiếp bất kỳ quốc gia nào.

Tháng trước, các quan chức phương Tây cảnh báo rằng Bắc Kinh đã phát đi tín hiệu sẵn sàng cung cấp viện trợ kinh tế và quân sự cho Moscow trong nỗ lực chiến tranh của Nga. Điều này đã thúc đẩy Tổng thống Joe Biden cảnh báo lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gọi qua video hôm 18/03 về “những hậu quả” không lường trước nếu nhà cầm quyền này hỗ trợ tài lực cho Moscow.

Khó khăn về kinh tế

Diễn đàn Bác Ngao năm nay, được ví như “Diễn đàn kinh tế Davos của Châu Á”, diễn ra trong bối cảnh những lo ngại về tác động của “chính sách zero COVID” nghiêm ngặt của Trung Quốc đối với nền kinh tế toàn cầu vốn đang bị ảnh hưởng bởi những tác động kéo theo của cuộc chiến tại Ukraine.

Hồi đầu tuần này (từ 18/04 đến 24/04), các nhà kinh tế từ các ngân hàng bao gồm Nomura và Barclays và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã điều chỉnh giảm dự báo GDP của họ đối với Trung Quốc, thấp hơn nhiều so với mục tiêu của Bắc Kinh là “khoảng 5,5%".

Mục tiêu kinh tế quan trọng không đạt được này có thể làm mất hình tượng của ông Tập. Nhà lãnh đạo Trung Quốc đang ấp ủ tham vọng theo đuổi một nhiệm kỳ năm năm lần thứ ba chưa từng có tiền lệ trong một cuộc họp quan trọng của ĐCSTQ vào mùa thu năm nay.

“Khả năng phục hồi mạnh mẽ” của nền kinh tế Trung Quốc là “không đổi”, ông Tập nói trước hội nghị tại đảo Hải Nam, miền nam Trung Quốc, một cảng thương mại tự do không bị phong tỏa. Ông cũng kêu gọi thúc đẩy hợp tác Châu Á trong bối cảnh sự cô lập với phương Tây ngày càng sâu sắc.

Khách mời tại hội nghị này bao gồm Tổng thống Israel Isaac Herzog, Tổng thống Philippines Rodrigo Roa Duterte và Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva, theo Bộ Ngoại giao Bắc Kinh.

Huyền Anh

Theo The Epoch Times

Trung Quốc


BÀI CHỌN LỌC

Ông Tập lặp lại tuyên bố của ông Putin trong đề xướng ‘sáng kiến an ninh toàn cầu’ mới