Phe đối thủ tung phát ngôn về Đài Loan của Giang Trạch Dân khi còn tại vị để 'nhắc khéo' ông Tập?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi tâm điểm quốc tế đang đổ dồn về "cơn bão Bành Soái" và giảm dần sự cường điệu về cuộc chiến ở eo biển Đài Loan, trang tin tức Duowei News – được cho là kênh tuyên truyền ở nước ngoài của phe Giang Trạch Dân – đã đăng một bài báo có tiêu đề "Giang Trạch Dân: Vấn đề Đài Loan là mối bận tâm lớn nhất của tôi" vào ngày 24/11. Các nhà quan sát cho rằng, bài báo đã phơi bày ý đồ của phe đối thủ là bức ông Tập “dùng vũ lực thống nhất Đài Loan”, mà ngư ông đắc lợi chính là tập đoàn Giang Trạch Dân.

Bài viết này mô tả khá chi tiết thái độ cấp bách của cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Giang Trạch Dân đối với việc “dùng vũ lực thống nhất Đài Loan". Trong đó thậm chí còn tiết lộ rõ quan điểm của ông Giang về "vấn đề Đài Loan" là:

"Nếu chúng ta muốn hành động quân sự, thì phải sớm tiến hành chứ không nên chậm trễ”. “Nói thẳng ra thì, vấn đề Đài Loan không thể kéo dài mãi được, phải có thời gian biểu”.

Đây là lãnh đạo ĐCSTQ đầu tiên tuyên bố rõ ràng rằng phải có thời gian biểu để giải quyết vấn đề Đài Loan.

Phe Giang đẩy mạnh tuyên truyền đối ngoại

Bài viết mở đầu như sau:

Gần đây, vấn đề Đài Loan một lần nữa trở thành điểm nóng được cộng đồng quốc tế chú ý, và tin đồn về một cuộc chiến sắp xảy ra ở eo biển Đài Loan cũng từng xôn xao. Sau khi hai bờ eo biển bị chia cắt, từ Mao Trạch Đông đến Tập Cận Bình, các nhà lãnh đạo qua các thời kỳ của ĐCSTQ không ai là không hy vọng sớm giải quyết vấn đề Đài Loan, thực hiện thống nhất đất nước càng sớm càng tốt, và đã trường kỳ nỗ lực không ngừng vì điều đó. Trong suốt 15 năm cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân cầm quyền, Đài Loan lần lượt do ông Lý Đăng Huy (Lee Teng-hui) và ông Trần Thủy Biển (Chen Shui-bian) nắm quyền. Trong quá trình theo đuổi thống nhất đất nước và phản đối ly khai, ông Giang Trạch Dân đã có nhiều bài phát biểu về các vấn đề liên quan đến Đài Loan.

Giới quan sát tình hình Bắc Kinh bình luận như sau: Là kênh bày tỏ tiếng nói của phe Giang, bài báo này rõ ràng đang tập hợp và kêu gọi các quan chức phe Giang, đặc biệt là các tướng lĩnh quân đội, "dồn ép" ông Tập Cận Bình nhanh chóng giải quyết vấn đề thống nhất Đài Loan. Đây là tâm huyết và nguyện vọng bao năm qua của Giang Trạch Dân.

Bài báo đã trích dẫn các phát ngôn về “dùng vũ lực thống nhất Đài Loan” của ông Giang khi còn tại vị, trong đó có đoạn viết sau đã làm nổi bật lên ý đồ:

Lần đầu tiên Đài Loan luân chuyển đảng chính trị và ứng cử viên Đảng Dân chủ Tiến bộ – Trần Thủy Biển – người chủ trương “Đài Loan độc lập” đã được bầu làm tổng thống. “Miễn là đối thoại và thương thảo giữa hai bờ eo biển Đài Loan dựa trên cơ sở thừa nhận nguyên tắc Một Trung Quốc, thì bất kỳ vấn đề nào cũng có thể được thảo luận”. Ông Giang Trạch Dân gửi tín hiệu tìm kiếm sự hòa giải: “Các cuộc bầu cử ở khu vực Đài Loan đã kết thúc. Chúng tôi từng nói trước đây và hiện giờ vẫn như vậy, [đó là] bất kể ai nắm quyền ở Đài Loan, đại lục đều hoan nghênh đối thoại với người đó, và chúng tôi cũng có thể đến Đài Loan".

Nhưng ở hậu đài, quan điểm của Giang Trạch Dân lại cứng rắn hơn nhiều. Cuốn sách “The Man Who Changed China: The Life and Legacy of Jiang Zemin” (tạm dịch: Người đàn ông đã thay đổi Trung Quốc: Cuộc đời và di sản của Giang Trạch Dân) tiết lộ, ông ta đã chỉ định tướng Tào Cương Xuyên (lúc đó là người đứng đầu Tổng cục Trang bị Giải phóng quân) chịu trách nhiệm hoạch định chiến lược quân sự để đối phó Đài Loan. Giang Trạch Dân nói: "Nếu chúng ta muốn hành động quân sự, thì phải sớm tiến hành chứ không nên chậm trễ”.

Tháng 9/2004, ông Giang Trạch Dân từ chức và ông Hồ Cẩm Đào đảm nhận chức vụ Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Trong bài phát biểu bàn giao, Giang Trạch Dân nói: “Vấn đề Đài Loan là mối bận tâm lớn nhất của tôi”. “Để giải quyết vấn đề Đài Loan, chúng ta vẫn phải tuân thủ chiến lược chung là ‘văn công võ bị’ (tức là dùng ngòi bút, văn chương, báo chí làm vũ khí để tấn công, phê phán và lên án, đồng thời chuẩn bị quân sự)”.

Giang Trạch Dân chỉ rõ, "Quân đội phải nhanh chóng chuẩn bị cho cuộc đấu tranh quân sự chống lại 'Đài Loan độc lập’. Công tác chuẩn bị cho cuộc đấu tranh quân sự chống lại 'Đài Loan độc lập' càng làm tốt thì càng có nhiều khả năng đạt được triển vọng thống nhất hòa bình. Ngay cả khi xảy ra biến cố lớn 'Đài Loan độc lập', chúng ta vẫn có thể chiến thắng nó".

Hình ảnh cựu lãnh đạo ĐCSTQ Đặng Tiểu Bình chụp năm 1979. (Phạm vi công cộng)
Hình ảnh cựu lãnh đạo ĐCSTQ Đặng Tiểu Bình chụp năm 1979. (Phạm vi công cộng)

Đặng Tiểu Bình ngăn chặn hành động quân sự của Giang Trạch Dân

Bài báo này cũng tiết lộ:

Theo cuốn sách “The Man Who Changed China: The Life and Legacy of Jiang Zemin” của nhà văn Mỹ Robert Lawrence Kuhn, Giang Trạch Dân đã than thở trong cuộc gặp với các quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc rằng: “Chúng ta không hiểu biết đầy đủ về tình hình chính trị và các chính trị gia ở Hoa Kỳ, vì vậy rất dễ bị lừa”.

Trong một cuộc trò chuyện bí mật với các tướng lĩnh cấp cao của quân đội ĐCSTQ, Giang Trạch Dân đã ám chỉ về khả năng hành động quân sự. Ông nói: "Các hoạt động của 'Đài Loan độc lập' đã mất kiểm soát, chúng ta không thể để chúng tiếp tục phát triển. Chúng ta phải cảnh giác hơn và tăng cường sức mạnh quân sự cũng như khả năng sẵn sàng chiến đấu". Áp lực từ quân đội đòi hỏi ông phải cứng rắn hơn. Giang Trạch Dân từng nhận được 800 bức thư từ Quân đội Giải phóng Nhân dân mỗi ngày, nội dung là bày tỏ sự tức giận và phản đối đối với lá thư ông Lý Đăng Huy (Tổng thống Đài Loan bấy giờ) gửi đến Hoa Kỳ.

Khi đó, Đặng Tiểu Bình đã lớn tuổi và ra một chỉ thị. Ông nói: "Phải xử lý một cách lý tính mối quan hệ Trung - Mỹ và quan hệ xuyên eo biển".

Ngày 9/11/1989, tại Hội nghị toàn thể lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa 13, ông Đặng Tiểu Bình từ chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương và ông Giang Trạch Dân lên thay.

Bài viết trên Duowei News có đoạn:

Tháng 6 cùng năm, Tổng thống Mỹ khi đó là Bill Clinton thăm Trung Quốc. “Bây giờ, tôi muốn nói chuyện cụ thể với ông về vấn đề Đài Loan”, Giang Trạch Dân nói với Clinton, “Vấn đề Đài Loan cho đến nay vẫn chưa được giải quyết, và rất liên quan đến phía Mỹ. Tất nhiên, một số người Nhật cũng đang thèm muốn Đài Loan một cách lộ liễu, điểm này trong lòng người dân Trung Quốc hiểu rất rõ. Vấn đề hiện nay là mặc dù Mỹ đã tuyên bố rõ ràng rằng không ủng hộ ‘Đài Loan độc lập’, nhưng thái độ về vấn đề Trung Quốc thống nhất lại mơ hồ".

“Nói thẳng ra thì, vấn đề Đài Loan không thể kéo dài mãi được, phải có thời gian biểu”. Đây là lãnh đạo ĐCSTQ đầu tiên tuyên bố rõ ràng rằng phải có thời gian biểu để giải quyết vấn đề Đài Loan.

Các nguyên lão ĐCSTQ giao cho ông Tập ‘sứ mệnh lên ngôi’: giành lại Đài Loan

“Nghị quyết lịch sử thứ ba” – nghị quyết có ý nghĩa quan trọng đối với sự vững chắc của Chính quyền Tập Cận Bình – đã nêu rõ thái độ của ông Tập về tranh chấp eo biển Đài Loan. Trong “Nghị quyết lịch sử thứ ba” do Tân Hoa Xã công bố vào lúc 6 giờ tối ngày 16/11 theo giờ Bắc Kinh, phần viết về Hong Kong còn dài hơn nhiều so với Đài Loan. Trong đó chỉ có bốn câu nói ngắn gọn về vấn đề Đài Loan, không có chữ nào nhắc đến việc thống nhất bằng quân sự. Chủ yếu nhắc lại luận điểm được đưa ra trong đợt kỷ niệm 110 năm Cách mạng Tân Hợi vào ngày 9/10 vừa qua.

Cụ thể, “Nghị quyết” viết rằng: "Giữ vững nguyên tắc Một Trung Quốc và 'Đồng thuận năm 1992', kiên quyết phản đối hành động ly khai 'Đài Loan độc lập', kiên quyết phản đối sự can thiệp của các thế lực bên ngoài, nắm chắc quyền chủ đạo và quyền chủ động trong quan hệ hai bờ".

Máy bay chiến đấu F-16 của Không quân Đài Loan bay cùng máy bay ném bom H-6K của Lực lượng Không quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAAF) ở tây Thái Bình Dương, một trong những máy bay quân sự Trung Quốc được cho là đã bay qua Kênh Bashi và eo biển Miyako gần chuỗi đảo Okinawa của Nhật Bản trên sáng ngày 11/5/2018. (Ảnh do Không quân Trung Hoa Dân Quốc Đài Loan phát hành)
Máy bay chiến đấu F-16 của Không quân Đài Loan bay cùng máy bay ném bom H-6K của Lực lượng Không quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAAF) ở tây Thái Bình Dương. Một trong những máy bay quân sự Trung Quốc được cho là đã bay qua Kênh Bashi và eo biển Miyako gần chuỗi đảo Okinawa của Nhật Bản sáng ngày 11/5/2018. (Ảnh do Không quân Trung Hoa Dân Quốc Đài Loan phát hành)

Tuy nhiên, từ đầu năm nay, dư luận trong và ngoài Trung Quốc đã bị một thế lực nào đó kiểm soát và liên tục tung ra những lời đồn, khua chiêng gõ trống về chiến tranh Đài Loan. Vào đêm trước Phiên họp toàn thể lần 6, trên mạng Internet còn “xuất hiện tin đồn dùng vũ lực chiếm Đài Loan", sự việc bị kích nổ khiến người dân Trung Quốc hoảng sợ tranh nhau mua nhu yếu phẩm, và nhiều kênh truyền thông hải ngoại liên tục "tiếp tay" giúp ông Tập bày tỏ ý định tấn công Đài.

Cũng cần lưu ý rằng, nghị quyết lịch sử thứ ba của ĐCSTQ nêu rõ: "Giải quyết vấn đề Đài Loan, thực hiện tổ quốc hoàn toàn thống nhất, là nhiệm vụ lịch sử không bao giờ thay đổi của đảng".

Vậy tại sao nghị quyết này lại nói rằng đó là "nhiệm vụ lịch sử không bao giờ thay đổi của đảng"? Cựu trung tá hải quân Trung Quốc – ông Diêu Thành (Yao Cheng), tên thật là Đàm Xuân Sinh (Tan Chunsheng) – người đang sống lưu vong tại Hoa Kỳ tiết lộ: Việc ông Tập Cận Bình lên ngôi là do các nguyên lão ĐCSTQ bố trí, và đó là để ràng buộc vấn đề Đài Loan với ông ta. Trong hai, ba năm đầu tiên sau khi lên nắm quyền, Tập Cận Bình đã liên tục củng cố quyền lực và thanh trừng những người thuộc phe Giang, nên đã phát động cuộc chiến chống tham nhũng ‘đả hổ’. Cuộc chống tham nhũng này là nhằm vào Giang Trạch Dân, ông ta (Tập Cận Bình) sẽ không nhắm vào Hồ Cẩm Đào (Hồ Cẩm Đào thực sự không có tham nhũng gì quá lớn). Chống tham nhũng đến một mức độ nhất định thì đến năm 2015 Tập bắt đầu cải cách quân đội, cũng chính là thực hiện những gì mà đám nguyên lão giao phó cho ông ta. Giải quyết vấn đề Đài Loan là trách nhiệm của anh (Tập Cận Bình), nếu không phải vì giải quyết Đài Loan, thì sao mà anh được làm tổng bí thư.

Còn Tiến sĩ, nhà phân tích bình luận Vương Hữu Quần (Wang Youqun) từng viết bài nói rằng, ở cấp cao nhất của ĐCSTQ, những người hy vọng có thể ngay lập tức tấn công quốc đảo chính là các đối thủ chính trị lớn nhất của ông Tập – phe Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng.

Ông Vương từng là thư ký của cựu Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ Úy Kiện Hành. Ông chỉ ra rằng, phe đối thủ đã tạo dư luận để khiến ông Tập rơi vào rắc rối lớn trong vấn đề Đài Loan và để ông Tập đối chọi với Hoa Kỳ. Sau đó, Giang - Tăng liên thủ với “những người bạn cũ” ở Phố Wall để trừ khử ông Tập và đưa người của mình lên. Rồi đem tất cả những việc làm xấu xa của họ đổ lên đầu ông Tập và hâm nóng lại giấc mơ xưa về việc Trung Quốc và Hoa Kỳ cùng chung tay "âm thầm làm giàu". Đây có lẽ là nguyện vọng lớn nhất hiện giờ của Giang và Tăng.

Quân đội "dễ làm phản", ông Tập không thể chỉ huy

Ông Tập Cận Bình đã bổ nhiệm tướng hai lần vào năm 2021. Lần gần đây nhất là vào ngày 6/9. Tổng cộng có 5 người được thăng cấp thượng tướng, đó là Tư lệnh Chiến khu Tây bộ Uông Hải Giang (Wang Haijiang), Tư lệnh Chiến khu Trung bộ Lâm Hướng Dương (Lin Xiangyang), Tư lệnh Hải quân Đổng Quân (Dong Jun), Tư lệnh Không quân Thường Đinh Cầu (Chang Dingqiu), và Hiệu trưởng Đại học Quốc phòng Hứa Học Cường (Xu Xueqiang). Chuyên gia cho rằng “về mặt thời gian và trình tự đều trái với quy định thông thường”. Bởi vì một số người trong đó vừa mới được bổ nhiệm làm tư lệnh chiến khu, mà theo quy định của quân đội Trung Quốc, phải đợi 2 năm sau mới được phong hàm thượng tướng.

Cựu trung tá Bộ Tư lệnh Hải quân ĐCSTQ – ông Diêu Thành cho biết: Ông Tập Cận Bình hy vọng có thể tăng cường thanh thế của bản thân và gia tăng sức mạnh quân sự thông qua động thái này, nhưng nó cũng cho thấy rằng ông Tập đã không hoàn toàn kiểm soát được quân đội. Thông thường, cứ 5 năm thì Trung Quốc mới thay tư lệnh chiến khu một lần, nhưng vị trí Tư lệnh Chiến khu Tây bộ lại thường xuyên bị thay đổi, người đại diện cho phe Tập không kiểm soát được chiến khu này nên ông ấy mới đổi người liên tục. Khu vực này ở khá xa Bắc Kinh, “rất dễ làm phản”, nên khiến Tập Cận Bình không thể yên tâm.

Ông Diêu cũng đã nhiều lần tiết lộ: Đối với ĐCSTQ, việc tấn công vào vùng đất nhỏ bé Đài Loan không có gì khó khăn, phóng tên lửa là có thể san phẳng ngay. Thế nhưng tại sao hiện nay Tập Cận Bình không dám đánh Đài Loan? Điều ông ta sợ là Quân đội Giải phóng Nhân dân. Tập sợ một khi đánh nhau, ông ta sẽ không khống chế được. Bây giờ là sự tách biệt giữa súng và đạn. Những người lính cầm súng trong tay nhưng không có đạn, có đạn nhưng không có súng. Hễ khai chiến là phải cấp súng đạn cho họ, vậy thì chỉ cần một sư đoàn trưởng, một quân đoàn trưởng, thậm chí là trung đoàn trưởng, phất cờ một cái liền nhất hô bá ứng, ông Tập sẽ mất quyền kiểm soát.

Các binh sĩ Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) diễu hành. (Nguồn ảnh: Lam Yik Fei / Getty Images)
Các binh sĩ Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) diễu hành. (Nguồn ảnh: Lam Yik Fei / Getty Images)

Quân đội ĐCSTQ luôn do Giang Trạch Dân kiểm soát, sau khi Giang lên nắm quyền, trước tiên ông ta đưa Dương Thượng Côn và Dương Bạch Băng xuống, sau đó sắp xếp cho Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu trở thành cánh tay phải của ông ta, từ quân ủy cho đến phía dưới đều là người của Giang. Các cựu Tư lệnh Hải quân gồm ông Trương Định Phát (nhiệm kỳ 2003 - 2006), ông Ngô Thắng Lợi (từ năm 2006 - 2017), và chỉ huy hiện tại là ông Thẩm Kim Long đều là thân tín của Giang Trạch Dân.

Cựu trung tá tiết lộ rằng: Hiện tại Hải quân không nghe lời ông Tập Cận Bình. Mục đích ông Tập truy xét tham nhũng trong hải quân là để thanh trừng tay chân mà Giang cài cắm trong đó. Sự tham nhũng trong quân đội của ĐCSTQ là được kế thừa và đạt đến đỉnh điểm vào thời Giang Trạch Dân. Cách thức của Giang Trạch Dân là lung lạc lòng người và lôi bè kết phái. Trong thời gian Ngô Thắng Lợi giữ chức tư lệnh hải quân, tất cả các sĩ quan từ cấp "sư đoàn" trở lên đều do Ngô đề bạt. Một cây kim hay một giọt nước cũng không lọt vào được. Trên thực tế, Lực lượng Hải quân, Không quân và Lực lượng Tên lửa, bao gồm cả các sĩ quan cấp cao trong toàn quân, đều thuộc phe trung gian, họ đều đang quan sát và xem chừng động thái.

Quan điểm thể hiện trong bài viết là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo Hoàng Thanh - Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Phe đối thủ tung phát ngôn về Đài Loan của Giang Trạch Dân khi còn tại vị để 'nhắc khéo' ông Tập?