Phóng viên nước ngoài đến nhà tang lễ Bắc Kinh tìm sự thật

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một số phóng viên truyền thông nước ngoài như AFP, The Wall Street Journal, Reuters, hãng tin AP, Financial Times, Bloomberg… đã đến nhà tang lễ ở Bắc Kinh để chụp ảnh hoặc phỏng vấn nhân viên nhà tang lễ qua điện thoại, tất cả đều cho thấy Bắc Kinh đang che giấu dữ liệu.

Tại Bắc Kinh, một số nhà hàng và cơ sở kinh doanh đã đóng cửa vì có quá nhiều nhân viên bị ốm. Tại các phòng khám sốt, bệnh nhân thậm chí phải xếp hàng đợi tới sáu tiếng đồng hồ mới tới lượt. Trên mạng xã hội, có người phàn nàn rằng một số bệnh viện đang từ chối những ca bệnh nhẹ, những ca không nghiêm trọng đến mức cần được điều trị khẩn cấp.

Bà Janis Mackey Frayer, phóng viên của NBC tại Bắc Kinh, cho biết: “Covid đang lan nhanh như cháy rừng ở đây (Bắc Kinh)”.

Trung Quốc thông báo chỉ có 7 ca tử vong kể từ khi dỡ bỏ Zero Covid

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc luôn công bố "không có trường hợp tử vong mới", mãi cho đến hai ngày gần đây họ mới tuyên bố ghi nhận 7 trường hợp tử vong tại Bắc Kinh (2 ca ngày 18/12 và 5 ca ngày 19/12). Lần cuối cùng nước này thông báo có người qua đời vì Covid là vào ngày 3/12.

Trung Quốc chỉ báo cáo 9 trường hợp tử vong do Covid kể từ ngày 19/11 đến ngày 18/12, mặc dù thời điểm đó ghi nhận hơn 10.000 ca nhiễm mỗi ngày. Từ ngày 28/5 đến 19/11, cả nước không ghi nhận một ca tử vong nào.

Gần đây trên Internet lan truyền video các bệnh nhân bị lây nhiễm đang ngồi trên ghế để truyền tĩnh mạch, họ ngồi tràn ra ngoài bệnh viện. Các quản lý của năm viện dưỡng lão cho biết trong một bài báo được truyền thông Trung Quốc đăng hôm thứ Năm (15/12) rằng, họ không thể mua bộ xét nghiệm kháng nguyên hoặc mua thuốc do thiếu nguồn lực y tế, họ cũng không có kế hoạch dự phòng cho một đợt bùng phát quy mô lớn.

Chuyên gia: Trung Quốc sắp bước vào thời kỳ lây nhiễm cao điểm, phải chuẩn bị cho 2 đến 4 tháng
Ngày 18/12/2022, người dân Bắc Kinh chờ điều trị tại phòng khám sốt được dựng lên tạm thời trong nhà thi đấu. (JADE GAO/AFP via Getty Images)

Các phóng viên nước ngoài tìm hiểu sự thật qua nhiều nguồn

AFP

AFP đưa tin, nhân viên của một số lò hỏa táng ở Bắc Kinh hôm thứ Sáu (16/12) cho biết, họ hiện đã quá tải. Hai nhà tang lễ ở Bắc Kinh xác nhận rằng, họ hoạt động 24 giờ một ngày để đáp ứng nhu cầu hỏa táng tăng cao gần đây.

"Chúng tôi đang liều mạng làm việc! Hơn chục người trong số 60 nhân viên của chúng tôi đã có xét nghiệm dương tính với virus, nhưng chúng tôi không có lựa chọn nào khác, gần đây chúng tôi quá bận", một nhân viên lò hỏa táng nói với AFP.

Một lò hỏa táng khác ở Bắc Kinh nói với AFP rằng, họ có danh sách chờ hỏa táng kéo dài cả tuần.

The Wall Street Journal

Nhà tang lễ Đông Giao Bắc Kinh là một trong những lò hỏa táng được thành phố chính thức chỉ định để xử lý thi thể của bệnh nhân Covid. Tờ The Wall Street Journal ngày 16/12 đưa tin, các nhân viên tại nhà tang lễ này tiết lộ rằng, nhu cầu hỏa táng và các dịch vụ tang lễ khác gần đây tăng đột biến, họ đang quá tải vì công việc kéo dài liên tục 24 giờ.

Một người phụ nữ trả lời điện thoại ở nhà tang lễ Đông Giao cho biết, cô ước tính có khoảng 200 thi thể được chuyển đến nhà tang lễ mỗi ngày, so với 30 hoặc 40 như ngày thường.

Reuters

Vào chiều ngày thứ Bảy (17/12), một phóng viên của Reuters nhìn thấy khoảng 30 chiếc xe tang đậu trên con đường dẫn đến nhà tang lễ Đông Giao.

Trong một nhà tang lễ cách lò hỏa táng vài mét, phóng viên Reuters nhìn thấy khoảng 20 túi đựng thi thể màu vàng đặt trên sàn. Reuters không thể xác định ngay lập tức liệu họ có chết vì Covid-19 hay không.

Nhân viên bảo vệ tại bãi đậu xe và chủ tiệm bán hũ tro cốt muốn giấu tên nói với Reuters rằng, số người chết trong khoảng thời gian này cao hơn mức trung bình, số người tử vong cao hơn nhiều so với khoảng thời gian trước khi dỡ bỏ hầu hết hạn chế vào ngày 7/12.

Tại nhà tang lễ Hoài Nhu, một nhân viên nói với Reuters rằng, một thi thể đã phải đợi 3 ngày mới đến lượt hỏa táng.

Một con đường ở khu mua sắm Vương Phủ Tỉnh, Bắc Kinh trông khá vắng vẻ hôm 13/12/2022. (YUXUAN ZHANG/AFP via Getty Images)
Một con đường ở khu mua sắm Vương Phủ Tỉnh, Bắc Kinh trông khá vắng vẻ hôm 13/12/2022. (YUXUAN ZHANG/AFP via Getty Images)

Financial Times

Một nhân viên tại nhà tang lễ Đông Giao Bắc Kinh nói với Financial Times rằng, thi thể của những người chết vì Covid sẽ được ưu tiên hỏa táng trước. Phóng viên của tờ báo này cũng nhìn thấy các túi đựng xác tại một bệnh viện được chỉ định điều trị cho những bệnh nhân nhiễm Covid.

Hãng tin AP

Hãng tin này cũng cho biết tình huống tương tự. Một phóng viên của AP đã đến nhà tang lễ Đông Giao Bắc Kinh. Một tang quyến nói với phóng viên rằng, ngoài nhà tang lễ Đông Giao, chính quyền còn chỉ định một nhà tang lễ khác để hỏa táng thi thể của những người chết vì dịch bệnh. Người phụ nữ này cho biết, người thân của bà bị nhiễm vào đầu tháng 12 và qua đời vào sáng thứ Sáu tuần trước (16/12) trong phòng cấp cứu.

Bà cho biết, có rất nhiều người trong khu cấp cứu có xét nghiệm dương tính với Covid-19, nhưng không có đủ y tá để chăm sóc bệnh nhân.

Chỉ trong khoảng một giờ đồng hồ, phóng viên hãng tin AP đã nhìn thấy hơn chục thi thể được đẩy ra khỏi nhà tang lễ Đông Giao.

Một tang quyến nói với phóng viên rằng, giấy chứng tử chỉ ghi nguyên nhân tử vong là "viêm phổi", mặc dù có sáu, bảy người trong gia đình đều mô tả rằng người thân của họ đã phải vật lộn để thở trước khi chết vào sáng hôm đó, hơn nữa bệnh nhân cũng có kết quả dương tính với Covid-19.

Bloomberg

Người phát ngôn của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc nói với Bloomberg hôm thứ Ba (13/12) rằng, những người tử vong vào thời điểm dương tính với Covid-19 đều được phân loại là chết vì virus, bất kể đó có phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của họ hay không. Tuy nhiên, thực tế từ các nhà tang lễ và lò hỏa táng ở Bắc Kinh cho thấy không phải vậy, hoặc chính quyền địa phương hoặc bệnh viện đang phân loại các trường hợp tử vong theo cách khác.

Trước đó, NTDTV đã đưa tin, theo cư dân mạng Trung Quốc, nhiều bệnh viện trong nước không đưa số bệnh nhân bị sốt do nhiễm Covid vào danh sách thống kê, và thậm chí còn sửa đổi bệnh án.

Cụ thể, đối với các bệnh nhân có kết quả xét nghiệm PCR dương tính và được bệnh viện xác nhận nhiễm Covid, họ sửa tên bệnh thành "nhiễm trùng đường hô hấp trên". Với những người tử vong sau khi nhiễm bệnh, nguyên nhân qua đời được viết là "viêm phổi", chứ không đề cập đến "nhiễm virus Corona mới".

Cư dân mạng người Hoa ở hải ngoại chế giễu hành vi trên và nói: "Nếu không thể loại bỏ căn bệnh này thì ta loại bỏ tên bệnh".

Bloomberg cho rằng, việc các kênh truyền thông nước ngoài đưa tin về các trường hợp nhiễm Covid tử vong ở Bắc Kinh đã củng cố thêm suy đoán về hành vi che đậy dữ liệu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

ĐCSTQ đang đối mặt với khủng hoảng niềm tin

Các chuyên gia y tế và truyền thông nhà nước Trung Quốc bắt đầu hạ thấp mức độ nghiêm trọng của Omicron sau khi ĐCSTQ từ bỏ chính sách Zero Covid. Ông Chung Nam Sơn (Zhong Nanshan), một viện sĩ tại Viện Công trình Trung Quốc (CAE), gần đây tuyên bố rằng Omicron chỉ như bệnh cúm mùa thông thường vì không gây triệu chứng viêm phổi.

Chuyên gia về Trung Quốc Gordon Chang (Chương Gia Đôn) cho biết, cuộc khủng hoảng nguy hiểm nhất mà ĐCSTQ phải đối mặt là khủng hoảng niềm tin. Chính quyền ĐCSTQ đã tuyên truyền phóng đại sức mạnh của virus trong hai năm, và bây giờ họ đột nhiên cố gắng thuyết phục người dân rằng virus này rất yếu.

Echo Ding, một cư dân Bắc Kinh, nói với CNN: "Làm sao nó có thể thay đổi nhanh như vậy. Nó khiến tôi có cảm giác rằng chúng tôi như những kẻ ngốc".

Một cư dân mạng nói: "Hôm qua họ nói virus gây chết người, hôm nay họ nói nó nhẹ hơn cúm. Bạn còn có thể làm được gì?".

Theo The Epoch Times tiếng Hoa

Đông Phương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Phóng viên nước ngoài đến nhà tang lễ Bắc Kinh tìm sự thật