Phóng viên Trung Quốc cũng bị bắt khi tác nghiệp tại Trịnh Châu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong nghi lễ "cúng tuần đầu" cho nạn nhân lũ lụt Trịnh Châu, nhiều người dân đã đến ga Sa Khẩu Lộ của tuyến tàu điện ngầm số 5 để đặt hoa tưởng niệm, nhưng chính quyền đã ngăn họ lại. Thậm chí, cảnh sát còn bắt giữ một số phóng viên truyền thông của chính nước này vì chụp ảnh tại hiện trường. Các phóng viên báo chí nước ngoài cũng nhận được những lời đe dọa, quấy rối, uy hiếp tính mạng khi đưa tin về thảm họa lũ lụt Trịnh Châu.

Hôm 26/7 - cũng là ngày tổ chức nghi lễ cúng 7 ngày đầu cho các nạn nhân thiệt mạng hôm 20/7, người dân Trịnh Châu đã tự phát mang hoa đến ga Sa Khẩu Lộ của tuyến tàu điện ngầm số 5 để bày tỏ lòng thương tiếc. Ngày hôm sau, phóng viên chụp ảnh Trần Lượng (Chen Liang) của tờ báo Caixin đã bị cảnh sát bắt giữ vì chụp ảnh tại đây.

Thông tin phóng viên Trần Lượng bị cảnh sát bắt đi đã được đồng nghiệp của anh xác nhận. Người đồng nghiệp này là ông Vương Hòa Nham (Wang Heyan) - phóng viên điều tra trưởng của kênh truyền thông Caixin. Ông Vương cho biết, Trần Lượng bị đồn cảnh sát đường Nam Dương ở thành phố Trịnh Châu đưa đi sau khi chụp ảnh những bó hoa tưởng niệm. Ông Vương cũng đăng một bức ảnh do phóng viên Trần lượng chụp, bức ảnh được chụp tại lối ra B1 của ga Sa Khẩu Lộ.

Sau đó, phóng viên Trần Bảo Thành (Chen Baocheng) của Caixin đưa tin, Trần Lượng đã được thả, và hy vọng mọi người sẽ tiếp tục chú ý đến những người phá bỏ hàng rào quanh những bó hoa mà chính quyền dựng lên.

Phóng viên Trần Xung (Chen Chong) của Southern Metropolis Daily cũng chụp được bức ảnh người dân đang đặt hoa tại lối ra B1. Sau đó, anh bị cảnh sát yêu cầu xóa hình ngay tại chỗ thì mới được thả. May mắn là anh đã khôi phục được bức ảnh sau khi trở về khách sạn. Góc chụp các bức ảnh của phóng viên Trần Xung là nhìn từ trên không xuống lối ra B1 của ga Sa Khẩu Lộ. Bức ảnh cho thấy, những bó hoa bày tỏ lòng thương tiếc giăng đầy lối ra tàu điện ngầm.

Phóng viên nước ngoài bị chặn phỏng vấn, Hiệp hội nhà báo lên án

Các phóng viên báo chí nước ngoài cũng gặp vô số trở ngại khi đưa tin về trận lũ lụt ở Trịnh Châu.

Theo The Guardian đưa tin, các phóng viên thường trú tại Trung Quốc của BBC, Los Angeles Times, Deutsche Welle, Al Jazeera, CNN, AFP và AP đã bị quấy rối và đe dọa ở các mức độ khác nhau trong khi tác nghiệp.

Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đưa tin, phóng viên Mathias Bolinger của tờ Deutsche Welle Bắc Kinh và phóng viên Alice Su của tờ Los Angeles Times đã bất ngờ bị một nhóm những người đàn ông và phụ nữ không rõ danh tính bao vây và quấy rối khi đang đưa tin về thảm họa lũ lụt trên đường phố Trịnh Châu. Phóng viên Robin Brant của BBC tại Thượng Hải còn nhận được lời đe dọa đến tính mạng.

Vào ngày 27/7, Liên đoàn Quốc tế của các Nhà báo (IFJ), Hiệp hội phóng viên nước ngoài tại Trung Quốc (FCCC) và đài BBC của Anh đã lần lượt đưa ra tuyên bố bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về hành vi này. Họ yêu cầu chính phủ Trung Quốc hành động để ngăn chặn các hành vi gây nguy hiểm cho các nhà báo nước ngoài, và đảm bảo rằng các nhà báo có thể đưa tin một cách an toàn và độc lập.

Tuyên bố của FCCC chỉ ra rằng, những nhận xét của các cơ quan trực thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc đã trực tiếp "đặt sự an toàn cá nhân của các nhà báo nước ngoài làm việc tại Trung Quốc vào vòng nguy hiểm, hơn nữa còn cản trở họ đưa tin tự do".

Tuyên bố cho biết: "Hoạt động kiểm duyệt báo chí của Trung Quốc đối với các nhà báo nước ngoài đã góp phần vào việc tăng thêm thành kiến ​​đối với công việc của chúng tôi tại Trung Quốc. Điều này cũng tiếp tục khiến môi trường làm việc của các nhà báo nước ngoài xấu đi và cản trở mục tiêu đưa tin toàn diện về Trung Quốc của chúng tôi".

Đông Phương

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Phóng viên Trung Quốc cũng bị bắt khi tác nghiệp tại Trịnh Châu