Quảng Châu thả 1 người tham gia ‘Phong trào Giấy trắng’, Bắc Kinh vẫn giam giữ 11 người

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm thứ Ba (3/1), Dương Tử Kinh (Yang Zijing), người bị giam giữ vì đứng xem "Phong trào Giấy trắng" ở Quảng Đông, Trung Quốc đã được tại ngoại chờ xét xử. Nhưng 11 người biểu tình khác tại Bắc Kinh vẫn đang bị giam giữ.

Một nhà hoạt động ở nước ngoài có tên Rio nói với AFP rằng, Dương Tử Kinh và sáu người biểu tình khác ở Quảng Châu tham gia "Phong trào Giấy trắng" đã được bảo lãnh chờ xét xử vào thứ Hai (2/1) và thứ Ba (3/1) vừa qua, sau khi bị giam giữ 30 ngày. Ở Trung Quốc, 30 ngày là thời gian giam giữ hình sự tối đa được quy định trong Luật Tố tụng hình sự.

Theo Rio, những người biểu tình được thả ra bị buộc phải ở lại quê nhà trong một năm, đây là một điều kiện để được tại ngoại và phải báo cáo cho cảnh sát theo định kỳ.

"Họ bị các cơ quan khác nhau giám sát chặt chẽ", Rio nói.

Rio cũng nói với AFP rằng, còn có 11 người biểu tình khác ở Bắc Kinh đã bị giam giữ kể từ ngày 18/12 năm ngoái tới nay. Theo một nguồn tin khác, trong nhóm này có hai nhà báo và một người làm trong ngành xuất bản, người nhà của những người bị bắt không dám công khai lên tiếng vì bị cảnh sát đe dọa.

Các luật sư đại diện cho những người bị giam giữ cũng bị cấm nói chuyện với giới truyền thông, một nguồn tin khác cho biết.

Theo trang web “Quan sát Dân sinh” (Civil Rights & Livelihood Watch) ở nước ngoài, Dương Tử Kinh, nữ, 25 tuổi, một nhà hoạt động công ích, đã đứng quan sát “Phong trào Giấy trắng” ở quảng trường Hải Châu, thành phố Quảng Châu vào ngày 27/11/2022. Đến ngày 4/12, Dương bị cảnh sát Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đi từ nơi trọ tại Quảng Châu, sau đó bị giam giữ hình sự vì tội "cố tình gây sự và kích động rắc rối”.

Đầu tiên cô bị giam giữ tại Trại tạm giam Quận Việt Tú, thành phố Quảng Châu, sau đó bị bí mật chuyển đến Trại tạm giam số 2 Quảng Châu. Cảnh sát ĐCSTQ từ chối cho phép người nhà và luật sư gặp Dương. Có nhiều thủ tục xử lý vụ án là bất hợp pháp.

Vào cuối tháng 11 năm ngoái, do ĐCSTQ thi hành chính sách ngăn chặn dịch bệnh hà khắc, nhiều thảm họa nhân đạo đã xảy ra. Giọt nước tràn ly là vụ hỏa hoạn bùng phát tại một tòa nhà dân cư ở thủ phủ Urumqi của Tân Cương hôm 24/11, khiến 10 người thiệt mạng. Bất bình trước những cái chết thương tâm, đồng thời lo lắng rằng bản thân có thể là nạn nhân tiếp theo của Zero Covid, nhiều người dân Trung Quốc đã xuống đường biểu tình yêu cầu dỡ bỏ chính sách này, nhiều nơi nổ ra “Phong trào Giấy trắng”.

Sau đó, ĐCSTQ đã vội vàng nới lỏng kiểm soát mà không có bất kỳ sự chuẩn bị nào, dẫn đến tình trạng dịch bệnh bùng phát trên diện rộng, tỷ lệ lây nhiễm và tỷ lệ tử vong tăng mạnh. Đợi đến khi phong trào lắng xuống, ĐCSTQ mới bắt đầu “tính sổ” và bắt giữ nhiều thanh niên tham gia biểu tình, tuy nhiên do bị phong tỏa thông tin nên ngoại giới hiện rất khó nắm bắt tình hình cụ thể bên trong Trung Quốc.

Theo NTD tiếng Trung

Đông Phương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Quảng Châu thả 1 người tham gia ‘Phong trào Giấy trắng’, Bắc Kinh vẫn giam giữ 11 người