Sản xuất Trung Quốc bị thu hẹp, thấp nhất trong 23 tháng vì phong toả khắc nghiệt

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngành sản xuất ở Trung Quốc không chỉ nếm mùi khó khăn vì khủng hoảng thiếu điện, mà sự bùng phát trở lại của đại dịch COVID-19, các biện pháp đóng cửa khắc nghiệt do theo đuổi chính sách 'zero Covid' đã tác động tiêu cực tới sản xuất. Sản xuất bị thu hẹp trở lại, ở mức thấp nhất trong 23 tháng qua, khi đơn hàng của nhà sản xuất (chỉ số PMI) ở mức 49,1 điểm, dưới 50 điểm, thể hiện sản xuất đang bị thu hẹp.

Chỉ số PMI đo lường kỳ vọng mở rộng (trên 50 điểm) hay thu hẹp (dưới 50 điểm) trong sản xuất chung của Caixin Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong 23 tháng là 49,1 vào tháng 1/2022 từ mức 50,9 vào tháng 12/2021 (theo Trading Economics).

Kết quả mới nhất cho thấy hoạt động của khu vực sản xuất Trung Quốc đã giảm lần thứ 2 trong ba tháng, trong bối cảnh bùng phát COVID-19 và sự kiểm dịch cực đoan theo phương pháp 'Zero Covid' của Bắc Kinh.

Cả sản lượng và đơn đặt hàng mới đều giảm mạnh nhất kể từ tháng 8, đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm với tốc độ cao nhất kể từ tháng 5/2020 và mức mua cũng giảm trong bối cảnh nhu cầu thị trường giảm. Đồng thời, số liệu việc làm giảm tháng thứ 6 liên tiếp với tốc độ giảm nhanh nhất kể từ tháng 4/2020. Lượng công việc tồn đọng giảm lần đầu tiên trong 11 tháng với tốc độ cạn kiệt nhanh nhất kể từ tháng 7/2013.

Về giá cả, lạm phát chi phí đầu vào đạt mức cao nhất trong 3 tháng nhưng tốc độ tăng nhẹ, trong khi giá bán tăng nhẹ trong tháng 1/2022 sau khi giảm nhẹ vào tháng 12/2021. Cuối cùng, niềm tin được cải thiện, dựa trên dự báo cải thiện điều kiện thị trường và nới lỏng các vấn đề chuỗi cung ứng.

Nền kinh tế Trung Quốc năm ngoái khởi đầu mạnh mẽ, hồi sinh sau đợt sụt giảm nghiêm trọng do đại dịch gây ra. Tuy nhiên, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bắt đầu mất đà phục hồi vào mùa hè, do vấn đề nợ nần trên thị trường bất động sản đè nặng. Thêm vào đó, các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt ảnh hưởng đến niềm tin và chi tiêu của người tiêu dùng.

Chi phí nguyên vật liệu tăng và nhu cầu yếu cũng đã làm xói mòn biên lợi nhuận của các doanh nghiệp Trung Quốc. Lợi nhuận tại các công ty công nghiệp sản xuất tăng với tốc độ chậm nhất trong hơn một năm rưỡi qua tại tháng 12/2021.

Với nguy cơ suy giảm tăng trưởng mạnh, nợ xấu ở ngân hàng tăng cao do thị trường BĐS xuống dốc, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) đã phải cắt giảm lãi suất, bơm thêm tiền vào hệ thống tài chính để giảm bớt chi phí đi vay cho doanh nghiệp, đồng thời hy vọng dòng tiền rẻ sẽ giúp mở rộng khu vực sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, các biện pháp đóng cửa nền kinh tế cũng như cuộc khủng hoảng điện năng ở nhiều thành phố cấp 3 ven biển chưa được giải quyết triệt để khiến khu vực sản xuất khó có thể phục hồi tích cực.

Trước thềm Đại hội Đảng cộng sản lần thứ XX (cứ mỗi 5 năm một lần), diễn ra vào cuối năm nay, các nhà hoạch định chính sách của Bắc Kinh cần thành tích tăng trưởng, ổn định trên thị trường. Họ sẽ làm mọi thứ, nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khoá, chưa để các phát triển BĐS phá sản... để tạo ổn định, tăng trưởng và việc làm.

Tuy nhiên, việc nới lỏng chính sách tiền tệ, trong bối cảnh sản xuất suy yếu, thị trường BĐS rủi ro rơi vào đóng băng là một giải pháp tồi, hết sức rủi ro; đặc biệt khi ngân hàng Trung ương các nền kinh tế khác như Mỹ, ECB đang rục rịch tăng lãi suất. Lợi thế cạnh tranh hấp dẫn về lãi suất của Trung Quốc đang mất đi, dòng vốn đầu tư FDI, FII có thể chảy ra khỏi nền kinh tế này; điều này sẽ tác động tiêu cực tới ổn định tài chính và tăng trưởng trong trung và dài hạn.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế hôm thứ Tư đã cắt giảm dự báo tăng trưởng Trung Quốc năm 2022 xuống 4,8%, từ mức 5,6% trước đó, phản ánh thảm họa bất động sản và ảnh hưởng đến tiêu dùng từ các quy định nghiêm ngặt về COVID-19.

Zhang Zhiwei, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, cho biết: “Hoạt động công nghiệp chậm lại do nhu cầu trong nước yếu. "Khu vực dịch vụ cũng bị ảnh hưởng bất lợi do dịch bùng phát ở nhiều thành phố", theo Reuters.

"Chỉ số PMI yếu cho thấy các biện pháp nới lỏng chính sách từ chính phủ vẫn chưa được truyền tải đến nền kinh tế thực ... Chúng tôi kỳ vọng chính phủ sẽ tăng cường hỗ trợ chính sách trong những tháng tới, đặc biệt là thông qua chi tiêu tài khóa nhiều hơn", ông Zhiwei cho biết.

Trong khi số ca nhiễm COVID-19 mới của Trung Quốc (theo báo cáo của Bắc Kinh) thấp so với nhiều quốc gia khác, thì sự gia tăng các ca nhiễm bệnh kể từ cuối tháng 12 tại trung tâm sản xuất Tây An đã buộc nhiều nhà sản xuất ô tô và chip phải đóng cửa hoạt động. Hoạt động sản xuất đã dần trở lại bình thường khi thành phố thoát khỏi tình trạng bị đóng cửa.

Samsung Electronics Co Ltd (005930.KS) tháng trước đã tạm thời điều chỉnh hoạt động tại các cơ sở sản xuất chip NAND flash NAND của họ, nhưng hôm thứ Tư, họ cho biết hoạt động sản xuất đã trở lại bình thường, theo Reuters.

Sản lượng ở Thiên Tân, nơi phải đối mặt với sự bùng phát của biến thể Omicron có khả năng truyền nhiễm cao, cũng bị ảnh hưởng.

Đồng thời, chính phủ đang cố gắng hạn chế mức độ ô nhiễm không khí công nghiệp trước thềm Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh, bắt đầu vào thứ Sáu. Trung Quốc đã yêu cầu các nhà máy thép ở các khu vực phía Bắc cắt giảm sản lượng cho đến giữa tháng Ba.

Một cuộc khảo sát về lĩnh vực dịch vụ rộng lớn của Trung Quốc cũng cho thấy tăng trưởng chậm lại trong tháng Giêng, do các biện pháp ngăn chặn vi rút ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng.

Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 4,0% trong quý IV so với một năm trước đó, mức tăng trưởng yếu nhất trong một năm rưỡi.

Thanh Đoàn



BÀI CHỌN LỌC

Sản xuất Trung Quốc bị thu hẹp, thấp nhất trong 23 tháng vì phong toả khắc nghiệt