Sự phục hồi sau đại dịch của Trung Quốc mất cân bằng nghiêm trọng 

Giúp NTDVN sửa lỗi

Phần lớn các công ty Trung Quốc đang phục hồi chậm hơn nhiều so với những công ty ở khu vực giàu có xung quanh Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Đông, theo báo cáo của China Beige Book International.

Tuy các tỉnh ven biển và thành phố lớn của Trung Quốc đang phục hồi sau đại dịch toàn cầu do virus Corona Vũ Hán gây ra, nhưng các công ty ở những tỉnh thuộc miền trung và miền tây Trung Quốc thì có chỉ số về sản lượng và doanh thu rất thấp, theo một cuộc khảo sát được đưa ra hôm 23/9, Reuters cho biết.

Theo báo cáo của China Beige Book International (CBB), phần lớn các công ty Trung Quốc đang phục hồi chậm hơn nhiều so với các công ty ở những khu vực giàu có xung quanh Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Đông.

Doanh thu và lợi nhuận quý 3 trên toàn Trung Quốc giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, các công ty ở nhiều tỉnh có ​​sản lượng và đơn đặt hàng nội địa cùng giá bán hàng giảm so với quý 2, theo một cuộc khảo sát hàng quý của công ty tư vấn có trụ sở tại Hoa Kỳ với hàng nghìn công ty Trung Quốc.

Ví dụ, doanh thu bán hàng tăng 41% so với quý trước ở Thượng Hải và các tỉnh phía đông giàu có như Chiết Giang và Giang Tô, nhưng giảm 10% ở các khu vực phía tây xa xôi hơn như Tây Tạng, Cam Túc, Thanh Hải và Tân Cương.

Derek Scissors, nhà kinh tế trưởng của CBB viết trong báo cáo khảo sát rằng: “Đối với nhóm công ty tinh hoa - bao gồm các công ty lớn và những công ty có trụ sở tại 3 vùng duyên hải Big 3 - nền kinh tế đang tăng tốc... Tuy nhiên phần còn lại của Trung Quốc - hầu hết các công ty ở những khu vực ngoài Big 3 - thì sự phục hồi chậm hơn rất nhiều”.

Vào tháng Tám, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc tăng nhanh nhất trong 8 tháng qua, còn doanh số bán lẻ lần đầu tiên tăng trưởng trong năm nay, cho thấy tốc độ phục hồi kinh tế đang tăng lên khi nhu cầu bắt đầu có chiều hướng tăng từ cuộc khủng hoảng virus Corona Vũ Hán.

Theo công ty tư vấn CBB, sự khác biệt giữa các khu vực cũng thể hiện rõ trong báo cáo tín dụng, với việc nhiều công ty ở các khu vực giàu có xung quanh Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Đông có thể dễ dàng tiếp cận vốn hơn.

Báo cáo khảo sát cho thấy: “Mức đi vay không thay đổi hoặc giảm hoàn toàn ở 4 trong số 5 khu vực không thuộc vùng duyên hải [giàu có]".

Một số nhà phân tích cho rằng các báo cáo về sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc đã đi quá xa so với thực tế.

“Chúng tôi tin rằng các thị trường có phần quá lạc quan vào sự tăng trưởng của Trung Quốc trong nửa cuối năm”, theo lời của ông Lu Ting - nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Nomura nói với báo Morning Post hôm 14/8.

Tháng trước, chủ bút Anjani Trivedi thuộc chuyên mục quan điểm của Bloomberg đã viết rằng: “Ngày càng khó để nói tình trạng thực sự của nền kinh tế Trung Quốc là như thế nào. Các con số tản mát không khớp nhau”.

Theo Tổng cục thống kê Trung Quốc, doanh số bán hàng trong tuần này đã có những kết quả tích cực hơn, mặc dù chúng chưa đủ để nói lên sự phục hồi.

Tháng trước, tờ China Daily (kênh thông tấn chính thức bằng tiếng Anh của Đảng Cộng sản Trung Quốc - ĐCSTQ), đã trích dẫn một báo cáo “tô hồng rực rỡ” của ông Ni Yuefeng - Bộ trưởng của GAC, gọi Trung Quốc là “nền kinh tế lớn đầu tiên trên thế giới chứng kiến sự phục hồi lớn về sản xuất sau cú sốc do virus Corona [Vũ Hán]”.

Ông Ni nói: “Khả năng sống sót sau những cú sốc lớn và khả năng cạnh tranh của ngành thương mại Trung Quốc tiếp tục tăng lên”.

“Thị phần của Trung Quốc có thể tăng hơn nữa khi hoạt động kinh doanh (toàn cầu) tiếp tục. Đó là điều đáng chú ý”, ông Ni nhận xét với Morning Post Tân Hoa xã.

Nhưng ông Derek Scissors đã đưa ra kết luận ngược lại về dữ liệu thương mại khác nhau, và khẳng định Trung Quốc không dẫn đầu thế giới về phục hồi kinh tế.

Ông Scissors cho biết: “Dữ liệu thương mại tháng 8/2020 cho biết sự phục hồi nhu cầu toàn cầu đang vượt xa Trung Quốc”.

“Nền kinh tế Trung Quốc dựa vào trợ cấp nhà nước cho các công ty với chi phí mà các hộ gia đình phải gánh chịu. Kích cầu của Trung Quốc hỗ trợ sản xuất hơn là tiêu dùng. Nguồn cung dư thừa sau đó sẽ đổ gánh nặng sang phần còn lại của thế giới”, ông nói.

Đồng quan điểm, Giáo sư Michael Pettis tại Đại Học Bắc Kinh, chuyên gia hàng đầu về kinh tế Trung Quốc nhận định trên tờ Financial Times như sau:

“Nói cách khác, sự phục hồi kinh tế ở Trung Quốc (và trên thế giới, nói chung) đòi hỏi sự phục hồi của nhu cầu, kéo theo đó là sự phục hồi của nguồn cung. Nhưng đó không phải là những gì đang xảy ra. Thay vào đó, Bắc Kinh đang đẩy mạnh nguồn cung, chủ yếu là vì nước này phải giảm tỷ lệ thất nghiệp càng nhanh càng tốt. Chính lực đẩy từ phía cung này đang kéo theo cầu”.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã đảo lộn tất cả, sức mua của người dân Trung Quốc bị hạ xuống mức thấp hơn nhiều so với sức tăng của sản xuất, thậm chí khoảng cách giữa sức mua của người dân và sức tăng của sản xuất đang giãn cách ngày một lớn.

Sự bất cân đối này có thể giải quyết theo 2 cách:

Thứ nhất, Trung Quốc có thể giải quyết phần cung dư thừa trong nước bằng cách tăng xuất khẩu (tăng thặng dư thương mại).

Tuy nhiên, xuất khẩu của Trung Quốc giảm do tổng cầu thế giới đều giảm mạnh, bản thân chuỗi cung ứng tại Trung Quốc bị phá vỡ, dòng vốn từ nước ngoài nhanh chóng rút lui. Vậy nên, Trung Quốc khó có thể theo đuổi sách lược này. Khi xuất khẩu khó khăn, làn sóng vỡ nợ trái phiếu ngoại của doanh nghiệp Trung Quốc sẽ lớn hơn và mạnh hơn trong năm 2020 và 2021.

Thứ hai, Trung Quốc có thể kích thích tiêu dùng và sản xuất trong nước thông qua tăng đầu tư công vào cơ sở hạ tầng.

Nhưng do đầu tư công của Trung Quốc phần lớn không hiệu quả, việc này tiếp tục làm gia tăng gánh nặng nợ công tại Trung Quốc vốn đã rất lớn, dù chưa được thống kê đầy đủ.

Nguyễn Minh



BÀI CHỌN LỌC

Sự phục hồi sau đại dịch của Trung Quốc mất cân bằng nghiêm trọng