Thập diện mai phục - Cuộc chiến 10 năm chưa hồi kết của Tập Cận Bình và Giang Trạch Dân

Giúp NTDVN sửa lỗi

Phe cánh của cựu bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Giang Trạch Dân đã và vẫn luôn đe dọa không chỉ quyền lực mà còn cả sinh mạng của Chủ tập Tập Cận Bình. Cho đến tận bây giờ, dù triệt hạ hàng trăm ‘hổ’, hàng ngàn ‘cáo’, ông Tập chưa nắm hết quyền lực tại nhiều chính quyền địa phương, quân đội và hệ thống tài chính. Tiền bạc là nguồn gốc của quyền lực và bởi thế nó luôn là cuộc chiến cuối cùng. Ông Tập đã bắt đầu hiệp đấu về tài chính. Liệu đây có phải là hồi kết của cuộc chiến này?

“Thập diện mai phục “ 十面埋伏 ”: thành ngữ này xuất hiện từ cuộc chiến tranh chấp Cai Hạ (tên đất cổ, nay thuộc vùng Đông Nam huyện Linh Bích, tỉnh An Huy, Trung Quốc, nơi Hạng Võ bị vây và thất bại) giữa Sở Hán. Cuộc chiến xảy ra ở Cửu Lý Sơn Từ Châu thị, dựa vào địa thế hiểm trở của Cửu Lý Sơn. Ý nghĩa thành ngữ này là bố trí binh lính mai mục mười phía để tiêu diệt quân địch”.

Cái ghế nóng bỏng của ông Tập Cận Bình

Từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền tới nay, do liên tiếp có những hành động mạnh tay chống tham nhũng, nên bị ám sát và âm mưu chính biến liên tiếp. Có tin cho rằng, ông Tập Cận Bình đã ít nhất 10 lần gặp nguy hiểm, phần lớn liên quan tới âm mưu ám sát.

Tạp chí Tranh Minh (Zhengming Magazine) số ra tháng 10/2017 đưa tin, trước lúc kế nhiệm, ông Tập Cận Bình đã gặp phải ám sát nguy hiểm, khi đó ông Hồ Cẩm Đào nửa đêm hay tin, đã gấp rút thông báo cho ông Tập ở trong nhà không được ra ngoài.

Đấu tranh nội bộ và sát hại các đồng chí của mình vốn là một phần quan trọng trong lịch sử tồn tại của ĐCSTQ suốt 100 năm qua. Bất kỳ thế lực chính trị nào của ĐCSTQ cũng đều tồn tại bằng nòng súng chĩa vào dân (chứ không phải kẻ thù) và rửa bằng máu của các đồng chí khác trong nội bộ của họ.

Ngay từ đầu, cựu bí thư ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã không muốn ông Tập Cận Bình trở thành người kế vị của mình; ông ấy muốn Bạc Hy Lai. Nhưng không may, vụ án của vợ Bạc Hy Lai là Cốc Khai Lai lại lộ ra nhiều vấn đề nhức nhối, thậm chí liên quan tới tội ác ‘vô tiền khoáng hậu’ giết người mổ cướp tạng của phe Giang Trạch Dân. Đây là lý do khiến Bạc Hy Lai không thể kế nhiệm ông Giang. Ông Tập Cận Bình, không thuộc phe cánh của Giang khi đó, đồng thời lại là một ‘thái tử đảng’, một hạt giống đỏ được bồi dưỡng nhiều năm tháng đã trở thành ứng cử viên phù hợp nhất.

Giang Trạch Dân. (Getty Images)
Giang Trạch Dân. (Getty Images)

Nhưng điều chờ đợi ông Tập không phải là quyền lực tối thượng. Muốn có nó, ông Tập buộc phải thỏa hiệp - đánh - triệt hạ được hoàn toàn phe Giang, vốn cắm rễ sâu, lan rộng trong hệ thống quân đội, chính trị, kinh tế của Trung Quốc. Đây là lý do chiến dịch ‘Đả hổ - Diệt ruồi - Săn cáo’ suốt 10 năm khiến mưa gió máu tanh trên khắp chính trường Trung Quốc.

Các bước đi chiến lược trong cuộc chiến với Giang Trạch Dân

Có thể nói, ông Tập đã rất bài bản trong chiến lược ‘thập diện mai phục’, đánh tỉa phe Giang Trạch Dân, tất cả thể hiện qua kết quả của chiến dịch ‘Đả hổ - Diệt ruồi - Săn cáo’ mà ông Tập đang thực thi.

Đầu tiên, triệt hạ các con hổ quyền lực nhất trong đảng, là tay chân thân tín số 1 của Giang Trạch Dân.

Ở quân đội thanh trừng Quách Bá HùngTừ Tài Hậu, là các cựu Phó Chủ tịch Quân uỷ Trung ương. Trong Bộ Chính trị thì thanh trừng Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Trùng Khánh, đối thủ cạnh tranh vị trí quyền lực nhất ĐCSTQ của ông Tập, ông Bạc Hy Lai. Nhân vật lớn thứ hai trong thế lực chính trị là Lệnh Kế Hoạch, Phó Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, Trưởng ban Mặt trận Thống nhất của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ cũng hoàn toàn bị triệt tiêu dưới thời ông Tập. Nội bộ an ninh trong nước thì triệt hạ ông Chu Vĩnh Khang, cựu Bộ trưởng Công an.

Quách Bá Hùng (trái) và Từ Tài Hậu. (Ảnh trái: Department of Foreign Affairs and Trade website – www.dfat.gov.au/CC BY 3.0 au/WikiMedia Commons; Ảnh phải: Phạm vi công cộng)
Quách Bá Hùng (trái) và Từ Tài Hậu. (Ảnh trái: Department of Foreign Affairs and Trade website – www.dfat.gov.au/CC BY 3.0 au/WikiMedia Commons; Ảnh phải: Phạm vi công cộng)

Bước thứ hai, triệt hạ các con hổ, ruồi, cáo nhỏ hơn trong mạng lưới của phe ông Giang ở quân đội, ở Bộ chính trị từ cấp trung ương tới quan cấp tỉnh, và ở Bộ công an...

Dĩ nhiên, vị trí trống thay thế dần bằng thân tín của ông Tập và thế lực trên sân chơi bắt đầu dần đổi màu.

Tháng 1/2013, ông Tập Cận Bình phát động chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ”. Tính đến nay, năm 2021, đã có tổng số 542 quan chức cấp phó tỉnh trở lên và các cán bộ do Trung ương quản lý, trong đó có hơn 160 tướng lĩnh, đã bị điều tra và xử lý. Trong số đó, phần lớn được Giang Trạch Dân và "quân sư" của Giang là Tăng Khánh Hồng - nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị kiêm Phó Chủ tịch nước Trung Quốc - đề bạt và trọng dụng.

Chỉ trong năm 2013 có hơn 6.500 quan chức mất tích, hơn 8.000 quan chức trốn ra nước ngoài, và khoảng 1.500 người tự sát. Tính đến nay đã có hơn 1 triệu Đảng viên ĐCSTQ bị trừng phạt, bao gồm các tướng lĩnh, các quan chức cấp cao cho đến cấp thấp.

Bước thứ ba, thâu tóm lực lượng quyền lực nhất, quan trọng nhất trong đảng: quân đội Trung Quốc.

Tại Trung Quốc, chức vụ cao cấp quan trọng nhất của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không phải là Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng (hoặc Tổng Bí thư Đảng), hay Thủ tướng, mà là Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Bởi vì, triết lý quốc trị của ĐCSTQ, theo cựu Chủ tịch Mao Trạch Đông là “Súng đẻ ra chính quyền”.

Do vậy, vị trí Chủ tịch Quân ủy nắm toàn bộ lực lượng quân đội, có quyền lực tối cao với quân đội và có sự trung thành tuyệt đối từ quân đội ĐCSTQ, thường là người có quyền lực tối cao của ĐCSTQ. Do vậy, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước luôn là người kiêm nhiệm vị trí này trong suốt 70 năm qua. Trên danh nghĩa, ông Tập Cận Bình nắm giữ vị trí Chủ tịch Quân ủy từ năm 2013 cho tới nay. Trong thời gian này, ông Tập cũng đã tiến hành cải cách Quân ủy Trung ương một cách sâu rộng hồi năm 2016.

Các binh sĩ Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) diễu hành (Ảnh của Lam Yik Fei / Getty Images)
Các binh sĩ Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). (Ảnh: Lam Yik Fei / Getty Images)

Với ông Tập, đây là bước đi khó khăn nhất, nhưng cũng là bước đi quyết định sinh - tử lớn nhất trong sự nghiệp của ông suốt 10 năm qua.

Nhưng bước thứ ba chưa phải là bước cuối cùng. Với mọi quốc gia, tổ chức, gia tộc hay cá nhân, nguồn tài chính giống như mạch máu của cơ thể. Khi máu nuôi cơ thể còn dồi dào, dù có buộc chân, buộc tay lại thì cơ thể đó vẫn có đầy cơ hội để sống khỏe mạnh, để tạo ra các cơ hội và công cụ mới phát triển phe phái của mình. Thực tế, nguồn tài chính của phe Giang vẫn còn quá dồi dào, các cơ sở tạo nguồn tài chính cho phe Giang ở đại lục có thể vẫn rất mạnh và nhiều trong số đó chưa bị xoá bỏ trong chiến dịch ‘Đả hổ - Diệt ruồi - Săn cáo’ này.

Tập Cận Bình chưa thâu tóm hết quyền lực của phe Giang Trạch Dân

Nhiều chính quyền địa phương không nghe lời của ông Tập Cận Bình

Có rất nhiều bằng chứng cho thấy ông Tập chưa hoàn toàn thâu tóm được quyền lực phe phái chính trị tại các địa phương; không chỉ phe của Giang, còn phe của Hồ Cẩm Đào và lực lượng ủng hộ chính trị của Thủ tướng Lý Khắc Cường, người luôn có bất đồng với ông Tập cho tới tận thời điểm này.

Một ví dụ điển hình là chính sách siết doanh nghiệp bất động sản (BĐS) ở địa phương, nhưng các địa phương đã tìm nhiều cách để nuôi dưỡng doanh nghiệp BĐS thân hữu của họ. Điều này khiến chính sách BĐS và dự kiến đánh thuế BĐS của ông Tập không nhất quán và thành công như kỳ vọng.

Một ví dụ khác nữa hồi tháng 2/2020 khi Trung Quốc chống Covid-19. Có vẻ như, chỉ thị của ông Tập về chống Covid-19 đã không được chấp hành ở nhiều địa phương. Tình trạng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược là điều rất cấm kỵ trong điều hành ở một thể chế chuyên chế, độc tài, tập quyền cao độ như Trung Quốc.

Ngày 3/2, báo Tân Hoa Xã của Trung Quốc đăng tải bài phát biểu của ông Tập đề cập đến việc Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị thay đổi cơ quan ra quyết định hàng đầu của Đảng về phản ứng với virus.

Ông Tập đã chỉ trích các nhà lãnh đạo Đảng ở tỉnh Hồ Bắc:

“Ngày 7 tháng 1, tôi đã đưa ra yêu cầu ngăn chặn coronavirus mới tại Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị. Ngày 22 tháng 1, tôi rõ ràng đã yêu cầu tỉnh Hồ Bắc kiểm soát toàn diện và kiểm soát chặt chẽ sự di chuyển của mọi người ra bên ngoài”, theo báo cáo ra ngày 15/2.

Đến ngày 23/1, Vũ Hán thông báo rằng hệ thống giao thông công cộng của thành phố sẽ bị đình chỉ vô thời hạn.

Việc Tân Hoa Xã công bố bài phát biểu của ông Tập Cận Bình 12 ngày sau sự kiện này được hiểu rộng rãi là lời giải thích cho lý do tại sao ông Tập bãi nhiệm hai quan chức cấp cao là Tưởng Siêu Lương (Jiang Chaoliang) - Bí thư Tỉnh ủy Hồ Bắc và Mã Quốc Cường (Ma Guoqiang) - Bí thư Thành ủy Vũ Hán vào ngày 13/2.

Kể từ ngày 27/1, các quan chức cấp cao của Hồ Bắc tuyên bố công khai rằng họ đã báo cáo sự bùng phát cho chính quyền trung ương, nhưng Bắc Kinh không cho phép họ công bố dữ liệu. Thị trưởng Vũ Hán Chu Tiên Vượng (Zhou Xianwang) cũng cho biết quyết định phong tỏa thành phố vào ngày 23/1 là do ông và Mã Quốc Cường đưa ra.

“Ai đã quyết định phong tỏa thành phố để ngăn chặn virus lây lan: đây là mâu thuẫn giữa các quan chức cấp cao của Hồ Bắc và ông Tập”, Đường Tịnh Viễn (Tang Jingyuan), nhà bình luận về vấn đề Trung Quốc đang làm việc tại Hoa Kỳ nói.

Ông Đường nói thêm rằng, có một dấu hiệu khác về sự bất đồng giữa chính quyền trung ương và địa phương: Bắc Kinh đã yêu cầu tất cả các tỉnh trừ Hồ Bắc cho phép doanh nghiệp hoạt động trở lại, nhưng mỗi chính quyền địa phương lại đưa ra các quy định khác nhau đối với việc này.

Trang quân sự chính thức của ĐCSTQ nhấn mạnh rằng "đảng chỉ huy súng" và thể hiện lòng trung thành đối với Tổng Bí thư Tập Cận Bình. (Ảnh Getty)
Trang quân sự chính thức của ĐCSTQ nhấn mạnh rằng "đảng chỉ huy súng" và thể hiện lòng trung thành đối với Tổng Bí thư Tập Cận Bình. (Ảnh Getty)

Quân đội chưa trung thành hoàn toàn với Chủ tịch Quân ủy Tập Cận Bình

Về lý thuyết, không ai nghi ngờ việc quyền lực của ông Tập với toàn bộ hệ thống quân sự của nước này bị thách thức. Tuy nhiên, trong một bài báo đăng vào cuối tháng 7/2021 vừa qua, ông Lý Duy Kiệt (Li Weijie), Tư lệnh Trung đoàn Bắc Kinh thuộc Lực lượng Cảnh sát Vũ trang ĐCSTQ, nhấn mạnh rằng phải thực sự đả thông "cây số cuối cùng" để Chủ tịch Quân ủy (tức ông Tập Cận Bình) có thể đảm đương toàn bộ hệ thống.

Sau phát biểu này, ngoại giới mới hiểu rằng ông Tập vẫn chưa hoàn toàn kiểm soát được quân đội ĐCSTQ.

Trong bài báo ngày 13/9, China Military cũng nhấn mạnh cần phải đảm bảo quyền lực bao trùm và duy nhất của Chủ tịch Quân ủy, nói rằng phải “luôn dùng kỷ luật sắt để đảm bảo rằng quyền lãnh đạo tối cao và quyền chỉ huy quân đội tập trung vào Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và quyền kiểm soát thuộc về thống soái quân đội”.

Có thể nói, bài báo hơn 4.000 từ này được coi là một lời thề trung thành của quân đội dành cho ông Tập.

Trong bài báo, tên ông Tập xuất hiện 11 lần, trong khi tên của ông Giang Trạch Dân và ông Hồ Cẩm Đào hoàn toàn không có. Như vậy, đối tượng trung thành được nhắm đến trong bài viết này chính là ông Tập.

Các tổ chức kiếm tiền cho Giang Trạch Dân và hệ thống tài chính ‘không sạch sẽ’.

Câu chuyện của Tập đoàn bất động sản Evergrande đã cho thấy các mệnh lệnh của ông Tập dường như không tới được các tổ chức kinh tế - tài chính thuộc phe Giang Trạch Dân.

Evergrande là một tập đoàn phát triển BĐS tư nhân, nhưng được hình thành và lớn mạnh dưới quyền lực của phe Giang. Sự lớn mạnh này nhờ mối quan hệ thân hữu với các chính trị gia địa phương, Evergrande chiếm được các dự án xây dựng từ nguồn đất đai mà chính quyền địa phương bán ra khắp Trung Quốc.

Thời điểm sắp phá sản năm 2007, tập đoàn đã nhận được dòng tiền hỗ trợ khổng lồ từ các tài phiệt Hồng Kông thân với gia tộc Giang Trạch Dân. Năm 2012, một báo cáo nghiên cứu chi tiết, nghiêm túc và hoàn toàn thuyết phục của Citron công bố tại Hồng Kông cáo buộc tập đoàn Evergrande là mô hình lừa đảo tài chính Ponzi. Báo cáo này đăng tải các hình ảnh nạn nhân của Evergrande biểu tình nhưng bị chính quyền tỉnh điều công an đàn áp. Nhưng sau đó, tổ chức nghiên cứu và công bố báo cáo này đã bị Sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông cấm hoạt động 5 năm với lý do thông tin trong báo cáo là sai lệch.

Chủ tịch Tập đoàn Evergrande Xu Jiayin (L) và người sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn Alibaba Jack Ma tại Quảng Châu, Trung Quốc, vào ngày 5 tháng 6 năm 2014.
Chủ tịch Tập đoàn Evergrande Hứa Gia Ấn (Xu Jiayin) và người sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn Alibaba Jack Ma tại Quảng Châu, Trung Quốc, ngày 05/06/2014. (Ảnh: Getty Images)

Điều này không đáng ngạc nhiên khi năm 2012 cũng là thời điểm mà phe cánh của ông Giang đang làm mưa làm gió. Citron Research chỉ là một nạn nhân của quyền lực bất công mà thôi, dù tất cả những gì họ viết ra đến giờ đã trở thành sự thật. Và phe cánh của Giang Trạch Dân đã bảo vệ, dung dưỡng cho các mô hình Ponzi tài chính khổng lồ như vậy. Dĩ nhiên, họ không làm gì không công cả.

Tập đoàn Evergrande, trong khi không thể trả được nợ lãi đến hạn của khối trái phiếu khổng lồ, vẫn không ngừng chia cổ tức khủng. Tại sao? Bởi vì tiền bạc của Evergrande và CEO Hứa Gia Ấn của nó không tự dưng mà có. Evergrande là nền tảng kiếm tiền và CEO Hứa Gia Ấn rất có thể chỉ là ‘người được chọn’. Vì thế, cổ tức phải chia mạnh tay để đảm bảo tiền phải chảy về đúng chủ nhân đích thực đằng sau tập đoàn này; đó là gia tộc Giang Trạch Dân, là tập đoàn Giang - Tăng quyền lực.

Điều này lý giải tại sao ông Tập lại bỏ rơi Tập đoàn Evergrande và cũng lý giải vì sao rất nhiều mệnh lệnh của ông Tập về việc ngừng cho Tập đoàn Evergrande vay vẫn không có tác dụng. Các thế lực ngầm trong hệ thống tài chính của Giang Trạch Dân vẫn hoạt động tốt. Nhiều ngân hàng vẫn tiếp tục nuôi mô hình Ponzi của Evergrande. Họ, cũng giống như một số quan chức địa phương và tướng lĩnh trong quân đội, họ không hề nghe lời ông Tập.

Đó là một Evergrande của phe Giang đã bị bại lộ và thất thủ vậy mà ông Tập vẫn không hoàn toàn kiểm soát được. Còn bao nhiêu tổ chức kiếm tiền cho gia tộc Giang như Evergrande? Ông Tập cần và buộc phải làm sạch hệ thống này trong hiệp đấu lớn nhất cuộc đời với đối thủ sinh tử của ông ấy: Giang Trạch Dân.

Tiền bạc là gốc rễ của quyền lực - Không thắng hiệp này, ông Tập Cận Bình không thể yên ổn

Năm 1989, sau khi Giang Trạch Dân dẫm lên máu của các sinh viên trong sự kiện ngày 4 tháng 6 (Thảm sát Thiên An Môn) và leo lên vị trí cao nhất của ĐCSTQ, ông ta đã làm ba việc lớn: thứ nhất, biến ĐCSTQ thành đảng hủ bại nhất thế giới; thứ hai, biến ĐCSTQ trở thành đảng bán nước lớn nhất thế giới; thứ ba, biến ĐCSTQ thành đảng giết người "chưa từng có trên hành tinh này”.

Thời kỳ Giang Trạch Dân nắm quyền và làm “Thái thượng hoàng” (từ năm 1989-2012) là "thời kỳ hoàng kim" để các tham quan ô lại của ĐCSTQ "âm thầm phát đại tài". Giang Trạch Dân dùng "tham nhũng để điều hành đất nước", chủ yếu với hai thủ đoạn lớn: thứ nhất, đề bạt và trọng dụng hàng loạt các phần tử tham nhũng nghiêm trọng; thứ hai, phóng túng cho con trai ông ta là Giang Miên Hằng, vừa được thăng quan vừa tạo điều kiện cho làm kinh tế.

Là một cựu quan chức của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc, chính tai ông Vương Hữu Quần (Wang Youqun) - hiện là nhà phân tích bình luận chính sự ở hải ngoại, từng nghe Giang Trạch Dân nói tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương rằng: "Nếu xà [nhà] trên bất chính (không thẳng) thì xà dưới cong, xà giữa không thẳng thì đổ sập".

Là cựu lãnh đạo tối cao về chính trị và quân sự của ĐCSTQ, Giang Trạch Dân là “xà nhà trên cùng” của ĐCSTQ; Giang Miên Hằng, con trai của Giang Trạch Dân, cũng là “xà nhà trên cùng” trong nhóm con cái của quan chức ĐCSTQ.

Dưới sự lãnh đạo của hai "ngọn cờ đầu" Giang Trạch Dân và Giang Miên Hằng, vòi bạch tuộc tham nhũng trong ĐCSTQ đã len lỏi theo 2 con đường sau:

Đầu tiên là từ Giang Trạch Dân đến các quan chức cấp trung ương của đảng, chính phủ và quân đội, sau đó là các quan chức cấp cao của đảng, chính phủ và quân đội tại 31 tỉnh, khu tự trị và thành phố trực thuộc Trung ương của Trung Quốc, cho đến tận chủ nhiệm các ủy ban khu phố, thôn ở cấp cơ sở nhất, hầu như không có quan chức nào không tham nhũng.

Cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân (trái) và con trai Giang Miên Hằng. (Ảnh The Epoch Times tổng hợp)
Cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân (trái) và con trai Giang Miên Hằng. (Ảnh: The Epoch Times tổng hợp)

Thứ hai là từ Giang Miên Hằng đến con cái của tầng lớp quyền quý các cấp, bao gồm con trai, con gái, cháu trai, cháu gái, con rể, cháu rể, dì bảy dì tám… Tất cả đều dùng tiền đổi quyền, dùng quyền đổi tiền, dùng quyền đổi sắc, còn có kẻ giết người hại mệnh, không điều ác nào là không làm.

Hai dòng chảy đục bẩn này tuôn ra từ cội nguồn chung là "Gia tộc Giang Trạch Dân" và hòa vào các gia tộc quyền lực khác trong ĐCSTQ - được gọi với tên chung là "Tập đoàn lợi ích Giang Trạch Dân". Nó giống như trận hồng thủy do vỡ đập, dòng lũ cuồn cuộn tràn ra toàn Trung Quốc, rồi lan ra toàn thế giới. Ở mọi ngóc ngách trên thế giới, ở đâu có các quan chức ĐCSTQ, thì ở đó nhất định có giao dịch quyền, tiền, sắc.

Do Giang Trạch Dân là trùm cuối của tập đoàn tham nhũng này nên gia tộc nhà họ Giang cũng được coi là gia tộc tham nhũng số 1 trong đảng.

Vào tháng 4/2019, ông Miles Guo (Quách Văn Quý), một tỷ phú Trung Quốc sống lưu vong ở Hoa Kỳ, đã công bố thông tin rằng tài sản ở nước ngoài của gia đình Giang Trạch Dân có ít nhất 1 nghìn tỷ USD và 500 tỷ USD đã được rửa sạch. Các tài sản mà gia tộc này kiểm soát bao gồm quỹ, cổ phiếu, ngân hàng, quỹ tín thác, cổ phiếu năng lượng, cổ phiếu công nghệ, hợp đồng vàng kỳ hạn, bất động sản, công ty cổ phần ở nước ngoài, công ty xa bờ (offshore), v.v.

Nhưng như đã đề cập ở trên, ngay cả khi tập đoàn của Giang - Tăng không còn tại vị thì hệ thống tham nhũng, các tổ chức kinh tế tài chính, thậm chí là lừa đảo tài chính kiểu Ponzi như Evergrande, vẫn đang tiếp tục đục khoét Trung Quốc, lừa đảo người Trung Quốc kiếm tiền cho gia tộc Giang.

Chưa kể, bộ máy mổ cướp tạng siêu lợi nhuận của gia tộc Giang không thể ngừng lại. Ngừng lại hoặc công khai thì đồng nghĩa với việc ĐCSTQ sụp đổ; các cá nhân, tổ chức có liên quan buộc phải kết thúc sự nghiệp, thậm chí là sinh mệnh cho tội ác này. Do vậy, những ai đã dính tay vấy máu trong tội ác này thì họ cũng đồng thời trở thành con tin của Giang Trạch Dân và ĐCSTQ mất rồi. Họ không có đường lui. Đó là lý do, những người từng là tay chân của Giang buộc phải tử thủ đến cùng. Sinh mệnh của họ đã bị phụ thuộc vĩnh viễn vào vận mệnh của gia tộc Giang.

Bởi thế, cuộc chiến cuối cùng của ông Tập cho Giang sẽ là hiệp đấu về tài chính, nơi ông Tập phát hiện, cô lập, tái cấu trúc để thay nhân sự và chuyển hướng dòng máu tài chính của tổ chức phục vụ Giang sang phục vụ phe của ông Tập. Cuộc chiến cuối cùng của ông Tập về tài chính cũng không thể bỏ qua nguồn doanh thu siêu lợi nhuận, khổng lồ từ mổ cướp tạng; đảm bảo đuổi chuột mà không vỡ bình. Nếu không làm được điều này, ông Tập không thể thắng.

Mà ngay cả khi ông Tập thắng, liệu có khi nào ông Tập trở thành thế thân của tập đoàn quỷ Giang trong tội ác mổ cướp tạng chính người dân của mình hay không? Trừ phi ông ấy công khai tội ác này và vạch một lằn ranh đỏ giữa cá nhân ông và tội ác chống lại loài người khủng khiếp nhất hành tinh này.

Thanh Đoàn - Đông Phương

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của các tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

 



BÀI CHỌN LỌC

Thập diện mai phục - Cuộc chiến 10 năm chưa hồi kết của Tập Cận Bình và Giang Trạch Dân