Xuất hiện tiếng nói 'chống Tập': Giết người giàu không thể giúp người nghèo, chỉ có thể càng nghèo hơn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ông Lưu Thế Cẩm (Liu Shijin), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, đã bình luận trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng, giết người giàu không thể giúp người nghèo, cuối cùng sẽ chỉ dẫn đến "nghèo đói chung".

Hãng thông tấn Trung ương (CNA) đưa tin ngày 9/3 rằng, trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ông Lưu Thế Cẩm đã nói rằng “giết người giàu không nhất định có thể giúp người nghèo”. “Ba lần phân phối” phải tuân theo nguyên tắc tự nguyện, không thể “giết người giàu để giúp người nghèo". “Giết người giàu” không chỉ làm nản lòng nhiệt huyết của những người tự khởi nghiệp làm giàu, mà đối với nhóm thu nhập thấp, về lâu dài họ thực sự cũng không thể giàu lên, và kết cục cuối cùng chỉ có thể là "nghèo đói chung".

Hiện Trung Quốc đang trong thời gian “Lưỡng Hội” nhạy cảm. Đây là cuộc họp của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (tức Ủy ban Mặt trận Tổ quốc) và cuộc họp của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc (tức Quốc hội). Phát ngôn phản đối “thịnh vượng chung” của ông Lưu tại thời điểm này được cho là tiếng nói “chống Tập”.

"Thịnh vượng chung" được ông Tập Cận Bình đề xuất vào ngày 17/8 năm ngoái, thông qua "ba lần phân phối" của cải để đạt được cái gọi là thịnh vượng chung.

Một ngày sau khi ông Tập Cận Bình đề xuất "thịnh vượng chung", gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Tencent tuyên bố sẽ đầu tư 50 tỷ nhân dân tệ để trợ giúp "thịnh vượng chung". Sau đó, các công ty lớn khác cũng lần lượt đóng góp tiền bạc và sức lực để hỗ trợ "thịnh vượng chung". Alibaba cũng tuyên bố sẽ đầu tư 100 tỷ nhân dân tệ.

‘Thịnh vượng chung’ – phiên bản hiện đại của ‘đánh thổ hào, phân ruộng đất’

Ông Đường Tịnh Viễn (Tang Jingyuan), một nhà bình luận người Hoa ở Hoa Kỳ, nói với NTDTV rằng "thịnh vượng chung" về bản chất là một phiên bản hiện đại của "đánh thổ hào, phân ruộng đất".

"Cách gọi này thực sự là một thủ thuật che mắt. Mục đích thực sự của nhà chức trách là nhân danh thịnh vượng chung, dùng các biện pháp cưỡng chế để phân phối lại của cải và ‘cắt rau hẹ’ của người giàu”, ông Đường nói.

"Cắt rau hẹ" là ám chỉ việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bóc lột của cải của các giới và các tầng lớp người dân Trung Quốc. Rau hẹ là một loại rau dễ trồng, hễ cắt lại mọc, giống như xén lông cừu.

Ông Tần Bằng (Qin Peng), một nhà bình luận tài chính, cho rằng "ba lần phân phối" mà ĐCSTQ đề xuất thực chất là công khai yêu cầu những người giàu có hãy thức thời và nhanh chóng quyên góp, thà là của đi thay người, chủ động hơn là rơi vào thế bị động.

Sau khi chính quyền Bắc Kinh đề xuất "thịnh vượng chung", giới doanh nghiệp và ngành giải trí thu nhập cao cũng bị ảnh hưởng, hàng loạt nghệ sĩ ngôi sao bị điều tra và phải nộp khoản thuế khổng lồ. Những người nổi tiếng trên nền tảng phát sóng trực tiếp (Livestream) cũng trở thành "rau hẹ". “Nữ hoàng Livestream” Vi Á (Viya) của Trung Quốc bị cáo buộc trốn thuế và nộp phạt 1,3 tỷ nhân dân tệ. Kể từ đó, một số người Livestream nổi tiếng khác cũng bị phạt.

Giáo sư Bắc Kinh bàn về kinh tế thị trường và thịnh vượng chung

Ông Trương Duy Nghênh (Zhang Weiying), Giáo sư kinh tế tại Đại học Bắc Kinh, từng cảnh báo rằng việc vận hành “thịnh vượng chung” không đúng cách có thể dẫn đến "nghèo đói chung".

Vào ngày 1/9/2021, ông Trương đã xuất bản một bài báo có tiêu đề "Kinh tế thị trường và thịnh vượng chung" trên trang web của "Diễn đàn Kinh tế Trung Quốc 50 người" (Chinese Economists 50 Forum, CE50). CE50 là một diễn đàn kinh tế quan trọng ở Trung Quốc, do ông Lưu Hạc (Liu He), Phó Thủ tướng đương nhiệm của Quốc vụ viện Trung Quốc, dẫn đầu thành lập vào năm 1998.

Ông nói rằng nền kinh tế thị trường là hy vọng cho thịnh vượng chung, nếu “chính phủ ngày càng can thiệp nhiều, Trung Quốc chỉ có thể tiến tới nghèo đói chung”. "Từ lịch sử có thể thấy, lực lượng lớn nhất phản đối kinh tế thị trường là giai cấp đặc quyền và các nhóm lợi ích”.

Giáo sư Trương nói, "Chúng ta phải hiểu rằng, về mặt hình thức thì tiền để xóa đói giảm nghèo là do chính phủ hoặc tổ chức từ thiện đưa ra, còn về bản chất là do các nhà doanh nghiệp làm ra. Những gì chính phủ và các tổ chức từ thiện có thể làm chỉ là chuyển của cải từ nhóm người này sang nhóm người khác, [số tiền ấy] không thể nào tự dưng mà có. Chính các doanh nhân mới là người tạo ra của cải…”. “Nếu các doanh nhân không còn tích cực tạo ra của cải thì chính phủ sẽ không có tiền để chi trả, cũng sẽ không còn cơ sở để làm từ thiện".

Chuyên gia: ĐCSTQ dùng ‘Thịnh vượng chung’ để lừa dối người dân, làm giàu và củng cố chính quyền

Ông Trần Phá Không (Chen Pokong), một nhà bình luận về các vấn đề thời sự ở Mỹ, từng thẳng thắn cho rằng, "thịnh vượng chung" không phải là giết người giàu để giúp người nghèo, mà là giết người giàu để giúp người giàu, giết người giàu để giúp quan chức, và giết người giàu để cứu giúp chính phủ. Số tiền mà nhà cầm quyền thu được từ giới giải trí và doanh nghiệp sẽ không bao giờ được phân phối cho dân chúng, mà sẽ đi thẳng vào ngân khố của ĐCSTQ, thậm chí là chảy vào túi của những người cầm quyền.

“Thịnh vượng chung" được đưa ra trong bối cảnh chi tiêu tài chính của ĐCSTQ đang gặp khó khăn. Theo một báo cáo do Viện Khoa học Tài chính Trung Quốc công bố, chênh lệch thu chi tài chính năm 2021 là khoảng 4,7 nghìn tỷ nhân dân tệ, và quy mô chênh lệch sẽ tiếp tục mở rộng trong vài năm tới. Dự kiến, chênh lệch này sẽ đạt 10,7 nghìn tỷ nhân dân tệ vào năm 2025. Giới lãnh đạo cấp cao nhất Trung Quốc cũng đã nhiều lần cảnh báo rằng, các chính quyền địa phương phải “sống thắt lưng buộc bụng”.

Ông Cao Nhân Sơn (Gao Renshan), Phó giáo sư tại Đại học Nguyên Trí (Yuan Ze University) ở Đài Loan, nói với The Epoch Times rằng "thịnh vượng chung" là một phương pháp được ĐCSTQ sử dụng để duy trì ổn định xã hội, lừa dối để nhận được sự ủng hộ của người dân và củng cố chính quyền ĐCSTQ.

Đông Phương

Theo NTD tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Xuất hiện tiếng nói 'chống Tập': Giết người giàu không thể giúp người nghèo, chỉ có thể càng nghèo hơn