Vaccine COVID-19 dạng hít: Nghiên cứu mới gây tranh cãi về hiệu quả của vaccine tiêm bắp

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà khoa học từ Trung Quốc đã tạo ra một loại vaccine ngừa COVID-19 dạng hít mà họ tuyên bố mang lại “sự bảo vệ hiệu quả”, có khả năng chống lây nhiễm dựa trên các nghiên cứu trên động vật. Tuy nhiên, điều này cũng vô tình dẫn đến một bê bối lớn liên quan đến vaccine dạng tiêm truyền thống.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature vào ngày 13 tháng 12, đề cập đến việc các nhà khoa học đã thử nghiệm "vaccine dạng bột khô, hít một lần, nhắm tới SARS-CoV-2" do họ phát triển.

Vaccine này sử dụng các hạt nano chứa kháng nguyên SARS-CoV-2, hay chất kích thích hệ thống miễn dịch tạo kháng thể chống lại virus.

Các nhà nghiên cứu đã thiết kế vaccine nhắm đến nhiều dòng biến thể COVID-19 khác nhau. Kích thước các hạt nano này từ 1 đến 4 micromet, được tối ưu hóa để lắng đọng trong vùng phổi sâu.

Người ta phát hiện ra loại vaccine này có khả năng “sản xuất mạnh mẽ IgG và IgA”, hai loại kháng thể. Nó cũng gây ra phản ứng từ các tế bào T cục bộ, một loại tế bào bạch cầu giúp chống lại vi trùng.

Nói chung, điều này mang lại “sự bảo vệ hiệu quả” chống lại COVID-19 ở chuột, chuột đồng và các loài linh trưởng không phải con người.

Nghiên cứu lưu ý rằng trong khi nhiều sản phẩm tiêm chủng qua đường mũi đang được phát triển, thì nhiều sản phẩm trong số đó chỉ giới hạn tác dụng chủ yếu ở khoang mũi.

Ngược lại, vaccine dạng hít nói trên "có thể thâm nhập sâu hơn và rộng hơn (vào các đường thở lớn và nhỏ)". Điều này có thể mang lại lợi ích đến cả đường hô hấp dưới.

Vaccine này cũng cho thấy hiệu quả hứa hẹn về khả năng “sẵn sàng đáp ứng” trước sự lưu hành đồng thời của nhiều chủng COVID-19 trong tương lai, và ngăn chặn sự lây truyền của biến thể Omicron, vốn khá phổ biến ở Hoa Kỳ.

Nghiên cứu lưu ý rằng các loại vaccine COVID-19 hiện tại được tiêm qua bắp tay để giảm bớt tình trạng nhiễm trùng. Tuy nhiên, “vaccine được tiêm bắp không cung cấp biện pháp bảo vệ đầu tiên ở đường hô hấp do thiếu hụt kháng thể IgA và IgG”.

Nhiều vaccine dạng tiêm mũi đang được phát triển hoặc phê duyệt để khắc phục hạn chế về đường tiêm truyền thống.

Tuy nhiên, những vaccine này "ở dạng lỏng, đòi hỏi chuỗi vận chuyển và bảo quản lạnh, và thường cần tiêm mũi hai hoặc ba lần hoặc sử dụng vaccine tăng cường khác nguồn".

Những hạn chế này “đã thúc đẩy” các nhà nghiên cứu phát triển “một loại vaccine bột khô thích hợp để hít một liều duy nhất”.

Nghiên cứu cho biết: “Việc tiêm vaccine dạng hít giải quyết một vấn đề sức khỏe cộng đồng đã biết, trong đó kiểu tiêm này được ưa chuộng hơn so với tiêm truyền thống và chế độ tiêm một liều duy nhất thuận lợi cho việc tăng đáng kể tỷ lệ tiêm chủng hoàn chỉnh”.

Nó cho biết: “Hơn nữa, dạng bột khô của vaccine có thể giúp tiết kiệm chi phí bảo quản và vận chuyển, có khả năng tăng cường độ bao phủ tiêm chủng đến các vùng sâu vùng xa”.

Vaccine dạng bột khô này sử dụng một nang siêu nhỏ được tạo thành từ vật liệu đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt, do đó thúc đẩy triển vọng "chuyển dịch lâm sàng" của vaccine.

“Chúng tôi hình dung rằng vaccine dạng hít có thể đóng vai trò là nền tảng đa hóa trị đầy hứa hẹn để chống lại COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp khác”.

Nghiên cứu đã nhận được tài trợ từ Quỹ khoa học tự nhiên quốc gia Trung Quốc, Quỹ khoa học tự nhiên Bắc Kinh, Dự án CAS dành cho các nhà khoa học trẻ trong nghiên cứu cơ bản, Chương trình nghiên cứu và phát triển trọng điểm quốc gia của Trung Quốc, Chương trình nghiên cứu ưu tiên chiến lược của Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc, Quỹ đổi mới CAMS cho khoa học y tế và các dự án đặc biệt về khoa học và công nghệ lớn của tỉnh Vân Nam.

Vụ bê bối khổng lồ

Một bài báo trên tạp chí Nature xuất bản ngày 13 tháng 12 năm 2023 bình luận về nghiên cứu vaccine dạng bột khô, gọi đây là một "phương pháp độc đáo" để đối phó với COVID-19.

Tuy nhiên, bài báo lưu ý rằng "độ an toàn và hiệu quả miễn dịch của vaccine vẫn cần được kiểm chứng thông qua các thử nghiệm lâm sàng trên người".

Các nhà nghiên cứu "chỉ ra rằng vaccine dạng bột khô này ổn định ở nhiệt độ phòng trong ít nhất một tháng, nhưng cần thiết nghiên cứu thêm về thời gian ổn định ở nhiệt độ phòng trở lên, và vaccine xuống cấp sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả miễn dịch như thế nào".

Bài báo đặt câu hỏi liệu vaccine dạng bột khô có kích thước 1-4 micromet này có an toàn và kích thích phản ứng miễn dịch khi hít vào hay không, đồng thời làm dấy lên lo ngại về nguy cơ "viêm nhiễm không mong muốn".

Về hiệu quả của vaccine dạng bột khô đối với các biến thể COVID-19 mới nổi, bài báo lưu ý rằng nghiên cứu cho thấy khả năng đưa kháng nguyên gai của nhiều biến thể virus COVID-19 vào vaccine. Tuy nhiên, bài báo nêu rõ "hiệu quả bảo vệ của vaccine chưa được đánh giá".

Bên cạnh đó, "việc thường xuyên cập nhật kháng nguyên gai trong vaccine có thể không phải là giải pháp khả thi cho sự xuất hiện của các chủng mới, vì SARS-CoV-2 tiến hóa nhanh chóng và do đó tránh bị kháng thể nhắm đến".

Bài báo gây tranh cãi vì tuyên bố "vaccine tiêm bắp không tạo được miễn dịch ở niêm mạc đường thở, vốn là nơi virus SARS-CoV-2 xâm nhập".

Trong một bài đăng trên nền tảng X ngày 14 tháng 12 năm 2023, tác giả pháp lý Hans Mahncke cho biết: "Có một vụ bê bối khổng lồ đang manh nha ở đây. Một nghiên cứu mới trên Nature nay khẳng định rằng 'vaccine' mRNA, về bản chất của chúng, không bao giờ có khả năng ngăn chặn sự lây lan. Không thể thực hiện được trên lý thuyết và thực tế. Tuy nhiên, đó là cái cớ được sử dụng để buộc mọi người tiêm thứ này".

Cũng trong một bài đăng trên X ngày 15 tháng 12 năm 2023, người dẫn chương trình podcast Kyle Becker viết: "Tôi đã báo cáo về điều này từ nhiều năm trước. Cơ chế hoạt động của protein gai không giúp lớp biểu mô miễn nhiễm với nhiễm trùng. Do đó, nó vẫn có thể lây lan qua hắt hơi và ho. Nature hơi chậm chân".

Tương tự, tác giả Dana Parish nói: "Vaccine tiêm bắp không tạo được miễn dịch niêm mạc ở đường thở (nơi SARS2 xâm nhập). Đây là lý do tại sao chúng không ngăn chặn sự lây lan của COVID. Cũng không giúp ích gì nhiều trong việc ngăn ngừa các triệu chứng COVID kéo dài. Vì vậy, hãy gác lại chuyện ngụ ngôn đó và tập trung vào việc chặn đường lây nhiễm".

Theo Naveen Athrappully - The Epoch Times
Bảo Vy

Naveen Ahrappully là một phóng viên tin tức đưa tin về các sự kiện kinh doanh và thế giới tại The Epoch Times.



BÀI CHỌN LỌC

Vaccine COVID-19 dạng hít: Nghiên cứu mới gây tranh cãi về hiệu quả của vaccine tiêm bắp