Vết đen mặt trời lớn gấp 10 lần Trái đất, phóng tia lóa cực mạnh về phía chúng ta

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một vết đen khổng lồ đang phát triển nhanh chóng trên bề mặt Mặt trời đã giải phóng một tia lóa cấp X - loại tia lóa mặt trời hay ngọn lửa mặt trời (solar flare) cấp độ mạnh nhất. Khi cơn bão mặt trời này ập vào hành tinh của chúng ta, nó đã gây ra sự cố mất sóng vô tuyến tạm thời ở một số vùng của Hoa Kỳ và các nơi khác, nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng tình hình có thể còn tồi tệ hơn nhiều.

Vết đen khổng lồ, có tên AR3354, xuất hiện trên bề mặt Mặt trời vào ngày 27/6. Trong vòng 48 giờ, nó đã phát triển để bao phủ khoảng 13,5 tỷ kilômét vuông, rộng hơn 10 lần Trái đất. Theo Spaceweather.com, các nhà khoa học thời tiết vũ trụ đã rất lo lắng về sự phát triển nhanh chóng của vết đen khổng lồ này và sợ rằng nó có thể tạo ra một loạt các cơn bão mặt trời có khả năng gây hại.

Sau khi phát triển đến kích thước đầy đủ, vết đen mặt trời tạo ra một tia lóa cấp M khá lớn vào ngày 29/6. Và đến ngày 2/7, nó đã phun ra một tia lóa cấp X nhắm thẳng vào hành tinh của chúng ta. Các cấp độ tia lóa mặt trời bao gồm A, B, C, M và X, và cấp độ sau mạnh hơn ít nhất 10 lần so với cấp độ trước.

Bức xạ từ tia lóa khổng lồ cấp X lao vào từ trường của Trái đất và làm ion hóa các chất khí ở tầng trên của khí quyển, biến các phân tử thành plasma. Kết quả là các tín hiệu vô tuyến bị phân tán, gây mất sóng vô tuyến ở phía tây Hoa Kỳ và một số vùng ở phía đông Thái Bình Dương, theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA).

Sự gián đoạn kéo dài khoảng 30 phút, nhưng mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn nhiều: Ban đầu, các nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng tia lóa có thể đã tạo ra một vụ phun trào nhật hoa (CME) - một đám mây plasma từ hóa chuyển động nhanh. Nếu có một CME từ tia lóa có khổng lồ này tấn công Trái đất, nó có thể sẽ gây ra bão địa từ, một sự gián đoạn lớn đối với từ trường của hành tinh chúng ta. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng mất sóng vô tuyến trên phạm vi rộng lớn hơn, ảnh hưởng đến một nửa hành tinh, cũng như có khả năng làm hỏng các vệ tinh quay quanh Trái đất và ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng điện trên bề mặt hành tinh chúng ta. Nhưng may mắn thay, không có CME nào xảy ra.

Vết đen A3354 vẫn chưa giảm kích thước và vẫn có khả năng phun ra nhiều tia lóa cấp M và X hơn trong những ngày tới, và vẫn có thể phóng các CME về phía Trái đất.

Dấu hiệu của giai đoạn cực đại của Mặt trời đang đến gần

Các vết đen mặt trời sẽ trở lớn hơn và xảy ra thường xuyên hơn khi Mặt trời đạt đến giai đoạn cực đại (solar maximum) - giai đoạn hoạt động mạnh nhất trong chu kỳ mặt trời khoảng 11 năm của nó. Trong thời giai đoạn cực đại, số lượng cũng như cường độ của các vết lóa mặt trời sẽ tăng lên.

Chu kỳ mặt trời hiện tại chính thức bắt đầu vào tháng 12/2019 và các nhà khoa học dự đoán nó sẽ đạt đỉnh vào năm 2025 và sẽ không ấn tượng bằng các chu kỳ mặt trời trước đây. Tuy nhiên, Live Science gần đây đã báo cáo rằng giai đoạn cực đại này có thể sẽ đến sớm hơn và mạnh hơn so với dự kiến ​​ban đầu. Tia lóa mặt trời mới nhất, A3354, là một dấu hiệu cho thấy giai đoạn cực đại của mặt trời đang đến gần.

A3354 là vết đen mặt trời lớn nhất xuất hiện trong năm nay và lớn thứ hai trong chu kỳ mặt trời hiện tại, theo SpaceWeatherLive.com. Tổng số vết đen mặt trời cũng đang tăng nhanh hơn dự kiến: Trong 28 tháng qua, Mặt trời đã xuất hiện nhiều vết đen hơn so với dự đoán của các chuyên gia, theo NOAA.

Tia lóa mặt trời cấp X vừa tấn công Trái đất là lần thứ chín các tia lóa mặt trời thuộc cấp độ này xảy ra trong năm nay. Số lượng này tương đương với số lượng của cả năm 2021 và 2022 cộng lại.

Bầu khí quyển phía trên của Trái đất cũng đang thay đổi khi nó liên tục nhận được bức xạ mặt trời: Tầng nhiệt, tầng khí quyển thứ hai của Trái đất, hiện đang nóng lên nhanh hơn so với 20 năm qua sau khi bị các cơn bão địa từ bắn phá.

Theo Livescience

Văn Thiện biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Vết đen mặt trời lớn gấp 10 lần Trái đất, phóng tia lóa cực mạnh về phía chúng ta