Nuôi dưỡng hệ vi sinh vật đường ruột (Phần 6): Quyết định khả năng chống lại ung thư

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong loạt bài “Nuôi dưỡng hệ vi sinh vật đường ruột”, chúng tôi sẽ chia sẻ những phát hiện mới nhất trong lĩnh vực này của y tế, làm thay đổi cách tiếp cận với bệnh tật, đưa ra các chiến lược mới để chữa và ngăn ngừa bệnh tật.

Hãy nuôi dưỡng hệ vi sinh vật đường ruột của chúng ta để ngăn chặn hàng loạt bệnh tật và cả khả năng chống lại ung thư.

Một số nghiên cứu đang dần tiết lộ những phẩm chất kỳ diệu của vi khuẩn trong đường ruột của chúng ta, bao gồm cả khả năng làm giảm nhẹ những căn bệnh gây chết người đang ngày càng phổ biến như ung thư và bệnh tim.

Tập hợp vi khuẩn, virus và nấm, vốn chiếm khoảng 70% hệ thống miễn dịch của chúng ta, đã trở thành một chủ đề lớn cho các nhà nghiên cứu cũng như các tác giả. Các nghiên cứu đã cho thấy các tổn thương đường ruột do kháng sinh, glyphosate, đường và căng thẳng gây ra có thể đảo ngược được. Hệ vi sinh vật đường ruột của chúng ta cũng có thể phục hồi và chống lại ung thư.

Làn sóng những khám phá trong hai thập kỷ qua đã tiếp sức cho niềm hy vọng mới: Nếu nuôi dưỡng những vi sinh vật trong ruột của mình, chúng có thể thực hiện việc ngăn ngừa và thậm chí chống lại bệnh tật, chống lại ung thư.

Theo Tiến sĩ William Li, một bác sĩ và tác giả của một số cuốn sách nổi tiếng thế giới, đây chính là cơ sở cho niềm tin rằng sức khỏe của vi khuẩn đường ruột chính là sức khỏe của con người. Cuốn sách mới nhất của ông: “Eat to Beat Your Diet” (tạm dịch: Chế độ ăn khoẻ mạnh) tập trung vào quá trình trao đổi chất, vai trò chính của vi khuẩn đường ruột của chúng ta.

“Bạn có thể thấy rằng sức khỏe của vi khuẩn đường ruột có tầm quan trọng sâu sắc đối với sức khỏe tổng thể của chúng ta”, tiến sĩ Li nói với The Epoch Times. “Những vi khuẩn này sống hòa hợp với nhau, trong đó hầu hết các vi khuẩn đều sở hữu các chức năng quan trọng”.

Một loại vi khuẩn cụ thể mà Tiến sĩ Li muốn nêu bật là Akkermansia muciniphila (A. muciniphila), có vai trò đối với quá trình trao đổi chất, trọng lượng cơ thể, miễn dịch phòng vệ và sức khỏe tinh thần. Ta thường tìm thấy vi khuẩn này trong ruột của những người có thể hình cân đối mà không thấy nó ở những người béo phì

Một loại vi khuẩn chống lại ung thư

Akkermansia, được tìm thấy trong ruột người khỏe mạnh nhờ một nghiên cứu năm 2015. Nó là một dấu hiệu quan trọng dự đoán khả năng phản ứng tốt hơn với liệu pháp miễn dịch ung thư, một phương pháp điều trị nhằm tăng cường hệ thống miễn dịch của chính bệnh nhân để chống lại căn bệnh này.

Nghiên cứu này, được đăng trên tạp chí Science, tìm cách xác định lý do tại sao chỉ có khoảng 20% bệnh nhân được điều trị thành công với thuốc ức chế kiểm soát miễn dịch, một loại thuốc tác động lên cơ chế truyền tín hiệu của tế bào miễn dịch. Mặc dù ít khắc nghiệt hơn hóa trị liệu, nhưng nó vẫn có các tác dụng phụ phổ biến như là phát ban, tiêu chảy và mệt mỏi.

Từ các mẫu phân của bệnh nhân ung thư phổi và ung thư thận cho thấy những người không đáp ứng với liệu pháp miễn dịch có mức A. muciniphila thấp. Điều đó đã kích hoạt nghiên cứu về vai trò của hệ vi sinh vật chống lại ung thư.

“Với một hệ thống miễn dịch được kích hoạt tốt, bệnh ung thư giai đoạn 3 hoặc giai đoạn 4 có thể được đảo ngược về 0”. Tiến sĩ Li cho biết. “Một số nghiên cứu hiệu quả, mở mang tầm mắt nhất trong 5 năm qua là những nghiên cứu trên bệnh nhân ung thư, tìm hiểu xem một số vi khuẩn có trong ruột của những người bệnh có đáp ứng với phương pháp điều trị mạnh mẽ này không”.

“Điều đó khiến sức khỏe đường ruột trở thành vấn đề sinh tử.”

Một ví dụ đáng chú ý khác mà TS. Li đã chia sẻ là một nghiên cứu năm 2021 trên tạp chí Science về một số bệnh nhân u hắc tố bào tiến triển được điều trị bằng liệu pháp miễn dịch. Người ta thấy ở những bệnh nhân này cứ mỗi 6 gam chất xơ mà họ bổ sung vào chế độ ăn, tỷ lệ tử vong giảm 30%.

“Điều đó thật kỳ diệu”, ông nói. “Những gì chúng ta đang tìm ra thật kỳ diệu, cực kỳ ấn tượng, có thể thay đổi cuộc chơi… nhưng chúng ta vẫn còn biết được rất ít.” Đây là một ví dụ về sự hạn chế trong hiểu biết của chúng ta, chính nghiên cứu trên đã không tìm thấy sự thay đổi nào trong cấu trúc hệ vi sinh vật ở những bệnh nhân tăng cường chất xơ và cũng không tìm thấy lợi ích gì nếu chỉ bổ sung men vi sinh (probiotíc) đơn độc. Những kết quả nghiên cứu không phải lúc nào cũng như mong đợi.

Vi khuẩn bảo vệ trái tim của bạn

Mặc dù các cơ chế hơi phức tạp, nhưng có rất nhiều bằng chứng cho thấy trao đổi chất trong hệ vi sinh vật tác động đến sự điều hòa huyết áp, cholesterol, viêm mạch máu, xơ vữa động mạch và tích tụ canxi trong động mạch.

Một bài đánh giá nghiên cứu năm 2020 trên tạp chí Circulation Research lưu ý: “Các cách tiếp cận mới nhắm tới vi khuẩn đường ruột với mục tiêu để phòng và điều trị các bệnh tim mạch (CVDs) cho thấy đây là lĩnh vực nghiên cứu lôi cuốn”. Nghiên cứu xem xét sáu con đường liên kết từ đường ruột đến bệnh tim. “Mặc dù kiến thức của chúng ta về tác động của hệ vi sinh vật đối với bệnh tim mạch (CVD) vẫn còn sơ đẳng, nhưng tốc độ xuất hiện của những khám phá mới thật ấn tượng.”

Cũng theo bài đánh giá trên, loài vi khuẩn A. muciniphila, vốn đóng vai trò quan trọng trong liệu pháp miễn dịch, dường như cũng là chìa khóa đối với việc giảm thiểu các nguy cơ liên quan đến bệnh tim. Có vẻ như nó có thể làm giảm chứng xơ vữa động mạch chủ, một yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch. Nó cũng đang được xem xét, như là một phương pháp điều trị, và đang trong giai đoạn nghiên cứu trên người. Trong một thử nghiệm có giả dược, người ta thấy nó làm giảm lipopolysaccharide huyết tương ở những người béo phì và mắc hội chứng chuyển hóa.

Lipopolysaccharides (LPS) là các phân tử lớn được tạo thành từ chất béo và polycarbohydrates được tìm thấy trên một nửa hoặc hơn số các vi khuẩn đường ruột, bao bọc và bảo vệ vi khuẩn khỏi bị muối mật tiêu hóa. Nhưng khi LPS thoát khỏi ruột kết đi vào máu, nó sẽ trở thành một loại nội độc tố – gây ra cơn bão viêm. LPS là một dấu hiệu sinh học của nhiễm trùng trong cơ thể và nó cũng được sử dụng để tạo ra phản ứng viêm trong các nghiên cứu trên động vật .

LPS có liên quan đến bệnh tim và bệnh Alzheimer. Tạp chí Miễn dịch học Thần kinh (Journal of Neuroimmunology) năm 2008 công bố các bằng chứng cho thấy huyết tương của bệnh nhân Alzheimer có LPS cao gấp ba lần so với người đối chứng khỏe mạnh.

Số lượng to lớn của các hệ vi sinh vật kết hợp tính cá biệt của mỗi hệ đơn lẻ làm cho nghiên cứu thêm phức tạp. Chẳng hạn, một nghiên cứu về loài gặm nhấm được đăng trên Circulation vào năm 2017 cho thấy chế độ ăn nhiều chất xơ hoặc sản phẩm vi sinh vật có thể làm giảm huyết áp và cải thiện sức khỏe tim mạch của chúng ta.

Tất nhiên, hệ vi sinh vật chỉ là một mặt của hệ miễn dịch con người, vốn có một vai trò đối với bệnh tim. Bộ phận khác của hệ thống miễn dịch là các tế bào miễn dịch và các thụ thể vitamin D được tìm thấy trên hầu hết các tế bào đó. Quá khứ xa hơn vài năm trước đây, cũng còn chưa tìm thấy mối liên hệ nào giữa vitamin D và hệ vi sinh vật.

Sự kết nối của Vitamin D

Hệ vi sinh vật được điều khiển chủ yếu thông qua chế độ ăn uống, nhưng thực phẩm là nguồn cung cấp vitamin D nghèo nàn. Loại vitamin này thực sự hoạt động giống như một hormone hơn là một vitamin trong cơ thể. Trong ruột không có thụ thể của vitamin D; tuy nhiên, nghiên cứu mới đang chỉ ra vai trò của vitamin D đối với sức khỏe của hệ vi sinh vật.

Khi da (không có kem chống nắng) tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, đặc biệt là vào khoảng buổi trưa, Vitamin D được tạo ra một cách tự nhiên. Với lối sống trong nhà hiện đại của chúng ta, vitamin D chủ yếu dựa vào chất bổ sung. Ai cũng biết rằng vitamin D làm giảm viêm nhiễm.

Có một cơ chế chống viêm quan trọng khác liên quan đến các axit béo chuỗi ngắn (SCFA). Chúng là các chất sản phẩm chuyển hóa được tạo ra khi vi khuẩn ăn chất xơ trong ruột kết. SCFA có khả năng dập tắt các đám cháy viêm khắp cơ thể.

Tại Hội nghị về Hệ vi sinh vật tổ chức ở Malibu, Leigh A. Frame, phó giám đốc Trung tâm Sức khỏe & Khả năng phục hồi của Đại học George Washington, nói với các bác sĩ rằng SCFA tăng cường khả năng thúc đẩy các peptide kháng khuẩn của vitamin D. Những peptides này được các tế bào biểu mô và miễn dịch tiết ra để bảo vệ hàng rào ruột. Những peptide mạnh mẽ này gắn với LPS và điều chỉnh sự biểu hiện của các cytokine, điều này có vai trò chống viêm đối với bệnh tật, nhiễm trùng và ung thư.

Frame, một chuyên gia dinh dưỡng và hệ vi sinh vật, cho biết: “Một điều chúng tôi biết là axit béo chuỗi ngắn tăng cường vitamin D để xây dựng hàng rào ruột,”

Một bài báo trên một tạp chí y khoa Nhật Bản năm 2020 đã kết luận rằng vitamin D kiểm soát biểu hiện của peptide kháng khuẩn, cũng như điều chỉnh chức năng của hệ vi sinh vật đường ruột và có tác dụng bảo vệ hàng rào biểu mô của niêm mạc ruột.

Một nghiên cứu khác trên Tạp chí Khoa học Phân tử Quốc tế đặc biệt năm 2021 đã báo cáo rằng việc bổ sung vitamin D có tác dụng giảm viêm ở những người mắc bệnh viêm ruột (IBD), cũng như cải thiện cấu trúc của hệ vi sinh vật.

Các bệnh về đường ruột và hướng điều trị

Theo Tiến sĩ Ari Grinspan, phó giáo sư y khoa và giám đốc chương trình cấy ghép hệ vi sinh vật trong phân, bệnh viện Mount Sinai, các bệnh về đường ruột như IBD là bệnh của nền văn minh phương Tây—không phải do di truyền mà là do lối sống, đánh dấu bởi việc tiếp xúc với hóa chất và phá vỡ hàng rào bảo vệ ruột.

Ông nói với The Epoch Times rằng nơi chân trời có sự hứa hẹn rằng thay đổi cấu trúc hệ vi sinh vật có thể có tác động đáng kể đối với các bệnh nghiêm trọng.

“Có rất nhiều tiềm năng. Chúng ta phải lạc quan một cách thận trọng. Rất nhiều thứ trong số này sẽ không thành công. Nhưng có thể sẽ có một nhóm nhỏ bệnh nhân mà chúng tôi có thể giúp đỡ bằng những sự thay đổi của hệ vi sinh vật. Đó là lý do tại sao tôi rất hào hứng chờ xem điều này sẽ dẫn chúng ta đến đâu trong tương lai.”

Theo The Epoch Times

Quân Dương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Nuôi dưỡng hệ vi sinh vật đường ruột (Phần 6): Quyết định khả năng chống lại ung thư