'Xác chết biết đi' phơi bày bộ mặt thật của ĐCSTQ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Dưới sự cai trị của ĐCSTQ, người dân bị biến thành xác sống không có linh hồn, phải hành xử trái với lương tâm theo lệnh của đảng. Người dân không muốn tàn nhẫn, nhưng toàn xã hội bị buộc phải tàn nhẫn. Đối với ĐCSTQ, con người chỉ hữu ích vì họ có thể được thuần hóa và sử dụng như công cụ.

Ít ai ở Mỹ có thể tưởng tượng được việc sống dưới một chế độ như Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có nghĩa là như thế nào. Bộ phim tài liệu của EpochTV, “China’s Walking Dead” (Xác sống Trung Quốc), phát sóng ngày 03/09, đã cung cấp cái nhìn thoáng qua về thế giới dị thường dưới sự cai trị của ĐCSTQ, vốn hầu như bị che giấu trước công chúng Mỹ cho đến nay.

Người dẫn chương trình “American Thought Leaders” Jan Jekielek đã có cuộc nói chuyện với bà Kay Rubacek - nhà làm phim từng đoạt giải thưởng, tác giả của “Who Are China’s Walking Dead” (Xác sống Trung Quốc là những ai) và cựu người dẫn chương trình “Life & Times” của NTD. Để hiểu thế giới quan của những người phục vụ cho ĐCSTQ, bà Rubacek đã nghiên cứu sâu rộng các tài liệu và bài phát biểu chính thức của các quan chức ĐCSTQ và phỏng vấn các cựu quan chức trong đảng.

'Xác chết biết đi' phơi bày bộ mặt thật của ĐCSTQ
Hình ảnh từ cảnh quay video trong “China’s Walking Dead”. (Ảnh: EpochTV)

Bộ mặt thật của ĐCSTQ

Khi phỏng vấn các cựu quan chức, bà Rubacek nhận thấy rằng những người thực hiện mệnh lệnh của ĐCSTQ phải tách biệt hành động với lương tâm. Bà giải thích rằng mọi thứ do ĐCSTQ thực hiện đều tập trung vào việc duy trì kiểm soát toàn diện. Mọi thứ mà phần còn lại của thế giới nhìn thấy, bao gồm cả nền kinh tế và cơ sở hạ tầng của Trung Quốc, đều ở trên bề mặt.

Tuy nhiên, những gì đang diễn ra đằng sau bức màn của ĐCSTQ vẫn không thay đổi kể từ khi nó ra đời. Các mục tiêu và đích đến của nó vẫn như cũ, cũng như các chiến thuật của nó.

Nhiều người ở phương Tây ca ngợi mô hình độc tài của ĐCSTQ, bất chấp những hành động tàn bạo vi phạm nhân quyền của đảng này. Họ có thể nghĩ rằng ĐCSTQ đã thay đổi, nhưng đây là một ảo tưởng.

Ví dụ, chế độ này tuyên bố không có lao động cưỡng bức, thay vào đó, họ gọi các cơ sở lao động cưỡng bức của họ là “trung tâm cai nghiện ma túy”. Điều này nghe có vẻ lành tính với những người ở phương Tây, nhưng theo bà Rubacek, đó là một lời nói dối. Việc phỏng vấn các quan chức, những người đã tận mắt chứng kiến những gì xảy ra trong chế độ ấy, đã cho bà ấy một góc nhìn hoàn toàn khác.

Bà Rubacek nói rằng luật pháp ở Trung Quốc tồn tại theo kiểu mafia: tất cả là về việc bạn biết ai, ai chống lưng cho bạn và ai sắp đâm sau lưng bạn. Ngay cả các quan chức hàng đầu cũng không thể giữ cho thành viên trong gia đình không bị tra tấn đến chết.

Bà Rubacek phỏng vấn hàng chục cựu quan chức ĐCSTQ đã đào tẩu sang nhiều nước khác nhau. Các nhà ngoại giao, mật vụ, sĩ quan trong quân đội và trong trại lao động, cũng như các nhà tuyên truyền đã nói với bà sự thật về việc sống dưới chế độ ĐCSTQ. “Bất kỳ và tất cả các phương tiện đều hợp pháp”, một người nói về các chỉ thị nhằm tiêu diệt nhóm tín ngưỡng Pháp Luân Công.

'Xác chết biết đi' phơi bày bộ mặt thật của ĐCSTQ
Hình ảnh từ “China’s Walking Dead”. (Ảnh: EpochTV)

Xác sống không có linh hồn

Trong cuốn sách của mình, bà Rubacek trích dẫn lời một cựu ủy viên cảnh sát Trung Quốc, người đã tự gọi mình và những người khác sống dưới sự cai trị của ĐCSTQ là “xác chết biết đi”. Ông ấy nói với bà, “mọi người ở đó không sống như con người. Chúng tôi sống như xác sống, không có linh hồn”.

Một cựu quan chức khác nói với bà, "ĐCSTQ đầu độc mọi người và biến họ thành xác sống".

Thuật ngữ này không phải là hiếm. Theo những người đào tẩu, ĐCSTQ coi con người là động vật cấp cao. Đối với ĐCSTQ, con người chỉ hữu ích vì họ có thể được thuần hóa và sử dụng như công cụ.

Một thuật ngữ khác được sử dụng trong cuốn sách là “hai lớp da”. Các quan chức Trung Quốc phải tách lớp bên trong của họ - lương tâm của họ - khỏi lớp bên ngoài mà họ thể hiện trước công chúng. Điều này đòi hỏi họ phải kìm nén ý thức về sự thật, nhận thức và đạo đức, trong khi thể hiện những gì ĐCSTQ muốn họ thể hiện trước công chúng. Khi ĐCSTQ yêu cầu họ làm tổn thương người dân hoặc nói dối, họ phải tuân theo ĐCSTQ và bỏ lương tâm của họ sang một bên. Lớp bên ngoài cho phép họ dối trá, gian lận, giết chóc và tra tấn.

Tuyên truyền và dối trá

Một trang trình chiếu bị rò rỉ từ một buổi đào tạo nhà báo của ĐCSTQ cho thấy nhận thức của đảng này về sự khác biệt của tin tức so với tuyên truyền. Trang trình bày mô tả tin tức là tập trung vào thông tin, tính nguyên bản, dữ liệu thực tế, giao tiếp kịp thời và cân bằng. Trong khi đó, tuyên truyền tập trung vào định dạng, sự lặp lại, quan điểm, thời gian, thao túng và nhào nặn. Một cựu nhà báo nói rằng ở Trung Quốc, những người trong lĩnh vực của bà ấy phải có quan điểm tin tức là kết hợp tin tức với tuyên truyền: “Công việc của chúng tôi là tìm cách truyền tiếng nói của đảng càng xa rộng càng tốt”.

Một bình luận từ một cựu quan chức tuyên truyền của ĐCSTQ đã làm rõ thêm phát biểu trên: “Những gì chúng tôi nói với mọi người bị ngắt kết nối với thực tế. Nó không thể là sự thật. Nếu nó là sự thật, và mọi người nhìn thấy sự thực về ĐCSTQ, thì ĐCSTQ sẽ bị kết liễu”.

Trong “China’s Walking Dead”, một cựu quan chức trầm ngâm về cuộc biểu tình do sinh viên Trung Quốc lãnh đạo vào năm 1989 - được biết đến với cái tên Cuộc Thảm sát Quảng trường Thiên An Môn. Quan chức này kể lại rằng ông đã nói với cô con gái nhỏ của mình "hãy nhanh chóng ra ngoài và xem ĐCSTQ giết người như thế nào". Ông biết rằng nếu cô không tận mắt chứng kiến, cô sẽ không bao giờ hiểu được ĐCSTQ tà ác như thế nào.

Mười nghìn sinh viên và công dân bình thường được cho là đã chết đêm hôm đó tại Quảng trường Thiên An Môn, nhưng trong vài ngày tiếp theo, ĐCSTQ đã tung ra các bài đưa tin nói về điều ngược lại - các sinh viên đã giết những người lính. Những người lính đó đã được trao tặng một buổi lễ tưởng niệm. Trẻ em tham dự buổi lễ và buộc phải tuyên thệ với ĐCSTQ. Đó là lý do tại sao viên chức này muốn con gái mình nhìn thấy sự thật, để cô ấy có thể nhìn xuyên qua tuyên truyền, không giống như những đứa trẻ khác không hiểu rõ sự thật.

Ngày nay, Quảng trường Thiên An Môn là một chủ đề bị cấm ở Trung Quốc. Tuy nhiên, ở những nơi khác trên toàn cầu, ngày diễn ra sự kiện này vẫn được kỷ niệm mỗi năm.

Bà Rubacek nói rằng kể từ vụ Quảng trường Thiên An Môn, ĐCSTQ đã học cách che giấu sự tàn bạo của họ một cách cẩn thận hơn.

Bản chất không đổi

Bản chất và mục tiêu chính trị của ĐCSTQ đã không thay đổi trong 70 năm qua; phương pháp của nó cũng không thay đổi. Các mục tiêu chính trị của đảng được nêu rất rõ ràng trong Điều lệ Đảng, trong đó đặt quyền kiểm soát tuyệt đối quốc gia và tiền bạc lên trên hết. Cuộc sống của con người và môi trường có thể bị gạt sang một bên hoặc bị phá hủy, miễn là duy trì được hai mục tiêu còn lại.

“ĐCSTQ đã tuyên bố rất rõ ràng lập trường của mình. Điều đó không bị che giấu", bà Rubacek nói. "Nếu chúng ta nghĩ bất cứ điều gì khác thì đó thực sự chỉ là sự mù quáng cố ý".

“China’s Walking Dead” cho thấy cách ĐCSTQ làm sai lệch lịch sử Trung Quốc. Lịch sử giết người và tội ác của ĐCSTQ không được khắc họa trong sách giáo khoa Trung Quốc. Sau nhiều năm, áp phích tuyên truyền đã được thay thế bằng TV và phim, nhưng thông điệp vẫn không đổi: ĐCSTQ sẽ tồn tại vĩnh viễn; sẽ không bao giờ có sự thay thế; mọi người cần phải chấp nhận và yêu thích nó. Trẻ em được truyền dạy phải yêu chế độ từ khi mới sinh ra.

Mặc dù Trung Hoa là một trong những nền văn minh cổ đại của thế giới, có niên đại hàng nghìn năm, nhưng người dân Trung Quốc lại đang được dạy rằng lòng yêu nước đối với Trung Quốc có nghĩa là lòng yêu nước đối với chế độ ĐCSTQ — như thể ĐCSTQ đến trước và Trung Quốc có sau.

Không tồn tại giá trị cuộc sống

Trong xã hội của ĐCSTQ, cách hiểu về giá trị cuộc sống khác hẳn so với ở phương Tây. Trên thực tế, nó gần như không tồn tại.

Quân đội Trung Quốc tôn vinh việc lấy đi mạng sống, không giống như quân đội Mỹ, vốn coi trọng việc bảo vệ mạng sống. Lời bài hát trong một video tuyển quân của Trung Quốc có đoạn "giết giết giết".

Các cựu quan chức nói với bà Rubacek rằng họ nghĩ có điều gì đó không ổn xảy ra với họ, vì họ cảm thấy tồi tệ bởi những điều khủng khiếp lại đang được thực hiện, trong khi những người khác xung quanh họ dường như tê liệt với điều đó. Một quan chức nhận xét: “Người dân không muốn tàn nhẫn. Nhưng xã hội là tàn nhẫn. Họ phải tàn nhẫn”.

Tự do vào một ngày nào đó

Mọi người thường thắc mắc tại sao người dân Trung Quốc không đứng lên. Nếu cuộc sống dưới chế độ này tồi tệ như vậy, tại sao họ không làm gì đó với nó? Bà Rubacek giải thích rằng ngay cả các quan chức ĐCSTQ cũng cảm thấy bất lực dưới chế độ. Những người bình thường thậm chí không biết rằng họ có quyền lựa chọn, họ đã được dạy để tin rằng sẽ không bao giờ có một lựa chọn thay thế cho ĐCSTQ ở Trung Quốc.

Từ lịch sử, chúng ta biết rằng đây là một lời nói dối, nhưng nhiều người sẽ không bao giờ nhìn thấy sự thật. Suy nghĩ độc lập trong một xã hội này có nghĩa là từ chối tất cả những gì người ta đã được dạy từ khi mới sinh ra. Đôi khi, nó thậm chí có nghĩa là mạo hiểm mạng sống của một người. Hơn nữa, dân thường Trung Quốc không có quyền truy cập thông tin tự do, có nghĩa là hầu hết sẽ không bao giờ biết các xã hội khác trông như thế nào hoặc rằng họ có thể trải nghiệm tự do cho chính mình vào một ngày nào đó.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Bảo Nguyên

Theo Emily Allison - The Epoch Times

Tác giả Emily Allison là cây bút của The Epoch Times và là một nhà báo chính trị tự do. Với kiến ​​thức sâu rộng về Truyền thông Chính trị và Báo chí, bà cam kết phục vụ đất nước bằng cách đưa sự thật về các vấn đề quan trọng trong ngày đến với người dân Mỹ.



BÀI CHỌN LỌC

'Xác chết biết đi' phơi bày bộ mặt thật của ĐCSTQ