Bình luận: Mỹ tìm cách đối thoại với Trung Quốc, nhưng cạnh tranh kinh tế thậm chí sẽ khốc liệt hơn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các chính trị gia của cả hai bên có thể nói chuyện thân thiện, tuy nhiên, kiểu cạnh tranh đặc trưng trong vài năm qua dường như vẫn tiếp tục và có khả năng sẽ trở nên khốc liệt hơn.

Bài bình luận

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo đã đến thăm Trung Quốc vào cuối tháng 8 để thảo luận về việc cải thiện quan hệ thương mại. Bà là quan chức cấp nội các thứ ba thực hiện chuyến đi tới Trung Quốc trong vài tháng qua. Trước bà là Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và trước đó nữa là Ngoại trưởng Antony Blinken. Cả ba chuyến thăm rõ ràng đều có ý nghĩa chuẩn bị nền tảng cho cuộc gặp giữa Tổng thống Joe Biden và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 11 này khi cả hai cùng tham dự các cuộc họp hợp tác châu Á - Thái Bình Dương tại San Francisco.

Nếu kết quả các cuộc gặp của bà Raimondo, bà Yellen và ông Blinken là dấu hiệu báo trước thì sẽ có rất ít thay đổi đáng kể trong quan hệ Trung-Mỹ ngay cả sau khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau sau ba tháng nữa. Bà Raimondo, giống như những quan chức trước tới thăm Trung Quốc, nhấn mạnh những trao đổi tích cực giữa phía Mỹ và phía Trung Quốc, nhưng cũng giống như họ, bà không làm được gì nhiều hơn là các cuộc nói chuyện. Khi được hỏi về những nỗ lực của Washington nhằm hạn chế việc bán chip máy tính và thiết bị sản xuất chip cũng như đầu tư của Mỹ vào công nghệ Trung Quốc, bà Raimondo lặp lại gần như từng chữ của bà Yellen, cho rằng những hạn chế này “được điều chỉnh giới hạn trong phạm vi hẹp” và sẽ ít ảnh hưởng đến thương mại. Những người đồng cấp Trung Quốc của bà Raimondo tỏ ra hoài nghi về những lời trấn an của bà, cũng giống như việc họ tỏ ra hoài nghi về những lời trấn an của bà Yellen. Không có gì đáng ngạc nhiên khi doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc tỏ ra tích cực đối với chuyến thăm nhưng dường như mọi thứ chỉ là các hy vọng.

Bộ trưởng thương mại đã đạt được một số thành tựu, nhiều hơn cả ông Blinken và bà Yellen – họ trở về nhà mà không đạt được sự thay đổi nào. Bà Raimondo ít nhất đã thành lập một nhóm làm việc chung để giải quyết các vấn đề thương mại và đầu tư, đồng thời đóng vai trò là diễn đàn trao đổi thông tin. Theo lời của bà, nhóm sẽ cải thiện “sự minh bạch” để “tránh hiểu lầm, tránh leo thang không cần thiết, tránh tính toán sai lầm”.

Mặt khác, chẳng còn thành tự nào khác để xoa dịu mối quan hệ Trung-Mỹ vốn ngày càng căng thẳng. Về các vấn đề gây tranh cãi lớn nhất – các lệnh cấm xuất khẩu và đầu tư công nghệ của Mỹ cũng như các lệnh cấm của Trung Quốc đối với các nguyên liệu thô quan trọng - không bên nào tỏ ra muốn thỏa hiệp. Theo bà Raimondo, những vấn đề này đơn giản là “không phải để tranh luận, không phải để thỏa hiệp, thậm chí không thực sự có thể thảo luận”. Washington rõ ràng đã để lại cho bà ít không gian để xoay sở , điều mà bà ấy ít nhiều đã thừa nhận với giới truyền thông khi nói với họ rằng bà ấy “không mong đợi” rằng trong chuyến thăm đầu tiên, bà ấy “sẽ đột ngột giải quyết được các vấn đề cụ thể”.

Quan hệ Trung-Mỹ sẽ khó hạ nhiệt

Không có lý do gì để trông chờ vào sự hạ nhiệt trong quan hệ Trung-Mỹ, bây giờ hoặc vào tháng 11 khi Tổng thống Biden và ông Tập gặp nhau. Tổng thống Mỹ vẫn cam kết tuân thủ các điều khoản của Đạo luật Khoa học và CHIPS cũng như mệnh lệnh hành pháp gần đây của ông nhằm hạn chế đầu tư của Mỹ vào công nghệ Trung Quốc. Bắc Kinh biết rằng những tuyên bố của Mỹ về an ninh quốc gia để biện minh cho các biện pháp này không hề “được điều chỉnh giới hạn trong phạm vi hẹp” mà nhằm mục đích cản trở những tiến bộ trong công nghệ Trung Quốc trên thực tế. Đây là lý do tại sao Bắc Kinh đã trả đũa bằng các hạn chế xuất khẩu cũng như luật an ninh quốc gia nhằm cản trở hoạt động kinh doanh của Mỹ ở Trung Quốc và thực hiện các cuộc đột kích vào một số công ty, đáng chú ý nhất là Mintz và Bain & Co.

Gần đây, Trung Quốc đã đạt được điều có thể được mô tả là một bước đột phá về công nghệ. Bước tiến liên quan đến khả năng sản xuất chip tiên tiến có thể cho phép Trung Quốc giảm bớt tác động của lệnh cấm xuất khẩu của Mỹ. Nhiều khả năng, với những lời lẽ hùng biện phổ biến ở Washington hiện nay, diễn biến này sẽ chỉ đẩy mạnh các nỗ lực kìm hãm công nghệ Trung Quốc của Mỹ. Và xét đến cách mọi thứ đã diễn ra trong vài năm qua, những nỗ lực như vậy từ phía bên này Thái Bình Dương sẽ khiến Bắc Kinh trả đũa bằng mọi cách có thể, ngoại trừ xung đột trực tiếp.

Các chính trị gia của cả hai bên có thể nói chuyện thân thiện, và Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc có thể hy vọng rằng các chính trị gia thực sự có ý đó. Tuy nhiên, kiểu cạnh tranh đặc trưng trong vài năm qua dường như vẫn tiếp tục và có khả năng sẽ trở nên khốc liệt hơn.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Milton Ezrati là biên tập viên của The National Interest - một chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu Nguồn Nhân lực tại Đại học Buffalo (SUNY), và là nhà kinh tế trưởng của Vested - công ty truyền thông có trụ sở tại New York. Trước khi gia nhập Vested, ông từng là nhà chiến lược thị trường và nhà kinh tế trưởng cho Lord, Abbett & Co. Ông thường xuyên viết bài cho City Journal và viết blog cho Forbes. Cuốn sách mới nhất của ông có tựa đề "Thirty Tomorrows: The Next Three Decades of Globalization, Demographics, and How We Will Live" (30 mươi năm sau: Ba thập kỷ tiếp theo của toàn cầu hóa, nhân khẩu học, và cách chúng ta sẽ sinh sống).



BÀI CHỌN LỌC

Bình luận: Mỹ tìm cách đối thoại với Trung Quốc, nhưng cạnh tranh kinh tế thậm chí sẽ khốc liệt hơn