Giới khoa học vẫn chưa thể giải thích vụ nổ tia gamma sáng nhất trong vũ trụ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà khoa học đang nghiên cứu kỹ hơn ánh hào quang còn sót lại từ vụ nổ tia gamma sáng nhất từng được ghi nhận và những gì họ nhìn thấy không phù hợp với bất kỳ mô hình lý thuyết nào.

Trong hai bài báo – một bài đăng trên The Astrophysical Journal Letters, và một bài khác đang gửi đăng trên tạp chí Nature Astronomy – các nhà thiên văn học phát hiện ra rằng quá trình tiến hóa của sóng vô tuyến phát ra từ một vụ nổ sao khổng lồ được quan sát vào năm 2022 chậm hơn so với dự đoán của các mô hình lý thuyết. Điều này đặt ra câu hỏi về cách thức giải phóng năng lượng trong các vụ nổ tia gamma cực mạnh.

James Leung, một nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Sydney, đồng tác giả của bài báo gửi đăng trên Nature Astronomy, cho biết trong một tuyên bố: "Việc tái tạo quá trình tiến hóa chậm của các đỉnh năng lượng mà chúng ta quan sát được là rất khó đối với các mô hình hiện có. Điều này có nghĩa là chúng ta phải tinh chỉnh và phát triển các mô hình lý thuyết mới để hiểu những vụ nổ cực đoan nhất này trong Vũ trụ”.

Trong thiên văn học, chớp tia gamma, vụ nổ tia gamma hay bùng phát tia gamma (GRB) là những vụ nổ mạnh nhất trong Vũ trụ của chúng ta kể từ Vụ nổ lớn. Chúng được giải phóng trong các vụ nổ sao cực lớn hoặc siêu tân tinh, khi một ngôi sao sắp chết hết nhiên liệu và sụp đổ thành sao neutron hoặc thậm chí là lỗ đen.

Vụ nổ sáng nhất mà chúng ta từng thấy, có tên gọi là GRB 221009A, được phát hiện lần đầu tiên vào ngày 9/10/2022 bằng kính viễn vọng tia gamma và tia X. Siêu tân tinh có khả năng gây ra vụ nổ cách Trái đất 2,4 tỷ năm ánh sáng.

Tara Murphy, một nhà vật lý thiên văn tại Đại học Sydney và là đồng tác giả của nghiên cứu gửi đăng Nature Astronomy, cho biết, mặc dù bản thân vụ nổ chỉ kéo dài vài giây, nhưng nó đã để lại một "quầng sáng” có thể tồn tại trong nhiều năm.

Các nhà nghiên cứu bắt đầu thu thập dữ liệu từ vầng hào quang này trong vòng ba giờ sau khi phát hiện ra vụ nổ tia gamma ban đầu, sáng hơn 70 lần so với bất kỳ vụ nổ nào từng được ghi nhận trước đây. Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Sydney, có khả năng vụ nổ tia gamma ở kích thước này chỉ bắt gặp 1 lần trong 10.000 sự kiện.

Các nhà thiên văn học vẫn chưa phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào của siêu tân tinh đã kích hoạt vụ nổ tia gamma, nhưng họ nghi ngờ rằng một vụ nổ sao đã dẫn đến việc tạo ra một hố đen hoàn toàn mới.

Bởi vì vụ nổ tia gamma này ở hướng của chòm sao Sagitta, hay Mũi tên, cho nên nó đã bị che khuất bởi Mặt trời, từ góc nhìn của Trái đất vào tháng 12/2022 và chỉ xuất hiện trở lại vào giữa tháng 2/2023. Góc nhìn rõ ràng một lần nữa sẽ cho phép các nhà thiên văn học đo được hào quang còn lại từ vụ nổ.

Theo Livescience

Văn Thiện biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Giới khoa học vẫn chưa thể giải thích vụ nổ tia gamma sáng nhất trong vũ trụ