Chính quyền Trung Quốc thu thập dữ liệu di truyền của 1,4 tỷ người định kỳ 5 năm một lần

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trung Quốc đang tiến hành khảo sát di truyền nhắm vào 1,4 tỷ dân cứ mỗi nửa thập kỷ. Điều này khiến nhiều người lo ngại rằng Bắc Kinh đang vi phạm quyền riêng tư cá nhân và có động cơ phản nhân đạo.

Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc gần đây đã ban hành các quy định về quản lý tài nguyên gen người Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 1/7. Theo quy định, cuộc khảo sát tài nguyên gen người quốc gia sẽ “được thực hiện 5 năm một lần và có thể được thực hiện theo nhu cầu thực tế khi cần thiết”; nguồn gen người bao gồm “vật phẩm” — những thứ như là các bộ phận cơ thể, mô và tế bào có chứa gen của con người; và “thông tin” — dữ liệu được tạo ra từ việc sử dụng “vật phẩm”.

Nhà bình luận chính trị Gia Cát Minh Dương nói với The Epoch Times vào ngày 15/8 rằng: “Giám sát người dân Trung Quốc về mặt kỹ thuật y sinh và di truyền, sau đó tạo ra nguy hiểm cho cả thế giới: đây là mục đích cuối cùng [của Đảng Cộng sản Trung Quốc]", ông nói.

Ông Gia Cát tin rằng các nghiên cứu về gen người có thể có tác động đến lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, an toàn sinh học, kinh tế, quốc phòng và nhiều lĩnh vực khác. Tuy nhiên, ông cho hay, bằng chứng trong quá khứ chỉ ra rằng mục đích của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thường nguy hiểm hơn và gây tranh cãi hơn.

Bộ sưu tập ADN khổng lồ

Các quy định mới của Trung Quốc yêu cầu những người thu thập thông tin di truyền phải “tôn trọng và bảo vệ quyền riêng tư cũng như các quyền khác của người cung cấp [thông tin di truyền], và phải nhận được sự đồng ý bằng văn bản”. Tuy nhiên, lâu nay ĐCSTQ vẫn luôn bị nghi ngờ rằng họ không có tính minh bạch dù luật đã quy định rõ ràng.

Tháng 9/2016, đài CCTV - cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ - tuyên bố rằng Trung Quốc có ngân hàng gen quốc gia lớn nhất thế giới. Theo các chuyên gia, điều này cho thấy Bắc Kinh đã có khoảng thời gian dài thu thập dữ liệu di truyền mà không nhận được sự đồng ý của những người có liên quan.

Một báo cáo được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) (có trụ sở tại New York) công bố vào năm 2022 chỉ ra rằng, Trung Quốc đã thu thập ADN tùy tiện, trên quy mô lớn của người dân ở tất cả 7 quận và thành phố trực thuộc Khu tự trị Tây Tạng, bao gồm phần phía tây của Cao nguyên Tây Tạng.

HRW cho biết: “Các báo cáo mà Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ADN đã được thu thập từ tất cả cư dân ở những khu vực này, bao gồm cả những người tạm trú. Trong các báo cáo, không có cái nào nêu lên bất kỳ điều kiện/hoàn cảnh nào mà theo đó người dân có thể dựa vào để từ chối cung cấp mẫu [vật phẩm]".

Trích dẫn một báo cáo từ một thị trấn Tây Tạng ở tỉnh Thanh Hải vào tháng 12/2020 rằng “ADN từ tất cả các bé trai từ 5 tuổi trở lên đã được thu thập”, HRW lên án hành động tùy tiện này là vi phạm nghiêm trọng nhân quyền và quyền riêng tư.

Bà Sophie Richardson - Giám đốc về mảng Trung Quốc tại HRW - nói: “Chính quyền đang thực sự lấy máu mà không có sự đồng ý [của người cung cấp]”, từ đó tước bỏ quyền giám sát của người cung cấp máu.

‘Bom nguyên tử' sinh học

Ngày 10/11/2017, tờ báo của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã đăng một bài viết có tiêu đề “Vũ khí di truyền ảnh hưởng như thế nào đến các cuộc chiến trong tương lai”, trong đó nói rằng thế kỷ 21 là kỷ nguyên của vũ khí di truyền.

Bài báo quân sự nhấn mạnh vào ưu điểm của vũ khí di truyền: “Vì vũ khí di truyền là một loại virus mới có mã di truyền mà chỉ người thiết kế mới biết, nên người ở phía đối lập khó có thể kịp thời giải mã và phát triển vaccine mới chống lại nó”.

Hơn nữa, khi mà công tác nghiên cứu và phát triển vaccine có thể đuổi kịp tốc độ của vũ khí di truyền, thì sẽ phát sinh nhu cầu về việc tạo ra vũ khí di truyền mới.

Bài báo cũng cho hay, với sự phát triển nhanh chóng của mảng nghiên cứu bộ gen, thì người ta đã tìm ra trình tự gen hoàn chỉnh của ngày càng nhiều vi sinh vật gây bệnh, và những vi sinh vật này có thể gây ra “cuộc khủng hoảng sinh hóa”.

“Chỉ cần có được đột phá trong mã di truyền, sẽ dễ dàng biến chúng thành ‘bom nguyên tử' sinh học với sức công phá lớn, từ đó đạt được mục đích quân sự mà không cần sử dụng đến bất kỳ binh sĩ nào”, trích bài báo.

Chính quyền Trung Quốc thu thập dữ liệu di truyền của 1,4 tỷ người định kỳ 5 năm một lần
Nhân viên an ninh đứng gác bên ngoài Viện Virus học Vũ Hán, khi các thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phụ trách điều tra nguồn gốc của virus corona gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đến thăm viện này, ở tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc, ngày 3/2/2021. (Ảnh: Hector Retamal/AFP qua Getty Images)

Năm 2015, một tờ báo của quân đội Trung Quốc đã thảo luận về ý tưởng vũ khí hóa virus corona SARS. Các nhà khoa học quân sự Trung Quốc dự đoán rằng cuộc chiến tranh thế giới lần thứ ba sẽ được tiến hành với vũ khí sinh học.

Vào cuối năm 2019, đại dịch COVID-19 bùng phát đã giết chết hàng triệu người trên toàn cầu. Nguồn gốc của virus bị nghi ngờ có liên quan đến một viện nghiên cứu virus ở Vũ Hán, Trung Quốc.

Ngày 10/6, tờ The Times đã công bố một báo cáo điều tra, trong đó cáo buộc rằng các nhà khoa học Vũ Hán có liên quan đến việc tạo ra, phát tán và che đậy virus COVID-19, với sự hợp tác từ quân đội Trung Quốc.

Các nhà điều tra Mỹ tin rằng quân đội Trung Quốc có ý định biến virus Covid-19 thành vũ khí sinh học.

Sự sống được tổng hợp hóa học

BGI Genomics - công ty khoa học di truyền hàng đầu của Trung Quốc - đã bị chính phủ Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen là "công ty quân sự Trung Quốc hoạt động tại Hoa Kỳ". BGI Genomics khẳng định trên trang web chính thức của họ rằng họ có thể cung cấp một loạt các dịch vụ tổng hợp gen hoàn chỉnh, bao gồm các trình tự ADN được thiết kế nhân tạo.

Năm 2017, ông Wang Jian - đồng sáng lập và chủ tịch của BGI - cho biết tại một hội nghị kinh doanh như sau: “Chúng ta có thể tổng hợp theo phương thức hóa học bất kỳ sự sống nào trong vòng 5 đến 10 năm tới”, hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc The Paper đưa tin.

Đối với sự sống/sinh mệnh sống được tổng hợp hóa học, ông Wang Jian cảnh báo rằng, nó sẽ làm phát sinh các vấn đề xã hội, đạo đức, tôn giáo, triết học và pháp lý.

Chỉnh sửa gen trẻ sơ sinh

Tháng 11/2018, nhà khoa học Trung Quốc Hạ Kiến Khuê (He Jiankui) tuyên bố những đứa trẻ được chỉnh sửa gen đầu tiên trên thế giới, hai bé gái sinh đôi, đã chào đời tại Trung Quốc. Khi đó, ông Hạ nói rằng họ đã sử dụng công nghệ CRISPR để chỉnh sửa gen CCR5 trong phôi thai, nhằm giúp hai đứa trẻ có miễn dịch tự nhiên chống lại HIV.

Chính quyền Trung Quốc thu thập dữ liệu di truyền của 1,4 tỷ người định kỳ 5 năm một lần
Nhà khoa học Trung Quốc Hạ Kiến Khuê (He Jiankui), tác giả của "cặp song sinh chỉnh sửa gene đầu tiên trên thế giới", tham dự một hội nghị thượng đỉnh tại Hong Kong vào ngày 28/11/2018. (Ảnh: Song Bilong/The Epoch Times)

Vụ việc đã làm dấy lên cuộc tranh luận trên toàn thế giới, về việc liệu phương pháp này cuối cùng có thể tạo ra khả năng miễn dịch với AIDS hay không, cũng như về tác động đạo đức của nghiên cứu của ông Hạ.

Những người chỉ trích cho rằng hành động của ông Hạ vi phạm nghiêm trọng đạo đức khoa học; gen bị chỉnh sửa sẽ được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác với những rủi ro tiềm ẩn khôn lường. Hơn nữa, công nghệ này còn được sử dụng để thay đổi các đặc điểm cụ thể của con người, như thể mở ra chiếc hộp Pandora vậy, theo ông Gia Cát.

Xem thêm:

Tiến tới chủ nghĩa toàn trị kỹ thuật số

Ông Gia Cát cho hay, ĐCSTQ sử dụng lượng camera giám sát nhiều nhất thế giới. Công nghệ nhận dạng khuôn mặt và dữ liệu lớn là ‘phong cách sống’ ở Trung Quốc. Theo ông, với việc có thêm dữ liệu về nguồn gen quốc gia, ĐCSTQ chắc chắn sẽ tiến tới chủ nghĩa toàn trị kỹ thuật số.

Tháng 7/2020, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã đưa 11 công ty Trung Quốc vào danh sách các thực thể phải kiểm soát xuất khẩu, cáo buộc họ hợp tác với chính quyền ĐCSTQ trong việc thực hiện các hành vi vi phạm nhân quyền, giam giữ tùy tiện trên diện rộng, cưỡng bức lao động và cưỡng ép thu thập dữ liệu sinh trắc học từ các dân tộc thiểu số. Hai công ty con của BGI Genetics nằm trong danh sách này.

Tháng 6/2020, Viện Chính sách Chiến lược Úc đã công bố một báo cáo, trong đó tiết lộ rằng Trung Quốc “đang xây dựng cơ sở dữ liệu ADN lớn nhất thế giới, được điều hành bởi lực lượng công an, với sự hợp tác chặt chẽ từ các đối tác công nghiệp quan trọng trên toàn cầu”.

Tuy nhiên, không giống các chính phủ khác chỉ dùng cơ sở dữ liệu này để nhận dạng tội phạm, ĐCSTQ cố ý thu thập ADN của hàng chục triệu người không có tiền án tiền sự.

“Khi thẩm quyền của công an không chịu bất kỳ hình thức kiểm tra giám sát nào, thì hệ thống cơ sở dữ liệu ADN do công an Trung Quốc điều hành đang được mở rộng - nó vốn đã hiện hữu khắp xã hội; nó giúp chính quyền gia tăng các hoạt động thực thi pháp luật mang tính phân biệt đối xử, đồng thời làm suy yếu hơn nữa nhân quyền và quyền tự do dân sự của công dân Trung Quốc", theo báo cáo của Viện Chính sách Chiến lược Úc.

Báo cáo cũng cho biết, bắt đầu từ năm 2013, chính quyền Trung Quốc đã lấy mẫu sinh trắc học của gần như toàn bộ dân số Khu tự trị Tây Tạng (3 triệu dân) dưới danh nghĩa kiểm tra y tế miễn phí hàng năm.

Tháng 12/2017, HRW vạch trần rằng chính quyền Tân Cương đã thu thập các mẫu ADN, dấu vân tay và thông tin nhóm máu của cư dân từ 12 đến 65 tuổi thông qua chương trình khám sức khỏe thể chất miễn phí hàng năm.

Ngân hàng nội tạng sống

Bà Johnston của HRW cho biết: “[Việc tạo ra] ngân hàng dữ liệu có tính bắt buộc về thông tin sinh học của toàn bộ người dân, bao gồm cả ADN, là hành vi vi phạm trắng trợn các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế; và thậm chí còn đáng lo ngại hơn nếu nó được thực hiện một cách lén lút, dưới vỏ bọc của một chương trình chăm sóc sức khỏe miễn phí”.

Bà Johnston cũng chỉ trích chính quyền Tân Cương vì đã thu thập ADN và dữ liệu sinh trắc học của các nhóm dân tộc thiểu số, với mục đích theo dõi các cá nhân, cập nhật công nghệ nhận dạng khuôn mặt, hoặc nhắm mục tiêu vào các thành viên khác trong gia đình.

Việc thu thập thông tin sinh học cũng có thể được sử dụng để giúp ĐCSTQ mở rộng ngân hàng nội tạng sống. Bắc Kinh đang thu lợi bất chính từ hoạt động thu hoạch tạng sống từ các nhà bất đồng chính kiến đang bị cầm tù, tù nhân lương tâm, các nhóm dân tộc và tôn giáo thiểu số.

Chính quyền Trung Quốc thu thập dữ liệu di truyền của 1,4 tỷ người định kỳ 5 năm một lần
Ông Harry Wu - Giám đốc điều hành Quỹ Nghiên cứu Lagoi, từng là một tù nhân tại Trung Quốc - đang giơ các tài liệu chính thức của nhà nước Trung Quốc, trong đó mô tả việc thu hoạch nội tạng từ các tù nhân Trung Quốc, trong phiên điều trần trước Tiểu ban Hạ viện Hoa Kỳ về Hoạt động Quốc tế và Nhân quyền, trên Đồi Capitol, Washington D.C., Mỹ, ngày 28/10/1997. Phiên điều trần diễn ra cùng lúc với với chuyến thăm Washington của Chủ tịch Trung Quốc lúc bây giờ là Giang Trạch Dân. (Ảnh: William Philpott/AFP qua Getty Images)

Kể từ ngày 9/3/2006, Tổ chức Thế giới Điều tra về Cuộc đàn áp Pháp Luân Công đã công bố hàng trăm bằng chứng về cuộc diệt chủng hàng loạt các học viên Pháp Luân Công mà ĐCSTQ thực hiện. Nhiều học viên Pháp Luân Công bị giam giữ đã bị thu hoạch nội tạng sống.

Pháp Luân Công (còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp) là môn tu luyện tinh thần ôn hòa được ưa chuộng trên khắp thế giới. Môn pháp này đã bị ĐCSTQ đàn áp trong suốt 24 năm qua, kể từ khi cố lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân phát động cuộc đàn áp vào tháng 7/1999.

Xem thêm:

Rất nhiều nhà hoạt động dân chủ, dân oan, người dân tộc thiểu số và người có tín ngưỡng tôn giáo đã và đang bị buộc phải lấy máu sau khi bị chính quyền Trung Quốc giam giữ.

Ông Chen Xiaojun - một học viên Pháp Luân Công đã nhiều lần bị chính quyền bắt đi chỉ vì đức tin của mình - đã trốn khỏi Trung Quốc và đến được New Zealand vào năm 2015.

Ông Chen nói với The Epoch Times rằng ở nhiều nơi tại Trung Quốc, khi bị bắt, “điều đầu tiên họ [cảnh sát] làm là lấy một ống máu từ người bị giam giữ”. Ông nghi ngờ rằng cảnh sát đã nhập tất cả thông tin sinh học của nạn nhân vào cơ sở dữ liệu để phục vụ cho hoạt động thu hoạch nội tạng.

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Chính quyền Trung Quốc thu thập dữ liệu di truyền của 1,4 tỷ người định kỳ 5 năm một lần