Cộng hòa Nhân dân Xiềng xích

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đến từ Bắc Triều Tiên, cô Yeonmi Park hiểu rằng, Hoa Kỳ là hy vọng duy nhất để chống lại các hoạt động bành trướng quyền lực của Trung Quốc; nhưng giới tinh hoa Mỹ lại đang bận rộn lấy đi các nguồn sức mạnh kinh tế và quân sự của Mỹ, từ đó làm lợi cho Trung Quốc và làm giàu cho chính họ. Nếu quá trình này tiếp tục diễn biến như vậy, thì sẽ không có hy vọng ngăn chặn một tương lai do Trung Quốc thống trị.

Không còn nghi ngờ gì nữa, phép màu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong hai thập kỷ qua là một trong những bước phát triển ấn tượng và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trong lịch sử quốc tế hiện đại. Được mệnh danh là “rồng đỏ”, Trung Quốc đương đại đã trở thành cường quốc lớn nhất hoặc lớn thứ hai về thương mại toàn cầu. Nước này nằm trong nhóm dẫn đầu về khoa học và công nghệ; và cũng nằm trong nhóm các quốc gia hàng đầu thế giới về thanh toán, bán lẻ trực tuyến và cơ sở hạ tầng như đường sắt cao tốc; đồng thời có khả năng sẽ sớm thống trị ngành điện tử tiêu dùng. Trung Quốc cũng có cơ hội chiến thắng rõ ràng trong cuộc đua giành vị thế thống trị mảng trí tuệ nhân tạo (AI) và máy tính lượng tử - điều này chắc chắn sẽ giúp Bắc Kinh phát triển hơn nữa lực lượng quân sự vốn đang ngày càng mạnh mẽ của họ. Năm 2021, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc vào khoảng 240 tỷ USD - chỉ đứng sau Hoa Kỳ; số binh lính tại ngũ của Trung Quốc vào khoảng hơn 2 triệu người — là lực lượng lớn nhất trong lịch sử.

Nhưng không phải Trung Quốc không có những điều đáng chê trách.

Năm 2020, Trung Quốc được tổ chức phi lợi nhuận Phóng viên Không Biên giới xếp hạng thứ 177 thế giới về “quyền tự do báo chí” - đây là vị trí chỉ cao hơn Turkmenistan, Eritrea và Bắc Triều Tiên. Ngoài ra, Trung Quốc đứng ở vị trí thứ 129 trong bảng xếp hạng Chỉ số Tự do Con người năm 2020 của Viện CATO; chỉ số này đo lường 76 yếu tố khác nhau về tự do cá nhân và kinh tế. Nhìn vào các chỉ số mang tính định tính về tự do, các quốc gia duy nhất có xếp hạng bằng hoặc kém hơn Trung Quốc là Iran, Iraq và Bắc Triều Tiên (trục ma quỷ) cùng với Cuba và Turkmenistan. Ngay cả khi nói đến tự do kinh doanh và tài chính, Trung Quốc cũng chỉ xếp hạng 107 trong một chỉ số do tổ chức tư vấn nổi tiếng Heritage Foundation tổng hợp.

ĐCSTQ và gia đình họ Kim gắn bó khăng khít

Mẹ tôi và tôi đã không may bị giam giữ trong một nhà tù - nhà tù đó chính là Trung Quốc - khi chúng tôi được vận chuyển lậu từ Bắc Triều Tiên sang đó. Tôi đến Trung Quốc vì mong muốn mãnh liệt tìm kiếm chị gái mình, và cũng vì tôi muốn có một thứ mà tự nó có thể mang lại cho tôi cuộc sống tốt hơn: miếng ăn. Để đổi lấy sự xa xỉ khiêm tốn đến đáng thương đó, tôi đã trở thành người giúp việc nhà và nô lệ tình dục cho một người đàn ông khi tôi ở tuổi 13; đồng thời, tôi phải chứng kiến cảnh mẹ ruột của mình nhiều lần bị những người đàn ông khác cưỡng hiếp.

Cho đến nay tôi vẫn phát ốm khi nghĩ về những điều ấy. Và, càng lớn tuổi, tôi càng cảm thấy ớn lạnh khi biết rằng những sự việc này vẫn đang xảy ra — ngay lúc này, vào chính thời điểm này, khi quý vị đọc những dòng chữ này — đối với nhiều phụ nữ và trẻ em gái khác ở Trung Quốc. Để kiểm soát và bắt họ trở thành nô lệ, những người đàn ông chỉ cần buông lời đe dọa: “Nếu mi không làm theo lời ta, ta sẽ báo cảnh sát”.

Lời đe dọa ấy có uy lực vô cùng mạnh mẽ. Trong cộng đồng những người Bắc Triều Tiên đào tẩu, chính quyền Trung Quốc nổi tiếng vì sẵn sàng trả họ trở về “quê hương”, nơi mà tất cả những người liên quan – những bé gái, những người đàn ông và cả cảnh sát – đều biết rằng họ sẽ bị đưa đến các trại lao động khổ sai và ở đó cho đến chết, nếu không thì sẽ bị xử tử ngay lập tức. Đây là chính sách đầy mưu tính của chính quyền Trung Quốc. Nếu họ chấm dứt chính sách này, những kẻ buôn người và khách hàng của chúng sẽ không còn có thể biến phụ nữ Bắc Triều Tiên thành nô lệ. Nhưng Bắc Kinh sẽ không làm vậy, bởi vì nó là một thành tố quan trọng trong quan hệ song phương giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng. Mặc dù chế độ Kim thỉnh thoảng có thể khiến Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khó chịu, nhưng Trung Quốc chưa từng cho thấy dấu hiệu thực sự nào về việc từ bỏ quốc gia lệ thuộc này.

Mối quan hệ đặc biệt giữa hai chế độ — ĐCSTQ và gia đình họ Kim — bắt đầu từ Chiến tranh Triều Tiên, khi Trung Quốc và Nga tích cực hỗ trợ Kim Nhật Thành (Kim Il Sung) “thống nhất Triều Tiên”. Trên thực tế, con trai của Mao Trạch Đông đã tử trận vào năm 1950 trong một cuộc ném bom của Mỹ. (Người ta kể lại rằng bất chấp lệnh cấm nấu ăn vào ban đêm để tránh bị máy bay phát hiện, con trai của Mao Trạch Đông đã ăn trộm trứng và tự làm món cơm chiên trứng. Hành động này khiến máy bay ném bom Mỹ phát hiện ra vị trí đơn vị của ông ta, góp phần vào cái chết của nhiều binh lính khác. Hiện nay, vào ngày giỗ hàng năm của con trai Mao Trạch Đông, những cư dân mạng Trung Quốc “nổi loạn” lại đăng công thức món cơm chiên trứng; mục đích là để chế nhạo chính quyền. Giới chức trách luôn phải nhanh chóng gỡ bỏ những bài đăng đó.)

Rất khó để có được số liệu chính xác về viện trợ và xuất khẩu của Trung Quốc sang Triều Tiên, vì mức độ phụ thuộc của Triều Tiên vào nước láng giềng khổng lồ sẽ làm bẽ mặt bất kỳ ai thực sự nghĩ rằng chế độ họ Kim có thể “tự lực cánh sinh”. Nhưng các ước tính từ thập kỷ trước cho thấy Bắc Triều Tiên chẳng hơn gì một thuộc địa của Trung Quốc. Viện trợ năm 2014 của Trung Quốc cho Bắc Triều là khoảng 4 tỷ USD (GDP năm 2016 của Triều Tiên là khoảng 28 tỷ USD); Trung Quốc dường như cung cấp khoảng 95% tổng số hàng hóa mà Triều Tiên nhập khẩu và Trung Quốc mua khoảng 2/3 lượng hàng xuất khẩu của Triều Tiên. Nói cách khác, nếu không có Trung Quốc, chế độ Bắc Triều Tiên sẽ không tồn tại theo đúng nghĩa đen.

Ủng hộ chế độ họ Kim ở Bắc Triều Tiên, Trung Quốc chỉ nhận được một lượng nhỏ quặng và nhiên liệu khoáng sản. Vậy thì Bắc Kinh được lợi gì? Thực tế là, sự tồn tại của Triều Tiên là một điều tích cực đối với Trung Quốc. Đất nước này phục vụ như một vùng đệm địa lý giữa Trung Quốc và các lực lượng quân sự của Hoa Kỳ đóng tại Hàn Quốc; đồng thời, vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên đóng vai trò đe dọa quân sự đáng kể đối với các hoạt động của Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Úc trong khu vực.

Tất nhiên, tầm ảnh hưởng và kiểm soát của Trung Quốc vượt xa phạm vi mà chỉ gồm các nước láng giềng của Trung Quốc. Đài Loan, Hong Kong và Tây Tạng chỉ là những điểm khủng hoảng trong phạm vi ảnh hưởng trực tiếp của Bắc Kinh; còn các quốc gia như Bắc Triều Tiên không hơn gì phần lãnh thổ mở rộng của Trung Quốc. Phần lớn ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Bắc Kinh đang tiến ra xa hơn nhiều, đến các mỏ đồng ở châu Phi và Mỹ Latinh, các tuyến đường bộ ở Trung Á và các mỏ năng lượng ở Vịnh Ba Tư. Cuộc chiến tàn khốc của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Ukraine, cùng với các biện pháp trừng phạt lên hệ thống kinh tế của Nga, đang đẩy toàn bộ Liên bang Nga – vùng đất có chủ quyền lớn nhất thế giới – trở thành một quốc gia phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc.

Rất đáng lo ngại về việc phần lớn lãnh thổ trên trái đất và dân số thế giới sẽ nằm dưới tầm ảnh hưởng của một quốc gia đang nhăm nhe thay thế vị thế của Mỹ — và điều đáng lo hơn là hình thái quyền lực mà Bắc Kinh sẽ nắm giữ. Trung Quốc có thể là một trong những động lực thúc đẩy phát triển kinh tế mạnh mẽ nhất trong lịch sử, nhưng cái giá mà các nước phải trả cao hơn nhiều mức mà tăng trưởng kinh tế có thể biện minh được. Như bài học mà nhiều quốc gia ở châu Phi, vùng Balkan và Mỹ Latinh đã bắt đầu rút ra, đó là, đi kèm với sự bành trướng quyền lực của Trung Quốc là nạn khai thác và tàn phá môi trường, lao động bị ngược đãi, các quốc gia nợ nần chồng chất, cơ sở hạ tầng kém chất lượng và nạn buôn bán tình dục. Không còn nghi ngờ gì nữa, hình ảnh một Trung Quốc bá chủ toàn cầu khiến gần như mọi quốc gia trên thế giới lo sợ về một tương lai u ám.

Do đó, siêu cường quốc - đối thủ ngang tầm duy nhất của Trung Quốc - Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, phải ngăn chặn viễn cảnh này. Thật không may, trong những năm gần đây, nước Mỹ đã trở nên thỏa hiệp.

Giới tinh hoa Mỹ bị mua chuộc

Chỉ riêng trong năm 2020, một năm mà phần lớn thương mại toàn cầu bị gián đoạn và GDP tụt dốc, Mỹ vẫn là nhà nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc lớn nhất thế giới; điều này mang về cho ĐCSTQ khoản tiền khổng lồ 452 tỷ USD. Hơn nữa, người Trung Quốc đã bí mật thâm nhập các hoạt động kinh doanh và tài chính của Mỹ ở hầu hết cấp độ, thâu tóm các công ty Mỹ, trở thành cổ đông lớn nhất trong nhiều ngành công nghiệp của Mỹ, mua bất động sản tại Mỹ, buộc chuyển giao công nghệ Mỹ cho Trung Quốc và lấy đi phần lớn ngành sản xuất của Mỹ. Ở Chicago, nơi tôi sống, cơn sốt bất động sản cao tầng sang trọng — thứ góp phần gây ra tình trạng thiếu nhà ở trên toàn thành phố, giá cả tăng vọt và cuộc khủng hoảng khả năng chi trả nhà ở — phần lớn là do đầu tư của Trung Quốc.

Thực tế là, một bộ phận lớn giới tinh hoa của Mỹ và hầu hết các ngành công nghiệp hoạt động hiệu quả đã bị mua bởi người Trung Quốc. Big Tech (các gã khổng lồ công nghệ), Wall Street (phố Wall), Hollywood và các trường đại học đều sống dựa vào tiền và thị trường Trung Quốc. Hành vi của họ trong hai thập kỷ qua rất giống với nước Nga trong những năm 1990, khi dưới thời Boris Yeltsin, một số ít chính trị gia đứng đầu đã bán tài nguyên đất nước để làm giàu cho bản thân trong khi người dân Nga phổ thông sống trong hỗn loạn và nghèo đói.

Hậu quả của việc này có thể thấy rõ nhất trong thời kỳ COVID-19 hoành hành. Khi đó, gần như tất cả tập đoàn, trường đại học và phương tiện truyền thông của Mỹ đã đồng loạt lên tiếng bảo vệ các hành động và các quyết định của chính quyền Trung Quốc; họ cũng giúp ĐCSTQ che đậy nguồn gốc virus bằng cách “dán nhãn” bất kỳ ai không đồng ý với đường lối của Bắc Kinh là “phân biệt chủng tộc”, “lập dị” hay “những kẻ theo thuyết âm mưu”. Rõ ràng, nước Mỹ đã “dâng” cho Trung Quốc (và để rồi đánh mất đi) những năng lực cơ bản nhất, đó là: Hoa Kỳ, quốc gia công nghiệp có công nghệ tiên tiến nhất trong lịch sử, thậm chí không thể tự sản xuất khẩu trang hay máy thở.

Trải qua hai chính quyền tổng thống gần đây nhất, Hoa Kỳ đã thề sẽ làm điều gì đó để đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc, như là: “hồi hương” các hoạt động sản xuất và kinh doanh của Mỹ; củng cố khả năng phòng thủ; chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương, châu Âu và Trung Đông; hay ngăn chặn các hành vi bất hợp pháp của Trung Quốc trong việc đánh cắp bí mật thương mại, ép buộc chuyển giao công nghệ, đầu tư thông qua các công ty ma và đưa các sản phẩm do lao động nô lệ sản xuất vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhưng cả chính quyền ông Trump và chính quyền ông Biden đều chưa làm được gì nhiều. Thực tế là, chính sách về Trung Quốc của Mỹ thậm chí không còn do Tổng thống Mỹ soạn ra. Nó được tạo ra bởi các nhóm vận động hành lang, các nhóm lợi ích, cũng như tầng lớp chính trị gia - những người rất cần đến thị trường rộng lớn của Trung Quốc; những nhóm người này lờ đi bất kỳ tác động nào lên người lao động và người tiêu dùng phổ thông của Mỹ.

Hoa Kỳ là hy vọng duy nhất để chống lại việc Trung Quốc bành trướng quyền lực, nhưng giới tinh hoa Mỹ lại đang bận rộn lấy đi các nguồn sức mạnh kinh tế và quân sự của Mỹ, từ đó làm lợi cho Trung Quốc và làm giàu cho chính họ. Nếu quá trình này tiếp tục diễn biến như vậy, thì đơn giản là chúng ta sẽ không có hy vọng ngăn chặn một tương lai do Trung Quốc thống trị. Đến từ Bắc Triều Tiên, thật khó để tôi diễn tả tất cả những điều này đáng buồn như thế nào. Nỗi kinh hoàng mà Bắc Triều Tiên tạo ra là ví dụ điển hình cho một thế giới đang ngày càng có nhiều hơn các yếu tố của ĐCSTQ: nhiều tội ác hơn, nhiều đau khổ tột cùng hơn, nhiều bóc lột người dân vô tội hơn. Nếu Trung Quốc nắm giữ quyền bá chủ toàn cầu thì cơn ác mộng Bắc Triều Tiên không thể được chấm dứt, thay vào đó, mô hình Bắc Triều Tiên sẽ được áp dụng cho nhiều người hơn trên khắp thế giới.

*Tên tiếng Anh của bài viết này là “The People’s Republic of Chains” (Cộng hòa Nhân dân Xiềng xích). Tác giả bài viết đã chơi chữ, “The People’s Republic of China” là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch

Tác giả Yeonmi Park và gia đình của cô đã chạy trốn khỏi Bắc Triều Tiên và đến Trung Quốc vào năm 2007. Cô định cư ở Hàn Quốc năm 2009, trước khi chuyển đến Mỹ năm 2014. Cô là tác giả của cuốn sách “In Order to Live: A North Korean Girl's Journey to Freedom” (Để sống sót: Hành trình đến với tự do của cô gái Bắc Triều) (viết cùng Maryanne Vollers năm 2015) và cuốn sách “While Time Remains: A North Korea Defector's Search for Freedom in America” (Khi thời gian vẫn còn: Quá trình tìm kiếm tự do ở Mỹ của một người đào tẩu khỏi Bắc Triều Tiên) (viết năm 2023).



BÀI CHỌN LỌC

Cộng hòa Nhân dân Xiềng xích