Danh tướng Lê Phụng Hiểu - Khi sức mạnh và tinh thần thượng võ được dùng đúng chỗ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ý vua Lý Thái Tông muốn so sánh công lao cứu giá của Lê Phụng Hiểu trong loạn Tam Vương cũng tương tự như công lao của đại thần Uất Trì Cung (tự là Kính Đức) với vua Đường Thái Tông Lý Thế Dân trong sự biến Huyền Vũ môn, khi Lý Thế Dân xung đột với hai anh em mình là Lý Kiến Thành, Lý Nguyên Cát.

Từ người trai can đảm hiếu võ

Ở hương Băng Sơn tổng Dương Sơn, huyện Cổ Đằng, lộ Thanh Hóa (nay thuộc xã Hoằng Sơn, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) có người trai tên Lê Phụng Hiểu. Phụng Hiểu thân hình khôi vĩ, bẩm sinh khỏe mạnh lạ thường, tính không thích học chữ, chỉ thích múa đao, đánh gậy, đấu vật. Phụng Hiểu có thể tay không đấm chết cả bò mộng, còn về tài đấu vật thì không có đối thủ, nức tiếng với danh xưng Đô Bưng (Bưng tức là Băng, tên ngọn núi mà chàng ở cạnh).

Từ thuở thiếu thời, tính Phụng Hiểu đã rất hiếu võ, lại vô cùng can đảm, nên không bao giờ từ chối những cuộc tỷ thí. Có lần, một mình ông nhổ bật cả gốc tre lên khiến đối phương chưa đánh đã phát hãi xô nhau bỏ chạy ù té. Một lần khác, có tay đô vật nổi tiếng ở vùng Đông Sơn - Thanh Hóa tên Tuấn, tục gọi là Vồm, tìm đến tận nhà ngồi đợi để tỷ thí với Đô Bưng. Đến khi nhác thấy một gã trai to lớn hai vai quảy gánh củi cao như hai đụn rạ mà chân bước vùn vụt như bay hướng về phía mình, bèn vội thoái thác đi thẳng. Nhưng Đô Bưng nào có dễ dàng để tuột mất một cơ hội thử sức, nên Vồm bị Bưng đuổi kịp và trận tranh hùng giữa hai đô vật nổi tiếng đã diễn ra trên núi Băng Sơn khiến đất đai bị giày xéo nát nhừ, cây cối nghiêng ngả xiêu vẹo. Kết cục, Vồm thua cuộc, táng đởm kinh hồn.

Đến tay hảo thủ nghĩa hiệp “giữa đường thấy sự bất bình mà tha”

Lại một lần khác nữa, Phụng Hiểu tình cờ chứng kiến cuộc tranh chấp đất đai giữa hai làng Cổ Bi và Đàm Xá. Dân Đàm Xá cậy đông chiếm lấy mảnh đất lẽ ra thuộc về dân Cổ Bi và đã đánh cho dân Cổ Bi bị thương la liệt. Phụng Hiểu nghe rõ đầu đuôi, mới hứa sẽ giúp dân Cổ Bi lấy lại công đạo, nhưng giờ chàng đói rồi, cần phải ăn no mới có sức lực. Vậy là dân làng Cổ Bi thết Phụng Hiểu cơm no rượu say, nghe nói hết sạch cả hai chục mâm cỗ. Phụng Hiểu ăn no, rồi làm một giấc, cũng để đợi dân Đàm Xá đến gây sự.

Phụng Hiểu tình cờ chứng kiến cuộc tranh chấp đất đai giữa hai làng Cổ Bi và Đàm Xá. Dân Đàm Xá cậy đông chiếm lấy mảnh đất lẽ ra thuộc về dân Cổ Bi và đã đánh cho dân Cổ Bi bị thương la liệt. Phụng Hiểu nghe rõ đầu đuôi, mới hứa sẽ giúp dân Cổ Bi lấy lại công đạo. (Miền công cộng)

Dân làng Đàm Xá quyết tâm kỳ này đuổi hết dân Cổ Bi ra khỏi đất ấy, ai dè lại gặp một anh chàng hộ pháp đang nằm ngáy pho pho giữa mảnh đất tranh chấp. Đợi khi họ bắt đầu xắn tay áo lên động thủ, Phụng Hiểu mới tỉnh dậy xông vào giữa đám trai tráng khỏe mạnh của Đàm Xá mà đánh. Chàng còn thuận tay nhổ cây bên đường để quật vào đám đông địch thủ. Dân Đàm Xá bị đánh cho nhừ tử lên bờ xuống ruộng, nằm ngổn ngang trên mảnh đất họ đã rắp tâm cưỡng chiếm, bấy giờ mới biết kẻ mạnh còn có kẻ mạnh hơn. Từ đấy mới bỏ thói ỷ mạnh hiếp yếu và trả lại ruộng đất cho dân làng Cổ Bi.

Kể từ đó, tiếng tăm Phụng Hiểu lan đi khắp nơi, lan đến cả triều đình họ Lý, lúc bấy giờ là triều đại của vua Lý Thái Tổ. Phụng Hiểu dễ dàng vượt qua các cuộc thi tuyển quân túc vệ, rồi nhanh chóng trở thành một trong các chỉ huy của đạo quân túc vệ - bảo vệ quân chủ và nội thành - gọi là Võ vệ tướng quân.

Đến tướng quân cứng cỏi chấm dứt nội loạn Tam Vương trong Hoàng thất nhà Lý

Ngày mùng 3 tháng 3 năm Mậu Thìn (1028), vua Lý Thái Tổ vừa mất, xác còn chưa lạnh, các hoàng tử Võ Đức vương, Dực Thánh vương và Đông Chinh vương đã đem quân đến vây thành để tranh ngôi của Thái tử Lý Phật Mã. Cả kinh thành ồn ào náo loạn. Thái tử Phật Mã vì tình máu mủ chưa biết xử trí ra sao. Lê Phụng Hiểu lúc ấy đang giữ chức Võ vệ tướng quân đã cùng một số tướng khác như Lý Nhân Nghĩa, Dương Bình, Quách Thịnh... đưa quân ra ngăn chặn. Khi quân của Thái Tử và quân của các vương giáp trận, Lê Phụng Hiểu tuốt gươm chỉ thẳng vào mặt Võ Đức vương hét lớn: "Bọn Võ Đức vương ngấp nghé ngôi báu, không coi vua nối vào đâu, trên quên ơn Tiên đế, dưới trái nghĩa tôi con, vì thế thần là Phụng Hiểu xin đem thanh gươm này để dâng". (1)

Tư Mã Ý nói rằng, muốn đánh thắng trận, trước tiên điều cần phải học chính là “thiện bại”, bại mà không hổ thẹn, bại mà không thương tổn, mới là người thắng cuối cùng.
Lê Phụng Hiểu lúc ấy đang giữ chức Võ vệ tướng quân đã cùng một số tướng khác như Lý Nhân Nghĩa, Dương Bình, Quách Thịnh... đưa quân ra ngăn chặn. (Miền công cộng)

Dứt lời giục ngựa phi nhanh đến bên cạnh Võ Đức vương, chỉ một nhát gươm chém rụng đầu hắn. Địch quân hoảng sợ, không đánh mà tan. Thái tử Phật Mã dẹp được nội loạn mới có thể lên ngôi vua, tức là Lý Thái Tông sau này, đều là nhờ sự can đảm thượng võ và lòng trung nghĩa của Phụng Hiểu cả.

Lại nói sau đó, Lê Phụng Hiểu quay trở về báo tiệp trước linh cữu Lý Thái Tổ, rồi vào điện Càn Nguyên gặp vua Lý Thái Tông mới lên ngôi. Nghe Phụng Hiểu báo tin thắng lợi, Thái Tông ủy lạo rằng:

“Ta sở dĩ độ được nghiệp cả của tiên đế, toàn được di thể của cha mẹ, đều nhờ sức của khanh. Ta thường đọc sử nhà Đường, thấy Uất Trì Kính Đức giúp nạn vua, tự bảo nhân thần đời sau không ai sánh kịp. Bây giờ khanh đây trung dũng lại vượt quá Kính Đức xa lắm”. (2)

Phụng Hiểu khóc mà than rằng:

“Bệ hạ đức cảm trời đất, oai dậy biên thùy, triều nội trong ngoài theo gió mà lướt, các Vương manh tâm dị đồ, quỷ thần trên dưới đều có thể giết được cả, bọn thần có sức gì đâu?” (3)

Ý vua Lý Thái Tông muốn so sánh công lao cứu giá của Lê Phụng Hiểu trong loạn Tam Vương cũng tương tự như công lao của đại thần Uất Trì Cung (tự là Kính Đức) với vua Đường Thái Tông Lý Thế Dân trong sự biến Huyền Vũ môn, khi Lý Thế Dân xung đột với hai anh em mình là Lý Kiến Thành, Lý Nguyên Cát.

Danh tướng đánh đông dẹp bắc và sự tích “Thác đao điền”

Sau khi lên ngôi, Thái tử Phật Mã lúc này là vua Lý Thái Tông thăng ngay cho Lê Phụng Hiểu lên chức Đô thống Thượng tướng quân, tước hầu.

Từ đó cho đến cuối đời, Đô thống Thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu một lòng phò tá nhà Lý lập được nhiều công trạng lớn, giúp giữ vững ổn định cho vương triều Lý và đất nước. Sau khi thành công đánh đuổi Chiêm Thành (1044), vua Lý Thái Tông ngỏ ý muốn ban thưởng tước lộc cho Phụng Hiểu, nhưng ông từ chối, chỉ xin trèo lên núi Băng Sơn quê ông để ném con đao lớn ra xa, nếu đao rơi đến chỗ nào trong đất công thì xin ban cho làm sản nghiệp đến đó.

Được vua chuẩn y, ông trèo lên Băng Sơn quăng đao xuống, ai dè đao bay xa hơn 10 dặm nên đất trong phạm vi ấy đều ban cho ông cả và lại còn được triều đình miễn thuế. Từ đó, triều Lý đặt ra lệ “Thác đao điền” (ruộng ném đao) để thưởng công cho các đại thần, và dân Thanh Hóa gọi ruộng thưởng công là “ruộng thác đao”.

“Lê Phụng Hiểu sống thọ tới 77 tuổi mới mất, người địa phương truy niệm công đức, lập miếu thờ làm Phúc Thần” (4), hương hỏa không dứt.

Sự kiện bình định loạn Tam Vương có công lớn của Lê Phụng Hiểu, nhưng trung gian còn lắm sự ly kỳ liên quan đến một vị Thần của nước Nam và dẫn đến một tục lệ góp phần khiến cơ nghiệp nhà Lý bền vững truyền đến 8 đời mới mất. Sự thể ra sao, xin quý độc giả hãy đón xem trong Kỳ 13 của loạt bài “Thần tích nước Nam”.

Nguyên Phong

Chú thích:

(1): Theo “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư”

(2), (3), (4): Theo “Việt Điện U Linh”



BÀI CHỌN LỌC

Danh tướng Lê Phụng Hiểu - Khi sức mạnh và tinh thần thượng võ được dùng đúng chỗ