Đệ nhất kỳ nhân biến hình trong Tam Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trung Quốc cổ đại có nhà ảo thuật không? Vào thời kỳ Tam Quốc, có một nhân vật như vậy, khiến tất mọi người trên phố biến thành giống hệt ông. Ngày nay, nhiều người nói rằng ông là một nhà ảo thuật. Ông chính là Tả Từ, một người có thể được gọi là đệ nhất kỳ nhân trong Tam Quốc.

Tam Quốc Diễn nghĩa: Vùng xác chết rộng lớn

Khi Tả Từ xuất hiện trong “Tam Quốc diễn nghĩa”, Tào Tháo vừa lên ngôi vua nước Ngụy, Tôn Quyền đã tiến nộp 40 gánh cam cho Tào Tháo. Những người khuân vác đang đi rất mệt mỏi, thì một người đàn ông tiến đến, nhưng ông ta bị mù một mắt, què một chân, trên đầu đội một chiếc mũ bằng mây màu trắng, mặc một bộ quần áo màu xanh, và chủ động đề nghị muốn được giúp mọi người gánh cam. Nhưng không hiểu sao những gánh ông gánh đều nhẹ hơn cân nặng vốn có ban đầu rất nhiều.

Khi cam đến nơi, Tào Tháo bóc một quả ra thì bên trong trống rỗng, lại bóc thêm một quả nữa cũng không có gì bên trong! Người đàn ông vận chuyển cam bẩm báo: trên đường đi có gặp một người, ông ta tên là Tả Từ, tất cả việc này là do ông ta làm. Đúng lúc đó Tả Từ đã đến trước cửa xin được cầu kiến. Tào Tháo gọi Tả Từ vào trong và quở trách: “Ngươi dùng yêu thuật gì mà lấy đi trái ngon của ta?”.

Khi cam đến nơi, Tào Tháo bóc một quả ra thì bên trong trống rỗng, lại bóc thêm một quả nữa cũng không có gì bên trong (Ảnh chụp màn hình)
Khi cam đến nơi, Tào Tháo bóc một quả ra thì bên trong trống rỗng, lại bóc thêm một quả nữa cũng không có gì bên trong (Ảnh chụp màn hình)

Tả Từ cười giễu cợt nói: “Sao lại có chuyện đó?”. Nói rồi ông cầm một quả cam lên và bóc vỏ, múi cam dày căng mọng, lại bóc quả cam khác có vị ngọt lịm. Tào Tháo tự mình bóc vỏ một lần nữa, nhưng vẫn như trước chỉ thấy bên trong trống rỗng.

Quá ngạc nhiên, Tào Tháo cho phép Tả Từ ngồi xuống. Nhân tiện, Tả Từ xin rượu và thịt, kết quả là uống năm thùng rượu vẫn chưa say, ăn hết cả một con cừu cũng chưa no. Tào Tháo kinh ngạc: “Ngươi có pháp thuật gì mà lợi hại như vậy?”

Lúc này, Tả Từ nói cho Tào Tháo cơ bản về những gì ông đã học được trong cuộc đời mình, còn nói rằng ông muốn nhận Tào Tháo làm đồ đệ, và đến núi Nga Mi để tu luyện. Tào Tháo từ chối và nói rằng, bản thân ông vốn có ý tu hành nhưng tiếc là thiên hạ chưa ổn định.

Tả Từ nói: “Lưu Huyền Đức là dòng dõi hoàng tộc, sao ngài không cho trao địa vị này cho ông ấy? Nếu không, bần đạo đây sẽ phi kiếm và lấy đầu của ngài”.

Lúc đó đương nhiên Tào Tháo nổi cơn thịnh nộ, ra lệnh cho tuỳ tùng bắt lấy Tả Từ trừng phạt. Kỳ lạ, Tả Tử trông như vừa được đấm bóp rất dễ chịu, lăn ra ngủ. Tào Tháo lệnh dùng đinh sắt đóng đinh, dùng khóa thép khóa lại, và tống ông ta vào nhà lao. Nhưng Tả Từ nằm trên đất, trông ngủ rất ngon lành, xiềng xích cũng tuột rơi mất. Tào Tháo lệnh không cho Tả Từ ăn 7 ngày, nhưng sắc mặt ông vẫn hồng hào, như không có gì xảy ra, lại còn nói: “Tôi vài chục năm không ăn cũng không vấn đề gì, một ngày ăn một ngàn con cừu cũng có thể”. Tới lúc này, Tào Tháo không còn chiêu nào nữa.

Nói tóm lại, sau khi đùa bỡn một hồi, Tả Từ lặng lẽ bỏ đi. Tào Tháo tức giận đùng đùng, phái người đi khắp nơi tìm bắt. Nực cười là trong vòng ba ngày ở trong và ngoài thành tổng cộng có hơn 300 người bị bắt, đều có đặc điểm bị mù một mắt và què một chân như Tả Từ. Nhưng ai đúng là Tả Từ?

Tào Tháo càng giận dữ: “Chặt đầu hết cho ta”. Nhưng sau khi hơn 300 Tả Từ bị trảm, từ bên trong mỗi thi thể đó đều bay ra làn khói màu xanh, và trên không trung tụ lại thành một Tả Từ hoàn chỉnh. Chưa hết, Tả Từ trên không trung còn vẫy tay, một con hạc trắng bay tới. Tả Từ ngồi trên con hạc, vỗ tay và cười nói: “Chuột đất theo hổ vàng, gian hùng một ngày chết”.

Tào Tháo lệnh cho binh lính dùng cung bắn Tả Từ. Chợt cơn gió mạnh thổi tung đá và cát, hơn 300 thi thể của Tả Từ ở dưới đất đột nhiên đều đứng dậy, từng người một ôm đầu, từ từ từng biến tiến về phía trước, chạy lên võ đường đánh Tào Tháo, quả thực như là phiên bản bom tấn zombie của Tam Quốc.

Chợt cơn gió mạnh thổi tung đá và cát, hơn 300 thi thể của Tả Từ ở dưới đất đột nhiên đều đứng dậy (Ảnh chụp màn hình)
Chợt cơn gió mạnh thổi tung đá và cát, hơn 300 thi thể của Tả Từ ở dưới đất đột nhiên đều đứng dậy (Ảnh chụp màn hình)

Trong “Tam Quốc diễn nghĩa” có mô tả rằng cảnh tượng này quá đáng sợ, văn quan võ tướng đều che mặt khiếp sợ, không ai dám nhìn. Một lúc sau gió ngừng, các Tả Từ đều không thấy đâu nữa. Tào Tháo cũng dường như sụp đổ, thầm nghĩ, có một cao thủ như vậy chống lại ta thì sao nói tới chuyện đánh Lưu Bị, không chừng có ngày ông ta phi kiếm tới, đầu của ta sẽ rơi mất. Tào Tháo từ đó bị bệnh, uống thuốc hết bát này đến bát kia mà không khỏi, cũng không biết có thể sống được bao lâu, bèn nhờ thái sử Hứa Chi xem cho một quẻ. Hứa Chi nói rằng về toán quái không ai sánh bằng Quản Lộ.

Nhân vật Quản Lộ thực sự là người có tài bói toán như Thần trong Tam quốc. Tào Tháo vui mừng mời Quản Lộ tới. Quản Lộ nói: “Đây chỉ là thuật biến hoá thôi, không có gì phải lo lắng”. Lúc này Tào Tháo mới an tâm, dần dần hồi phục.

Có điều, những mô tả sống động trên chỉ là tình tiết hư cấu trong “Tam Quốc diễn nghĩa”. Vì tác giả La Quán Trung có lập trường ủng hộ Lưu Bị, chống lại Tào Tháo, nên rất coi thường Tào Tháo, đặc biệt viết tới lúc Tào Tháo bị Tả Từ làm cho sợ hãi tới suy sụp lại càng viết quá hơn. Thực ra, căn cứ theo lịch sử, thực tế khi đó Quản Lộ chỉ khoảng 12-13 tuổi, không xuất hiện trước Tào Tháo được. Nhưng phần mô tả này cũng không phải đều vô căn cứ.

Thoát chết thần kỳ

Thần tích của Tả Từ được đưa vào chính sử. Trong “Hậu Hán Thư” có ghi chép rằng Tả Từ có tự là Nguyên Phóng, là người Lư Giang (tỉnh An Huy ngày nay). Từ nhỏ ông đã biết những Tiên thuật Đạo pháp. Trong sách sử nói rằng, sau khi Tào Tháo được phong làm Tư Không, đã từng mời Tả Từ tới tham gia yến tiệc. Khi các vị khách ngồi xuống, Tào Tháo cảm thán: “Hôm nay các vị tề tựu đông đủ, sơn hào hải vị đều đã chuẩn bị, chỉ thiếu cá vược Tùng Giang của Đông Ngô”.

Tả Từ bèn nói: “Chuyện này dễ thôi”. Ông lấy một cái mâm đồng, đổ đầy nước, dùng sào trúc câu cá ở trong mâm, một lúc sau đã thấy một con cá cắn câu. Tào Tháo vỗ tay và nói: “Một con không đủ chiêu đãi mọi người, thêm một con nữa thì tốt".

Thế là Tả Từ liền câu thêm một con nữa dài 3 thước đang bơi nhảy. Các quan khách có mặt hết thảy kinh ngạc. Tào Tháo chuẩn bị đích thân xuống bếp nấu và nói: “Cần cả gừng Tứ Xuyên để làm gia vị mới đủ”.

Tả Từ nói: “Việc này cũng dễ”.

Tào Tháo sợ Tả Từ chỉ đi tới chỗ gần lấy gừng, bèn nói: “Trước ta phái đi Tứ Xuyên mua vải thổ cẩm, phiền ông thuận tiện bảo người mua lấy thêm hai cuộn”.

Chẳng mấy chốc Tả Từ mang gừng về và nói: “Tôi thấy người của ngài trong cửa hàng bán thổ cẩm, tôi đã bảo anh ta mua thêm hai cuộn”.

Chẳng mấy chốc Tả Từ mang gừng về và nói: “Tôi thấy người của ngài trong cửa hàng bán thổ cẩm, tôi đã bảo anh ta mua thêm hai cuộn”. (Ảnh chụp màn hình)
Chẳng mấy chốc Tả Từ mang gừng về và nói: “Tôi thấy người của ngài trong cửa hàng bán thổ cẩm, tôi đã bảo anh ta mua thêm hai cuộn”. (Ảnh chụp màn hình)

Sau đó hơn hai năm trôi qua, người mà Tào Tháo phái đi đã trở về. Quả thực, người này đã mua thêm hai cuộn vải thổ cẩm, còn nói rằng trước đây vào ngày tháng nào đã gặp một người trong cửa hàng thổ cẩm, truyền đạt cho anh ta lệnh của Tào Tháo.

Một lần Tào Tháo đi ra ngoài, có hơn trăm sĩ đại phu đi cùng, trên đường Tả Từ chỉ đem một thăng rượu, một cân thịt khô, nhưng vẫn đủ cho các tuỳ tùng ăn no uống say. Tào Tháo thấy rất kỳ lạ, phái người đi điều tra, tới cửa hàng bán rượu tìm hiểu, hoá ra rượu và thịt khô của họ đều không cánh mà biến mất từ hôm qua. Tào Tháo tức giận, lập kế hoạch bí mật giết Tả Từ. Vào một buổi yến tiệc, Tào Tháo đúng lúc muốn bắt giữ Tả Từ, Tả Từ đột nhiên rút lui vào trong tường và biến mất. Có người nhìn thấy Tả Từ ở chợ, liền đi theo đuổi bắt ông, bất chợt tất cả mọi người trong chợ đều biến thành hình dạng của Tả Từ, không biết ai là thật.

Sau đó có người nhìn thấy Tả Từ ở núi Dương Thành, mau chóng truy bắt. Không ngờ Tả Từ bỗng lẫn vào đàn cừu và biến mất. Tào Tháo cho người xông vào đàn cừu la lớn: “Không giết được ngươi, để xem bản sự của người ra sao”.

Khi đó, một con cừu già co hai chân trước lên trông giống như người đang đứng và nói: “Vậy cứ như thế đi”.

Binh lính liền lao tới. Lập tức hàng trăm con cừu đều đứng lên giống như người và nói: “Vậy cứ như thế đi”.

Binh sĩ chợt bối rối. Lúc này Tào Tháo cũng thực sự không có cách nào khác, đành phải từ bỏ ý định giết Tả Từ.

Theo ghi chép trong “Hậu Hán Thư”, Tả Từ không cố ý dọa Tào Tháo sợ khiếp, nhưng cảnh biến hóa thành người ở quy mô lớn quả thực chân thực, thậm chí còn kinh người hơn. Tóm lại, trong ghi chép chính sử có thể chứng thực khả năng pháp thuật của Tả Từ, hơn nữa vô cùng thần kỳ.

Tả Từ còn có một người đệ tử - một trong Tứ Đại Thiên Sư của Đạo giáo - Cát Thiên Sư Cát Huyền. Cháu trai của Cát Huyền là Cát Hồng của nhà Đông Tấn. Khi Cát Hồng viết “Thần Tiên truyện”, chính là chiểu theo ghi chép lịch sử mà viết ra. Nội dung về Tả Từ trong “Thần Tiên truyện” còn nhiều hơn cả trong “Hậu Hán Thư”.

“Thần Tiên truyện”: chia rượu ném chén

Tương truyền Tả Từ tinh thông Ngũ kinh, cũng rất giỏi thuật chiêm tinh, từ tinh tượng ông đã dự đoán trước được vận rằng mệnh của nhà Hán sẽ kết thúc, thiên hạ sẽ đại loạn. Ông cảm thán nói: “Lúc loạn thế, quan càng to càng nguy hiểm, tiền càng nhiều càng chết nhanh, vì vậy tuyệt đối không thể tham hưởng vinh hoa phú quý thế gian". Ông chuyên tâm tu luyện Đạo thuật ở núi Thiên Trụ, ở trong một động đá đắc được bộ “Cửu Đan Kim Dịch Kinh”, học được thuật biến hoá bản thân. Pháp thuật rất nhiều, cũng không nhớ được hết. Sau đó, ông xuống núi, dạy con người công phu thổ nạp dưỡng sinh.

Tương truyền Tả Từ tinh thông Ngũ kinh, cũng rất giỏi thuật chiêm tinh, từ tinh tượng ông đã dự đoán trước được vận rằng mệnh của nhà Hán sẽ kết thúc, thiên hạ sẽ đại loạn (Ảnh chụp màn hình)
Tương truyền Tả Từ tinh thông Ngũ kinh, cũng rất giỏi thuật chiêm tinh, từ tinh tượng ông đã dự đoán trước được vận rằng mệnh của nhà Hán sẽ kết thúc, thiên hạ sẽ đại loạn (Ảnh chụp màn hình)

Khi biết chuyện, Tào Tháo cho triệu Tả Từ tới. Điều này cũng được ghi lại trong “Biện Đạo Luận” của Tào Thực, nói rằng Tào Tháo đã tuyển tất cả các phương sĩ nổi tiếng vào thời điểm đó. Tả Từ là một trong số những phương sĩ đó. Tào Tháo nghe nói Tả Từ có thể tịch cốc, liền nhốt ông vào một căn phòng đá, không cho một hạt gạo nào, mỗi ngày chỉ cho 2 thăng nước. Một năm sau, mở cửa phòng ra, sắc mặt Tả Từ vẫn tốt như xưa. Tào Tháo kinh ngạc: “Ta cứ nghĩ rằng thiên hạ không ai có thể không ăn mà sống”. Do đó Tào Tháo rất kính phục và có ý muốn học Đạo với Tả Từ. Tả Từ nói: “Học Đạo cần phải thanh tĩnh vô vi, e rằng tôn giả làm không được".

Tào Công là bậc anh hùng hô phong hoán vũ, là Ngụy Vương quyền khuynh thiên hạ, đã đích thân bái sư cầu Đạo mà không ngờ lại bị từ chối, nên vô cùng khó chịu, chợt khởi lên ý định muốn giết Tả Từ. Suy nghĩ này của Tào Tháo vừa nổi lên, Tả Từ liền biết và xin Tào Tháo cho về quê vì tuổi đã cao. Tào Tháo hỏi vì sao phải vội vã rời đi như thế. Tả Từ nói: “Nếu tôi không đi, đầu sẽ bị ngài lấy đi mất".

Tào Tháo nói: “Sao tiên sinh lại nói như thế. Vì ông có chí hướng cao cả, tôi không giữ lại lâu nữa”.

Tào Tháo triệu tập văn võ bá quan, làm yến tiệc rượu cho Tả Từ. Tả Từ nói: “Tôi sẽ đi xa, xin được cùng ngài cùng uống một chén rượu”.

Tào Tháo đồng ý. Khi đó thời tiết rất lạnh, rượu được làm nóng trên lửa. Tả Từ rút chiếc trâm cài tóc của đạo sĩ trên đầu và khuấy rượu. Lúc đầu, Tào Tháo thấy Tả Từ muốn chia chén rượu uống, tưởng rằng bản thân sẽ uống nửa chén xong rồi đưa cho Tả Từ uống nốt nửa còn lại. Không ngờ, Tả Từ dùng cây trâm vạch vào chén rượu của bản thân, chén rượu liền tách đôi nhưng một giọt rượu cũng không bị rơi, mỗi người có một nửa chén. Tả Tử uống hết một nửa trước, mang nửa chén còn lại đưa cho Tào Tháo. Không biết là do Tào Tháo kinh ngạc với pháp thuật của Tả Từ, hay là khó chịu Tả Từ vô lễ, nên không nhận chén rượu. Tả Từ lại cầm nửa chén đó lên uống hết, xong ném chén lên xà nhà. Cái chén lơ lửng trên xà nhà như muốn rơi nhưng không rơi. Các khách có mặt tại yến tiệc đều ngẩng đầu nhìn chén rượu, mãi lâu sau cái chén mới rơi xuống, còn Tả Từ đã không thấy bóng dáng từ lâu. Tào Tháo cảm thấy như bị trêu chọc, lại muốn giết Tả Từ, liền phái người đi bắt. Sau đó lại là màn kịch Tả Từ biến hình người và cừu rất giống với mô tả trong “Hậu Hán Thư.

Khen thưởng quân đội

Sau đó Tả Từ tới Kinh Châu, Lưu Biểu sớm đã nghe tất cả những câu chuyện của Tả Từ ở Ngụy, trong lòng lo lắng, đã tiến hành duyệt binh, nghĩ sẽ dùng sức mạnh quân sự hùng mạnh áp đảo Tả Từ, để Tả Từ thần phục ông, nếu không sẽ giết Tả Từ. Tả Từ nói với Lưu Biểu: “Tôi có chút quà nhỏ muốn tặng cho quân đội của Ngài”.

Lưu Biểu nói: “Ngài một mình đơn thân, người của tôi nhiều như thế, ngài có thể tặng được hết không?”.

Tả Từ vẫn nhắc lại ý định. Lưu Biểu bèn phái người đi nhận lễ vật, nhưng chỉ thấy có một đấu rượu và miếng thịt khô nhỏ, nhưng 10 người nhấc không lên nổi. Tả Từ đích thân nhấc miếng thịt lên, gọt thành từng miếng, gọi 100 người mang rượu và thịt khô chia cho binh sĩ, mỗi người ba chén rượu và một miếng thịt khô. Hơn vạn binh sĩ đều ăn uống no say mà rượu và thịt vẫn còn. Lưu Biểu hết đỗi kinh hãi, rút lại ý định giết Tả Từ.

Thăm Từ Đọa

Vài ngày sau Tả Từ rời chỗ của Lưu Biểu để tới huyện Đan Đồ của Đông Ngô. Nghe nói nơi này có một người tên là Từ Đọa, có đạo thuật, Tả Từ liền đến thăm. Các khách ở nhà Từ Đọa thấy tướng mạo xấu xí của Tả Từ liền nói: “Từ Công không có nhà”.

Vài ngày sau Tả Từ rời chỗ của Lưu Biểu để tới huyện Đan Đồ của Đông Ngô. Nghe nói nơi này có một người tên là Từ Đọa, có đạo thuật, Tả Từ liền đến thăm (Ảnh chụp màn hình)
Vài ngày sau Tả Từ rời chỗ của Lưu Biểu để tới huyện Đan Đồ của Đông Ngô. Nghe nói nơi này có một người tên là Từ Đọa, có đạo thuật, Tả Từ liền đến thăm (Ảnh chụp màn hình)

Tả Từ quay người rời đi. Một lúc sau, đàn gia súc trên sáu bảy chiếc xe bò đậu trước cổng đều bị treo lên cây, các trục xe mọc ra gai cứng. Các khách vội chạy đi báo Từ Đọa. Từ Đọa nói: “Ôi, đây là Tả Từ công tới thăm ta. Sao các ngươi dám lừa ông ấy, mau đuổi theo”.

Mọi người đuổi theo và đều cúi đầu tạ lỗi với Tả Từ. Tả Từ không còn giận nữa, khi mọi người quay trở về, tất cả đều khôi phục trở lại như bình thường. Tả Từ ở lại nhà Từ Đọa vài ngày rồi đi gặp Tôn Quyền. Tôn Quyền rất kính trọng Tả Từ, nhưng ông có một cận thần là Tạ Tống thường xuyên vu khống, với ý đồ muốn Tôn Quyền trừ khử Tả Từ.

Một lần Tả Từ cùng Tôn Quyền ra ngoài đi săn, ông đi một đôi giày gỗ, chống một cây gậy, Tạ Tống cảm thấy cơ hội đã đến, âm thầm rút kiếm ám sát Tả Từ, nhưng dù đi nhanh hay chậm đều cách xa Tả Từ trăm bước, cuối cùng đành phải từ bỏ ý định. Ngao du khắp nơi, Tả Từ quy ẩn ở Hoa Sơn để luyện đan. Sau khi luyện thành đan dược xong, ông bạch nhật phi thăng rời đi.

Ngao du khắp nơi, Tả Từ quy ẩn ở Hoa Sơn để luyện đan. Sau khi luyện thành đan dược xong, ông bạch nhật phi thăng rời đi (Ảnh chụp màn hình)
Ngao du khắp nơi, Tả Từ quy ẩn ở Hoa Sơn để luyện đan. Sau khi luyện thành đan dược xong, ông bạch nhật phi thăng rời đi (Ảnh chụp màn hình)

Theo suy đoán của hậu nhân, ông sống nơi thế gian từ năm Vĩnh Thọ thứ hai triều đại Đông Hán (156), tới năm Thái Khang thứ 10 triều Tây Tấn (289), tổng cộng là 133 tuổi.

Nhiều nhà tu hành nổi tiếng thời cổ đại đều có những pháp thuật, nhưng cũng có người cho rằng điều họ dùng là ma thuật, đều là thủ thuật che mắt người khác. Nhưng lập tức có thể biến mọi người trên phố đều giống hệt nhau, lại có thể biến thành cừu trong nháy mắt, khiến cả bầy cừu nói được, thì các nhà ảo thuật ngày nay liệu có ai đạt được tới trình độ đó?

Hơn nữa, người tu đạo tu tới trường sinh cửu thị, đắc Đạo thành Tiên, nên những khả năng của Tả Từ có lẽ chính là pháp thuật. Có điều giống như Tả Từ, bao gồm cả đệ tử chân truyền Cát Huyền của ông, có lẽ trong loạn thế tranh đoạt, họ đến để cảnh tỉnh các thế lực về sự tồn tại của Thiên Đạo, Thần Tiên, nhắc nhở họ không được sát phạt quá nhiều, hoặc có thể là lưu lại văn hoá tu luyện cho người đời sau. Ý nghĩa thâm sâu trong đó, chúng ta không biết được chính xác bởi vì thế giới nơi con người đang sống này là một không gian mê. Ở trong không gian mê mới có thể ngộ Đạo, có thể ngộ Đạo mới trân quý. Vì vậy, có lẽ chúng ta nên mang theo tâm thái tìm hiểu, kính sợ để nghiên cứu và nhìn nhận những sự việc như thế này.

Theo Vườn văn sử

Minh An biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Đệ nhất kỳ nhân biến hình trong Tam Quốc