Địa vị chân thực của người vợ trong xã hội truyền thống

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhiều người có ấn tượng về phụ nữ truyền thống là người không đi ra khỏi cửa, và từng lời nói, hành động của họ bị ràng buộc bởi đạo đức truyền thống. Sau khi lấy chồng, người phụ nữ sẽ phụ thuộc vào người chồng, trở thành người chăm lo cho gia đình nhà chồng, còn cần phải chấp nhận cảnh thê thiếp, thậm chí có thể chịu số phận hẩm hiu bị vứt bỏ. Liệu sự thực có đúng như thế?

Đào tơ mơn mởn xinh tươi

“Đào chi yêu yêu
Chước chước kỳ hoa.
Chi tử vu quy,
Nghi kỳ thất gia”.

Dịch thơ (Tạ Quang Phát):

Đào tơ mơn mởn xinh tươi,
Hoa hồng đơm đặc dưới trời xuân trong.
Hôm nay nàng đã theo chồng,
Nên bề gia thất ấm nồng thuận vui.

(Thi kinh, quốc phong, Chu Nam - Đào yêu)

Cách đây 3.000 năm, dân gian đã dùng giọng văn giản dị, thiết tha để ca ngợi cảnh người phụ nữ lấy chồng. Sau khi lập gia đình, người đàn ông sẽ kiến công lập nghiệp ở bên ngoài, người phụ nữ sẽ ở nhà giúp chồng dạy con, sẽ cùng chồng đồng cam cộng khổ cả đời. Đây vốn dĩ là một cuộc sống bình thường và tốt đẹp trong một gia đình truyền thống, nhưng trong xã hội ngày nay lại bị xem như là bi kịch của người phụ nữ.

Đối với hình ảnh phụ nữ truyền thống, nhiều người có ấn tượng là: họ không đi ra khỏi cửa, và từng lời nói, hành động của họ bị ràng buộc bởi đạo đức truyền thống. Sau khi lấy chồng, người phụ nữ sẽ phụ thuộc vào người chồng, trở thành người chăm lo cho gia đình nhà chồng, còn cần phải chấp nhận cảnh thê thiếp, thậm chí có thể chịu số phận hẩm hiu bị vứt bỏ.

Nhưng đây có thực sự là hoàn cảnh sống chân thực của những người vợ truyền thống? Nếu có thể tĩnh tâm xuống và lật giở những trang giấy cổ xưa được lưu truyền qua nhiều thời đại, chúng ta sẽ có thể khám phá ra một số sự thật, hiểu được cách lý giải thực sự về mối quan hệ giữa vợ và chồng, cũng như sự đóng góp và trách nhiệm của người vợ đối với gia đình.

Phu giả phù dã, thê giả tề dã

Trong kinh sử điển tích, phu thê được coi là mối quan hệ luân lý quan trọng nhất trong các mối quan hệ của con người. Trong Chu Dịch nói rằng, sau khi trời đất tạo thành thì sản sinh ra vạn vật, sau khi vạn vật sinh ra thì có nam nữ khác biệt, rồi mới có quan hệ nhân luân khác như phu thê, phu tử, quân thần, và sau đó là các khái niệm trên dưới, lễ nghi.

Mối quan hệ phu thê có thể gọi là khởi đầu của luân lý làm người, đúng như Sử Ký đã nhấn mạnh: “Phu thê chi tế, nhân đạo chi đại luân dã” (mối quan hệ vợ chồng, là luân thường đạo lý lớn của đạo làm người).

Mối quan hệ vợ chồng, là luân thường đạo lý lớn của đạo làm người (Ảnh: pixabay)
Mối quan hệ vợ chồng, là luân thường đạo lý lớn của đạo làm người (Ảnh: pixabay)

Trong Trung Dung còn giảng: “Quân tử chi đạo, tạo đoan hồ phu phụ, cập kỳ chí dã, sát hồ thiên địa”. (Đạo người quân tử, khởi đầu ở mối quan hệ vợ chồng, đến cảnh giới cao nhất là thấu tỏ quy luật Trời, Đất)

Ý nghĩa là người xưa đặt mối quan hệ vợ chồng là điểm khởi đầu của sự tu dưỡng bản thân đối với bậc quân tử, và cảnh giới cao nhất của nó là mối quan hệ tương thông chính đạo giữa trời và đất. Vì quan hệ vợ chồng có thể nảy sinh hàng loạt các mối quan hệ như cha con, anh chị em, họ hàng,... và cuối cùng len lỏi vào mạng lưới các mối quan hệ của toàn xã hội. Do đó quan hệ vợ chồng là trọng tâm nhất trong mối quan hệ cả gia tộc. Vợ chồng mỗi người cần tuân thủ đạo của mình, giữ đúng bổn phận của mình, mới có thể khiến gia đình hòa thuận, gia phong nền nếp.

Nói xa hơn, đạo vợ chồng liên quan mật thiết tới sự hưng vong thành bại của một đất nước, đó là cái gọi là “cha, con, anh, chị, em, vợ, chồng, gia đạo chính; chính gia thì thiên hạ ổn định”.

Trong văn hóa Nho gia coi vợ chồng, cha con, vua tôi, già trẻ, bằng hữu là năm mối quan hệ chủ yếu của con người, và có một lý tưởng đạo đức là “tu thân, tề gia, trị quốc, và bình thiên hạ”.

Phải Tề gia trước khi Trị quốc, muốn Tề gia thì trước tiên cần quy chính đạo vợ chồng, vì tình nghĩa vợ chồng quan trọng như thế, người xưa vì sao chỉ coi trọng người chồng mà hạ thấp người vợ được?

Vậy người xưa định nghĩa vợ chồng như thế nào? Cuốn “Bạch hổ thông” đàm luận rằng: Phu giả phù dã, thê giả tề dã”. (Chồng là người dìu dắt, gánh vác; vợ là người giúp đỡ, quán xuyến)

Người chồng là trụ cột của gia đình, có trách nhiệm lãnh đạo và nâng đỡ, sinh kế của gia đình và quy tắc nền nếp gia đình do người chống gánh vác. Vợ là người gánh vác trách nhiệm cùng chồng, nghĩa là vợ chồng như một, cùng nhau chăm lo cho gia đình nhỏ. Người vợ còn được gọi là “phụ nữ”, tức là đảm đương, nghĩa là quán xuyến việc nhà, chăm lo gia đình. Hai chức danh này của phụ nữ đã có gia đình có thể hàm ý rằng họ sẽ gánh vác nhiều trách nhiệm hơn trong hôn nhân và gia đình.

Phụ nữ chủ bên trong, là tể tướng trong nhà

Vợ chồng là một, nhưng đàn ông và đàn bà có sự khác nhau, và có những sở trường khác nhau, chính là một âm một dương gọi là Đạo. Nam giới tượng trưng cho nam tính, dương cương; nữ giới tượng trưng cho âm nhu. Người xưa dựa trên Đạo âm dương mà xác lập ra luân lý gia đình ‘nam tôn nữ ti’, nam là chủ bên ngoài, nữ là chủ bên trong.

Tôn ti này không phải là một định nghĩa đơn giản về cao quý và thấp kém, mà là trí huệ của cuộc sống bắt nguồn từ quy luật của trời đất. Trời thuộc dương, ở bên trên là tôn, có nghĩa là nam tử xử sự phải cương quyết như trời, không ngừng cố gắng; đất thuộc về âm, ở dưới là gì, có nghĩa là làm người phụ nữ nên khiêm tốn, trọng đức như đất, bao dung với tất cả.

Làm người phụ nữ nên khiêm tốn, trọng đức như đất, bao dung với tất cả (Ảnh: pixabay)
Làm người phụ nữ nên khiêm tốn, trọng đức như đất, bao dung với tất cả (Ảnh: pixabay)

Và cụ thể về trách nhiệm trong cuộc sống vợ chồng, nó còn liên quan đến sự phân chia bên trong và bên ngoài.

Người chồng ở bên ngoài. Là bậc quân chủ thì chăm lo việc nước, dân giàu nước mạnh; là bề tôi thì làm tốt trọng trách nghĩa vụ, giúp đỡ giang sơn; là tướng sĩ thì đánh nam dẹp bắc, bảo vệ gia đình, bảo vệ đất nước; là người dân, chăm chỉ làm việc.

Người vợ ở nhà, thì cẩn trọng tuân thủ chuẩn mực đạo đức của người phụ nữ, phụ giúp chồng dạy dỗ con, quản lý tài sản của gia đình và giúp chủ trì các lễ nghi trong gia đình.

Trong “Lễ ký” nghi có câu: “Nam bất ngôn nội, nữ bất ngôn ngoại”. Đàn ông không hỏi đến chuyện quản lý gia đình, thì mới có thể tập trung vào phát triển sự nghiệp; người phụ nữ không hỏi đến việc bên ngoài của chồng, thì mới có thể tập trung vào việc gia đình như nấu ăn, nữ công gia chánh... và chăm sóc chu đáo cả gia đình, cũng như giúp chồng, để chồng khỏi phải lo lắng chuyện gia đình.

Một số người có thể cho rằng phụ nữ thời xưa dường như cả đời chỉ vì chồng mà sống, chẳng có chút giá trị cá nhân nào. Thực tình họ không biết rằng, bậc quân vương vì đất nước mà hao tổn sức việc chính sự, các vị tướng vì quốc kế dân sinh mà vất vả, và những người dân thường vì để nuôi gia đình của mình mà làm việc chăm chỉ. Đâu có người đàn ông nào vì bản thân mình mà sống? Điều này chẳng phải chứng tỏ mỹ đức vô tư vì người khác trong văn hóa truyền thống sao? Hơn nữa, so với nam giới, phụ nữ yếu đuối, tinh tế và khéo léo, thực sự là vợ chồng hoà hợp, và họ có nhiều khả năng đóng góp công sức của mình vào thế giới nhỏ của gia đình.

Người xưa thường so sánh vợ chồng là quân thần, chồng là chủ gia đình, vợ là tể tướng trong nhà. Vì vậy, người vợ gánh vác gia đình còn gọi là “chủ mẫu”, chứng tỏ người vợ cũng được cả nhà kính trọng chẳng kém gì chồng.

Trong vấn đề dạy dỗ con cái, chỉ có người vợ tài đức vẹn toàn mới có thể ươm mầm cho những thế hệ quân tử, thục nữ sau này. Điều này là việc đại sự liên quan tới cả vận mệnh của gia đình, thậm chí vận mệnh của cả một quốc gia.

Vì vậy, người ta nói rằng trên đời có thục nữ mới có hiền thê; có hiền thê thì có những hiền mẫu, và khi có hiền mẫu thì mới có những người con tài đức. Phía sau những người đàn ông tài đức trong lịch sử, luôn có những người phụ nữ đóng một vai trò vô cùng to lớn trong việc kế tục văn hóa và đạo đức truyền thống.

Nói như thế, người vợ là cánh tay phải, là đại thần được cọi trọng nhất của chồng, cũng là người mà gia đình phụ thuộc nhiều nhất về các phương diện như cơm ăn, áo mặc, đi lại… Làm sao có thể nói là họ không được chồng coi trọng?

Hôn lễ làm gốc, nữ giáo làm trọng

Kể từ khi Chu Công chế tác lễ nhạc, hôn lễ truyền thống có những thủ tục phức tạp và nội hàm sâu sắc. Trải qua những thay đổi nhỏ về phong tục tập quán, và hầu hết đều không tách rời nội dung cốt lõi của tam thư lục lễ. Đúng là danh chính thì ngôn mới thuận, sự kết hợp nam nữ và xác lập danh phận là những vấn đề quan trọng liên quan đến tế lễ đối với bề trên và việc lớn của thế hệ sau đối với bề dưới. Cổ nhân hàng ngàn năm đều duy trì các nghi lễ cơ bản của đám cưới truyền thống.

Nhiều phân đoạn trong hôn lễ đều có thể phản ánh sự tôn trọng và kỳ vọng của người xưa đối với người vợ. Ví dụ, các nghi lễ nạp thái, ăn hỏi, nạp cát… phải được bên phía nhà trai tổ chức ở từ đường của phía nhà gái, dưới sự chứng kiến ​​của tổ tiên, thể hiện sự thành kính, cẩn trọng với nhau.

Vào ngày đón dâu, người chồng cần đánh xe một cách tượng trưng cho vợ, đợi bánh xe quay ba vòng rồi mới được để người phu xe đánh xe, điều này thể hiện ý nghĩa sự tôn trọng và tương thân lẫn nhau giữa vợ và chồng. Vợ chồng uống rượu từ một quả bầu tách thành đôi, gọi là “rượu hợp cẩn”, biểu thị cho vợ chồng một lòng, yêu thương nhau.

Sáng sớm ngày thứ hai sau khi vào nhà chồng, cô dâu cũng phải làm phụ lễ. Sau khi tắm rửa sạch sẽ, cô dâu mới sẽ trịnh trọng đến bái kiến bố mẹ chồng, và thực hiện một loạt các nghi lễ tế bái, thể hiện sự khiêm nhường và hiếu thảo.

Sau khi làm lễ xong, cha mẹ chồng bước xuống từ bậc thềm phía tây, cô dâu đi xuống bậc thềm phía đông, vị trí mà người chủ sử dụng, ám chỉ cô dâu từ đó sẽ đảm nhận trọng trách quản gia. Theo “Lễ ký”, những nghi thức này là thể hiện mong muốn người vợ làm được “thuận”, hiếu thảo với người lớn tuổi, hòa thuận với gia đình, như thế sẽ là sự đảm bảo cho sự hưng thịnh của gia nghiệp.

Người xưa đặt nhiều hy vọng vào người vợ, và giáo dục đạo đức nữ giới là một khóa học bắt buộc trong cuộc sống của người phụ nữ. Từ mười tuổi, người phụ nữ thời cổ đại đã phải được dạy dỗ của ‘phó mẫu’, học tập ngôn hành, cử chỉ dịu dàng, hiền thục; nghe lời dạy bảo của người trên, học các kỹ năng nữ công như nuôi tằm ươm tơ, dệt lụa, may vá thêu thùa; học chuẩn bị các đồ cúng trong lễ bái, các quy tắc sắp đặt và nấu đồ ăn thờ cúng.

Người xưa đặt nhiều hy vọng vào người vợ, và giáo dục đạo đức nữ giới là một khóa học bắt buộc trong cuộc sống của người phụ nữ (Ảnh: pixabay)
Người xưa đặt nhiều hy vọng vào người vợ, và giáo dục đạo đức nữ giới là một khóa học bắt buộc trong cuộc sống của người phụ nữ (Ảnh: pixabay)

Ba tháng trước khi kết hôn, những người phụ nữ còn phải trải qua quá trình “đào tạo trước hôn nhân” rất nghiêm túc để nắm vững đạo đức, lời nói, dung mạo và tay nghề của người phụ nữ. Sau khi học xong, họ sẽ cần phải làm lễ cúng tổ tiên để chứng tỏ người phụ nữ đã được trang bị đức hạnh của người phụ nữ nhu thuận, và có thể lấy chồng.

Bên cạnh việc giáo dục đạo đức phụ nữ qua lời nói và việc làm, trong lịch sử cũng đã xuất hiện rất nhiều sách về quy phạm đạo đức, ngôn hạnh của người phụ nữ, tiêu biểu là “Liệt nữ truyện” và “Nữ tứ thư”.

Một số người có thể cho rằng đây là một sự kỳ thị và giam cầm khác của phụ nữ, nhưng trên thực tế, người xưa cho rằng, tình nghĩa vợ chồng lý tưởng là “phu nghĩa phụ thuận” (chồng chính nghĩa, vợ nhu thuận). Trong “Tuân tử” cho rằng “trí công nhi bất lưu, trí lâm nhi hữu biện”, tức là cố gắng đạt được thành công mà không phóng túng dâm loạn, và cố gắng gần gũi vợ trong khi duy trì một ranh giới nhất định. Khi người chồng làm được nghĩa, người vợ sẽ tự nhiên làm theo chồng, và trở thành một hiền thê dịu dàng, chu đáo.

Còn về việc tại sao người xưa luôn đề cao đức của người phụ nữ mà ít khi đề cập đến đức của người chồng, điều này có lẽ là do việc coi “nam chính vị hư ngoại” (nam xác lập địa vị ở bên ngoài), còn chuyện mối quan hệ vợ chồng, việc gia đình thì không nằm trong nội dung chính của cuộc sống của bậc nam nhi. Trên thực tế, không phải phần lớn các kinh sử phong phú thời cổ đại đều khuyên bảo, quy giới ngôn hành và đạo đức của đàn ông sao? Người đàn ông có đủ những hiền đức nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, thì chắc chắn sẽ là một người chồng tốt, người con tốt, người cha tốt.

Từ quan điểm này, những sách về đức hạnh của phụ nữ lại ít hơn. Chẳng trách Từ Hoàng hậu (hoàng hậu của Minh Thành Tổ Chu Đệ), người biên soạn ‘Nội huấn’ (một trong nữ tứ thư), đã phải cảm thán coi là trên thế giới "duy nhất chỉ có giáo dục nữ giới là không có toàn thư". Vì vậy, chúng ta nên biết ơn nhiều hơn nữa những cuốn sách kinh điển được lưu truyền lại, để những người phụ nữ ngày nay cũng có thể tìm lại những đức tính truyền thống của người phụ nữ.

Đọc những lời văn do các bậc Thánh hiền để lại, khiến chúng ta sẽ không khỏi kinh ngạc khi thấy rằng, trong văn hóa và đạo đức truyền thống, đạo nghĩa vợ chồng là khởi đầu của quan hệ con người, và là bộ phận quan trọng nhất trong trị quốc, người vợ đóng vai trò không thể thay thế trong gia đình.

Có một người vợ đảm đang ở nhà là niềm hạnh phúc khí nhất của mỗi gia đình. Tầm quan trọng và những yêu cầu của văn hóa truyền thống đối với phụ nữ cũng có thể khiến phụ nữ ngày nay suy nghĩ sâu thêm về trách nhiệm và sứ mệnh lớn lao mà họ đảm nhận.

Minh An
Theo Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Địa vị chân thực của người vợ trong xã hội truyền thống