Đời người có 3 báu vật, học được 1 thì cả đời thọ ích [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người hiền đức thì cho dù vào lúc thái bình phú quý vẫn thường có cái tâm lo lúc hoạn nạn. Bởi vì họ biết rõ rằng, ngày thường sống tiết kiệm, thì lúc khốn cùng có thể dễ dàng vượt qua được. Lúc phú quý mà xa hoa lãng phí, thì lúc suy bại sẽ phải chết bởi cơ hàn.

Trong chương 17 - Đạo Đức Kinh, Lão Tử nói: “Ta thường có 3 báu vật, giữ gìn bảo vệ nó: thứ nhất là nhân từ, thứ hai là tiết kiệm, thứ ba là không tranh với người”.

Lão Tử đã cho chúng ta biết 3 nguyên tắc làm người, cần nghiêm khắc tuân thủ, đó là: thứ nhất, làm người nhân từ; thứ hai, làm người cần kiệm; thứ ba, làm bất kỳ việc gì cũng không được tranh đứng trên người khác.

Nhân từ, tiết kiệm, khiêm nhường, đó vừa là nguyên tắc làm người, lại vừa là phương pháp đối nhân xử thế tốt đẹp.

Nhân từ

Quyển 27 - Kinh Phật “Đại trí độ luận” có viết: “Nhân từ đem lại niềm vui cho hết thảy chúng sinh, từ bi tiêu tan hết khổ nạn của hết thảy chúng sinh”.

Con người sống trên đời, bất kể là đối với người hay đối với vật, đều cần có lòng trắc ẩn, thiện lương, nhân từ. Chỉ khi luôn có cái tâm từ bi thì vận số mới càng ngày càng tốt, phúc báo mới càng ngày càng nhiều, cuộc đời mới càng ngày càng thuận lợi.

Sách “Thế thuyết tân ngữ” có kể câu chuyển như thế này:

Danh sĩ đời Đông Tấn là Cố Vinh, khi ở Lạc Dương, ông từng đến nhà một người quen dự tiệc. Trong bữa tiệc, ông phát hiện ra trên mặt người hầu đem thức ăn lộ ra thần sắc thèm muốn đối với miếng thịt nướng mà người đó đang bưng trên tay. Thế là Cố Vinh liền lấy miếng thịt nước của mình đem tặng anh ta.

Những người khách dự tiệc đều chê cười anh là không biết giữ thân phận, Cố Vinh nghiêm mặt nói: “Sao lại có thể có người cả ngày làm món thịt nướng mà lại không được biết đến mùi vị của nó?”

Sau này chiến loạn nổi lên khắp nơi, Cố Vinh lưu lạc xuống phương Nam lánh nạn. Mỗi khi ông gặp nguy nan thì luôn có một người giúp đỡ ông. Thế là Cố Vinh cảm kích hỏi nguyên do, hóa ra người đó chính là người hầu mà ông đã tặng miếng thịt nướng năm xưa.

Cơ ngộ đời người chính là luân hồi, bạn vô tư để lại lòng từ bi, cuối cùng vào một ngày nào đó trong tương lai, bạn sẽ nhận được quả thiện báo đáp.

Có người vì lòng từ bi mà có được cuộc đời mới, có người vì thiếu lòng thương xót mà rơi vào cảnh nước mất nhà tan.

Trong thời gian Tấn Văn Công Trùng Nhĩ lưu vong, đã từng đến nước Tào. Quốc quân nước Tào khi đó là Tào Cộng Công, ông cảm thấy Trùng Nhĩ chỉ là một công tử bất đắc chí, hồn siêu phách lạc, nên không muốn tiếp đãi. Sau đó được các đại thần khuyên can nên mới miễn cưỡng để đoàn người của Trùng Nhĩ đi vào nước Tào. Nhưng ông ta không những không bày tiệc rượu tiếp đãi, trái lại còn xem trộm Trùng Nhĩ tắm.

Sau này Trùng Nhĩ trở thành Bá chủ, những nước đã giúp đỡ ông trong thời kỳ lưu vong đều được ông đối đãi tốt đẹp, còn nước Tào thì bị nước Tấn tấn công, Tào Cộng Công bị bắt sống.

Làm người nhân từ, tuy phúc báo nhất thời chưa đến, nhưng tai họa đã rời xa. (Ảnh minh họa Pixabay)

Người xưa nói: “Người làm việc thiện, phúc tuy chưa đến, họa đã rời xa. Người làm việc ác, họa tuy chưa đến, phúc đã rời xa”.

Làm người nhân từ, tuy phúc báo nhất thời chưa đến, nhưng tai họa đã rời xa. Nếu thường làm việc ác, họa hoạn tuy nhất thời chưa xảy ra, nhưng phúc báo thì đã sớm ra đi rồi.

Tiết kiệm

Người xưa nói: “Tiếc ăn, tiếc mặc, không phải là tiếc tiền tài, mà là tiếc phúc”.

“Tiếc phúc” ở đây chính là tiết kiệm. Xem các bậc tiên hiền các thời đại, đều là những người lấy việc tiết kiệm để tu phúc.

Quý Văn Tử là quý tộc nước Lỗ thời Xuân Thu, nhà 3 đời đều làm tướng quốc, gia thế tôn quý. Tuy nhiên ông luôn lấy việc tiết kiệm làm gốc rễ cuộc sống, đồng thời yêu cầu người nhà cũng không được xa hoa lãng phí.

Bình thường, trừ mấy bộ y phục dùng đề vào triều tra, ông đều mặc áo vải thô. Mỗi lần đi ra ngoài, ông đều đi xe ngựa rất đơn sơ. Ăn uống trong gia đình không khác gì người dân thường.

Thấy ông tiết kiệm như thế này, có người khuyên rằng: “Ngài thân làm tướng quốc, đức cao vọng trọng, mỗi lời nói hành vi đều đại biểu cho nước Lỗ. Nhưng ngài lại không cho phép vợ con mặc lụa là, bản thân ngài cũng không chú trọng dung mạo và trang phục, đi xe ngựa xấu xí như thế này. Ngài như thế này không sợ người nước khác chê cười sao? Nếu ngài ăn mặc thể diện hơn một chút, thì đối với bản thân, đối với quốc gia đều là việc tốt, tại sao lại không làm?”

Quý Văn Tử nghe xong thì mỉm cười, sau đó nghiêm giọng nói với người đó rằng: “Tôi cũng mong ăn mặc tôn quý một chút, xe ngựa hào hoa một chút, nhưng người dân trong nước chúng ta vẫn còn có rất nhiều người ăn chưa no, mặc chưa đủ che thân thể. Nghĩ đến những người này, tôi sao có thể nhẫn tâm chỉ chăm chút hưởng thụ cá nhân đây?”

Đừng lấy việc tiết kiệm tiền mừng tuổi như là cách duy nhất để giáo dục con bạn quản lý tiền.
Phàm là người có trí tuệ, đều coi tiết kiệm là nguyên tắc làm người. (Ảnh: Shutterstock)

Kinh Dịch có viết: “Người quân tử dùng đức tiết kiệm để tránh nạn”. Mỹ đức tiết kiệm của Quý Văn Tử được mọi người kính trọng. Ông làm quan 30 năm, mở ra trào lưu phong thái tiết kiệm, chất phác một thời, và cũng đặt định vị trí tối cao vô thượng cho gia tộc mình, chỉ sau hoàng tộc, đồng thời thúc đẩy nước Lỗ cải cách phát triển.

Trong Giới Tử Thư, Gia Cát Lượng viết: “Nết người quân tử, tĩnh để tu thân, kiệm dùng dưỡng đức”.

Người hiền đức thì cho dù vào lúc thái bình phú quý vẫn thường có cái tâm lo lúc hoạn nạn. Bởi vì họ biết rõ rằng, ngày thường sống tiết kiệm, thì lúc khốn cùng có thể dễ dàng vượt qua được. Lúc phú quý mà xa hoa lãng phí, thì lúc suy bại sẽ phải chết bởi cơ hàn.

Xa hoa lãng phí, nhỏ thì có thể phá hoại hạnh phúc gia đình, lớn thì có thể diệt vong một quốc gia cường thịnh. Phàm là người có trí tuệ, đều coi tiết kiệm là nguyên tắc làm người, dùng nó để nâng cao tu dưỡng bản thân.

Không tranh với người

Lão Tử từng nói: “Cái thiện tối cao như nước, nước thiện, làm lợi cho vạn vật mà không tranh, ở nơi mọi người đều không muốn, do đó gần với Đạo”.

Nước lặng lẽ nuôi dưỡng vạn vật, nhưng lại không tranh với vạn vật, ở nơi địa vị thấp mà mọi người đều không muốn, đó là gần với Đạo.

“Không tranh với người”, thực ra là nói với mọi người cần giống như nước chảy, bất kể thân ở nơi nào, thì cũng đều phải có tâm thái khiêm nhường.

Thạch Phấn vốn là một tiểu lại vô danh phụng sự Hán Cao Tổ. Bởi vì thái độ khiêm cung, nên ông được Cao Tổ tín nhiệm và coi trọng.

Khi các quan đều vì cuồng ngạo, tự đại nên bị các hoàng đế triệt hạ, thì Thạch Phấn lại nhờ vào thái độ khiêm cung cẩn thận của mình mà được hoàng đế 3 triều hậu đãi. Thời Hán Văn Đế, Thạch Phấn làm quan đến chức Thái tử Thái phó, Thái trung Đại phu. Sau Hậu Cảnh Đế lên ngôi, ông đã được đưa lên vị trí Cửu khanh.

Sau khi Thạch Phấn cáo lão hồi hương, mỗi lần vào triều bái kiến hoàng đế, ông khi đi qua cổng cung điện, ông đều xuống xe, cúi đầu bước nhanh. Nếu thấy xe của Thiên tử, bất kể là hoàng đế có ngồi trong đó hay không, ông đều phủ phục trước xe kính lễ.

Thạch Phấn không chỉ cả đời giữ gìn nguyên tắc lập thân xử thế, mà còn bằng lời nói và hành động của mình truyền dạy cháu con. Gia tộc ông nổi tiếng hiếu thuận, nghiêm cẩn, 4 người con trai đều là người khiêm tốn, đều là trọng thần hưởng lương hai ngàn thạch.

Ngay cả Hán Cảnh Đế cũng phải cảm khái rằng: “Thạch Phấn và 4 con trai đều làm quan hưởng lương 2 ngàn thạch, sự tôn sùng của triều thần đều ở nhà này”.

Tuy gia tộc hưng thịnh đến cực độ, nhưng người nhà họ Thạch ra ngoài đều giữ gìn gia huấn khiêm cung cẩn thận, chưa bao giờ tranh chấp với người, vì vậy, gia tộc vẻ vang hiển quý, được kéo dài đến các đời sau.

Văn Đế tuy là quân vương nhưng cũng chỉ là địa vị của người phàm, trí tuệ của người phàm, bởi vậy trước mặt Thần linh thì chỉ có cung kính thành tâm mới đắc được chân kinh.
người khiêm nhường cung kính cẩn thận thì sẽ được lợi ích. (Ảnh qua Secretchina.com)

Sách Thượng Thư có viết: “Tự mãn thì tổn thất, khiêm tốn thì thọ ích, đó là Đạo Trời vĩnh hằng bất biến”.

Người kiêu ngạo tự mãn thì sẽ chiêu mời họa hoạn, người khiêm nhường cung kính cẩn thận thì sẽ được lợi ích, đó là Thiên Đạo.

Bất kể là vương hầu khanh tướng, hay là phàm phu tục tử, người thông minh thực sự đều giữ thái độ khiêm nhường để làm việc, khiêm tốn để làm người, bởi vì họ hiểu rằng, chỉ có không bộc lộ tài năng sắc sảo, không tranh với người thì đường đời mới thuận lợi bình an.

Lão Tử nói: “Giữ đầy không bằng biết dừng thích hợp. Bộc lộ sắc sảo ắt sẽ không bào toàn được lâu dài. Vàng ngọc đầy nhà sẽ không thể nào cất giữ được. Nếu phú quý mà kiêu ngạo ngang ngược thì ắt sẽ tự gây hậu họa”.

Hung tàn độc ác, phú quý kiêu căng, cậy công tham vị, đều khó tránh khỏi tai họa. Cái gốc căn bản làm người, xử thế, chính là làm người nhân từ, biết tiết kiệm, làm người khiêm nhường, không tranh với người.

Chỉ có như vậy thì trên đường đời mới thuận buồm xuôi gió tiến lên, mới bảo toàn được phúc lộc cho mình, và cho con cháu đời sau.

Hoàng Mai
Theo Apollo



BÀI CHỌN LỌC

Đời người có 3 báu vật, học được 1 thì cả đời thọ ích [Radio]