Hạ viện Mỹ thông qua 4 sửa đổi nhằm tăng cường quan hệ Mỹ - Đài Loan

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hạ viện Mỹ gần đây đã thông qua bốn sửa đổi do Dân biểu Tom Tiffany của Đảng Cộng hòa đệ trình nhằm mục đích tăng cường quan hệ giữa Hoa Kỳ và Đài Loan và xóa sổ chính sách ‘Một Trung Quốc’.

Những sửa đổi này được đưa vào Đạo luật Phân bổ của Bộ Quốc phòng và Đạo luật Phân bổ của Bộ Ngoại giao, lần lượt vào ngày 27/9 và ngày 28/9.

Trong số các sửa đổi có sửa đổi "bản đồ trung thực", cấm Bộ Quốc phòng tạo, mua hoặc hiển thị bất kỳ bản đồ nào mô tả Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.

Ông Tiffany kêu gọi Washington từ bỏ chính sách “Một Trung Quốc” - chính sách công nhận chỉ có một Trung Quốc và thừa nhận lập trường của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) về Đài Loan - đồng thời, ông gọi đó là “một chính sách lỗi thời và thiếu trung thực”.

Ông tuyên bố trước Hạ viện: “Tất cả chúng ta đều biết rằng Đài Loan không phải và cũng chưa bao giờ là một phần của Trung Quốc. Kể từ những năm 1970, chính sách được gọi là 'Một Trung Quốc' của Mỹ đã thừa nhận những tuyên bố sai lầm của Bắc Kinh về Đài Loan”.

“Mặc dù sửa đổi của tôi sẽ không chấm dứt được chính sách sai lầm này nhưng ít nhất nó yêu cầu các bản đồ mà chúng ta sử dụng phản ánh một thực tế đơn giản: Trung Quốc là Trung Quốc và Đài Loan là Đài Loan”.

Bản sửa đổi thứ hai của ông dỡ bỏ những hạn chế do Bộ Ngoại giao từng áp đặt khi cản trở hoạt động liên lạc và hợp tác giữa các quan chức Hoa Kỳ và những người đồng cấp của họ ở Đài Loan.

“Mỹ không cần sự cho phép của Trung Quốc trong việc liên lạc với bạn bè và đồng minh. Và chính sách này nên chấm dứt ngay lập tức”, ông Tiffany nêu rõ.

Ông tuyên bố rằng những hạn chế được áp đặt "theo yêu cầu của Trung Quốc", đã cản trở các quan chức cấp cao của Hoa Kỳ đến thăm Đài Loan và cảnh báo họ không coi Đài Loan hoặc các cơ quan dân cử của nước này là chính phủ của họ.

Ông nói: "Về cơ bản, họ nhằm mục đích ngăn chặn và hạn chế các tương tác cấp cao giữa các quan chức Mỹ và Đài Loan - mặc dù chính sách chính thức của Hoa Kỳ kể từ năm 2018 là khuyến khích và tạo điều kiện cho những tương tác này”.

Ngày 28/9, Hạ viện Mỹ đã thông qua sửa đổi của ông Tiffany, điều này sẽ chấm dứt thông lệ của Bộ Ngoại giao về việc cho phép các nhà lãnh đạo của Đài Loan thực hiện quá cảnh ngắn hạn tới các thành phố xa xôi của Washington.

Cùng ngày, Hạ viện Mỹ cũng thông qua một sửa đổi khác nhằm dỡ bỏ các hạn chế về liên lạc giữa các quan chức Mỹ và Đài Loan. Hạn chế này từng được Bộ Ngoại giao áp đặt thông qua bản ghi nhớ năm 2021.

Ông Tiffany cho biết chính quyền cựu Tổng thống Trump đã dỡ bỏ những hạn chế này nhưng nó đã được khôi phục lại sau khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức.

Ông lập luận: “Chúng ta không có những quy tắc như thế này đối với những tương tác giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Các quan chức trong chính quyền ông Biden tiếp tục gặp gỡ các quan chức ĐCSTQ, những người mà chính Ngoại trưởng của chúng ta đã cáo buộc phạm tội diệt chủng”.

Chính trị gia Đảng Cộng hòa nói thêm: “Tuy nhiên, chúng ta vẫn tiếp tục thực thi những điều kiện xuống cấp này đối với Đài Loan, một người bạn lâu năm và là đồng minh dân chủ”.

Đài Loan là nguồn cơn khiến Bắc Kinh và Washington thường xuyên rơi vào xích mích. Vào tháng 8/2022, ĐCSTQ đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự xung quanh hòn đảo tự trị để đáp trả chuyến thăm Đài Bắc của Chủ tịch Hạ viện lúc bấy giờ là bà Nancy Pelosi.

Chính quyền Trung Quốc đã tổ chức một cuộc tập trận quân sự kéo dài ba ngày quanh hòn đảo tự trị vào tháng 4 sau khi Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn gặp Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Kevin McCarthy ở California. Kết quả là vào ngày cuối cùng của cuộc tập trận, ĐCSTQ đã điều động kỷ lục 91 máy bay và 12 tàu chiến bao vây Đài Loan.

ĐCSTQ coi bất kỳ sự tương tác nào giữa chính quyền Đài Loan và quốc tế đều là những thách thức đối với tuyên bố quyền lực của họ đối với hòn đảo và tuyên bố rằng các cuộc tập trận quân sự của họ gần Đài Loan là để đáp lại nghi ngờ có sự thông đồng giữa Hoa Kỳ và các lực lượng đòi độc lập của Đài Loan.

Đài Loan và Trung Quốc chia cắt vào năm 1949 sau một cuộc nội chiến. Chế độ Bắc Kinh tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình. Hòn đảo tự trị này chưa bao giờ là một phần của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, nhưng Trung Nam Hải nói rằng họ có nghĩa vụ phải thống nhất với Trung Quốc bằng vũ lực nếu cần thiết.

Hoa Kỳ chính thức công nhận - nhưng không ủng hộ - lập trường của ĐCSTQ. Hoa Kỳ không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan. Tuy nhiên, Washington bị ràng buộc bởi Đạo luật Quan hệ Đài Loan trong việc cung cấp cho hòn đảo này những vũ khí cần thiết để tự vệ và ngăn chặn bất kỳ thay đổi đơn phương nào đối với hiện trạng eo biển Đài Loan.

Hồi tháng 5/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Washington sẽ bảo vệ Đài Loan nếu chính quyền Trung Quốc tấn công hòn đảo này.

“Chúng tôi ủng hộ chính sách 'Một Trung Quốc'; chúng tôi đã ký kết và tất cả các thỏa thuận được đề xuất đều dựa trên chính sách đó. Nhưng quan điểm cho rằng [Đài Loan] có thể bị chiếm bằng vũ lực... đơn giản là không thể chấp nhận được”, ông nói với các phóng viên ở Tokyo.

Mặc dù Tổng thống Biden đã đưa ra những bình luận tương tự nhiều lần trước đó, nhưng các quan chức Nhà Trắng luôn nhanh chóng làm rõ rằng Hoa Kỳ chưa có bất kỳ thay đổi chính thức nào đối với chính sách của Đài Loan, đồng thời tuyên bố rằng họ sẽ không đơn phương ủng hộ nền độc lập của Đài Loan.

Theo The Epoch Times

Lam Giang biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Hạ viện Mỹ thông qua 4 sửa đổi nhằm tăng cường quan hệ Mỹ - Đài Loan