Kỳ thú nhân gian: Câu đối Xuân không chữ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Năm mới, nhà nhà dán câu đối Xuân, mở ra khí tượng năm mới, cũng là nói lên tâm nguyện của mình. Cổ nhân có các cách đón năm mới, như ca xướng, thư pháp, thể hiện tâm tình vui nhộn ngày Xuân. Có câu chuyện vui ngày Xuân của hai vị quan hiền năng thời Càn Long.

“Thanh sử cảo” có ghi, hai vị quan hiền năng nhất trong những năm trị lý biên cương của vua Càn Long là Doãn Kế Thiện và Trần Hoằng Mưu. “Doãn Kế Thiện khoan hòa mẫn đạt, gặp việc bình tĩnh ung dung; Hoằng Mưu cần mẫn suy tư, không quản đêm ngày, thấu hiếu nỗi lòng dân chúng.” (Thanh Sử cảo. Liệt truyện trang 94), hai vị này đều lưu lại câu chuyện vui vào đêm giao thừa (đêm trừ tịch).

Có chữ chẳng hay bằng không chữ

Trần Hoằng Mưu thụy hiệu Văn Cung (tự Nhữ Tư, hiệu Dung Môn, 1696~1771), xuất thân từ tộc Hán Quảng Tây, là cử nhân đứng đầu bảng (Giải nguyên) Ân khoa, Quý Mão, năm Ung Chính thứ nhất. Cũng năm đó, ông đậu tiến sĩ. Khi còn đi học, ông lập chí “Tất vi thế thượng bất khả thiểu chi nhân, vi thế nhân bất khả tác chi sự” (Tạm dịch: Trở thành người không thể thiếu trên đời, làm được việc mà người thường không thể làm). Ông từng làm quan Tuần phủ nhiều tỉnh, Tổng đốc Lưỡng Quảng, Lưỡng Hồ (là các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Hồ Bắc, Hồ Nam), là Thượng thư bộ Binh, bộ Lại.

Khi làm quan, vô luận nhiệm kỳ dài, ngắn, ông nhất định thâm nhập nghiên cứu chỗ hay chỗ dở của phong tục địa phương, sau đó chỉnh lý, cái hay thì khuyến khích, cái dở thì bỏ đi, phân ra thứ bậc để xử lý. Ông sống nơi suối trong nước chảy, thường cùng phụ lão trong thôn tụ tập nói cười.

Có một năm, vào vài ngày trước đêm giao thừa, nhiều người trong thôn đến trước cửa thỉnh cầu ông Trần cho câu đối Xuân, ông cười vui vẻ, bảo mọi người hãy viết tên họ của mình vào mặt sau tờ giấy dùng viết câu đối. Ngày lại ngày trôi, ông Trần vẫn chưa viết, cũng không thấy ông bảo thư ký làm câu đối thay ông.

Vào ngày cuối của đêm trừ tịch, dân làng đến lấy câu đối. Ông Trần liền lấy tờ giấy của từng nhà trả lại tận tay cho họ. Nhìn tờ giấy trắng, một chữ cũng không, mọi người rất đỗi kinh ngạc, hỏi ông rằng sao không viết chữ?

Ông Trần thong thả đáp: “Hữu tự bất như vô tự hảo” (Có chữ không hay bằng không chữ).

Mọi người vui vẻ mang câu đối không chữ về nhà, dán lên trước cửa.

Có người nhìn thấy câu đối không chữ, bèn hỏi: “Tại sao câu đối Xuân không chữ?”

Người dân đáp rằng: “Ông Trần bảo ‘ Hữu sự bất như vô sự hảo ( có sự không tốt bằng vô sự)’ cho nên không dùng chữ vậy.”

Sau này, ông Trần nghe được lời giải thích này, gật gù cười lớn.

Trần Văn Cung lúc trẻ khi đảm nhận Tuần phủ Thiểm Tây, đầu tiên phát triển nông nghiệp, tu sửa thủy lợi, bởi ông hiểu rõ thủy lợi là gốc của nông nghiệp. Ông cho vẽ ra bản đồ của tất cả kênh mương sông ngòi, treo lên tường, xem xét kỹ lưỡng, tìm ra phương pháp khơi thông dẫn đạo. Sau đó, ông đề xướng trồng dâu nuôi tằm, thâm canh nông nghiệp, gặt nhiều thành tựu.

Ông quản lý mỏ đồng ở Vân Nam rất thành công, chế định các biện pháp thưởng phạt, kết quả nâng cao sản lượng đồng, từ đó dừng việc nhập khẩu đồng từ phương Tây. Đồng thời với việc chú trọng kinh tế dân sinh, ông cũng đặt công phu vào đại nghiệp trăm năm trồng người, đã lập được hơn 700 Nghĩa học sở ở Vân Nam, dạy người dân tộc Miêu (người Mèo) biết chữ, có thể đọc sách. Sau này không ít người ở vùng biên và người tộc Miêu đạt kết quả trong thi cử.

Năm Càn Long thứ 32, ông được phong làm Đông Các Đại Học Sĩ, rất được trọng dụng.


Tranh tượng khắc đá của Trần Văn Cung Công Hoằng Mưu, lấy từ “ 500 vị hiền sĩ- Thương Lãng đình”. ( Miền công cộng)

Họa thơ thì chờ tới sang năm

Doãn Kế Thiện thụy hiệu Văn Đoan (tự Nguyên Trường, hiệu Vọng Sơn, 1694~1771), người Tương Hoàng Kỳ, Mãn Châu. Ông đậu tiến sĩ năm Quý Sửu, Ung Chính, Càn Long năm thứ 13 (năm 1748), nhậm chức Hiệp Biện Đại Học Sĩ, năm Càn Long thứ 19 (năm 1754), ông là Văn Hóa Điện Đại Học Sĩ kiêm Quân Cơ Đại Thần, ông còn làm thầy dạy của Thái Tử.

Văn Đoan Công nhậm chức Tổng đốc khi mới 38 tuổi, kinh qua 8 chức vụ trong vòng 30 năm. Lần thứ 4 nhậm chức Tổng đốc Lưỡng Giang, ở đó 11 năm, ông coi Giang Nam như cố hương, “ Bất xâm quan, bất kiều tục ( Nghĩa là: không lập dị, vi phạm phong tục), bất súc oán, bất thông bao tư (Nghĩa là: Không tích oán, không nhận hối lộ). Dân địa phương hết sức ái kính ông, một vị quan Tổng đốc xử sự công chính, với dân thì liêm khiết thân hòa, chỉ cần nghe ông đến nhậm chức vùng nào, thì nơi ấy già trẻ đều vui mừng chúc phúc. (theo ghi chép trong Tiêu Đình tạp lục, quyển 7)

Ông không những giỏi việc trị lý mà còn có tài thơ văn, có tác phẩm “ Doãn Văn Đoan Công thi tập thập quyển”. Khi nhậm chức Lưỡng Giang tổng đốc, đại tài tử nhà Thanh, Viên Tử Tài ( Viên Mai) là môn sinh của ông. Ông và Viên Mai rất tâm đầu ý hợp, mỗi khi có câu thơ hay, liền cử người phi ngựa nhanh đưa cho Tử Tài, Viên Tử Tài một mặt rất khâm phục tài thơ thần tốc của Doãn Công, nhưng một mặt cũng cảm thấy không cam lòng.

Vào đêm trừ tịch hàng năm, khi trống canh ba đã điểm. Có một người đến trước cửa nhà Doãn Công, là người hầu của Viên Tử Tài mang thư tới. Văn Đoan mở thư, thấy bài thơ mới của Viên, thơ rằng:

“Tri công đắc cú tiện truyền tiên, ỷ mã tài cao bất nhượng tiên. Kim nhật giáo công thâu nhất trước, tân thi họa đáo thị minh niên.”

(Tạm dịch: Biết là thầy làm thơ xong liền gửi đi ngay, dựa vào phi ngựa và tài cao chẳng ai nhanh bằng. Hôm nay trò cho thầy thua một chiêu, thơ trò đến, thầy có họa lại thì cũng đã sang năm mới rồi.)

Hay là ở câu “Tân thi họa đáo thị minh niên”! (Bài thơ mới, có họa lại thì cũng sang năm rồi)

Cả năm rồi Doãn Công phi ngựa gửi thơ, tài thơ mẫn tiệp như vậy ai bì kịp, thế là Viên Tử Tài tranh thủ lúc trống điểm canh ba đêm giao thừa, đưa thơ tới, xem xem Doãn Công dù tài thơ có nhanh đến mấy, nếu có thơ phụ họa trả lời thì thời gian cũng là sang năm mới rồi! Văn Đoan thấy câu kết của môn sinh “Tân thi họa đáo thị minh niên”, bất giác cười lớn, tiếng cười khai Xuân!

Chúng ta cùng thưởng thức bài thơ của Doãn Công “Bồi nghê tử trân thị ngự Trương Nam Hoa thái sử lưỡng chủ thí du cận hoa bạc kỳ nhất” (Tạm dịch: Cùng con trai tới thăm Thái Sử Trương Nam Hoa, du ngoạn bến nước)

Phù sinh tụ tán tưởng tiền nhân, mộng triệu hà tu vấn giả chân,

(Trương Thái Sử từng mộng thấy đến thăm nơi này).

Ưng tiếu thử lai hài thị mộng, hàm bôi thả tác mộng trung nhân.

Tạm dịch:

Nhân sinh hợp tan đều có nguyên nhân tiền kiếp, thấy trong mộng thì là vậy thôi, đâu cần hỏi thật, giả làm chi.

Cười, biết đây vẫn là giấc mộng, tay ôm chén mà ngỡ người trong mơ.


Tranh khắc đá Doãn Văn Đoan Công Kế Thiện, lấy từ “ Thương Lãng Đình 500 vị hiền danh” ( Miền công cộng).

Viên Tử Tài từng làm câu đối hộ Doãn Văn Đoan tiên sinh, Doãn Công viết thư cảm ơn, còn gửi kèm tảng thịt khô làm lễ tạ. Trong thư ông khôi hài viết: “Tạ đại bút chi lao, kiêm tạ tại bàng ma mặc giả chi lao, giai nhân vắn chi (Nhục hương), tất yên nhiên nhất tiếu dã”;

Tạm dịch: cảm tạ công lao viết hộ, đồng thời cảm tạ người mài mực bên cạnh, giai nhân mà ngửi thấy mùi thịt này, chắc cũng cười tươi lắm.

Ông còn viết thêm: “Tự hành thúc tu dĩ thượng, dĩ đệ tử phụng tiên sinh nhi ngôn. Kim tự hành thúc tu dĩ hạ, hựu vi tiên sinh phụng đệ tử nhi ngôn.”

Tạm dịch: Tự mang thịt khô biếu bề trên, là cách học trò biếu thầy dạy. Nay mang thịt khô cho người dưới, cũng là cách thầy tôn trọng trò.

Câu “Tự hành thúc tu dĩ thượng” (Tự mang thịt khô biếu bề trên), là từ “ Luận ngữ - Thuật nhi”, “Thúc tu” là miếng thịt khô, chỉ lễ mọn của học trò tạ ơn thầy dạy (học phí). Nay, Doãn Công làm ngược lại, mang đáp tạ môn sinh của mình, nên mới nói “Tự hành thúc tu chi hạ” vậy.

Thời xưa, văn nhân khôi hài, hoặc xuất từ duệ trí tự nhiên, hoặc từ văn phong kinh điển, đều đến từ tu dưỡng tự thân thâm hậu, tự nhiên tuôn chảy, làm cuộc sống sinh động thú vị!

Thái Bình
Theo Epochtimes



BÀI CHỌN LỌC

Kỳ thú nhân gian: Câu đối Xuân không chữ