Mức lương tuyển dụng tại các thành phố lớn ở Trung Quốc giảm kỷ lục

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mức lương tuyển dụng tại các thành phố lớn ở Trung Quốc đã giảm với biên độ lớn nhất trong lịch sử. Qua đó, làm nổi bật áp lực giảm phát đang diễn ra tại nước này cũng như sự mất niềm tin của người tiêu dùng. Thị trường lao động trì trệ cũng làm tăng nguy cơ giảm phát.

Trong quý IV năm 2023, mức lương trung bình mà các công ty ở 38 thành phố lớn của Trung Quốc đưa ra đối với nhân viên mới đã giảm 1,3% so với một năm trước đó, xuống còn 10.420 nhân dân tệ (1.458 USD; hơn 35 triệu VND). Theo dữ liệu từ nền tảng tuyển dụng trực tuyến Zhaopin Ltd. mà Bloomberg tổng hợp, ít nhất tính từ năm 2016 tới nay, đây là mức giảm nghiêm trọng nhất.

Đây cũng là quý giảm lương thứ ba liên tiếp. Ba quý giảm liên tiếp này cũng là khoảng thời gian dài nhất kể từ khi dữ liệu hàng năm được cung cấp lần đầu vào năm 2016.

Tại Bắc Kinh, tiền lương giảm 2,7% so với một năm trước đó, đánh dấu quý giảm thứ tư liên tiếp. Tiền lương ở đại đô thị phía nam nước này - Quảng Châu cũng giảm 4,5%.

Những dữ liệu trên đã nêu bật nguy cơ giảm phát ngày càng tăng mà nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt trong năm 2024. Điều này đã gây áp lực lớn hơn lên nền kinh tế Trung Quốc vốn đang trong tình trạng bất ổn. Thị trường việc làm ảm đạm có nghĩa là người dân có khả năng sẽ cắt giảm chi tiêu, từ đó gây thêm áp lực lên giá tiêu dùng vốn đang giảm với tốc độ nhanh nhất trong ba năm qua.

Kể từ tháng 8 năm ngoái, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã không còn công bố tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên. Lần cuối cùng họ công bố dữ liệu này là hồi tháng 7/2023 với 21,3%, đạt mức cao kỷ lục.

Điều này cũng báo trước thị trường bất động sản sẽ rơi vào đợt suy thoái nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Các hộ gia đình có thể tiếp tục trì hoãn việc mua nhà và tránh các khoản thế chấp do thu nhập không khả quan.

Chỉ số niềm tin người tiêu dùng (CCI) do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố cho thấy, tính đến tháng 11/2023 (tháng gần nhất có thể tra dữ liệu), sức mua của người tiêu dùng ở nước này đã giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử.

Chỉ số CCI được thể hiện qua mức độ lạc quan về nền kinh tế, về thu nhập, và mức độ sẵn sàng chi tiêu của người dân. Nếu người dân lạc quan vào tương lai, họ sẽ tiêu dùng nhiều hơn, và ngược lại. Từ đây có thể thấy nền kinh tế sẽ mở rộng hay thu hẹp.

Chỉ số này cho thấy, mức tiêu dùng hiện tại ở Trung Quốc thậm chí còn thấp hơn so với năm 2022 khi đang chịu ảnh hưởng của lệnh phong tỏa do đại dịch COVID-19.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Mức lương tuyển dụng tại các thành phố lớn ở Trung Quốc giảm kỷ lục