Phân tích: Tình trạng bất ổn trong quân đội Trung Quốc dấy lên nghi ngờ về năng lực của Lực lượng Tên lửa

Giúp NTDVN sửa lỗi

Năm 2023 được đánh dấu bằng một loạt vụ việc khiêu khích của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở Eo biển Đài Loan và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, những sự cố này còn lâu mới phát triển thành một cuộc chiến thực sự khi ĐCSTQ đang vật lộn với các thách thức quân sự nội bộ, đặc biệt là Lực lượng Tên lửa của nước này.

Trong nửa cuối năm nay, ĐCSTQ đã đại tu các cơ quan quân sự của mình, trong đó các quan chức quân sự cấp cao đã bị điều tra, mất tích hoặc qua đời vì những lý do chưa được tiết lộ. Ở một mức độ lớn, cuộc thanh trừng này cho thấy quân đội Trung Quốc chưa được trang bị để kích động một cuộc xung đột cấp cao hiện đại, bất chấp vị thế hiếu chiến của ĐCSTQ.

Tình trạng bất ổn quân sự như vậy có thể sẽ thúc đẩy ĐCSTQ thực hiện những thay đổi chiến lược quan trọng trong khu vực trong những năm tới, làm thay đổi vị thế của họ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Eo biển Đài Loan.

Thanh trừng quân sự

Cuộc thanh trừng quân sự lần thứ nhất, ngày 31/7, Quân ủy Trung ương công bố bổ nhiệm ông Vương Hậu Bân làm chỉ huy và ông Từ Tích Sinh làm chính ủy của Lực lượng Tên lửa.

Các cuộc họp này đã xác nhận suy đoán rằng cựu chỉ huy Lực lượng Tên lửa Lý Ngọc Siêu (Li Yuchao) và chính ủy Từ Trung Ba (Xu Zhongbo) đã bị mất chức. Hai quan chức này đã mất tích vài tháng.

Đây là cuộc tái cơ cấu lãnh đạo quân sự lớn nhất và bất ngờ nhất của ĐCSTQ trong gần một thập kỷ.

Hai quan chức mới được thăng chức, ông Vương Hậu Bân và ông Từ Tích Sinh, đều xuất thân từ hải quân và không quân, và cả hai đều không có kinh nghiệm làm việc trong Lực lượng Tên lửa.

Vài ngày trước đó, có tin đồn về cái chết của ông Ngô Quốc Hoa (Wu Guohua), cựu phó chỉ huy Lực lượng Tên lửa, 66 tuổi. Truyền thông nhà nước có trụ sở tại Thượng Hải cho biết ông Ngô qua đời vào ngày 4/7 sau khi bệnh tình không qua khỏi.

Ngày 28/7, truyền thông Hong Kong đưa tin Phó tư lệnh Lưu Quang Bân (Liu Guangbin) và Phó chánh văn phòng Bộ Tham mưu liên hợp, Văn phòng Quân ủy Trung ương, Trương Chấn Trung (Zhang Zhenzhong), đang bị điều tra từ tháng 3.

Tính đến tháng 12 năm nay, hàng chục quan chức của Lực lượng Tên lửa được cho là đã bị bắt giữ để điều tra. Những động thái này chứng tỏ rằng nguyên nhân của cuộc cải tổ trong Lực lượng Tên lửa là không hề đơn giản.

Tham nhũng, Rò rỉ thông tin và nhiều vấn đề khác

Vào ngày 24/10, Trung Quốc tuyên bố chính thức sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc (Li Shangfu), người đã không xuất hiện trước công chúng gần hai tháng.

Tướng Lý có kinh nghiệm về Hệ thống Pháo binh số 2, tiền thân của Lực lượng Tên lửa, và trước đây từng giữ chức Bộ trưởng Phát triển Trang bị của Quân ủy Trung ương.

Nhật Bản, Trung Quốc thiết lập đường dây nóng quân sự trong bối cảnh căng thẳng
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc có bài phát biểu trong hội nghị thượng đỉnh Đối thoại Shangri-La lần thứ 20 tại Singapore, ngày 4/6/2023. (Ảnh: Roslan Rahman/AFP/Getty Images)

Việc loại bỏ Tướng Lý trùng khớp với thời điểm thanh lọc ban lãnh đạo cấp cao của Lực lượng Tên lửa, làm dấy lên những đồn đoán về các vấn đề như mua sắm thiết bị quân sự.

So với các quân chủng khác, Lực lượng Tên lửa có quy mô nhỏ nhưng có tính kỹ thuật cao. Các hệ thống vũ khí hiện có cũng đòi hỏi nhiều vốn và công nghệ, dẫn đến một tình trạng là lực lượng này có một lượng lớn tài nguyên bình quân đầu người và tạo ra mảnh đất tham nhũng cho những lãnh đạo của lực lượng này.

Vì vậy, việc các lãnh đạo quân sự bị kết tội tham nhũng không phải là hiếm. Rõ ràng, không thể loại trừ các động cơ chính trị, vì các cáo buộc tham nhũng thường được ĐCSTQ sử dụng để hạ bệ những đối thủ trong nội bộ đảng.

Một nguyên nhân khác dẫn đến cuộc thanh trừng quân sự nội bộ này là ý định của các quan chức nhằm tiết lộ thông tin tình báo cho các chính phủ hoặc tổ chức nước ngoài. Nếu đúng như vậy, thì ĐCSTQ sẽ sớm kết liễu mạng sống của những quan chức này hoặc có thể họ đã làm như vậy rồi.

Cựu Ngoại trưởng Tần Cương, người mất tích gần nửa năm trước, có thể có liên quan đến một vụ án như vậy.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương tham dự một cuộc họp báo tại Trung tâm Truyền thông của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC) ở Bắc Kinh, hôm 7/3/2023. (Ảnh: Noel Celis/AFP/Getty Images)
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương tham dự một cuộc họp báo tại Trung tâm Truyền thông của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC) ở Bắc Kinh, hôm 7/3/2023. (Ảnh: Noel Celis/AFP/Getty Images)

Mặc dù cần xác minh thêm nhưng một số phương tiện truyền thông phương Tây đã đưa tin rằng ĐCSTQ đã xử tử ông Tần Cương do ông này bị cáo buộc có liên hệ với các thế lực nước ngoài.

Ngoài ra, có ý kiến ​​cho rằng một số quan chức cấp cao của ĐCSTQ có thể đã tiết lộ bí mật liên quan đến vũ khí hạt nhân của Lực lượng Tên lửa cho phương Tây.

Kỳ vọng của Lực lượng Tên lửa

Lực lượng Tên lửa đại diện cho năng lực tác chiến cao cấp hiện đại nhất của Trung Quốc. Nước này sở hữu nhiều loại tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm xa cũng như tên lửa hành trình được trang bị đầu đạn thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân.

Những khoản đầu tư khổng lồ vào Lực lượng Tên lửa chắc chắn đi kèm với nỗ lực phát triển thiết bị công nghệ cao của ĐCSTQ. Bắc Kinh đã quảng cáo hai tên lửa siêu thanh do Lực lượng Tên lửa phát triển là “sát thủ tàu sân bay” và “Guam Express”. Họ tuyên bố rằng các tên lửa siêu thành này có thể tấn công hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ và các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mang đầu hạt nhân của họ nhắm thẳng vào lục địa Hoa Kỳ.

Lực lượng Tên lửa là trọng tâm trong chiến lược chống can thiệp/từ chối khu vực của ĐCSTQ. Đó cũng là điều mà Hoa Kỳ gọi là đối thủ cạnh tranh lớn trong các cuộc xung đột cấp cao với ĐCSTQ.

Báo cáo hồi tháng 10 của Ủy ban Tình hình Chiến lược của Quốc hội Hoa Kỳ đã đưa ra hai nhận xét quan trọng về việc xây dựng vũ khí hạt nhân của Trung Quốc: thứ nhất, Hoa Kỳ sẽ sớm phải đối mặt với mối đe dọa từ không chỉ một mà là hai đối thủ nguyên tử, trong đó cả Trung Quốc và Nga đều đang cố gắng lấp đầy tham vọng thay đổi vị thế quốc tế của họ thông qua vũ khí hạt nhân; và thứ hai, ĐCSTQ sẽ gần ngang bằng với Hoa Kỳ về số lượng đầu đạn được triển khai, hoặc tệ hơn là vào giữa những năm 2030.

Theo Báo cáo Sức mạnh Quân sự Trung Quốc thường niên do Bộ Quốc phòng Mỹ (DoD) công bố vào tháng 10/2023, chính phủ Trung Quốc đang tìm cách tăng cường quân đội của mình để “chiến đấu và giành chiến thắng trong các cuộc chiến” trước “kẻ thù hùng mạnh”.

Báo cáo nêu rõ, Lầu Năm Góc ước tính rằng Trung Quốc “sở hữu hơn 500 đầu đạn hạt nhân đang hoạt động tính đến tháng 5/2023 - và đang trên đà vượt quá các dự đoán trước đó”.

“DoD ước tính rằng Trung Quốc có thể sẽ có hơn 1.000 đầu đạn hạt nhân sẵn sàng hoạt động vào năm 2030”, theo báo cáo.

Theo báo cáo, Bắc Kinh có khả năng tăng cường công nghệ tên lửa thông thường để cho phép tấn công trực tiếp vào lục địa Hoa Kỳ.

Sự mở rộng to lớn này có nghĩa là Lực lượng Tên lửa đã và đang trở thành trọng tâm đầu tư của Trung Quốc.

Các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân DF-41 của Trung Quốc trong một cuộc diễn hành quân sự ở Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 01/10/2019. (Ảnh: Greg Baker/AFP qua Getty Images)

Không có khả năng phát động chiến tranh

Trong bối cảnh ĐCSTQ đang phải đối mặt với tình trạng hỗn loạn đáng kể, ý chí chiến đấu của Lực lượng Tên lửa đã bị giáng một đòn nặng nề khác và hiệu quả chiến đấu thực tế của lực lượng này là rất đáng ngờ.

Một báo cáo chỉ trích hiếm hoi đăng trên tờ báo quân sự của ĐCSTQ số ra ngày 15/9 cho biết một trong các đơn vị của Lực lượng Tên lửa đã thể hiện kém trong cuộc thử nghiệm thực địa của một cuộc tập trận và “những thiếu sót” về khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang giám sát tên lửa thông thường và tên lửa hạt nhân.

Các đơn vị cơ bản của Lực lượng Tên lửa cũng thừa nhận những hạn chế trong quá trình huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu.

Tuy nhiên, Lực lượng Tên lửa của ĐCSTQ đã bị suy sụp. Nguyên nhân là do việc sa thải hàng chục cán bộ lãnh đạo nòng cốt, do tình trạng hỗn loạn nhân sự dẫn đến sự mệt mỏi và bất ổn vì chiến tranh, do đội ngũ lãnh đạo mới thiếu nền tảng chuyên môn, do nhiều hậu quả tiềm ẩn, và những tác động sâu rộng đến từ lỗ hổng mà nhân sự bị sa thải để lại, hoặc do rò rỉ bí mật vũ khí hạt nhân. Tất cả đã dẫn đến thất bại chiến lược của lực lượng này.

Mỗi vết thương này đều nghiêm trọng và gần như chắc chắn chúng sẽ có ảnh hưởng lâu dài đến hiệu quả chiến đấu của đơn vị này.

Hơn nữa, có khả năng cuộc thanh trừng quân sự nội bộ đang diễn ra bên trong Lực lượng Tên lửa sẽ tiếp tục và mở rộng trên quy mô lớn. Biến động này có thể trì hoãn việc quân đội trở lại hoạt động bình thường trong nhiều năm.

Việc Lực lượng Tên lửa “bị thương” nghiêm trọng đã làm dịu giọng điệu thống nhất vũ trang của ĐCSTQ đối với Đài Loan. Tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung vào tháng 11, Trung Quốc nói với Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng nước này không có kế hoạch tấn công Đài Loan trong thời gian ngắn, kể cả năm 2027 hoặc 2035 - đây có thể không phải là động thái ĐCSTQ tung hỏa mù nhằm đánh lừa Đài Loan và Mỹ.

Các lực lượng không quân và hải quân của ĐCSTQ có thể tiếp tục quấy rối Đài Loan, nhưng đây chỉ là những trò chơi vùng xám và không có nghĩa là ĐCSTQ có đủ sức mạnh và quyết tâm xâm chiếm Đài Loan. Nếu không có Lực lượng Tên lửa phát động cuộc tấn công và ngăn chặn lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương, thì ĐCSTQ thậm chí còn không thể phát động làn sóng tấn công đầu tiên chỉ bằng lực lượng không quân và hải quân.

Một Lực lượng Tên lửa suy yếu không thể đảm bảo lực lượng tấn công thông thường trên bộ khi ĐCSTQ vừa tiến hành một cuộc tấn công kéo dài vào Đài Loan trong khi kiềm chế lực lượng Mỹ ở ngoài tầm bắn.

Trong ít nhất vài năm tới, ĐCSTQ có thể sẽ bị hạn chế về năng lực phát động một cuộc chiến tranh tổng lực, thậm chí là một cuộc chiến chắc chắn sẽ thất bại, với Đài Loan, Hoa Kỳ và các đối tác khu vực ở Tây Thái Bình Dương.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch

Trung Quốc


BÀI CHỌN LỌC

Phân tích: Tình trạng bất ổn trong quân đội Trung Quốc dấy lên nghi ngờ về năng lực của Lực lượng Tên lửa