Mỹ lo lắng về hoạt động quân sự gia tăng của Trung Quốc ở khu vực Mỹ Latinh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong khi chính quyền Washington dồn sự chú ý đến các hoạt động quân sự của Trung Quốc xung quanh Đài Loan, có một mối đe dọa an ninh khác đang tập trung sức mạnh gần biên giới Hoa Kỳ.

Trong phiên điều trần của Ủy ban Quân vụ Hạ viện Hoa Kỳ ngày 8/3/2023, hai chỉ huy quân sự cấp cao của Hoa Kỳ đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về sự hiện diện quân sự và công nghệ ngày càng tăng của Trung Quốc ở Mỹ Latinh.

Tướng Laura Richardson thuộc Bộ Tư lệnh Quân đội Miền Nam Hoa Kỳ nói rằng các hoạt động của Trung Quốc là một “cuộc tuần hành không ngừng nghỉ” nhắm vào quyền bá chủ của Hoa Kỳ ở Tây Bán cầu.

“Đây là rủi ro mà Hoa Kỳ không thể làm ngơ và chấp nhận”, ông Richardson nói.

Cách Trung Quốc vận chuyển khí tài đến Mỹ Latinh cũng vô cùng tinh vi. Từ năm 2009 đến năm 2019, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã chuyển 634 triệu USD tài sản quân sự cho 5 quốc gia Nam Mỹ bao gồm: Argentina, Bolivia, Ecuador, Venezuela và Peru.

Những ứng dụng quân sự quan trọng của công nghệ hiện đại cũng là một yếu tố giúp cho Trung Quốc có thể đạt được mục đích thống trị khu vực.

Trả lời phỏng vấn với tờ The Epoch Times, chuyên gia an ninh - nhà sáng lập công ty tư vấn Scarab Rising, bà Irina Tsukerman, nói: “Nguy cơ hiện hữu đầu tiên với Hoa Kỳ chính là khả năng thu thập tình báo của Trung Quốc đã mở rộng hơn, tân tiến hơn, và thành công hơn mức tưởng tượng. Nguy cơ thứ hai là các thông tin tình báo mà Trung Quốc đang nắm giữ có thể sẽ cho Trung Quốc cơ sở để hành động”.

Bà Tsukerman cũng nhấn mạnh rằng, việc Trung Quốc đầu tư mạnh vào công nghệ ở khu vực Mỹ Latinh cho thấy tham vọng của chính quyền Bắc Kinh sẽ không chỉ dừng lại ở “ngoại giao bẫy nợ”. Bà cho rằng những nền tảng công nghệ mà Bắc Kinh đang xây dựng sẽ củng cố thêm mạng lưới cơ sở hạ tầng của Trung Quốc trong khu vực, từ đó làm suy yếu các lợi ích an ninh của Mỹ.

Ngoài ra, gần đây Trung Quốc còn đầu tư mạnh vào “tam giác lithium” của Nam Mỹ. Bà Tsukerman nhận thấy loại khoáng sản quan trọng này có những ứng dụng vượt xa việc sản xuất pin cho xe điện (EV).

"Tuy công dụng thường được biết đến của lithium là làm pin năng lượng, song nó cũng được ứng dụng rất nhiều trong công nghệ quân sự. Vì vậy, mối quan tâm của Trung Quốc trong việc khai thác lithium độc quyền có thể được coi là một bước nữa để kiểm soát các thị trường quân sự trong khu vực".

Từ năm 2018 đến năm 2020, Trung Quốc đã đầu tư khoảng 16 tỷ USD vào các dự án khai thác khoáng sản thuộc “tam giác lithium” của Nam Mỹ. “Tam giác lithium" chiếm khoảng 56% tổng nguồn cung khoáng sản trên toàn thế giới.

Mối nguy đến từ công nghệ của Trung Quốc cũng ở ngay “sân sau" của Hoa Kỳ. Tướng Không quân Glen VanHerck, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Phương Bắc của Hoa Kỳ, nhấn mạnh rằng đến 80% mạng lưới viễn thông của Mexico là do Trung Quốc cung cấp.

"Rủi ro an ninh mạng nhắm vào cơ sở hạ tầng quan trọng là một lĩnh vực mà Hoa Kỳ vẫn chưa hiểu rõ và cần được quan tâm đặc biệt. Bộ Quốc phòng Mỹ (DoD) chỉ được giao nhiệm vụ bảo vệ các mạng lưới phòng thủ quân sự. Nhưng để các hoạt động quân sự có thể vận hành được, thì lại phụ thuộc phần lớn vào các cơ sở hạ tầng dân sự huyết mạch như mạng lưới năng lượng, cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, v.v.”, trích lời ông VanHerck hôm 8/3/2023.

Mạng lưới truyền thông “bành trướng” của công ty Huawei ở Mỹ Latinh cho thấy Trung Quốc có tầm ảnh hưởng không nhỏ trong lĩnh vực công nghệ. Công ty Huawei không những có phạm vi phủ sóng rộng lớn trong khu vực, mà còn nhận được sự tán thưởng từ các chính quyền địa phương. Điều này đã bị giới chức và các nhóm dân quyền ở Hoa Kỳ chỉ trích mạnh mẽ, do họ lo ngại về những rủi ro bảo mật thông tin và quyền riêng tư mà công ty Huawei có thể gây ra.

Logo của công ty Trung Quốc Huawei tại văn phòng chính ở Vương quốc Anh ngày 8/1/12020. (Ảnh: DANIEL LEAL/AFP/Getty Images)

Các quan chức Washington đã ra quyết định cấm các thiết bị điện thoại và mạng viễn thông mang thương hiệu Huawei, vì cho rằng những sản phẩm này sẽ gây ra “rủi ro không thể chấp nhận được” đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.

Trung Quốc vẫn tiếp tục ‘hào phóng’

Vào ngày 10/2/2023, Đại sứ Trung Quốc tại Panama, ông Ngụy Cường (Wei Qiang), đã trao tặng 6.000 áo khoác chống đạn và 6.000 mũ bảo hiểm quân sự cho Bộ Công an nước này. Ngoài ra, các lực lượng khác của Panama như lực lượng an ninh biên giới, hải quân, không quân và cảnh sát quốc gia cũng nhận được hàng nghìn mũ bảo hiểm và áo chống đạn từ Trung Quốc.

“Thiếu chỗ nào, bù chỗ đó" cho những nước kém phát triển hơn là một kế sách mà Trung Quốc rất ưa dùng. Điển hình là Trung Quốc đang rất “thoáng tay" tài trợ cho lĩnh vực quốc phòng còn đang kém phát triển và thiếu thốn của Mỹ Latinh.

Tuy nhiên một số chuyên gia nhận định, đối với chính quyền Bắc Kinh, không có miếng bánh nào là miễn phí. Đã nhận của họ thì sẽ mắc nợ, và mắc nợ thì đương nhiên sẽ phải trả nợ.

Tổng thống Panama Juan Carlos Varela và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay tại dinh tổng thống ở Thành phố Panama, vào ngày 3/12/2018. (Ảnh: Luis Acosta/AFP/Getty Images)

Giáo sư Evan Ellis, chuyên nghiên cứu về Mỹ Latinh tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Đại học Chiến tranh Lục quân Hoa Kỳ, nói với tờ The Epoch Times rằng: “Việc ĐCSTQ hỗ trợ quân sự cho Mỹ Latinh không xuất phát từ lòng tốt đơn thuần, mà họ cũng đang tự tạo cơ hội cho chính mình".

Mặc dù ông Ellis tin rằng Trung Quốc chưa thể tạo được mối quan hệ chính thức về mặt quân sự đối với Mỹ Latinh, song việc duy trì hiện diện quân sự ở khu vực này vẫn mang lại nhiều giá trị cho Trung Quốc. Nếu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ phát sinh xung đột, thì một căn cứ quân sự an toàn ở phương Tây sẽ rất quan trọng đối với chính quyền Bắc Kinh.

Ông Ellis cũng cho rằng việc Trung Quốc cung cấp khí tài quân sự và các khoản tài trợ liên quan đến an ninh cho Mỹ Latinh có “lợi ích dài hạn trong việc duy trì mối quan hệ quốc phòng với khu vực”.

“Việc ‘tặng quà’ là để phát triển mối quan hệ, từ đó mang đến những lợi ích lớn hơn cho Trung Quốc", ông Ellis bày tỏ.

Suy xét vấn đề qua nhiều góc nhìn

Kể từ hồi tháng 3/2023, giới chức Hoa Kỳ đã cố gắng dập tắt nỗi sợ hãi của công chúng về việc ĐCSTQ có thể xâm lược Đài Loan. Tuy nhiên, động thái xây dựng quân đội lớn tại một nước gần Đài Loan là Philippines của Hoa Kỳ lại khiến nhiều người hoang mang.

Sự hoang mang đó không phải là vô căn cứ, đặc biệt là sau khi Trung Quốc tuyên bố tăng thêm 7% ngân sách quốc phòng hàng năm vào ngày 4/3/2023. Trung Quốc có ngân sách quân sự lớn thứ hai trên thế giới, lên tới 224 tỷ USD trong năm 2023, gần gấp đôi số tiền mà Bắc Kinh chi cho lĩnh vực quốc phòng vào năm 2013.

Ông Ellis nói rằng Mỹ Latinh đóng một vai trò then chốt trong những chiến lược quốc phòng của Trung Quốc. Trong trường hợp một xung đột toàn cầu quy mô lớn phát sinh, Mỹ Latinh có thể giúp Trung Quốc làm suy yếu tài sản của Hoa Kỳ.

Giáo sư Evan Ellis phát biểu trong một hội thảo ngày 12/4/2023 về “Bước tiến Chiến lược của Trung Quốc ở Venezuela”. (Ảnh: Gary Feuerberg/The Epoch Times)

"Tôi chắc chắn rằng ĐCSTQ đang suy tính về những gì họ sẽ làm ở Mỹ Latinh nếu có chiến tranh nổ ra. Chúng ta không thể chỉ suy xét vấn đề ở góc độ thời bình, mà còn cần phải suy xét từ góc độ thời chiến nữa”, ông Ellis bày tỏ.

"Vào ngày 11/4/2023, quân đội của ĐCSTQ tuyên bố sẵn sàng chiến đấu bất cứ lúc nào, và sẽ ‘kiên quyết đập tan’ nền độc lập của Đài Loan cũng như những ‘âm mưu can thiệp của nước ngoài’”.

Vào tháng 5 năm ngoái, Tổng thống Joe Biden cho biết Hoa Kỳ sẽ “đáp trả quân sự” nếu Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan bằng vũ lực. Tuy nhiên, một số quan chức Lầu Năm Góc dự đoán rằng khả năng Trung Quốc xâm lược Đài Loan là rất thấp, vì chính quyền Bắc Kinh sẽ cần đầu tư rất nhiều chi phí để duy trì một cuộc giao tranh quân sự dài hơi.

Vậy vì lý do gì mà ngân sách quốc phòng của Trung Quốc trong năm nay lại tăng 7%? Có thể việc mở rộng quân sự của Trung Quốc ở Mỹ Latinh chính là yếu tố dẫn đến việc này.

Tuy nhiên theo ông Ellis, giới chức Hoa Kỳ cũng đã bắt đầu cảnh giác đối với những nỗ lực của Trung Quốc trong việc làm suy yếu an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.

"Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã nhận thức được những lựa chọn và những điểm yếu của của Trung Quốc. Các nhà hoạch định quân sự của Hoa Kỳ cũng để mắt tới những mối đe dọa đến từ Trung Quốc", ông nói.

Theo The Epoch Times

Ngọc Hạ biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ lo lắng về hoạt động quân sự gia tăng của Trung Quốc ở khu vực Mỹ Latinh