Nghèo rớt mồng tơi là gì: Tưởng nói đến một loại rau nhưng thực tế đầy bất ngờ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường hay nghe nói "nghèo rớt mồng tơi" để miêu tả về những người gặp hoàn cảnh khó khăn về tiền bạc, tài chính. Không ít người nghĩ rằng “mồng tơi" ở đây là một loại rau. Tuy nhiên thực tế lại không phải là rau mồng tơi như nhiều người vẫn nghĩ. Vậy nghèo rớt mồng tơi là gì?

Cách nói “nghèo rớt mồng tơi" có nhiều “phiên bản” như: nghèo sập cái hột mồng tơi; hay nghèo sập giàn mồng tơi… Tất cả những “phiên bản" này đều có chung ý nghĩa là miêu tả về những người có hoàn cảnh khó khăn về tài chính.

1. Nghèo rớt mồng tơi là gì?

Có không ít người hiểu "mồng tơi" hay "mùng tơi" trong cách nói này là loại rau mồng tơi; lá mồng tơi. Đó là một loại rau thuộc loại dây leo; có lá màu xanh; dày và có tính nhớt. Rau mồng tơi thường được dùng để nấu canh ăn cho mát.

Tuy nhiên, cách hiểu này là không đúng. "Mồng tơi" ở đây không phải là tên của một loại rau; mà là tên của một phần trong chiếc áo tơi - một loại áo khoác dùng để che mưa che nắng được người nông dân Việt Nam xưa sử dụng.

vì sao nói nghèo rớt mồng tơi
Chiếc áo tơi được sử dụng để che mưa che nắng. (Ảnh: Wikimedia Commons/ Phạm vi công cộng)

Áo tơi được làm từ nhiều lớp lá đan xen. Áo có chiều dài đến gối hoặc bắp chân; phần tay áo cộc; có dây buộc ở cổ.

Mồng tơi (hay mùng tơi) là phần trên của chiếc áo tơi. Ở những vùng quê nghèo, chiếc áo tơi của người nông dân được dùng lâu đến mức chiếc áo trở nên rách tả tơi; có khi phần lá đã bị rách hết; chỉ còn lại cái mồng tơi dính trên vai.

Mồng tơi thông thường được kết dày bằng các dọc lá tốt nên khi áo rách hay phần lá bị rách thì mồng tơi vẫn còn nguyên. Đến khi mồng tơi rách nát hoàn toàn thì áo tơi không thể dùng để che nắng che mưa được nữa. Người đeo chiếc áo tơi chỉ còn cái mồng tơi này hẳn là rất nghèo và khó khăn. Vì vậy, cách nói “nghèo rớt mồng tơi" được sử dụng để ví von về hoàn cảnh như vậy.

2. Áo tơi - một vật dụng quen thuộc nơi làng quê xưa

Áo tơi là một loại áo che nắng che mưa được người nông dân Việt Nam sáng tạo ra vào khoảng thế kỷ XX. Đây là một trong những hình ảnh rất thân thuộc; phổ biến ở những làng quê Việt Nam khi đó.

Áo tơi có thể che mưa, che nắng rất hiệu quả. Khi làm công việc đồng áng, chiếc áo tơi sẽ bảo vệ phần lưng của người nông dân khi họ khom lưng xuống cày cấy. Ngoài công dụng là chiếc áo mặc, áo tơi còn là một tấm thảm rất hữu ích. Khi xong công việc, chiếc áo có thể được trải ra để nằm nghỉ; hoặc được sử dụng như một tấm thảm lót để đặt mâm cơm. Cũng có khi chiếc áo tơi còn được dùng để đốt lửa nấu trà nếu cần thiết.

3. Chiếc áo tơi ghi lại một phần lịch sử, văn hóa dân tộc

Dù không còn được sử dụng rộng rãi như trước kia nhưng chiếc áo tơi vẫn được coi là một phần lịch sử - văn hóa của đất nước.

Chiếc áo tơi khi xưa là một công cụ không thể thiếu trong cuộc sống khó khăn của người nông dân; gắn liền với nếp sống mộc mạc nơi làng quê Việt Nam.

Bài viết trên đây đã giải thích nghèo rớt mồng tơi là gì. Cách nói này gợi cho chúng ta nhớ về chiếc áo tơi ngày xưa để nhắc tới khi hoàn cảnh khốn khó. Trong cuộc sống hôm nay, nhắc tới chiếc áo tơi cũng là một cách giúp chúng ta nhớ về một phần văn hóa của dân tộc.

Bích Thảo



BÀI CHỌN LỌC

Nghèo rớt mồng tơi là gì: Tưởng nói đến một loại rau nhưng thực tế đầy bất ngờ