Nhà hát hùng vĩ nhất thế giới: Teatro di San Carlo

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tọa lạc tại thành phố Naples ở miền nam nước Ý, Teatro di San Carlo là nhà hát lâu đời nhất vẫn còn được sử dụng trên thế giới với tuổi đời gần 300 năm.

Nằm ở trung tâm miền nam nước Ý, Naples (Napoli) là thành phố lớn thứ ba ở Ý. Naples giáp với bờ biển Amalfi và thành cổ Pompeii, gần đó còn có các hòn đảo Capri và Sicily. Trong quá khứ, nơi đây từng là cửa ngõ nối miền nam nước Ý với Rome và miền bắc. Tại vùng đất nhân văn này có một nhà hát nổi tiếng đã trở thành tòa kiến trúc mang tính biểu tượng của Naples – Teatro di San Carlo (Nhà hát San Carlo).

Ba lần xây dựng

Xây dựng Teatro di San Carlo là chủ ý của Vua Charles III của Bourbon vào thế kỷ XVIII, khi đó ông là vị vua cai trị Sicily và Naples. Vua đã ủy quyền thiết kế cho kiến ​​trúc sư kiêm Chuẩn tướng Tây Ban Nha Giovanni Antonio Medrano. Nhà hát mang phong cách tân cổ điển và được hoàn thành vào năm 1737.

Sau trận hỏa hoạn năm 1816, nhà hát được đại trùng tu bởi kiến ​​trúc sư hoàng gia kiêm nhà thiết kế bối cảnh Antonio Niccolini. Nhà hát cũng từng bị trúng bom trong Thế Chiến II và được xây dựng lại ngay sau đó. Cho đến ngày nay, Teatro San Carlo là nhà hát lâu đời nhất vẫn còn được sử dụng trên thế giới.

Vẻ ngoài giản dị

Teatro San Carlo có bề ngoài khá giản dị. Tầng trên là 14 thức cột Ionic trắng với hoa văn trang trí màu vàng kim.

Thức cột Ionic là một trong ba thức cột cổ điển của hệ thống kiến trúc cổ điển, nó bắt đầu được sử dụng ở Hy Lạp từ thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên. Đặc điểm của đầu cột Ionic là có hai vòng cuốn xoắn ốc. Đền thờ Artemis ở Ephesus, một trong bảy kỳ quan thế giới cổ đại, cũng sử dụng thức cột Ionic này.

14 thức cột Ionic trắng bên ngoài nhà hát Teatro San Carlo. (Udine2812/Wikimedia Commons/CC BY-SA 4.0)

Những chiếc cột trắng tạo cảm giác nhịp điệu cho mặt tiền của nhà hát và làm nổi bật thần Apollo cùng các nữ thần Muse đại diện cho nghệ thuật ở tầng trên cùng.

Phần mái với bức tượng thần Apollo và các nữ thần Muse. (Viva-Verdi/Wikimedia Commons/CC BY-SA 3.0)

Tầng dưới là bức tường đá sẫm màu mang lại cảm giác vững chắc, với 5 cửa vòm. Cánh cửa ở giữa dẫn tới một tiền sảnh tươi sáng được làm bằng đá cẩm thạch.

5 cửa vòm bên ngoài nhà hát Teatro San Carlo. (Jimmy G - Flickr: Napoli/Wikimedia Commons/CC BY 2.0)

Lối dẫn dịu dàng

Tiền sảnh tươi sáng được điểm nhấn bằng các bức phù điêu tạo cảm giác không gian yên bình. Phông nền này càng làm nổi bật bộ lễ phục dạ hội sang trọng của các vị khách.

Tiền sảnh ở tầng 1 có đèn pha lê sáng và tông màu nhẹ nhàng, tạo nên bầu không khí trong lành. (Được sự cho phép của Luciano Romano / Teatro di San Carlo)

Đi qua tiền sảnh này, chúng ta sẽ bước vào khán phòng của nhà hát, không gian như thể biến thành một thế giới thần tiên thoát tục.

Bên trong lộng lẫy

Trong cuốn sách "Rome, Naples và Florence", nhà văn người Pháp Stendhal đã mô tả ấn tượng của ông về Nhà hát San Carlo như sau: "Ấn tượng đầu tiên giống như thể bạn được đưa đến cung điện của một hoàng đế ở miền viễn đông. Bạn sẽ cảm nhận được choáng ngợp, và tâm hồn bạn sẽ say mê trong đó".

Vẻ đẹp này đưa du khách thoát khỏi những mối tơ vò của cuộc sống thường nhật và thả tâm hồn vào tòa kiến trúc tráng lệ trước mắt.

Bức bích họa trên trần nhà

Bức bích họa trên mái vòm dẫn du khách vào một thế giới thiên đường. Ở nơi đó, thần Apollo đang giới thiệu các nhà thơ vĩ đại nhất thế giới cho nữ thần trí huệ Minerva. Các nhà thơ cũng gửi lời chúc tới các vị khách bằng những lễ vật văn hóa thiêng liêng của họ.

Đây là bức bích họa "Apollo giới thiệu các nhà thơ vĩ đại nhất thế giới với Minerva" (Apollo Introducing the Greatest Poets in the World to Minerva), được tô vẽ bởi kiến trúc sư hoàng gia Antonio Niccolini cùng các cộng sự là Giuseppe và Giovanni Cammarano.

Chính giữa trần nhà là bức bích họa "Thần Apollo giới thiệu các nhà thơ vĩ đại nhất thế giới với nữ thần trí huệ Minerva". (Được sự cho phép của Luciano Romano / Teatro di San Carlo)

Các ô phòng

Khi di chuyển tầm mắt xuống, chúng ta sẽ thấy những ô phòng mỹ lệ của nhà hát, và sẽ đắm chìm trong biển nhung đỏ thếp vàng cùng những bộ cánh lộng lẫy không kém của tân khách.

Ô phòng là những phòng riêng biệt dành cho thượng khách. Các ô này thường có rèm và cửa che, bên trong đặt ghế bọc nệm và kê bục cao để người xem có thể quan sát rõ sân khấu. Do đó, giá vé của hạng ghế này cũng cao hơn vé thường.

Một ô phòng trong Nhà hát San Carlo. (Được sự cho phép của Luciano Romano / Teatro di San Carlo)
Mặt ngoài của mỗi ô phòng được trang trí bởi những tiểu thiên sứ mạ vàng cùng hai đế nến và đèn. (Được sự cho phép của Luciano Romano / Teatro di San Carlo)

Teatro San Carlo từng có sức chứa hơn 3.000 người, nhưng hiện nay đã giảm xuống còn khoảng 1.300 ghế. Trong thiết kế nguyên bản, khán phòng dài 28,6 mét và rộng 22,5 mét, với 184 ô phòng. Sau trận hỏa hoạn tháng 2 năm 1816, nó đã được mở rộng hơn.

Tranh vẽ nhà hát Teatro San Carlo trong trận hỏa họa năm 1816. (Miền công cộng)
Tranh vẽ nhà hát Teatro San Carlo vào khoảng năm 1830. (Miền công cộng)

Khu ghế hoàng gia

Ô ghế hoàng gia được đặt ở chính giữa nhà hát, với tầm nhìn tuyệt vời thẳng ra sân khấu. Phía trên ô phòng hoàng gia là một chiếc vương miện lớn với màn che được vén sang hai bên.

Hàng ghế của hoàng gia được đặt ở vị trí trang trọng nhất trong rạp. Phía trên được trang trí bằng chiếc vương miện lớn. (Được sự cho phép của Luciano Romano / Teatro di San Carlo)
Thiên sứ đội vòng hoa đang bay sang bên để vén mở màn che của khu ghế hoàng gia. (Được sự cho phép của Luciano Romano / Teatro di San Carlo)
Góc nhìn ra sân khấu từ hàng ghế của hoàng gia. (Được sự cho phép của Luciano Romano / Teatro di San Carlo)

Sân khấu

Từ vị trí ngồi trung tâm nhất, ta đưa mắt nhìn lên sân khấu. Ở chính giữa vòm sân khấu là các thiếu nữ đang chơi nhạc cụ hoặc nhảy múa trên mây. Phía trên họ, hai thiên thần đang thổi kèn trumpet và dẫn ra huy hiệu hoàng gia.

Phần chính giữa của vòm sân khấu. (Được sự cho phép của Luciano Romano / Teatro di San Carlo)

Khi ánh đèn mờ dần và tấm màn sân khấu mở ra, khung cảnh nhà hát lộng lẫy đột nhiên biến mất, mọi ánh mắt đổ dồn về sân khấu, và vở diễn chính thức bắt đầu.

Khung cảnh nhà hát khi vở kịch bắt đầu. (Được sự cho phép của Luciano Romano / Teatro di San Carlo)
Khung cảnh nhà hát khi vở kịch bắt đầu. (Được sự cho phép của Luciano Romano / Teatro di San Carlo)

Nam Phương
Theo James Howard Smith - The Epoch Times

James Howard Smith là một nhiếp ảnh gia kiến ​​trúc và nhà thiết kế. Ông cũng là người sáng lập xưởng nhiếp ảnh Cartio, với mục đích khơi nguồn cảm hứng và quảng bá về kiến ​​trúc cổ điển.



BÀI CHỌN LỌC

Nhà hát hùng vĩ nhất thế giới: Teatro di San Carlo