Những nội dung chính trong ngày thứ 2 của Hội nghị thượng đỉnh G20

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà lãnh đạo của Nhóm Các nền Kinh tế Phát triển và Mới nổi hàng đầu Thế giới (G20) đã tập trung tại New Delhi, Ấn Độ, trong ngày thứ hai của Hội nghị thượng đỉnh G20. Họ đã đạt được thỏa thuận về một tuyên bố thống nhất cũng như nhiều thỏa thuận bên lề.

Những nhà lãnh đạo tham dự hội nghị thượng đỉnh đã nhất trí đưa ra một tuyên bố đồng thuận lên án cuộc xâm lược Ukraine mà không nêu đích danh Nga.

Bất chấp sự phản đối của Nga và Trung Quốc về việc đề cập đến cuộc xung đột Ukraine, các quan chức Ấn Độ xác nhận rằng các nhà lãnh đạo đã đạt được sự đồng thuận về cách diễn đạt trong một số đoạn mô tả cuộc chiến ở Ukraine.

Tuyên bố nêu rõ: “Chúng tôi… hoan nghênh tất cả các sáng kiến liên quan và mang tính xây dựng nhằm hỗ trợ nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài ở Ukraine”.

“Theo Hiến chương Liên Hợp Quốc, tất cả các quốc gia phải kiềm chế đe dọa hoặc sử dụng vũ lực để tìm cách giành giật lãnh thổ chống lại toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền hoặc độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào. Việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân là không thể chấp nhận được".

Dưới đây là một số nội dung chính rút ra từ ngày thứ hai của hội nghị thượng đỉnh G20.

G20 kết nạp Liên minh châu Phi làm thành viên

Nhóm 20 nền kinh tế lớn trên thế giới đã hoan nghênh Liên minh châu Phi (AU) trở thành thành viên thường trực, một sự ghi nhận quan trọng đối với châu Phi khi hơn 50 quốc gia tại đây đang tìm kiếm một vai trò nổi bật hơn trên trường toàn cầu.

Hồi năm ngoái, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi AU tham gia thường xuyên vào G20, nói rằng “việc này đã diễn ra từ lâu”.

Hôm 9/10, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã gõ búa ba lần sau khi đưa ra tuyên bố, bắt tay chủ tịch hiện tại của AU, Tổng thống Comoros Azali Assoumani, và ôm ông nồng nhiệt, đồng thời nói rằng ông "rất vui mừng" được chủ trì hội nghị G20.

"Xin chúc mừng toàn thể Châu Phi!", Tổng thống Senegal Macky Sall, cựu chủ tịch AU, người đã thúc đẩy việc AU gia nhập G20, đã thốt lên. Theo ông Ebba Kalondo, phát ngôn viên của AU, Liên minh châu Phi đã vận động suốt 7 năm để chính thức trở thành thành viên của G20. Nam Phi hiện là thành viên duy nhất của khối.

Mỹ, Ấn Độ dẫn đầu Liên minh Nhiên liệu Sinh học Toàn cầu

"Hôm nay, bên lề Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20, Tổng thống Biden đã cùng Thủ tướng Ấn Độ Modi và các nhà lãnh đạo từ Argentina, Brazil, Ý, Mauritius và UAE, ra mắt Liên minh Nhiên liệu Sinh học Toàn cầu. Đây là một mối quan hệ đối tác nhằm thúc đẩy cam kết chung của chúng ta trong việc triển khai nhiên liệu sạch hơn, xanh hơn trên khắp thế giới và giúp chúng ta đạt được mục tiêu khử cacbon. Các nhà lãnh đạo từ Bangladesh và Singapore cũng tham gia với tư cách quan sát viên trong liên minh”, theo một tuyên bố của Nhà Trắng.

Liên minh Nhiên liệu Sinh học Toàn cầu sẽ tập trung vào việc đảm bảo nguồn cung cấp nhiên liệu sinh học, đảm bảo những nhiên liệu sinh học này có giá cả phải chăng và được sản xuất một cách bền vững.

Hoa Kỳ, Ấn Độ và Brazil sẽ dẫn đầu Liên minh Nhiên liệu Sinh học Toàn cầu.

Ông Biden công bố Hành lang kết nối đường sắt và vận tải Ấn Độ - Trung Đông - châu Âu

Ngày 9/9, Tổng thống Joe Biden và các đồng minh đã công bố kế hoạch xây dựng hành lang đường sắt và giao thông nối Ấn Độ với Trung Đông và châu Âu, một dự án đầy tham vọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hợp tác chính trị.

Ông Biden nói: “Đây là một vấn đề lớn. Đây là một sự kiện trọng đại”.

Hành lang này được đề xuất trong Hội nghị thượng đỉnh G20 thường niên của các nền kinh tế hàng đầu thế giới, sẽ giúp thúc đẩy thương mại, cung cấp các nguồn năng lượng và cải thiện kết nối kỹ thuật số. Theo ông Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của ông Biden, dự án này có sự tham gia của Ấn Độ, Ả Rập Xê Út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Jordan, Israel và Liên minh châu Âu.

Dự án này còn được gọi là Hành lang kinh tế Ấn Độ - Trung Đông - châu Âu (IMEC).

Hành lang IMEC sẽ bao gồm hai tuyến riêng biệt gồm Hành lang phía Đông nối Ấn Độ với Tây Á/Trung Đông và Hành lang phía Bắc nối Tây Á/Trung Đông với châu Âu.

Dự án này bao gồm một tuyến đường sắt. Sau khi hoàn tất, tuyến đường này sẽ cung cấp mạng lưới vận chuyển từ tàu đến đường sắt xuyên biên giới đáng tin cậy và hiệu quả về mặt chi phí để bổ sung cho các tuyến vận tải đường biển và đường bộ hiện có. Theo một tuyên bố của Nhà Trắng, dự án này cho phép vận chuyển hàng hóa và dịch vụ đến và đi giữa Ấn Độ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ả Rập Xê Út, Jordan, Israel và châu Âu.

“Hành lang vận chuyển mới sẽ cho phép dòng chảy thương mại, năng lượng và dữ liệu từ Ấn Độ xuyên qua Trung Đông đến châu Âu”, ông Jon Finer, Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, nói với các phóng viên, và cho biết thêm điều này sẽ giúp gia tăng sự thịnh vượng của các nước liên quan.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Những nội dung chính trong ngày thứ 2 của Hội nghị thượng đỉnh G20