Thủ tướng Anh được chào đón nồng nhiệt khi đến Ấn Độ dự hội nghị thượng đỉnh G20

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thủ tướng đầu tiên của Vương Quốc Anh người gốc Ấn Độ, ông Rishi Sunak, đã bày tỏ sự phấn khích khi được trở lại đất nước thân yêu sau hơn 3 năm.

Ông Sunak cùng vợ, bà Akshata Murty, đã nhận được sự chào đón nồng nhiệt bằng những lễ hội truyền thống của Ấn Độ tại sân bay Indira Gandhi sáng 8/9, khi họ đến Ấn Độ để tham dự hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20.

Ông Sunak nói với các phóng viên: “Màn chào đón rất đặc biệt. Tôi nghe đâu đó có người gọi tôi là 'con rể Ấn Độ', tôi hy vọng đó là một cách trìu mến. Tôi rất vui mừng được trở lại Ấn Độ và rất vui khi có Akshata đồng hành cùng tôi".

Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra trong hai ngày 09/9 và 10/9, dự kiến sẽ ​​giải quyết các vấn đề di cư, nền kinh tế toàn cầu, xung đột Ukraine và biến đổi khí hậu.

Ông Sunak cũng đề cập đến cuộc chiến của Nga ở Ukraine và việc phong tỏa ngũ cốc ở Biển Đen nhằm mục đích buộc người đồng cấp Nga phải chịu trách nhiệm về những nỗi thống khổ đã gây ra.

Ông Sunak dự kiến ​​sẽ gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi để đàm phán song phương bên lề hội nghị thượng đỉnh, có khả năng thảo luận về tiến trình của hiệp định thương mại tự do Anh - Ấn Độ.

Mục tiêu trước đó của thỏa thuận này do cựu Thủ tướng Anh là ông Boris Johnson đặt ra và sau đó được bà Liz Truss lặp lại, đã bị bỏ lỡ hơn một năm. Nguyên nhân được cho là do xuất hiện những đồn đoán về các vấn đề thị thực.

Hoài nghi về 'lòng trung thành' đối với lợi ích của Vương quốc Anh

Ông Ben Habib, một doanh nhân nổi tiếng và là cựu nghị sĩ Đảng Brexit, đã bày tỏ lo ngại về những xung đột lợi ích tiềm ẩn trong chuyến công du của ông Sunak tới Ấn Độ trước những diễn biến gần đây.

Ông Habib đã đặt câu hỏi về tình trạng đóng thuế của vợ ông Sunak và quyết định chuyển đến Ấn Độ của bà trong một email gửi tới The Epoch Times, với lý do lo ngại về "lòng trung thành" của họ đối với các lợi ích của Vương quốc Anh.

Hơn nữa, ông Habib cũng nhấn mạnh những tranh cãi xung quanh công ty Infosys của bố vợ ông Sunak, bởi vì dù công ty đó vi phạm lệnh trừng phạt của Nga nhưng vẫn được hưởng lợi từ chúng.

Trong khi ông Sunak tự gọi mình là "con rể" của Ấn Độ, thì những người khác, chẳng hạn như ông Habib, lại lo ngại về những ưu đãi đặc biệt tiềm ẩn xuất hiện trong thỏa thuận thương mại mới của Ấn Độ do những xung đột lợi ích bị cáo buộc này.

Ông Habib cho biết: “Hồi tháng 4 năm ngoái, người vợ cực kỳ giàu có của ông, bà Akshata Murty, đã gây xôn xao dư luận về tình trạng đóng thuế bất động sản của bà ấy”.

“Tình trạng đó có khả năng giúp bà ấy tiết kiệm được một khoản tiền thuế kếch xù đối với cổ tức hàng năm bà thu được từ cổ phần trong Infosys, một gã khổng lồ phần mềm Ấn Độ do người cha tỷ phú của bà thành lập. Ông Sunak khẳng định rằng bà ấy đã nộp tất cả các khoản thuế ở Anh”.

Ông tiếp tục: “Khía cạnh khác của việc một người không có quốc tịch là tuyên bố rằng bạn muốn định cư ở một quốc gia khác. Trong trường hợp của bà ấy, không có gì đáng ngạc nhiên khi bà ấy chọn Ấn Độ. Vậy ý định thực sự của bà ấy là gì?”.

Đầu năm nay, ông Sunak đã gặp rắc rối khi tờ The Independent cho rằng bà Akshata Murty, con gái của tỷ phú Ấn Độ Narayana Murthy (người vẫn mang quốc tịch Ấn Độ) vẫn được hưởng tình trạng phi cư trú tại Anh và đồng nghĩa là không phải nộp thuế ở Anh.

Trên thực tế, tình trạng phi cư trú của bà Akshata giúp bà tiết kiệm được khoảng 20 triệu bảng Anh tiền thuế đối với cổ tức hàng năm bà thu được từ cổ phần trong Infosys.

Hội nghị thượng đỉnh G20 quy tụ các nhà lãnh đạo từ 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới, bao gồm Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Brazil và Nga. Trọng tâm của ông Sunak tại hội nghị thượng đỉnh lần này là tập trung vào các hành động của Nga ở Ukraine và tác động của cuộc chiến đối với nguồn cung lương thực toàn cầu.

Ông Habib nói thêm rằng mặc dù những bình luận của ông Sunak về Ấn Độ khi ông đến nước này là "những tình cảm ngọt ngào", nhưng đó "không phải là những tuyên bố mà một Thủ tướng Anh nên đưa ra".

Từ chối gia hạn thị thực

Trong cuộc họp Nội các hôm 5/9, Bộ trưởng Nội vụ Suella Braverman được cho là đã bày tỏ lo ngại về mong muốn của Ấn Độ về việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát nhập cư.

Đáp lại, phát ngôn của Thủ tướng Anh đã từ chối bình luận về các cuộc thảo luận của Nội các nhưng nhấn mạnh cam kết của chính phủ trong việc giảm di cư thuần.

Họ nhấn mạnh rằng Vương quốc Anh sẽ không thay đổi chính sách nhập cư của mình, đặc biệt là về thị thực sinh viên, trước một hiệp định thương mại tự do. Ông Vikram Doraiswami, Cao ủy Ấn Độ tại Anh, cũng phủ nhận việc Ấn Độ yêu cầu bổ sung thị thực đối với người di cư Ấn Độ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến sẽ không trực tiếp tham dự hội nghị thượng đỉnh, nhưng Ngoại trưởng Sergei Lavrov dự kiến ​​sẽ tham dự sự kiện này. Ông Sunak nhấn mạnh tầm quan trọng của việc buộc Nga phải chịu trách nhiệm về các hoạt động của mình ở Ukraine, cũng như việc phong tỏa ngũ cốc, vốn đã gây khó khăn cho Ukraine và các quốc gia dễ bị tổn thương trên toàn thế giới.

Ông Sunak tuyên bố sẽ gây "áp lực" lên Moscow

Ông Sunak nói với các phóng viên: “Một trong những ưu tiên của tôi khi có mặt ở đây là nêu bật tác động của cuộc chiến mà Nga đã phát động đối với hàng triệu người dễ bị tổn thương trên khắp thế giới. Và đó là tác động của giá lương thực".

Ông nhấn mạnh rằng ông sẽ tận dụng hội nghị thượng đỉnh G20 để "gây áp lực" lên Moscow.

Mặc dù vẫn chưa ấn định thời điểm ông Sunak gặp ông Lavrov nhưng cũng không chưa có thông tin gì về cuộc gặp giữa Thủ tướng Anh sẽ gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường. Tuy nhiên, không thể loại trừ khả năng diễn ra cuộc gặp ngắn giữa hai nhà lãnh đạo.

Ông Sunak cũng chỉ trích việc Nga rút khỏi sáng kiến ​​Ngũ cốc Biển Đen, bởi thỏa thuận này vốn sẽ cho phép vận chuyển ngũ cốc từ các cảng phía nam Ukraine mà không sợ bị tấn công.

Ông Putin khẳng định rằng thỏa thuận này - được Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc làm trung gian - sẽ không được nối lại cho đến khi phương Tây đáp ứng các yêu cầu của Moscow về xuất khẩu nông sản.

Lịch trình của ông Sunak ở Ấn Độ cũng bao gồm các chuyến thăm tới những địa điểm văn hóa và tôn giáo quan trọng của nước này.

Thủ tướng Anh là một người sùng đạo đạo Hindu và hành trình của ông còn bao gồm chuyến viếng thăm đến một ngôi đền Hindu nổi tiếng tại Ấn Độ.

Theo The Epoch Times

Lam Giang biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Thủ tướng Anh được chào đón nồng nhiệt khi đến Ấn Độ dự hội nghị thượng đỉnh G20