G20 không ra được tuyên bố chung do bất đồng về Ukraine

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 kết thúc phiên họp cuối cùng ngày 25/2 mà không có thông cáo chung vì bất đồng về thông điệp lên án chiến dịch của Nga tại Ukraine.

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 (nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới) đã diễn ra trong hai ngày 24/2 và 25/2 tại thành phố Bengaluru của Ấn Độ.

Ấn Độ, với tư cách là chủ tịch của Nhóm G20 năm nay đã miễn cưỡng nêu vấn đề chiến tranh nhưng các quốc gia phương Tây khẳng định họ sẽ không ủng hộ bất kỳ kết quả nào mà không có nội dung lên án cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Mỹ và các đồng minh trong nhóm các quốc gia G7 đã kiên quyết yêu cầu thông cáo chung chỉ trích thẳng thắn Nga về cuộc xung đột ở Ukraine, điều này đã bị các phái đoàn Nga và Trung Quốc phản đối.

Nga, một thành viên của G20 nhưng không thuộc G7, mô tả các hoạt động của họ ở Ukraine là một "hoạt động quân sự đặc biệt" chứ không phải là một cuộc xâm lược hay chiến tranh.

Việc thiếu sự đồng thuận giữa các thành viên G20 có nghĩa là Ấn Độ phải ban hành một “tài liệu tóm tắt của chủ tọa”, trong đó nước này chỉ đơn giản tóm tắt hai ngày đàm phán và ghi nhận những điểm bất đồng.

“Hầu hết các thành viên lên án mạnh mẽ cuộc chiến ở Ukraine và nhấn mạnh rằng cuộc chiến đang gây ra đau khổ to lớn cho con người và làm trầm trọng thêm những bất ổn hiện có trong nền kinh tế toàn cầu", bản tóm tắt cho biết, viện dẫn sự gián đoạn chuỗi cung ứng, rủi ro đối với sự ổn định tài chính và tiếp tục mất an ninh lương thực và năng lượng.

“Có những quan điểm khác và đánh giá khác về tình hình và các biện pháp trừng phạt", bản tóm tắt cho biết thêm, đề cập đến các biện pháp được Hoa Kỳ, các nước châu Âu và các nước khác đưa ra để trừng phạt Nga vì cuộc xâm lược và cắt giảm doanh thu của nước này.

Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman cho biết: “Mặc dù không có cái mà chúng tôi gọi là thông cáo chung mà chỉ có tuyên bố về kết quả, nhưng chúng tôi vẫn nghĩ rằng chúng tôi đã đạt được một số tiến bộ khi huy động được sự tham gia của tất cả các bộ trưởng”.

Một chú thích cuối tài liệu tổng kết cho biết, có hai đoạn tóm tắt cuộc chiến đã "được chấp thuận bởi hầu hết các nước, trừ Nga và Trung Quốc". Phần nội dung này được điều chỉnh từ Tuyên bố của các nhà lãnh đạo G20 Bali vào tháng 11 và lên án "bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất sự gây hấn của Liên bang Nga đối với Ukraine".

Kết quả này cũng tương tự như hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali vào tháng 11 năm ngoái khi nước chủ nhà Indonesia cũng ra tuyên bố cuối cùng thừa nhận những bất đồng. G20, được thành lập hơn 20 năm trước để giải quyết các cuộc khủng hoảng kinh tế, ngày càng gặp khó khăn trong việc đạt được sự đồng thuận giữa các thành viên để đưa ra một thông cáo chính thức.

Bình luận về kết quả hội nghị ở Bengaluru, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết, nhóm G20 không thể lùi bước trước tuyên bố chung đã được thống nhất tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia, tháng 11 năm ngoái, trong đó nói rằng "hầu hết các thành viên đều lên án mạnh mẽ cuộc chiến ở Ukraine" nhưng cũng thừa nhận một số quốc gia có cái nhìn khác về cuộc xung đột.

"Hoặc là chúng tôi tuân theo tuyên bố chung Bali, hoặc Pháp sẽ phản đối bất kỳ tuyên bố nào trong G-20 [này] của các Bộ trưởng Tài chính", ông Le Maire nói với các phóng viên hôm thứ Sáu (24/2).

Bộ trưởng Bộ Tài chính Liên bang Đức, Christian Lindner (giữa) phát biểu trong cuộc họp báo bên lề Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 tại Bengaluru, Ấn Độ, hôm 24/2/2023. (Ảnh: Manjunath Kiran/AFP/Getty Images)

Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho biết việc Trung Quốc ngăn G20 đưa ra tuyên bố chung là "đáng tiếc".

Nhưng ông nói thêm rằng: "Đây là một cuộc chiến. Và cuộc chiến này có một nguyên nhân, đó là Nga và Tổng thống Vladimir Putin. Điều đó phải được thể hiện rõ ràng tại cuộc họp Tài chính G20 này".

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nói với tờ Reuters rằng bất kỳ tuyên bố nào có nội dung lên án Nga đều "hoàn toàn cần thiết". Hai đại biểu tham dự hội nghị cho biết Nga và Trung Quốc không muốn diễn đàn G20 được sử dụng để thảo luận các vấn đề chính trị.

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki nói với các phóng viên: “G20 đang trở nên khó tham gia vào các cuộc thảo luận mang tính xây dựng vì cuộc xâm lược Ukraine của Nga, đây là một hành động làm lung lay nền tảng của trật tự toàn cầu”.

Những bế tắc như vậy ngày càng trở nên phổ biến trong G20, một diễn đàn được thành lập hơn 20 năm trước để đối phó với các cuộc khủng hoảng kinh tế trong quá khứ nhưng gần đây đã bị cản trở bởi sự khác biệt giữa các quốc gia phương Tây và các quốc gia khác bao gồm cả Trung Quốc và Nga.

Phản hồi trước những động thái trên, Bộ Ngoại giao Nga cho biết họ lấy làm tiếc về việc "các hoạt động của G20 tiếp tục bị phương Tây gây bất ổn và sử dụng theo hướng... bài Nga".

Cơ quan này này cáo buộc Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia G7 là "tống tiền rõ ràng", kêu gọi họ "thừa nhận thực tế khách quan của một thế giới đa cực".

Điều này xảy ra sau khi Trung Quốc đưa ra một đề xuất hòa bình gồm 12 điểm nhằm chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine sau một năm tham chiến với Nga.

Trong đề xuất, Trung Quốc kêu gọi ngừng bắn và đàm phán hòa bình, đồng thời chấm dứt các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Bắc Kinh nói rằng "các quốc gia có liên quan nên ngừng lạm dụng các biện pháp trừng phạt đơn phương" và "nên góp phần làm giảm leo thang cuộc khủng hoảng Ukraine".

Đầu tuần này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông muốn gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để thảo luận về đề xuất hòa bình nhằm chấm dứt cuộc chiến Nga - Ukraine đang diễn ra.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh Ấn Độ đang "xoay sở" giữa việc làm ăn với Nga và xoa dịu yêu cầu của phương Tây là phải cứng rắn hơn với quốc gia đối thủ của Mỹ.

Trung Quốc và Ấn Độ nằm trong số các quốc gia bỏ phiếu trắng hôm thứ Năm (23/2) khi Liên Hợp Quốc ra nghị quyết yêu cầu Nga "rút tất cả lực lượng quân sự của họ ra khỏi lãnh thổ Ukraine ngay lập tức, hoàn toàn và vô điều kiện, đồng thời kêu gọi chấm dứt chiến sự".

Sau khi "im hơi lặng tiếng" kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ một năm trước, Bắc Kinh đã tăng cường các nỗ lực ngoại giao xung quanh cuộc xung đột trong những tuần gần đây. Nhà ngoại giao hàng đầu của nước này, ông Vương Nghị, đã có chuyến công du tới Moscow trong tuần này và nhận được sự chào đón nồng nhiệt của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Thanh Hải tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

G20 không ra được tuyên bố chung do bất đồng về Ukraine