Những nội dung chính trong ngày đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh G20

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm 9/9, hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền Kinh tế Phát triển và Mới nổi hàng đầu Thế giới (G20) đã được tổ chức tại New Delhi, Ấn Độ, để thảo luận về những thách thức to lớn đối với nền kinh tế toàn cầu.

Trong khi các nước G20 vẫn còn chia rẽ về nhiều vấn đề, trong đó có xung đột ở Ukraine, các nhà lãnh đạo sẵn sàng đưa ra một số quyết định quan trọng trong hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày ở thủ đô Ấn Độ.

Hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào thời điểm sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc đang nóng lên và nhiều quốc gia đang cố gắng tránh “chọn bên” nhằm hưởng lợi từ cuộc xung đột giữa hai cường quốc này.

Cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lẫn Tổng thống Nga Vladimir Putin đều không tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay.

Sự vắng mặt của ông Putin đã nằm trong dự liệu vì ông cũng không tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 hồi năm ngoái. Nhưng sự vắng mặt của ông Tập lại khiến nhiều lãnh đạo thế giới thất vọng, trong đó có Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Một số người lập luận rằng sự vắng mặt của Trung Quốc cho thấy nước này đang tách rời khỏi G20 và phát triển một trật tự thế giới thay thế có lợi cho các bên như BRICS.

Để xóa sổ nhận thức đó, Tổng thống Biden đang cố gắng lấp đầy khoảng trống mà ông Tập để lại trong năm nay bằng cách khẳng định Mỹ là một đối tác đáng tin cậy và có khả năng thống nhất các quốc gia giàu có nhất thế giới đằng sau những mục tiêu chung.

Nhà Trắng cũng hạ thấp tầm quan trọng về sự vắng mặt của ông Tập, thay vào đó nhấn mạnh rằng sự hiện diện của ông Biden sẽ mang lại kết quả.

Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jon Finer nói với các phóng viên bên lề hội nghị: “Mỹ đang tập trung vào việc Tổng thống Biden có mặt ở đây và xắn tay áo cùng các nước G20 và đối tác khác để tạo ra kết quả thực sự”.

Sau đây là những điểm quan trọng rút ra được trong ngày đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh.

G20 hay G21

Tại hội nghị thượng đỉnh năm nay, các nhà lãnh đạo G20 đã nhất trí kết nạp Liên minh châu Phi (AU), một khối gồm 55 quốc gia châu Phi, trở thành thành viên thường trực của G20.

Động thái này diễn ra sau khi Tổng thống Biden hồi năm ngoái tuyên bố rằng Mỹ sẽ ủng hộ tư cách thành viên của AU. Các thành viên G20 khác trước đây cũng đã bày tỏ sự ủng hộ của họ, đặc biệt là Trung Quốc và Pháp. Như vậy, AU sẽ là thành viên mới đầu tiên của nhóm kể từ khi thành lập.

Thông cáo: Chiến tranh ở Ukraine

Có lẽ vấn đề gây tranh cãi nhất tại hội nghị thượng đỉnh năm nay là làm thế nào để đề cập đến xung đột Ukraine trong thông cáo chính thức.

Hiện vẫn chưa rõ tuyên bố chung sẽ giải quyết cuộc xung đột như thế nào hay liệu thông cáo chung có sử dụng ngôn từ gay gắt để lên án Nga hay không.

Trong khi một số quốc gia yêu cầu những lời lẽ gay gắt đối với Nga, coi thành viên G20 là kẻ xâm lược, thì Ấn Độ, chủ tịch hiện tại của G20, đã cố gắng tìm kiếm sự cân bằng trong tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh. Mối liên hệ chặt chẽ của Ấn Độ với Nga, cũng như việc nước này không sẵn sàng đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ, cũng khiến nỗ lực này trở nên phức tạp.

Do đó, Nhà Trắng dự đoán rằng việc đạt được thỏa thuận về ngôn ngữ cụ thể liên quan đến văn bản chỉ định Nga là kẻ xâm lược sẽ là thách thức trước hội nghị thượng đỉnh.

Theo một số phương tiện truyền thông, văn bản này gần giống với văn bản đã được thống nhất trong cuộc họp ở Bali năm ngoái.

Vào cuối hội nghị thượng đỉnh năm ngoái, các nhà lãnh đạo G20 đã đưa ra một tuyên bố thống nhất trong đó họ "lên án mạnh mẽ" cuộc xung đột ở Ukraine.

Tuyên bố nêu rõ: "Hầu hết các thành viên đều lên án mạnh mẽ cuộc chiến ở Ukraine, nhấn mạnh rằng cuộc xung đột đang gây ra những thống khổ to lớn cho con người và làm trầm trọng thêm những tổn thương hiện có trong nền kinh tế toàn cầu".

Tuy nhiên, thông cáo nêu rõ rằng cũng có "những quan điểm và đánh giá khác nhau về tình hình và các biện pháp trừng phạt".

Dự án ‘đột phá’

Hoa Kỳ, Ấn Độ, Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất dự kiến sẽ ký một thỏa thuận trong hội nghị thượng đỉnh về một dự án cơ sở hạ tầng “đột phá”, nhằm kết nối Ấn Độ, Trung Đông và Châu Âu bằng đường biển và đường sắt.

Dự án này được coi là một trong những dự án chính của Nhà Trắng ở khu vực Trung Đông nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng mở rộng của Trung Quốc trong khu vực thông qua chương trình cơ sở hạ tầng gây tranh cãi, Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).

Kể từ khi ra mắt vào năm 2013, Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng ở Châu Phi, Châu Mỹ Latinh, Đông Âu và Châu Á. Tuy nhiên, những năm gần đây, Washington đã cáo buộc Bắc Kinh áp dụng “ngoại giao bẫy nợ” để lôi kéo một số quốc gia vào quỹ đạo của mình.

Biên bản ghi nhớ này là một phần trong sáng kiến Đối tác cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu (PGII) của nhóm G7 nhằm hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển.

Theo Nhà Trắng, các sáng kiến của PGII tập trung vào “các khoản đầu tư chất lượng cao về việc xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững trên toàn thế giới”.

Theo ông Finer, dự án đường sắt này mang tính "đột phá" vì tầm quan trọng và mục tiêu của nó.

Ông nói tiếp: “Chúng tôi thấy điều này có sức hấp dẫn cao đối với các nước liên quan cũng như trên toàn cầu vì nó minh bạch, tiêu chuẩn cao và không mang tính cưỡng ép”.

Tuy nhiên, để tránh làm phật lòng giới lãnh đạo Trung Quốc, ông Finer chỉ ra rằng dự án này không phải là đòn đáp trả đối với Trung Quốc.

Ông nói: “Chúng tôi không coi đây là trò chơi có tổng bằng 0 với các cách tiếp cận cơ sở hạ tầng khác. Chúng tôi không yêu cầu các nước đưa ra quyết định có tổng bằng 0 này, nhưng chúng tôi tin rằng đề xuất giá trị mà chúng tôi đưa ra là rất mạnh mẽ”.

Theo The Epoch Times

Lam Giang biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Những nội dung chính trong ngày đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh G20