Nước thứ tư từ chối nhập khẩu nông sản từ Ukraine, EU chia rẽ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm qua, Bulgaria đã trở thành quốc gia mới nhất ban hành lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm nông nghiệp từ Ukraine, cùng với 3 nước láng giềng Đông Âu khác trong bối cảnh thực phẩm nông nghiệp rẻ từ Ukraine đang gây tổn hại tới sinh kế của nông dân các nước này.

Hôm qua (19/4/2023), Chính phủ lâm thời của Bulgaria ra lệnh tạm thời cấm nhập khẩu nông sản từ Ukraine, không gồm hàng nông sản Ukraine tạm nhập tái xuất. Một lượng lớn ngũ cốc và sản phẩm nông nghiệp từ Ukraine đã tràn vào Bulgaria với giá rẻ, gây tổn hại cho sinh kế của nông dân ở quốc gia này.

Vấn đề ở chỗ, khi một quốc gia cấm nhập khẩu nông sản từ Ukraine, hàng hoá dư thừa từ Ukraine sẽ nhiều hơn, tràn sang lãnh thổ nước khác, với giá rẻ hơn. Đây chính là phản ứng dây chuyền gây thiệt hại lớn cho Ukraine kể từ khi Ba Lan tuyên bố ngừng nhập khẩu nông sản nước này.

“Nếu xu hướng này tiếp tục hoặc phát triển mạnh hơn sau khi các quốc gia khác đưa ra các lệnh cấm tương tự, thì có thể có những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng đối với các doanh nghiệp Bulgaria”, Thủ tướng tạm quyền của Bulgaria Galab Donev cho biết trong một tuyên bố, theo Reuters.

Phương Tây đã tìm cách giúp Ukraine duy trì hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và các sản phẩm nông nghiệp quan trọng kể từ khi cuộc chiến với Nga bắt đầu, nhưng những rắc rối đã nảy sinh gần đây ở Đông Âu.

Sau làn sóng giận dữ ngày càng tăng của nông dân đã buộc chính quyền Ba Lan, Hungary, Slovakia và mới hôm qua là Bulgaria đưa ra các lệnh cấm nhập khẩu nông sản tạm thời từ Ukraine. Chính sách miễn thuế nông nghiệp Ukraine của EU, nhằm hỗ trợ nước này trong chiến tranh, đã trở thành nguyên nhân khiến cạnh tranh bất bình đẳng, làm tổn thương ngành nông nghiệp trong nước.

Một số quốc gia Đông âu khác, chưa cấm nhập khẩu nông sản từ Ukraine, nhưng đang chịu áp lực từ xã hội với vấn đề này. Đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền của Romania cũng đã tuyên bố rằng họ có kế hoạch yêu cầu liên minh cầm quyền của đất nước ban hành lệnh cấm tạm thời đối với việc nhập khẩu nông sản của Ukraine để “bảo vệ nông dân Romania”, theo CNBC.

Hôm thứ Tư, Bộ trưởng Nông nghiệp của Rumani cho biết họ đang thiết lập các cuộc kiểm tra hải quan ngay lập tức đối với tất cả các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm đến từ Ukraine, đồng thời sẽ niêm phong và giám sát các lô hàng ngũ cốc quá cảnh qua Romania. Bộ trưởng cho biết quốc gia này đã yêu cầu Ukraine xác định các giải pháp hạn chế xuất khẩu ngũ cốc sang Romania.

Động thái cấm nhập khẩu nông sản của Ukraine đã khiến Liên minh châu Âu tức giận. Xuất khẩu nông sản là huyết mạch kinh tế của Ukraine. Trong bối cảnh chiến tranh bị tàn phá, xuất khẩu được nông sản với giá tốt có tính trọng yếu với đất nước này.

Ukraine là một trong những nhà xuất khẩu lúa mì, ngô và các sản phẩm hướng dương lớn nhất thế giới. Năm ngoái, việc Nga phong tỏa các cảng của nước này đã dẫn đến giá lương thực toàn cầu tăng cao, gây ra tình trạng thiếu hụt một số sản phẩm nông nghiệp cơ bản, gây khó khăn cho các nước nghèo.

Sau đó, Nga và Ukraine, với sự hỗ trợ của Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, đã cùng lập một thoả thuận cho phép ngũ cốc xuất khẩu. Điều này đã làm dịu bớt cuộc khủng hoảng lương thực trên toàn cầu. EU cũng tạo ra cái gọi là “các tuyến đường đoàn kết” để hỗ trợ hàng xuất khẩu của Ukraine rời khỏi đất nước thông qua các tuyến đường bộ ở châu Âu, cũng như đình chỉ thuế nhập khẩu đối với hàng xuất khẩu của Ukraine.

Nhưng các điều chỉnh thuế nhập khẩu hàng nông sản của Ukraine đã tạo vấn đề về bất bình đẳng. Các quốc gia ở Đông Âu hiện cho rằng những thách thức về hậu cần và tắc nghẽn nguồn cung có nghĩa là các sản phẩm nông nghiệp rẻ hơn của Ukraine đã tràn vào nước họ và không được chuyển đi, gây áp lực lên các cơ sở lưu trữ và buộc giá phải giảm. Nông dân đã phản đối tình trạng này, gây áp lực buộc chính phủ các nước phải hành động.

Hiện tại, 4 quốc gia tạm thời cấm nhập khẩu hàng nông sản từ Ukraine đang chờ đợi Liên minh Châu âu đưa ra một câu trả lời, một chính sách thoả đáng.

Rõ ràng, các can thiệp chính sách để phục vụ mục tiêu nhân đạo hay chính trị không thể kéo dài quá lâu, các chính sách như vậy chỉ nên mang tính thời điểm. Châu Âu đang chia rẽ mạnh mẽ hơn bao giờ hết, không chỉ bởi vì vấn đề nông sản Ukraine, mà còn vì vấn đề viện trợ kinh tế, quốc phòng và ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến này. Cuộc chiến kéo dài càng lâu, sức tàn phá của nó càng lớn, không chỉ với Nga và Ukraine, mà còn với các đồng minh của họ.

Quang Nhật tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Nước thứ tư từ chối nhập khẩu nông sản từ Ukraine, EU chia rẽ