Quân đội Mỹ gặp khó khi thu hồi vật thể không xác định bị bắn hạ ở Alaska

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo dự báo thời tiết, điều kiện thời tiết khắc nghiệt sẽ gây cản trở tới việc Quân đội Hoa Kỳ thu hồi vật thể bay không xác định bị bắn hạ ở Alaska vào tuần trước.

Theo Bộ Tư lệnh Phương Bắc của quân đội Hoa Kỳ (USNORTHCOM), vào ngày 10/2 vừa qua (giờ địa phương), một vật thể bay đã bị một chiếc tiêm kích F-22 bắn hạ ở khu vực Deadhorse thuộc tiểu bang Alaska, gần biên giới Canada. Công tác thu hồi vẫn đang được tiến hành quanh khu vực này. Cho tới nay, USNORTHCOM vẫn chưa có thông tin gì liên quan tới nguồn gốc, tính năng, hay mục đích của vật thể nói trên.

Trong bài phỏng vấn với tờ Reuters, USNORTHCOM cho hay, điều kiện thời tiết biển hôm 10/2 đã “tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi sử dụng các phương tiện không người lái dưới nước (UUV) để trục vớt các mảnh vỡ của vật thể bị bắn hạ. Người dân có thể sẽ bắt gặp Hải Quân Hoa Kỳ di chuyển quanh khu vực vật thể bị rơi".

Tuy nhiên sang đến ngày 12/2, nhiệt độ xuống thấp (-30 độ C) với sức gió giật 24km/giờ đã làm chậm tiến độ tìm kiếm và thu hồi của USNORTHCOM. Deadhorse nằm ở gần Vịnh Prudhoe, thuộc địa phận Vòng Cực Bắc của Bắc Băng Dương.

Đến tối ngày 12/2, nhiệt độ được dự đoán có thể xuống tới - 37 độ C, với sức gió giật từ 8 - 16 km/giờ.

Theo người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ John Kirby, vật thể này có kích thước tương đương một chiếc ôtô và không có khả năng thay đổi hướng đi. Vật thể này nhỏ hơn nhiều so với chiếc khinh khí cầu của Trung Quốc bị Mỹ bắn hạ vào hôm 4/2 ở ngoài khơi tiểu bang Nam Carolina.

Lầu Năm Góc cho biết, họ đã thu thập được “phần lớn" mảnh vỡ của khinh khí cầu này, tạo điều kiện cho giới chức trách Hoa Kỳ sớm có thêm thông tin về năng lực do thám của Trung Quốc.

Vào ngày 10/2/2023, Bộ chỉ huy phòng không Bắc Mỹ (NORAD) đã phát hiện một vật thể bay không xác định trên bầu trời tiểu bang Alaska.

Từ căn cứ chung Elmendorf-Richardson, Alaska, các chiến đấu cơ của Mỹ đã theo dõi vật thể này khi nó xâm phạm không phận của Canada. Máy bay CF-18 và CP-140 của Canada cũng tham gia đội hình.

Theo tướng Patrick Ryder - người phát ngôn Lầu Năm Góc: "Một chiếc F-22 của Mỹ đã bắn hạ vật thể trên lãnh thổ Canada bằng tên lửa AIM 9X nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền Mỹ và Canada”.

Vào ngày 11/2, chiến đấu cơ Mỹ tiếp tục bắn hạ một vật thể bay khác trên vùng trời lãnh thổ Yukon của Canada, giáp ranh với Alaska. Giới chức trách Mỹ rất “kín tiếng" về vật thể nói trên.

Những thông tin đã biết

Trong cuộc họp báo, ông Kirby cho hay ông không thể tiết lộ quá nhiều thông tin về vật thể này - bao gồm cả việc nó có phải là khí cầu do thám hay không.

"Tôi không đại diện Nhà Trắng để nói những lời này. Nhưng ngài Tổng Thống không hề hối hận việc đã không bắn hạ khinh khí cầu sớm hơn”, ông Kirby phát biểu.

“Sở dĩ chúng tôi có thể xử lý vật thể lần này nhanh chóng hơn là bởi vì kích cỡ của nó chỉ bằng một chiếc ô tô nhỏ, rất nhỏ nếu so với khinh khí cầu hôm 4/2. Hơn nữa, nó bay qua khu vực khá ít dân cư, và chúng tôi đã hạ lệnh bắn nó ngay khi nó bay ra ngoài khơi để đảm bảo an toàn tối đa cho người dân”.

Ông Kirby nói thêm rằng, diện tích va chạm của vật thể hôm 10/2 “nhỏ hơn rất nhiều" so với khinh khí cầu tình báo trước đó của Trung Quốc. Khinh khí cầu này đã có hành trình kéo dài một tuần qua Mỹ, và theo giới chức trách, nó đã bay gần một số căn cứ quân sự Hoa Kỳ.

Vật thể ở Alaska được phát hiện “xâm phạm không phận Mỹ vào ngày 9/2. Chúng tôi đã điều máy bay theo dõi vật thể này, và ngài Tổng Thống đã đưa ra quyết định bắn hạ nó vì nó gây nguy hiểm cho hàng không dân sự”, ông Ryder tiếp lời ông Kirby.

Trước khi bị bắn hạ, vật thể này đang bay về hướng đông bắc.

Theo Reuters và The Epoch Times

Ngọc Hạ biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Quân đội Mỹ gặp khó khi thu hồi vật thể không xác định bị bắn hạ ở Alaska