Đảng Cộng hòa nêu quan ngại sau khi hai vật thể bay bị bắn hạ ở Alaska và Canada

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đảng Cộng hòa đã nêu quan ngại về việc quân đội Mỹ bắn hạ hai vật thể bay gần đây ở Alaska và Canada, và một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc ở ngoài khơi bờ biển Nam Carolina hồi tuần trước.

"Việc bảo vệ biên giới và lợi ích an ninh quốc gia chúng ta đòi hỏi [Quân đội Mỹ] phải duy trì ưu thế quân sự cũng như ý chí chính trị để tận dụng ưu thế đó”, Dân biểu August Plfuger, một cựu phi công lái máy bay chiến đấu F-22, viết trên Twitter hôm 11/2.

“Trong khi chúng ta đang thu thập dữ kiện về các vụ xâm phạm không phận liên tiếp, tôi kêu gọi chính quyền ông Biden hãy phát đi một thông điệp rõ ràng tới những kẻ vi phạm chủ quyền: Hoa Kỳ sẽ có hành động ngay lập tức để tự vệ trước mọi mối đe dọa”, ông Plfuger cho hay.

Hôm 4/2, một máy bay chiến đấu F-22 của Hoa Kỳ đã bắn hạ một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc. Nó đã bay qua lục địa Hoa Kỳ trong nhiều ngày và đến gần Căn cứ Không quân Malmstrom ở tiểu bang Montana cùng nhiều căn cứ quân sự khác của Hoa Kỳ.

Hôm 10/2, một máy bay chiến đấu F-22 khác của Hoa Kỳ đã bắn hạ một "vật thể tầm cao" ở ngoài khơi bờ biển Alaska. Theo Lầu Năm Góc, vật thể này đang bay ở độ cao khoảng 12 km trước khi bị bắn hạ.

Theo chính phủ Canada, một vật thể hình trụ không xác định đã bị một máy bay chiến đấu F-22 của Hoa Kỳ bắn hạ trong một chiến dịch phối hợp với Canada vào ngày 11/2. Vật thể này bị bắn hạ trên lãnh thổ Yukon của Canada, nằm ở phía đông Alaska, theo chính phủ Canada.

Cùng ngày, Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ (FAA) đã đóng cửa tạm thời một phần không phận ở tiểu bang Montana để phục vụ các hoạt động của Bộ Quốc phòng Mỹ. Động thái trên diễn ra sau khi Bộ Tư lệnh Phòng không Vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD) đã phát hiện một “tín hiệu radar bất thường và điều động máy bay chiến đấu để điều tra”.

Tuy nhiên, máy bay chiến đấu của NORAD không phát hiện bất kỳ vật thể nào liên quan đến tín hiệu bất thường của radar.

"Tính minh bạch của chính quyền ông Biden nằm ở đâu?", cô Kayleigh McEnany, cựu Thư ký báo chí của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump, đã viết trên Twitter vào hôm thứ Bảy (11/2), đề cập đến các hành động quân sự của Hoa Kỳ ở Canada và Alaska, cũng như việc đóng cửa tạm thời một phần không phận ở tiểu bang Montana.

"Chính xác là KHÔNG có phản hồi nào”, cô McEnany viết.

Dân biểu Don Bacon viết trên Twitter rằng Hoa Kỳ "đang được thử nghiệm”.

"Đây là vật thể thứ ba bị bắn hạ trên không phận Hoa Kỳ hoặc Canada chỉ trong vòng một tuần. Chúng ta đang được thử nghiệm. Tôi rất hoan nghênh phản ứng nhanh chóng của Tổng thống ở hai lần trước. Vẫn còn nhiều điều cần phải học hỏi, nhưng việc bảo vệ chủ quyền và duy trì hệ thống phòng không của Hoa Kỳ vẫn là ưu tiên hàng đầu", ông Bacon viết.

Alaska

Sau vụ bắn hạ vật thể trên vùng biển Alaska, hôm thứ Sáu (10/2), Thống đốc Alaska Mike Dunleavy, một đảng viên Cộng hòa, nói rằng vụ việc đã "làm dấy lên những lo ngại nghiêm trọng về an ninh quốc gia mà mọi người dân Mỹ nên quan tâm”.

“Vụ xâm nhập mới nhất vào không phận của chúng ta đã đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về quyết định của Nhà Trắng khi không bắn hạ một khinh khí cầu do thám Trung Quốc hồi tuần trước - thời điểm mà nó đang bay qua Quần đảo Aleutian - và ngăn không cho nó bay qua các căn cứ quân sự trọng yếu của Mỹ ở Lower-48 (Alaska)”, ông Dunleavy nói.

"Không giống như các tiểu bang khác, Alaska thực sự đang ở tuyến đầu. Vì nằm rất gần các nước láng giềng nên chúng tôi có rất ít sai sót. Lãnh thổ của Nga chỉ cách đó vài dặm. Alaska là tiểu bang gần Bán đảo Triều Tiên và Trung Quốc nhất".

Thống đốc tiểu bang Alaska kết thúc tuyên bố của mình bằng cách nói rằng những cuộc xâm nhập tương tự có thể xảy ra trong tương lai.

Nếu những sự cố diễn ra trong vài ngày qua chính là dấu hiệu, thì đây có thể là một "bình thường mới" và chúng ta cần phải sẵn sàng, ông nói.

Thượng nghị sĩ Dan Sullivan phát biểu trong phiên điều trần của Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Thượng viện tại Washington, hôm 7/5/2020. (Ảnh: Al Drago-Pool/Getty Images)

Thượng nghị sĩ Dan Sullivan cho biết quân đội Hoa Kỳ đang nỗ lực để giải quyết "thách thức chưa từng có" này, theo một tuyên bố từ văn phòng của ông.

“Một lần nữa, tôi xin hoan nghênh lực lượng quân sự của chúng ta, đặc biệt là quân nhân và Lực lượng Vệ binh Quốc gia Alaska, những người đã làm việc suốt ngày đêm theo đúng nghĩa đen trong nhiều tuần để theo dõi và loại bỏ thách thức chưa từng có này”, ông Sullivan viết.

“Điều quan trọng là chính quyền ông Biden phải cung cấp cho người dân Mỹ càng nhiều thông tin càng tốt về những vụ việc này hoặc các sự cố tương tự”, ông Sullivan nói thêm.

Canada

Dân biểu Matt Rosendale đã đặt câu hỏi tại sao chính quyền ông Biden có thể nhanh chóng bắn hạ các vật thể trong không phận Canada và Alaska nhưng lại mất nhiều ngày để bắn hạ khinh khí cầu do thám Trung Quốc.

"Chính quyền ông Biden xin vui lòng giải thích lý do tại sao [Quân đội Mỹ] có thể bắn hạ hai 'vật thể' tương đối nhỏ trong không phận Alaska và Canada trong tuần này, nhưng lại cho phép một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc thu thập [thông tin về nước Mỹ] và gửi [về Trung Quốc] trong suốt một tuần trước khi nó bị bắn hạ?", ông Rosendale đã đặt câu hỏi trên Twitter vào ngày 11/2.

Thượng nghị sĩ Lisa Murkowski trên Đồi Capitol ở Washington, hôm 18/3/2021. (Ảnh: Susan Walsh/Pool/Getty Images)

Theo một tuyên bố, Thượng nghị sĩ Lisa Murkowski đã kêu gọi "sự minh bạch tối đa" sau khi Mỹ bắn hạ vật thể này ở Canada.

"Một lần nữa, tôi xin hoan nghênh các quân nhân của chúng ta từ Lực lượng Không quân số 11 và Lực lượng Vệ binh Quốc gia Alaska, cũng như ban lãnh đạo Bộ Tư lệnh Phòng không Vũ trụ Bắc Mỹ và Bộ Tư lệnh Phương Bắc (NORTHCOM) ở Alaska, vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bắn hạ thành công vật thể này”, bà Murkowski tuyên bố.

Bà Murkowski cho biết, bà khuyến khích sự minh bạch tối đa để người dân Alaska hiểu rõ bản chất của những vật thể bay bị này, cũng như kế hoạch đưa chúng ra khỏi không phận Hoa Kỳ một cách an toàn.

Theo The Epoch Times

Lam Giang biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Đảng Cộng hòa nêu quan ngại sau khi hai vật thể bay bị bắn hạ ở Alaska và Canada