Sau cái chết của ông Lý Khắc Cường, mâu thuẫn Tập - Lý lại gây xôn xao

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thông tin về việc cựu thủ tướng Trung Quốc ông Lý Khắc Cường đột ngột qua đời dường như khiến toàn bộ mạng internet nổ tung, nó cũng khiến nhiều người liên tưởng đến mối quan hệ bất hòa giữa ông và ông Tập. Những lời nói thật về khó khăn kinh tế và người dân Trung Quốc của ông Lý Khắc Cường được lục lại, một số lời nói kinh điển của ông được cho là đã phạm vào những điều đại kỵ đối với ông Tập.

Nói về cái chết của ông Lý Khắc Cường, một chuyên gia nổi tiếng đã phân tích rằng, “sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, nhiều cái chết kỳ lạ đã xảy ra trong giới quan chức Trung Quốc... Cái chết của ông Lý Khắc Cường phản ánh cuộc đấu đá trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn tiếp diễn. Cái chết của rất nhiều quan chức cấp cao không rõ nguyên nhân là minh chứng cho những dòng chảy hỗn loạn trong tình hình chính trị nội bộ của ĐCSTQ”.

Ngày 27/10, các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc đưa tin, cựu thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường qua đời tại Thượng Hải sau khi trải qua cơn đau tim, hưởng thọ 68 tuổi.

Ông Lý Khắc Cường công tác trong ban chấp hành trung ương đoàn thanh niên ĐCSTQ 15 năm, ông và nguyên tổng bí thư Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đều là thành viên của đoàn thanh niên, có mối quan hệ sâu xa với ĐCSTQ. Trước đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 17 của ĐCSTQ năm 2007, ông Lý Khắc Cường từng được coi là người kế nhiệm của ĐCSTQ, nhưng kết quả ông Tập được chỉ định người kế nhiệm, và ông Lý đảm nhiệm chức vụ phó thủ tướng thường trực.

Tại Đại hội 18 ĐCSTQ năm 2012, Tập Cận Bình trở thành Tổng Bí thư, Lý Khắc Cường tiếp tục giữ chức Ủy viên Thường vụ, tháng 3/2013, Lý Khắc Cường kế nhiệm Ôn Gia Bảo làm Thủ tướng. Chẳng bao lâu sau, Tập Cận Bình lên nắm quyền, và dưới việc “đảng quản lý kinh tế”, Quốc vụ viện chủ yếu đóng vai trò điều hành nền kinh tế.

Lý Khắc Cường đã để lại nhiều câu nói “kinh điển” như “Đại đạo chí giản, có quyền lực không thể tự tung, tực tác”, “Không gây lũ lụt tràn ngập tương lai không thể chi nhiều hơn thu”, “Trung Quốc mở cửa còn cần tiếp tục tiến lên phía trước, Hoàng Hà -Trường Giang không thể chảy ngược"; hay gần nhất là “Người đang làm, Trời đang nhìn".

Trong thời kỳ dịch bệnh nghiêm trọng ở Trung Quốc, những lời của ông tại cuộc họp báo lần thứ ba Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc ngày 28/5/2020 đã được lan truyền rộng rãi. Sau khi tin tức về cái chết của ông lan truyền, mọi người nhớ đến những gì ông đã nói. Khi đó ông nói: “Thu nhập bình quân đầu người hàng năm ở Trung Quốc là 30.000 nhân dân tệ, nhưng 600 triệu người chỉ kiếm được 1.000 nhân dân tệ mỗi tháng (tương đương 3,3 triệu đồng), với 1.000 nhân dân tệ ở các thành phố hạng trung, việc thuê nhà còn khó khăn huống gì bây giờ chúng ta đang đương đầu với dịch bệnh, người dân sẽ khổ như thế nào?”

Cách nói trên của Lý Khắc Cường được các nhân sĩ ngoại giới ví như “một gáo nước lạnh" dội thẳng vào mặt ông Tập Cận Bình khi chủ tịch Trung Quốc vào năm 2020 tuyên bố rằng nước này về cơ bản đã “xóa đói giảm nghèo toàn diện”.

Số liệu phía chính phủ Trung Quốc cho thấy, thu nhập hàng tháng của 610 triệu người dân Trung Quốc là khoảng 957 nhân dân tệ, tức là chưa đến 1.000 nhân dân tệ, tình hình còn nghiêm trọng hơn những gì Lý Khắc Cường nói.

Ông Lý Khắc Cường tốt nghiệp Khoa Luật trường Đại học Bắc Kinh và chuyên ngành kinh tế học của Học viện Kinh tế. Không giống như các lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc trước đây có xuất thân và hoàn cảnh gia đình tốt, sở trường của ông là ở lĩnh vực pháp luật và kinh tế, nên vô cùng quen thuộc với tình hình hoạt động của nền kinh tế thị trường.

Ông Lý Khắc Cường từng gây chấn động với phát biểu về tính chân thực của các chỉ số kinh tế của Trung Quốc khi cho rằng con số GDP do chính phủ nước này công bố chính thức là không chính xác. Theo ông, để đánh giá chính xác sức khỏe của một nền kinh tế cần dựa vào 3 chỉ số là lượng tiêu thụ điện, lượng vận chuyển hàng hóa qua đường sắt và các khoản vay ngân hàng. Ý kiến này của ông Lý được báo Anh The Economist đặt tên là "Chỉ số kinh tế Lý Khắc Cường" (hay Likonomics).

Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, ông Tập Cận Bình kiên trì thực hiện chính sách “Zero Covid”, đến năm 2022, Thượng Hải cũng buộc phải phong tỏa và cách ly, gây suy thoái kinh tế nghiêm trọng trên khắp Trung Quốc. Lý Khắc Cường đã đứng ra "giải cứu nền kinh tế" với việc quốc vụ viện đã ban hành các chính sách liên quan nhằm nỗ lực giảm thiểu tác hại do chính sách cực đoan của ông Tập gây ra.

Truyền thông nước ngoài dẫn lời các quan chức ĐCSTQ nói rằng, do ông Tập và ông Lý có chính sách chống dịch và khắc phục kinh tế không đồng nhất, khiến các quan chức nội bộ không biết phải nghe ai, thậm chí ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế của Trung Quốc.

Nhưng điều này không thể khiến Tập Cận Bình thay đổi chính sách Zero Covid ngay lập tức mà phải đến cuối năm 2022, khi phong trào “Giấy Trắng” nổ ra trên toàn quốc và người dân yêu cầu ông Tập từ chức, Bắc Kinh mới buộc phải hủy bỏ chính sách Zero Covid.

Tại Đại hội toàn quốc lần thứ 20, Lý Khắc Cường và Uông Dương, một ủy viên khác trong Ban Thường vụ Đảng, mặc dù chưa đạt đến giới hạn tối đa quy định về tuổi tác nhưng lại bị loại khỏi vũ đài chính trị, điều này khiến nhân sĩ bên ngoài cảm thấy vô cùng ngạc nhiên.

Các phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ trong các báo cáo liên quan cho biết “một số đồng chí lãnh đạo là người có đạo đức cao” và đã chủ động yêu cầu rút lui. Tuy nhiên, các nhân sĩ Trung Quốc ở hải ngoại tin rằng Lý Khắc Cường và Uông Dương, những người được coi là "phe cải cách", đã bị gạt ra.

Các thành viên vào Bộ Chính trị tại Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ đều được coi là thuộc về "Quân đội hoặc người nhà của ông Tập". Hồ Xuân Hoa, một thành viên cấp cao của phe Đoàn Thanh niên, người được ông Hồ Cẩm Đào chọn để kế nhiệm ông Tập, cũng bị loại khỏi Bộ Chính trị.

Tại kỳ họp Lưỡng hội Trung Quốc vào tháng 3 năm nay, Lý Khắc Cường đã kết thúc nhiệm kỳ thủ tướng 10 năm và rút lui khỏi chính trường một cách mờ nhạt. Nhiều chuyên gia cho rằng Cái chết của Lý Khắc Cường chỉ là khởi đầu cho tình trạng hỗn loạn của chính trị ĐCSTQ, hoặc có thể sẽ có một sự thay đổi lớn.

Ngô Tô Lai, một học giả ở Hoa Kỳ, bình luận rằng cái chết đột ngột của ông Lý Khắc Cường là không bình thường và mọi người có thể cho rằng đó là sự mở rộng của cuộc đấu tranh nội bộ. Ông Ngô đặt câu hỏi: "Ông Lý Khắc Cường dù sao vẫn còn khá trẻ. Làm thế nào mà ông ấy lại chết ở Thượng Hải được? Điều này sẽ để lại rất nhiều nghi vấn”.

Ông Ngô cho rằng cái chết của ông Lý Khắc Cường có thể gây sốc: "Thật kỳ lạ và rất hỗn loạn. Đây là cảnh tượng về sự kết thúc của một chính quyền. Bây giờ mọi mặt kinh tế và chính trị đã đến bờ vực sụp đổ”.

Ông Hồ Bình, một học giả sống ở Hoa Kỳ, nói với Báo Epoch Times rằng nguyên nhân cái chết của Lý Khắc Cường vẫn chưa rõ ràng. Báo cáo chính thức hiện tại không giải thích ông Lý bị đau tim như thế nào. Theo học giả Hồ Bình, nếu cựu Thủ tướng qua đời vì nguyên nhân tự nhiên, thì các tin tức cụ thể sẽ được đưa ra trong vài ngày tới.

Theo chuyên gia Hồ Bình, trong tương lai, xung đột nội bộ ĐCSTQ sẽ diễn ra theo chiều hướng khó lường hơn. Sự tích tụ của bất mãn của người dân đối với ông Tập Cận Bình sẽ ảnh hưởng tới mâu thuẫn của giới chóp bu. Theo ông Hồ Bình, “Nếu không thay đổi thì thôi, còn nếu thay đổi thì đó sẽ là sự thay đổi lớn”.

Ông Tống Quốc Thành, nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Chính trị Đài Loan, nói rằng khu vực Thượng Hải có hệ thống y tế tốt nhất và ông Lý Khắc Cường rõ ràng đã không được chăm sóc y tế chu đáo. Điều này cho thấy sau khi ông mất quyền lực chính trị, chính quyền rất thờ ơ với sức khỏe của ông.

Về việc liệu có nghi ngờ gì về cái chết của ông Lý Khắc Cường hay không, ông Tống cho rằng hiện tại không đủ bằng chứng để kết luận, nhưng Lý Khắc Cường đã phải đối mặt với nhiều thách thức khi còn đương chức.

Lý Khắc Cường đi theo đường lối kinh tế thị trường tự do của Đặng Tiểu Bình, quan tâm đến kinh tế sinh kế của người dân. Do đó, ông cho rằng ở Trung Quốc có gần 600 triệu người dân có thu nhập bình quân hàng tháng dưới 1.000 nhân dân tệ. Tuyên bố này cực kỳ nhạy cảm và là thách thức đối với quyền lực của Tập Cận Bình. Một ngọn núi không thể có hai hổ.

Ông Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi), phó giáo sư tại Đại học Công nghệ Sydney, cho rằng cựu Thủ tướng Lý Khắc Cường có thâm niên hơn ông Tập Cận Bình, được Hồ Cẩm Đào huấn luyện. Sau này Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng không chịu để Lý Khắc Cường làm thái tử đảng, ông Lý có vạn lý do bất mãn, nhưng cũng không có phản kháng hữu hiệu, chỉ tìm cơ hội thách thức một chút.

Ngoài ra, ông Lý Khắc Cường còn mâu thuẫn với ông Tập Cận Bình và bị thách thức khi ông còn đương chức. Ông Lưu Hạc đã tước đoạt quyền lực của ông Lý, còn ông Tập Cận Bình đã gạt ông Lý sang một bên. Toàn bộ nền kinh tế sau đó đã được ông Lưu Hạc phụ trách. Ông Lý có vạn lý do để bất mãn, nhưng ông ấy cũng không thực sự phản kháng. Ông Lý vẫn nói nên đoàn kết xung quanh Ban Chấp hành Trung ương Đảng với trung tâm là ông Tập Cận Bình”.

Gần đây, hai Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc là Tần Cương và Lý Thượng Phúc lần lượt bị cách chức, ứng cử viên cho vị trí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng mới vẫn chưa được tiết lộ. Phiên họp toàn thể lần thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ vẫn chưa quyết định được. Có tin đồn rằng, phiên họp này sẽ bị hoãn lại.

Trung Quốc hiện đang trong tình trạng thiếu nhân tài, những người như ông Lý Khắc Cường lần lượt ra đi, những người được ông Tập Cận Bình thăng chức cũng lần lượt bị cách chức… Hiện chỉ còn lại ba Ủy viên Quốc vụ, điều đó có nghĩa là toàn bộ ban lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ đang rơi vào tình trạng khủng hoảng và thiếu nhân tài”.

Cái chết của ông Lý Khắc Cường khiến nhiều người nghĩ đến cái chết của Hồ Diệu Bang và liệu nó có gây ra các phong trào chính trị dân sự hay không?

Hiện nay, không giống như những năm 1980, quyền lực giám sát xã hội của ĐCSTQ mạnh mẽ hơn trước, khó có khả năng xảy ra phong trào tưởng niệm ngày mất của một nhà lãnh đạo. Tuy nhiên, cái chết của ông Lý sẽ khiến người dân mất lòng tin vào ông Tập.

Các chuyên gia nói rằng tình hình chính trị Trung Quốc hiện nay có thể còn nhạy cảm hơn thời điểm Hồ Diệu Bang qua đời vào năm 1989. Ông nhận định, về mặt chính trị, ông Tập Cận Bình hiện đang ở thế bấp bênh.

Có thể có các thế lực chính trị sẽ lợi dụng cái chết của Lý Khắc Cường để gây ồn ào. Bởi vì toàn bộ bộ máy quan liêu của ĐCSTQ đã nảy sinh mâu thuẫn rất lớn với ông Tập Cận Bình. Vì vậy họ càng có xu hướng nghi ngờ rằng ông Lý Khắc Cường bị ám sát, hoặc bị làm cho tức giận đến chết. Vào lúc này, không ai sẵn sàng lắng nghe bất kỳ lời giải thích nào từ chính quyền ông Tập Cận Bình.

Tuy nhiên, một số chuyên gia tin rằng, sau khi cựu Thủ tướng Lý Khắc Cường nghỉ hưu, ông ấy không gây ra bất kỳ mối đe dọa chính trị nào cho ông Tập Cận Bình. Cách đây vài tháng, ông Lý Khắc Cường xuất hiện ở Đôn Hoàng một cách rất thoải mái. Do đó ông Vương Hách nhận định rằng, nếu không có sự chấp thuận của ông Tập Cận Bình thì ông Lý Khắc Cường không thể xuất hiện.

Ông Vương Hách nói thêm, ông Lý Khắc Cường từng là một nhà lãnh đạo tiềm năng và là thủ lĩnh tinh thần của lực lượng chống ông Tập. Những phe phái duy trì sự thống trị của ĐCSTQ luôn muốn lợi dụng ông Lý để hạ bệ ông Tập Cận Bình và quay lại thay thế ông bằng người khác để tiếp tục duy trì sự cai trị của ĐCSTQ. Vị chuyên gia này dự đoán, trong tương lai, khi ông Tập Cận Bình qua đời, Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ phải diệt vong, vì chính quyền này không còn tìm được ai để thay thế.

Ông Tô Tử Vân (Su Ziyun), chuyên gia của Viện Nghiên cứu An ninh Quốc phòng Đài Loan, cho biết, sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, nhiều cái chết kỳ lạ đã xảy ra trong giới quan chức ĐCSTQ, bao gồm một số giám đốc điều hành cấp cao của các doanh nghiệp nhà nước và thậm chí cả những nhân vật cấp cao trong quân đội đã tự tử hoặc chết vì bệnh tật không rõ nguyên nhân. Cái chết của ông Lý Khắc Cường phản ánh cuộc đấu đá vẫn tiếp diễn trong nội bộ ĐCSTQ.

Theo Epochtimes
Viên Minh (biên dịch)

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Sau cái chết của ông Lý Khắc Cường, mâu thuẫn Tập - Lý lại gây xôn xao