Sau sự kiện Hồ Cẩm Đào, biểu tình ở Bắc Kinh: Thêm nhiều cụm từ bị cấm trên Internet ở Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bắc Kinh đã bổ sung hàng loạt cụm từ vào danh sách từ nhạy cảm, cấm tìm kiếm trên Internet sau Đại hội đảng 20. Các từ nhạy cảm không chỉ có "Hồ Cẩm Đào", "đưa Hồ Cẩm Đào đi", mà còn các cụm từ liên quan tới sự kiện gây sốc toàn cầu này "kết thúc", "đi khỏi", "rời đi", "lên ngôi", mà còn có cả "AirDorp", phần mềm chia sẻ thông tin về biểu tình trên cầu Tứ Thông ở Bắc Kinh.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) được tổ chức tại Bắc Kinh từ ngày 16 đến ngày 22/10/2022. Có quá nhiều sự kiện xảy ra trước, trong kỳ Đại hội mà các nhà chức trách của Bắc Kinh không muốn người dân biết, lan truyền hoặc đơn giản là thảo luận về nó.

Các sự kiện đó phải kể đến "sự cố biểu tình" ở cầu Tứ Thông (Sitong) ở Bắc Kinh, sự kiện các nhân sự như Lý Khắc Cường, Uông Dương và nhiều lãnh đạo cấp cao khác không được bầu lại với tư cách Ủy viên Ủy ban Trung ương. Nhưng đáng chú ý nhất là sự kiện cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào được "giúp đỡ" rời khỏi địa điểm họp bế mạc trước quan sát toàn thế giới.

Các từ cấm liên quan tới sự kiện Hồ Cẩm Đào

Tại lễ bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ, bất ngờ có một cảnh tượng là cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào được người khác "giúp đỡ" đưa khỏi phiên họp. Điều này ngay lập tức làm dấy lên đồn đoán của ngoại giới xoay quanh truyền thống đấu đá trong nội bộ ĐCSTQ.

Ngay sau đó, tài khoản Twitter của hãng truyền thông nhà nước Tân Hoa Xã tuyên bố: "Ông Hồ Cẩm Đào không khỏe trong cuộc họp bế mạc, các nhân viên đã tháp tùng ông đến phòng bên cạnh cuộc họp vì lý do sức khỏe".

Mặc dù đưa ra lời giải thích như vậy nhưng mạng lưới Internet ở Đại lục lại lập tức đưa hàng loạt cụm từ có thể liên quan tới sự kiện Hồ Cẩm Đào vào danh sách nhạy cảm; cấm người dân đại lục tìm kiếm thông tin có liên quan. Các cụm từ đó là "mang Hồ Cẩm Đào đi", "kết thúc", "đi khỏi", "rời đi", "Hồ Cẩm Đào", "lên ngôi".

Hiện tại, nếu người dùng ở Trung Quốc tìm kiếm bằng các cụm từ "rời đi", "ra đi" và "Hồ Cẩm Đào" trên Weibo, người dùng sẽ không thấy bất kỳ nội dung nào liên quan đến sự ra đi của Hồ Cẩm Đào. Trên Douyin, nền tảng video dạng ngắn lớn nhất Trung Quốc, tìm kiếm các từ khóa như "mang đi", "rời khỏi bàn" và "Hồ Cẩm Đào" cũng không có bất kỳ nội dung nào hiện ra.

Không chỉ sự kiện Hồ Cẩm Đào, sự kiện biểu tình bị đàn áp ở Bắc Kinh trên cầu Tứ Thông cũng trở thành một sự kiện nhạy cảm, không một người Trung Quốc nào ở Đại lục có thể tiếp cận thông tin này.

Từ 'Airdrop' bị cấm liên quan tới biểu tình trên cầu Tứ Thông

3 ngày trước Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ, tức là vào ngày 13/10, tại Bắc Kinh đã xảy ra một vụ việc chấn động. Trên cầu Tứ Thông, quận Hải Định (Haidian), Bắc Kinh bất ngờ xuất hiện một số biểu ngữ phản đối. Các hình ảnh và video đã lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội nhưng nhanh chóng bị kiểm duyệt tại Trung Quốc.

Hai biểu ngữ trắng mang các khẩu hiệu, trong đó có lời kêu gọi lật đổ nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và chấm dứt chính sách hà khắc "zero-COVID", theo nhiều hình ảnh và video lan truyền trên Twitter nhưng đã bị chặn ở Trung Quốc.

Tổng cộng có bốn biểu ngữ phản đối, trong đó một biểu ngữ có nội dung: “Không cần xét nghiệm COVID, chúng tôi muốn lương thực. Không cần phong tỏa; chúng tôi muốn tự do. Không cần dối trá; chúng tôi muốn phẩm giá. Không cần Cách mạng Văn hóa; chúng tôi muốn cải cách. Không cần lãnh đạo; chúng tôi muốn bầu cử. Không cần nô lệ; chúng tôi muốn trở thành công dân".

https://twitter.com/i/status/1580485871115329536

 

Mặc dù quan chức ĐCSTQ đang che giấu thông tin liên quan của người đàn ông biểu tình, nhưng manh mối tìm thấy trên Internet cho thấy người này đến từ Hắc Long Giang, tên thật là Peng Lifa. Anh là nhân viên kỳ cựu của bộ phận công nghệ thuộc Công ty TNHH Công nghệ mạng Melon Bắc Kinh. Hiện vẫn chưa rõ tung tích của Peng Lifa.

Cư dân mạng Trung Quốc vẫn ủng hộ cuộc biểu tình trên cầu Tứ Thông bằng nhiều cách khác nhau. Một số cư dân mạng đã chia sẻ hình ảnh và video về sự cố cầu Tứ Thông bằng AirDrop.

Một người nào đó đã sử dụng AirDrop trên tàu điện ngầm Thượng Hải để phát tán hình ảnh, thể hiện sự ủng hộ với các khẩu ngữ trên cầu Tứ Thông. Do bị chặn trên Internet, người dùng đã chia sẻ với qua ứng dụng Airdrop. Thông tin lan toả mạnh mẽ đến mức một cơ quan cảnh sát thậm chí đã đăng một bài báo nói rằng họ có thể “thu thập bằng chứng” trên AirDrop và lấy danh tính cá nhân của người đã gửi hình ảnh.

Bởi vậy, các từ khoá kiểm duyệt mới trên Internet của Trung Quốc xuất hiện thêm cả một từ khoá tưởng như không liên quan tới nhạy cảm chính trị, đó là "Airdrop".

Quang Nhật

Theo Secret China



BÀI CHỌN LỌC

Sau sự kiện Hồ Cẩm Đào, biểu tình ở Bắc Kinh: Thêm nhiều cụm từ bị cấm trên Internet ở Trung Quốc