Sức khoẻ bị ảnh hưởng như thế nào khi sử dụng thiết bị đeo điện tử dạng đồng hồ thông minh?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Công nghệ máy tính đã trở nên gắn liền mật thiết với cuộc sống hiện đại. Nhưng phải chăng mối quan hệ này đã trở nên quá gần gũi?

Đó là điều cần cân nhắc trong thời đại của các thiết bị đeo điện tử.

Đúng như tên gọi, thiết bị đeo điện tử là máy tính đeo sát trên cơ thể. Chúng được kết nối không dây với internet và có nhiều dạng khác nhau, chẳng hạn như nhẫn, vòng đeo tay, kính và hình xăm… điện tử.

Các cảm biến sinh học y tế cũng có thể được nhúng vào quần áo, thậm chí cấy vào bên trong cơ thể để theo dõi, ghi lại và phân tích những gì đang diễn ra bên trong.

Một bài báo được đăng trên tạp chí npj Digital Medicine định nghĩa thiết bị đeo điện tử là một cảm biến “không bị cản trở bởi dây dẫn để phát hiện liên tục và không xâm lấn các tín hiệu sinh học, chất phân tích, lực tác động và cơ sinh học để theo dõi sức khỏe cũng như hiệu suất của con người”.

Một số thiết bị đeo điện tử, chẳng hạn như đồng hồ thông minh, cung cấp cho bạn một vài tính năng - chẳng hạn như lướt qua các bài hát yêu thích hoặc kiểm tra dự báo thời tiết.

Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, bạn không cần phải tương tác có ý thức với công nghệ để nó thực hiện công việc. Thay vào đó, bạn chỉ cần đeo thiết bị và làm việc như bình thường, vì loại thiết bị này có khả năng hoạt động ở chế độ nền.

Ngành công nghệ coi thiết bị đeo điện tử là một lĩnh vực tăng trưởng mạnh. Apple hiện đang thống trị thị trường, tuy nhiên, Google cũng đang chú ý đến việc phát triển các sản phẩm này.

Hiện tại, khoảng một phần ba dân số trưởng thành sử dụng thiết bị đeo điện tử. Hầu hết người dùng đều thuộc nhóm trẻ (từ 18-44 tuổi). Tuy nhiên, các nhà sản xuất đang muốn hướng đến phân khúc người lớn tuổi, nơi được dự báo là có mức tăng trưởng lớn nhất trong những năm tới.

Tại sao nên sử dụng thiết bị đeo điện tử?

Một lý do chính khiến mọi người đeo những thiết bị này là để cải thiện sức khỏe.

Thiết bị đeo điện tử có thể ghi lại số bước bạn đi, lượng calo bạn đốt cháy hoặc bất kỳ dữ liệu sức khỏe nào khác mà bạn muốn thu thập và phân tích.

Ví dụ, trình theo dõi sức khỏe sẽ thiết lập biểu đồ tiến trình tập thể dục, khuyến khích bạn cải thiện số liệu theo thời gian.

Nhiều người nói rằng chúng hoạt động hiệu quả. Kết quả khảo sát thông tin sức khỏe năm 2019 cho thấy việc sử dụng thường xuyên các thiết bị đeo điện tử đã cải thiện mức độ hoạt động thể chất của người sử dụng.

Ngoài việc đo lường và nâng cao hiệu suất thể chất, thiết bị đeo điện tử cũng có thể đánh giá sức khỏe tâm lý.

Một nghiên cứu năm 2023 đã kiểm tra các mô hình học máy sàng lọc dữ liệu từ các thiết bị đeo điện tử nhằm xác định mức độ phục hồi và sức khỏe tâm thần của bệnh nhân.

Các nhà nghiên cứu cho biết rằng, những phát hiện này ủng hộ việc sử dụng thiết bị đeo điện tử như một cách để theo dõi và đánh giá tình trạng tâm lý từ xa mà không cần sử dụng bảng câu hỏi về sức khỏe tâm thần.

Các thiết bị đeo điện tử có gây lo lắng thái quá?

Mặc dù thiết bị đeo điện tử mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, nhưng cũng có bằng chứng cho thấy những thiết bị này không hẳn tốt.

Ví dụ, một số người cảm thấy ngợp trước tất cả dữ liệu cá nhân này. Một vài nghiên cứu khác cho thấy việc theo dõi sức khỏe có thể gây nghiện và lo lắng.

Một nghiên cứu do Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ tài trợ vào năm 2020 cho thấy rằng, mặc dù các thiết bị đeo điện tử có thể thúc đẩy một số người tích cực vận động hơn, nhưng chúng có thể vô tình góp phần làm suy giảm chức năng ở những người khác và khiến họ quá chú ý vào việc theo dõi các triệu chứng bệnh lý.

Nghiên cứu đã xem xét những bệnh nhân bị rung nhĩ, những người này có xu hướng phụ thuộc và theo dõi nhịp tim quá mức bằng thiết bị đeo điện tử. Các nhà khoa học phát hiện rằng lo lắng rất phổ biến trong nhóm người này, tạo ra áp lực về triệu chứng cao hơn, chất lượng cuộc sống giảm sút và chi phí chăm sóc sức khỏe tăng lên.

Nghiên cứu tuyên bố: "Do đó, các công nghệ này làm tăng nhận thức và sự chú ý đến những biến động bình thường, nhưng cũng làm tăng nhận thức và sự chú ý đến những biến động bất thường tiềm ẩn trong nhịp tim, từ đó khiến sự lo lắng gia tăng đáng kể ở những người có cơ địa dễ mắc bệnh và thúc đẩy chăm sóc y tế không cần thiết".

Các nghiên cứu khác cho thấy mối tương quan giữa việc sử dụng trình theo dõi sức khỏe và calo với việc gia tăng các triệu chứng của rối loạn ăn uống, đặc biệt là ở sinh viên đại học.

Mặc dù chỉ là nghiên cứu sơ bộ, nhưng kết quả cho thấy đối với một số cá nhân, các thiết bị này có hại nhiều hơn.

Tác hại của vô tuyến và quyền riêng tư

Đành rằng các công ty lớn đang nỗ lực thúc đẩy để mở rộng thị trường thiết bị đeo điện tử, nhưng nhiều người vẫn do dự sử dụng một thiết bị không dây có thể ghi lại và truyền dữ liệu từ tâm trí và cơ thể của họ.

Những lo ngại không liên quan đến sức khỏe bao gồm các vấn đề về quyền riêng tư và bảo mật thông tin cá nhân.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cảnh báo rằng các thiết bị này cũng có thể gây mất tập trung và dẫn đến một số vấn đề về an toàn, đặc biệt là đối với những người "đang lái xe hoặc tham gia các hoạt động khác đòi hỏi sự chú ý cao độ".

Tiếp xúc với bức xạ là một mối quan ngại khác đối với các thiết bị đeo điện tử. Các thiết bị này thường kết nối không dây thông qua Bluetooth, Wi-Fi hoặc các công nghệ giao tiếp không dây khác và vì chúng ở gần cơ thể nên bạn sẽ bị tiếp xúc nhiều hơn với tần số mà thiết bị đeo phát ra.

Tất nhiên, bất kỳ thiết bị nào truyền bức xạ tần số vô tuyến (RF) đều phải đáp ứng các giới hạn tiếp xúc do Ủy ban Truyền thông Liên bang Hoa Kỳ (FCC) đặt ra. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học, bác sĩ và nhà bảo vệ sức khỏe cộng đồng vẫn tranh cãi về tính an toàn của tiêu chuẩn FCC.

Các hướng dẫn của FCC về bức xạ không dây được áp dụng vào năm 1996, rất lâu trước khi điện thoại thông minh và thiết bị đeo điện tử ra đời. Tuy nhiên, kể từ đó, một số nghiên cứu đã gợi ý rằng việc tiếp xúc với bức xạ RF (vốn được coi là vô hại theo tiêu chuẩn của FCC) có thể gây hại.

Năm 2011, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phân loại bức xạ không dây là chất gây ung thư loại 2B.

Một số bằng chứng mạnh mẽ nhất cho thấy các tiêu chuẩn của FCC có thể không còn phù hợp đến từ báo cáo của một nghiên cứu trị giá 30 triệu USD, kéo dài 10 năm do Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) tài trợ vào năm 2018.

Nghiên cứu được thực hiện bởi Chương trình Độc chất học Quốc gia Hoa Kỳ (NTP) - cơ quan liên bang được giao nhiệm vụ thử nghiệm độc tố - và được thiết kế để đưa ra kết luận cuối cùng về việc liệu bức xạ không dây có gây hại hay không.

Nói chung, nghiên cứu đưa ra bằng chứng rõ ràng về mối liên hệ giữa việc sử dụng điện thoại di động với ung thư và tổn thương DNA.

Vấn đề bức xạ và quy định

Vào năm 2021, một tòa án liên bang ra phán quyết rằng dựa trên các nghiên cứu chứng minh tác hại của thiết bị không dây, FCC phải đánh giá lại các tiêu chuẩn an toàn của mình. Các nhà quản lý vẫn chưa cập nhật tiêu chuẩn của họ, nhưng cho đến khi họ làm điều đó, một số chuyên gia kêu gọi người dân nên thận trọng hơn.

Một trong số đó là Fariha Husain, quản lý chương trình bức xạ điện từ (EMR) và không dây cho Children’s Health Defense (CHD) - một trong những tổ chức kiện FCC để thay đổi tiêu chuẩn an toàn RF của mình.

Bà Husain chỉ ra một số tác động mà các thiết bị không dây có thể mang đến cho sức khỏe, đặc biệt là khi đeo sát người như thiết bị đeo điện tử. Chúng bao gồm tăng nguy cơ ung thư, stress tế bào, tăng các gốc tự do có hại, tổn thương gen, thay đổi cấu trúc và chức năng của hệ thống sinh sản, giảm sút khả năng học tập và trí nhớ, rối loạn thần kinh và hơn thế nữa.

“Mức độ tiếp xúc với năng lượng điện từ thường giảm dần theo khoảng cách từ nguồn. Do đó, hướng dẫn của chúng tôi là loại bỏ hoặc tăng khoảng cách với các nguồn không dây bất cứ khi nào có thể. Vì các thiết bị đeo điện tử phải đeo sát người nên chúng tôi khuyến nghị loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng các thiết bị đeo được, nếu có thể”, bà Husain nói.

Tất nhiên, ngày nay việc tránh các trường RF rất khó, nếu không muốn nói là không thể. Nhà cửa, trường học và nơi làm việc đều được phủ sóng Wi-Fi 24/7 và hầu hết mọi người đều mang theo điện thoại thông minh bên mình mọi lúc mọi nơi. Vậy việc loại bỏ một thiết bị đeo điện tử vào lượng bức xạ không dây hàng ngày của bạn có thực sự tạo ra nhiều khác biệt không?

Bà Husain khẳng định là có.

“Tiếp xúc với các nguồn không dây rất phức tạp và có tính tích lũy”, bà nói. “Điều này có nghĩa là một người càng tiếp xúc với nhiều nguồn không dây và chúng càng gần cơ thể thì nguy cơ sức khỏe càng lớn”.

Mặc dù chúng ta không thể nhìn thấy bức xạ RF, nhưng nó chắc chắn có thể khiến mọi người bị bệnh. Nhạy cảm điện từ là một tình trạng sức khỏe được liên bang công nhận, trong đó các cá nhân phải chịu đựng nhiều triệu chứng bất lợi do tiếp xúc với RF.

Các triệu chứng bao gồm đau đầu, chóng mặt, ù tai, khó tập trung, mất trí nhớ, các vấn đề về giấc ngủ, trầm cảm, mệt mỏi, các triệu chứng giống như cúm, bồn chồn, lo lắng, đánh trống ngực và đau cơ khớp.

Hướng dẫn của CHD về việc giảm thiểu tiếp xúc với RF kêu gọi loại bỏ hoặc tắt các thiết bị không dây bất cứ khi nào có thể, đồng thời tăng tối đa khoảng cách giữa bạn và thiết bị.

“Hướng dẫn chung này cũng áp dụng cho các thiết bị đeo được như Apple Watch, Fitbit, v.v. và hướng dẫn của chúng tôi là loại bỏ hoàn toàn các loại thiết bị này,” Husain nói.

Theo Conan Milner - The Epoch Times
Nhật Duy

Conan Milner là phóng viên sức khỏe của Epoch Times. Ông tốt nghiệp Đại học Bang Wayne với bằng Cử nhân Mỹ thuật và là thành viên của Hiệp hội Thảo dược Hoa Kỳ.



BÀI CHỌN LỌC

Sức khoẻ bị ảnh hưởng như thế nào khi sử dụng thiết bị đeo điện tử dạng đồng hồ thông minh?