Thảm hoạ tiểu hành tinh lâu đời nhất, 2,2 tỷ năm trước - khiến Trái đất thoát khỏi Kỷ băng hà?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một tiểu hành tinh khổng lồ đã va chạm với Trái đất vào khoảng 2,2 tỷ năm trước, trong thời kỳ băng hà, và hầu hết bề mặt Trái đất đều bị bao phủ bởi các lớp băng dày. Sự kiện này có thể đã làm Trái đất thoát khỏi một Kỷ băng hà.

Khoảng 2,2 tỷ năm trước, một tiểu hành tinh khổng lồ đã va chạm với Trái đất của chúng ta, để lại một vết sẹo khổng lồ cho Trái đất.

Dấu vết va chạm tiểu hành tinh này có tên gọi là Yarrabubba nằm ở Úc, có tuổi đời lớn hơn vết va chạm đứng sau nó khoảng 200 triệu năm tuổi. Bởi vì khu vực bị tác động là lâu đời nhất được tìm thấy cho đến nay, nên việc tìm kiếm nó không hề dễ dàng.

Do hoạt động kiến tạo và xói mòn, bề mặt hành tinh của chúng ta liên tục thay đổi, khiến việc xác định niên đại của các miệng hố va chạm tiểu hành tinh cổ đại trở nên rất khó khăn.

Mặc dù hố va chạm tiểu hành tinh Yarrabubba rộng 70 km chưa được xác định chính xác về độ tuổi, nhưng dù sao nó cũng được biết đến là một trong những hố va chạm lâu đời nhất của hành tinh này.

Trong một nghiên cứu được công bố vào ngày 21/01/2020 trên tạp chí Nature Communications, các nhà nghiên cứu đã công bố sự kiện va chạm lớn này. Mặc dù ngày nay không còn những dấu vết có thể xác định được một cách rõ ràng, nhưng những gì còn lại cũng chứa thông tin vô giá về hố va chạm và tuổi đời của nó.

Ở trung tâm của vụ va chạm, dấu vết còn lại của vụ va chạm là một ngọn đồi nhỏ, màu đỏ, có tên là Barlangi Hill (Đồi Barlangi). “Đồi Barlangi được hiểu là một khu vực đá tan chảy do va chạm”, trích bài viết.

Đồi Barlangi đánh dấu vị trí của vụ va chạm tiểu hành tinh Yarrabubba đã bị che lấp, nằm cách thành phố Perth của Úc khoảng 600 km về phía Đông Bắc. (Ảnh: Graeme Churchard CC BY 2.0)

Các nhà nghiên cứu đã phân tích các khoáng chất kết tinh do tác động của vụ va chạm. Để xác định được độ tuổi chính xác, họ đã thực hiện phân tích đồng vị bằng các phản ứng hóa học của các khoáng chất zircon và monazite.

Bản đồ dị thường khí từ tại vùng va chạm tiểu hành tinh Yarrabubba, Tây Úc. (Ảnh: Wikipedia CC BY 4.0)

Sau đó, bằng cách sử dụng kỹ thuật xác định niên đại uranium-chì, các nhà khoa học đã phát hiện rằng hố va chạm Yarrabubba có tuổi đời lâu hơn 200 triệu năm so với hố va chạm lâu đời thứ hai đã được công nhận, hố va chạm Vredefort ở Nam Phi.

Nếu niên đại của miệng hố va chạm này là chính xác, điều đó có nghĩa là vụ va chạm của tiểu hành tinh khổng lồ này trùng với thời điểm kết thúc kỷ băng hà thời tiền sử, khi mà phần lớn hành tinh của chúng ta đều bị đóng băng.

Các nhà nghiên cứu đã tạo ra nhiều mô hình để nghiên cứu những tác động có thể xảy ra khi một tiểu hành tinh lớn va chạm với Trái đất: những tác động đối với các dải băng lớn phủ trên hầu hết bề mặt một hành tinh; và cách nó sẽ làm thay đổi khí hậu của hành tinh.

Nếu một tiểu hành tinh va chạm với lớp băng dày bao phủ một lục địa, nó có khả năng tạo ra một lượng lớn đá, tro và bụi, tương tự như một vụ phun trào núi lửa.

Các mô phỏng trên máy tính cho thấy một tác động như thế sẽ làm cho từ 87 nghìn tỷ đến 5.000 nghìn tỷ kilogam hơi nước bắn vào bầu khí quyển của hành tinh. Điều này rất có thể tạo ra một lớp khí nhà kính dày đặc bao phủ hành tinh, khiến cho các tảng băng bao phủ trên bề mặt hành tinh bị tan chảy.

Tác giả chính của nghiên cứu Timmons Erickson, thuộc Trung tâm vũ trụ Johnson của NASA, giải thích trong một buổi phỏng vấn với AFP: “Nếu tác động xảy ra với một dải băng lớn thì nó sẽ giải phóng rất nhiều hơi nước, đây là loại khí nhà kính thậm chí còn hiệu quả hơn cả carbon dioxide”.

“Sự kiện này, rất có thể đã dẫn đến sự khởi đầu cho sự nóng lên của hành tinh”.

Tuy nhiên, đây chỉ là một kịch bản có thể xảy ra, và các điều kiện chính xác khác vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu để có thể dưa ra đáp án cuối cùng.

Dù thế nào, các miệng hố va chạm tiểu hành tinh như Yarrabubba có tầm quan trọng rất lớn đối với các nhà khoa học, cung cấp dữ liệu có giá trị về tình trạng hành tinh của chúng ta đã như thế nào từ hàng tỷ năm về trước.

Theo Curiosmos

Ánh Dương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Thảm hoạ tiểu hành tinh lâu đời nhất, 2,2 tỷ năm trước - khiến Trái đất thoát khỏi Kỷ băng hà?