Thành viên Phong trào Giấy trắng: Tham gia vì 'đói tới mức có thể tự tử'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Anh Huang Guoan là một trong những người tích cực tham gia Phong trào Giấy trắng, và nguyên nhân trực tiếp dẫn đến điều đó là do cơn đói mà anh phải chịu đựng trong thời gian phong tỏa. Cái đói thậm chí khiến người dân có thể tự tử.

Anh Huang Guoan, cựu kỹ thuật viên công nghệ thông tin của công ty lưới điện Quảng Châu, đã trở thành mục tiêu của cảnh sát Trung Quốc sau khi tham gia Phong trào Giấy trắng, sự kiện nổ ra vào tháng 11/2022.

Lo sợ bị chế độ trả thù, anh trốn khỏi Trung Quốc và đến New Zealand vào ngày 25/7.

Anh kể lại hành trình tham gia Phong trào Giấy trắng và bị bắt rồi bỏ trốn trong một cuộc phỏng vấn gần đây với The Epoch Times phiên bản tiếng Trung.

Theo anh Huang, sự đe dọa của chế độ vẫn theo bước anh sau khi anh đến nước ngoài: Chính quyền chặn quyền truy cập vào tài khoản ngân hàng của anh và cảnh sát đã ban hành lệnh triệu tập anh qua điện thoại di động.

Tại sao Phong trào Giấy trắng lại bùng nổ vào năm thứ ba trong đợt phong tỏa COVID-19? Anh Huang trả lời: “Cái đói”.

Phong trào Giấy trắng

Phong trào Giấy trắng nổ ra sau vụ cháy chung cư ở Tân Cương vào tháng 11/2022 khiến ít nhất 10 người thiệt mạng. Do các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, các rào cản kiểm soát đã ngăn cản họ thoát khỏi ngọn lửa và làm chậm phản ứng của lực lượng cứu hỏa.

Những người đưa tang yêu cầu dỡ bỏ lệnh phong tỏa và phản đối bằng những mảnh giấy trắng.

Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, phong trào này nhanh chóng lan rộng khắp Trung Quốc và hơn 100 người đã bị bắt giữ.

Anh Huang trở thành thành viên Phong trào Giấy trắng khi thành phố của anh cũng phải trải qua đợt phong tỏa nghiêm ngặt.

Ban đầu, các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt chỉ giới hạn ở vùng nội địa và miền bắc Trung Quốc trong hai năm đầu tiên của đại dịch. Phải đến năm 2022, các thành phố lớn như Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến mới bắt đầu áp dụng lệnh phong tỏa.

Anh giải thích rằng từ tháng 11 đến tháng 12 năm ngoái, cuộc phản kháng đã leo thang, với một số video lan truyền trên mạng ghi lại các cuộc biểu tình.

Anh cho biết, chỉ riêng tại Quảng Châu, các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt đã buộc nhiều người phải xuống đường, giơ các tấm biển thách thức việc phong tỏa và các chính sách xét nghiệm bắt buộc.

Những người bạn của anh ở quận Hải Châu đã bất chấp lệnh phong tỏa. Anh nói: “Cảnh sát đánh vào đầu họ một cách thô bạo, một số người ở phía trước ngã gục tại hiện trường, những người ở phía sau cũng bị thương ở đầu và chảy máu do bị hành hung, trong khi nhiều người bị bắt sau khi bị vô hiệu hóa bằng dùi cui điện”.

Vào tháng 12, Phong trào Giấy trắng đã mở rộng ra ngoài các khuôn viên trường đại học. Người dân địa phương và chủ cửa hàng khắp Quảng Châu đã tích cực tham gia.

Anh Huang nói, họ xuống đường và hô vang khẩu hiệu yêu cầu ông Tập Cận Bình thoái vị, ĐCSTQ thoái vị.

Anh nhấn mạnh rằng phong trào ban đầu của sinh viên trong khuôn viên trường đại học đã nhanh chóng chuyển thành phong trào quần chúng lớn hơn.

Thành viên Phong trào Giấy trắng: Tham gia vì đói tới mức có thể tự tử
Một người đàn ông bị bắt khi người dân tụ tập trên đường phố ở Thượng Hải vào ngày 27/11/2022, nơi diễn ra các cuộc biểu tình phản đối chính sách zero-COVID của Trung Quốc sau vụ hỏa hoạn chết người ở Urumqi, thủ phủ vùng Tân Cương. (Ảnh: Hector Retamal/AFP qua Getty Images)

Đói tới mức có thể tự tử

Anh Huang là một trong những người tích cực tham gia Phong trào Giấy trắng, và nguyên nhân trực tiếp dẫn đến điều đó là do cơn đói mà anh phải chịu đựng trong thời gian phong tỏa.

Anh Huang nói rằng anh ấy đã học cách vượt qua kiểm duyệt trực tuyến khi còn học đại học. Việc truy cập các trang web từ thế giới tự do đã dạy cho anh về bản chất lừa dối và ma quỷ của ĐCSTQ. Nhưng phải đến khi trải qua cơn đói trong thời gian phong tỏa, anh mới nhận ra đầy đủ điều này.

Anh Huang có một công việc lương cao tại China Southern Power Grid (công ty Lưới điện phía Nam Trung Quốc), với mức lương 300.000 CNY (nhân dân tệ) (41.000 USD) cộng thêm tiền thưởng.

Lệnh phong tỏa vào tháng 10/2022 đã khiến anh Huang bị giam trong căn hộ của mình cả tháng. Thức ăn duy nhất mà anh có là nửa bao gạo cùng một ít thịt và rau chỉ đủ dùng trong vài ngày. Sống ở một trong những thành phố thịnh vượng và thuận tiện nhất Trung Quốc, anh Huang không quen với việc dự trữ lương thực.

Để tiết kiệm gạo, anh phải nấu cháo thật loãng. “Tôi đã không hiểu tại sao mọi người lại có thể nhảy khỏi tòa nhà. Nhưng khi đến lượt tôi đói, tôi hoàn toàn hiểu được”, anh Huang nói.

Anh cho biết có nhiều người đã tự sát khi Quảng Châu bị phong tỏa. Anh nói rằng cảnh sát làm việc rất hiệu quả trong việc xử lý các thi thể. “Cảnh sát và nhà tang lễ chỉ mất không quá 20 phút để di dời và dọn dẹp mọi thứ ngay tại chỗ. Những người thu tiền thuê căn hộ sẽ biết điều đó rõ nhất”, anh nói.

Kể lại sự việc khi vô tình chứng kiến một thi thể, “khuôn mặt biến dạng hoàn toàn, thi thể vẫn còn chảy máu,… cảnh sát đã đến kiểm tra điện thoại di động của từng người qua đường để xóa toàn bộ hình ảnh”, anh Huang kể.

Anh thở dài, “người ta bị nhốt ở nhà trong khi không có gì để ăn, bạo lực gia đình rất nghiêm trọng, cãi vã dễ khiến gia đình tan vỡ”.

Sự trả đũa của chính quyền

Anh Huang nói, bắt đầu từ tháng 1, sự trả đũa của ĐCSTQ đối với những người tham gia Phong trào Giấy trắng đã gia tăng.

Nhiều sinh viên đại học địa phương đã bị bắt: “Sinh viên đại học tương đối dũng cảm. Mọi người nói rằng họ sẽ không có cơ hội lấy được bằng. Tôi cảm thấy buồn cho họ”, anh Huang nói khi đề cập đến các sinh viên tại các trường đại học địa phương như Đại học Công nghệ Nam Trung Quốc và Đại học Tôn Trung Sơn.

Anh Huang cho biết những người lao ra tuyến đầu của các cuộc biểu tình trên đường phố đã lần lượt biến mất hoàn toàn.

Anh Huang tham gia quảng bá trực tuyến cho Phong trào Giấy trắng. “Ngay cả với những người không ra đường như tôi, cảnh sát vẫn tìm thấy tôi”.

Anh ấy đã biên tập các phim ngắn trực tuyến với các tài liệu mà anh ấy tìm thấy từ ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times và các video từ nền tảng truyền thông xã hội GanJing World, rồi lan truyền phim trực tuyến.

Nỗi sợ hãi về sự trả thù của chính quyền đã khiến anh bắt đầu tìm cách xin thị thực thông qua các đại lý du lịch ngay từ tháng 2.

Vào ngày 20/5, cảnh sát đã bắt giữ anh tại nhà. Anh Huang đã xóa hồ sơ trực tuyến của mình, nhưng tại đồn cảnh sát, anh thấy cảnh sát vẫn lưu giữ hồ sơ về mọi chuyện.

Anh Huang bị nhốt trong một phòng giam nhỏ và bị còng tay vào cửa sổ, buộc anh phải ở trong tư thế nửa ngồi xổm hoặc nửa đứng.

Anh đã trải qua nhiều hình thức tra tấn. Cả ngày anh chỉ được thả cho đi vệ sinh một lần, anh bị cấm ngủ khi bị một ngọn đèn sợi đốt lớn chiếu thẳng vào mắt, và bị xịt hơi cay vào lỗ mũi để khiến anh cảm thấy như chết đuối.

Vào thời điểm đó, có một người đàn ông đang chửi bới ĐCSTQ ở phòng giam đối diện. Anh Huang cho biết: Người đàn ông có biệt danh là “lão già chống đối cứng rắn” được cho là đã ở trong phòng giam được 5 tháng. Công an trừng phạt ông bằng cách đánh, đá và sốc điện ông bằng dùi cui điện cho đến khi miệng ông sùi bọt mép.

Vài ngày sau, sau cuộc thẩm vấn tàn bạo, anh Huang bị chuyển đến một phòng giam lớn cùng với hơn 30 tù nhân khác. Phòng ăn chật kín khoảng 300 người. “Bạn có thể tưởng tượng có bao nhiêu người đã tham gia vào phong trào này. Trại tạm giam đã chật cứng”, anh nói.

Sau 15 ngày, anh Huang được trả tự do.

Chạy trốn và cái bẫy

Công ty của anh nhanh chóng chấm dứt hợp đồng với anh. Anh không dám rời khỏi Trung Quốc ngay lập tức. Một tháng sau, anh lên máy bay tới New Zealand vào ngày 25/7.

Chủ nhà của anh ở Quảng Châu đã nhắn cho anh một đoạn clip giám sát vào ngày 31/7, nói với anh rằng cảnh sát đang truy lùng anh. Kể từ đó, mối liên hệ của anh với chủ nhà người Hoa bị cắt đứt.

Vào đầu tháng 8, các dịch vụ thanh toán kỹ thuật số của anh ấy đã bị đình chỉ và ngân hàng của anh ấy đã thông báo cho anh ấy rằng anh ấy phải đích thân có mặt để có thể dỡ bỏ việc đóng băng số dư còn lại là 380.000 CNY (52.000 USD) vì anh ấy bị cáo buộc có liên quan đến lừa đảo viễn thông xuyên biên giới.

“Nó giống như một cái bẫy. Đây là lần đầu tiên tôi đi nước ngoài và thậm chí tôi còn không có thẻ ngân hàng quốc tế. Làm sao tôi lại dính vào vụ lừa đảo viễn thông xuyên biên giới?” anh ấy nói.

Vào ngày 14/8, cảnh sát đã nhắn tin cho anh từ Đồn Công an Quận Thiên Hà, cùng với lệnh triệu tập. Tin nhắn cho biết họ đã biết về tình hình của anh Huang ở New Zealand, hướng dẫn anh xóa “phát biểu phản động” và “trở về và đầu hàng ngay lập tức”. Anh Huang đã được cảnh báo rằng vụ việc của anh đã liên lụy đến gia đình.

Nhưng anh Huang quyết tâm thà chết ở vùng đất tự do còn hơn trở về Trung Quốc. Trong nhiều ngày, anh dựng một quầy tạm trước Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc ở trung tâm thành phố Auckland, cầu xin sự ủng hộ và bày tỏ sự phản đối việc ĐCSTQ tịch thu tài sản của mình.

“Tôi muốn thế giới biết ĐCSTQ đã tước đoạt tài sản của người dân để tạo nên cái gọi là GDP của nó, đồng thời đẩy người dân đến chỗ ăn xin”.

“‘Họ [ĐCSTQ] xử tử người dân mà không có bất kỳ thủ tục tố tụng nào. Họ sẽ giết người theo ý muốn của họ. Họ chắc chắn là xấu xa”, anh nói.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Thành viên Phong trào Giấy trắng: Tham gia vì 'đói tới mức có thể tự tử'