Bắc Kinh triệu hồi các nhà ngoại giao bị cảnh sát Anh truy nã sau vụ 'giật tóc người biểu tình'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đầu tháng này, cảnh sát Vương quốc Anh đã tìm cách thẩm vấn 6 nhà ngoại giao Trung Quốc có liên quan đến vụ tấn công một nhà hoạt động dân chủ Hong Kong ở Manchester, để rồi sau đó phát hiện ra rằng, các quan chức này đã rời khỏi Vương Quốc Anh, Bộ trưởng Ngoại giao James Cleverly cho biết hôm 14/12.

Vào ngày 16/10, một cuộc biểu tình ôn hòa bên ngoài Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Manchester đã nhanh chóng biến thành một cuộc ẩu đả, khi Tổng lãnh sự Trịnh Hy Nguyên (Zheng Xiyuan) cùng một nhóm người đeo khẩu trang bước ra từ bên trong lãnh sự quán và giật một biểu ngữ có hình biếm họa nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trong vai một vị hoàng đế không mặc quần áo.

Ông Bob Chan, một người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hong Kong lúc này đang cầm tấm biểu ngữ. Sau đó, ông bị một nhóm người kéo vào lãnh sự quán và đánh đập trước khi một sĩ quan cảnh sát Greater Manchester (GMP) tới giải cứu. Cả ông Chan và viên cảnh sát đều bị thương nhẹ, theo Cảnh sát Manchester.

Ông Trịnh Hy Nguyên sau đó thừa nhận rằng, ông đã giật tóc ông Chan. Trong các video xuất hiện trên mạng xã hội, ông Trịnh Hy Nguyên cũng được cho là giẫm đạp và xé hai tấm áp phích khác.

Đọc thêm:

Lãnh sự Trung Quốc tại Anh đánh đập người biểu tình Hong Kong

Tổng lãnh sự Trung Quốc thừa nhận đã giật tóc người biểu tình

Anh yêu cầu trục xuất Tổng lãnh sự Trung Quốc sau vụ đánh đập người biểu tình

Người biểu tình mô tả bị tấn công ‘dã man’ tại tòa lãnh sự Trung Quốc ở Anh

Cảnh sát Manchester đã mở một cuộc điều tra vào ngày 17/10, với việc các bộ trưởng của chính phủ Anh nói rằng, các nhà ngoại giao chịu trách nhiệm sẽ bị truy tố hoặc đối mặt với “hậu quả ngoại giao” nếu cảnh sát phát hiện ra rằng họ đã phạm tội.

Vào ngày 21/11, cảnh sát Manchester cho biết các nhà điều tra từ Nhóm Sự cố Chính của họ đã xác định được “một số hành vi phạm tội bao gồm hành hung và vi phạm trật tự công cộng” và cuộc điều tra vẫn đang tiếp tục.

Ảnh Đại Kỷ Nguyên
Ngoại trưởng Anh James Cleverly rời số 10 phố Downing ở London, Vương Quốc Anh, hôm 7/9/2022. (Ảnh: Justin Tallis/AFP/Getty Images)

Ngoại trưởng Anh 'thất vọng'

Hôm 14/12, ông Cleverly đã công bố một tuyên bố bằng văn bản cho biết, cảnh sát Anh hồi đầu tháng 12 đã yêu cầu Văn phòng Đối ngoại, Khối Thịnh vượng chung và Phát triển (FCDO) hỗ trợ để yêu cầu phỏng vấn ông Trịnh Hy Nguyên và năm nhân viên của mình.

FCDO đã cho chính quyền Trung Quốc thời hạn một tuần để từ bỏ quyền miễn trừ ngoại giao của các cá nhân trên rồi sau đó sẽ tiến hành phỏng vấn.

“Đáp lại, Đại sứ quán Trung Quốc, theo chỉ thị từ Bắc Kinh, đã thông báo cho chính phủ Anh rằng, Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Manchester đã kết thúc nhiệm kỳ và ông ấy đã trở về Trung Quốc", ông Cleverly nói.

Ngoại trưởng Anh nói thêm rằng, đại sứ quán cũng cho biết các nhân viên khác bị cảnh sát triệu tập đã rời Vương quốc Anh hoặc sẽ sớm làm như vậy.

“Công ước Viên về Quan hệ Lãnh sự cho phép các quốc gia rút các thành viên của cơ quan lãnh sự vào bất kỳ thời điểm nào, như những gì đã xảy ra ở đây", ông Cleverly viết.

“Tuy nhiên, tôi thất vọng vì những cá nhân này sẽ không được phỏng vấn hoặc đối mặt với công lý. Tuy nhiên, đó là điều đúng đắn khi những người chịu trách nhiệm về những cảnh tượng đáng hổ thẹn ở Manchester đã - hoặc sẽ sớm không còn là - nhân viên lãnh sự được công nhận tại Vương quốc Anh".

Ngoại trưởng Cleverly cũng gửi lời cảm ơn Cảnh sát Manchester vì tính chuyên nghiệp của họ.

Đề cập đến việc kêu gọi trục xuất ngay lập tức các nhà ngoại giao Trung Quốc trước đó, Ông Cleverly cho biết việc cho phép cảnh sát tiến hành điều tra là “đúng đắn” để “Vương Quốc Anh có thể phản hồi dựa trên bằng chứng và sự thật, thay vì những hình ảnh trên mạng xã hội”.

Ông cũng cho biết, chính phủ Anh đã “khẳng định rõ với Trung Quốc ngay từ đầu” rằng họ “sẵn sàng có hành động cứng rắn nếu cảnh sát xác định rằng các quan chức Trung Quốc đã tham gia vào vụ việc".

Ông cho biết, Vương quốc Anh rất mong đợi “một tiêu chuẩn hành vi nhất định” từ tất cả các nhà ngoại giao và nhân viên lãnh sự nước ngoài tại Vương quốc Anh.

'Trốn khỏi Vương quốc Anh như những kẻ hèn nhát'

Bà Kearns cho biết trong một tuyên bố đăng trên Twitter: “Người dân Anh có quyền kỳ vọng rằng, những kẻ phạm tội trên bờ biển của chúng ta sẽ phải đối mặt với hậu quả. Đó là ý nghĩa của việc sống trong một quốc gia có pháp quyền".

“Các nhà ngoại giao Trung Quốc tấn công người biểu tình đã trốn khỏi Vương quốc Anh như những kẻ hèn nhát. Điều này chứng tỏ họ có tội khi chạy trốn khỏi công lý trước những người biểu tình bị hành hung dã man".

“Bộ Ngoại giao bây giờ phải tuyên bố những người đã bỏ trốn là người không được hoan nghênh, và nói rõ rằng, họ sẽ không bao giờ được chào đón ở Vương quốc Anh nữa".

Trong một email gửi tới The Epoch Times, ông Alan Mendoza, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của tổ chức tư vấn chính sách đối ngoại Henry Jackson Society, cho biết, việc Bắc Kinh trục xuất các nhà ngoại giao “cho thấy phản ứng kiên quyết của Vương quốc Anh đối với bạo lực ở lãnh sự quán Manchester".

“Mặc dù phải mất đến hai tháng để điều này xảy ra, nhưng nó báo hiệu rằng, ĐCSTQ [Đảng Cộng sản Trung Quốc] đang khuất phục trước quyết tâm tuân thủ luật nhân quyền quốc tế của phương Tây”, ông Mendoza nói.

“Ngay cả khi đây chỉ đơn giản là một động thái ngoại giao của ĐCSTQ nhằm tránh những hậu quả có thể xảy ra đối với các quan chức của họ trên trường quốc tế, thì áp lực từ Thế giới Tự do nhằm bảo vệ phẩm giá và tự do cơ bản của con người là không thể bị dập tắt".

Ông Mendoza cho biết, Vương quốc Anh phải “tiếp tục kêu gọi tự do một cách chủ động để chống lại ĐCSTQ và các chế độ khác trên toàn cầu, nhằm bảo vệ sự thiêng liêng của lãnh thổ Vương Quốc Anh".

“Đây chỉ là khúc dạo đầu cho sự sụp đổ của ĐCSTQ", ông nói.

Theo The Epoch Times

Thanh Hải biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Bắc Kinh triệu hồi các nhà ngoại giao bị cảnh sát Anh truy nã sau vụ 'giật tóc người biểu tình'