Bảo tàng Thiên An Môn ở Hong Kong bị cảnh sát lục soát, hủy camera và thay khóa

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm qua (ngày 9/9), Sở An ninh Quốc gia Hong Kong đã lục soát “Viện bảo tàng Ngày 4 tháng 6” - bảo tàng tưởng niệm về Sự kiện Thiên An Môn xảy ra vào ngày 4/6/1989 tại Bắc Kinh. Cảnh sát đã mang đi 39 thùng tài liệu gồm lượng lớn sách, pa-nô, hiện vật trưng bày và các vật dụng khác. Một số bảng triển lãm đã bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển.

Theo kênh Truyền thông Độc lập (InMediaHK) của Hong Kong, cảnh sát đã căng dây tại hiện trường để ngăn người ngoài vào tòa nhà và mang đi một lượng lớn thùng đựng các vật chứng. Một số cảnh sát mặc áo có in chữ Sở An ninh Quốc gia cũng đến hiện trường để tìm kiếm bằng chứng. Ông Lý Quế Hoa (Steve Li Kwai-wah), cảnh sát cấp cao của Sở An ninh Quốc gia, cũng có mặt.

Sau khi bảo tàng bị phong tỏa và khám xét trong gần hai giờ, cảnh sát đã rời đi.

“Viện bảo tàng Ngày 4 tháng 6” ở Mong Kok do “Liên minh Hong Kong ủng hộ các phong trào dân chủ yêu nước tại Trung Hoa” (Hong Kong Alliance in Support of Patriotic Democratic Movements of China) (sau đây gọi tắt là “Liên minh”) khánh thành vào 2 năm trước.

Một ngày trước đó (ngày 8/9), Phó chủ tịch và 3 ủy viên thường vụ của Liên minh này vừa bị cảnh sát bắt giữ. Ủy viên Lương Cẩm Uy (Leung Kam-wai), người vừa bị bắt giữ, cũng được cảnh sát đưa đến bảo tàng để hỗ trợ điều tra.

Ông Thái Diệu Xương (Richard Tsoi Yiu Cheong), người đã từ chức ủy viên thường vụ của “Liên minh”, đã đi kiểm tra tình hình, nhưng ông phát hiện ra rằng chiếc camera lắp ở cửa đã bị phá bỏ, dây điện bị phá hoại và khóa cửa đã được thay thế, ông không thể vào trong. Trên cửa dán một tờ giấy với dòng chữ "Liên hệ Cảnh sát Mong Kok" và số điện thoại.

Ông Thái nói với các phóng viên tại hiện trường rằng, ông tin rằng công chúng sẽ thấy cuộc khám xét này là vô lý và khó hiểu, và phía cảnh sát nên giải thích chi tiết xem hành động này có đủ cơ sở pháp lý hay không. Ông cũng chỉ ra rằng, tấm biển của bảo tàng đã bị tháo dỡ.

Về camera quan sát, ông Thái cho biết không loại trừ việc camera quan sát bên trong bảo tàng cũng bị cảnh sát phá hoại. Ông cho biết trước đó “Liên minh” đã công bố một bức thư của cảnh sát, nội dung không đề cập đến camera giám sát và cảnh sát cũng không yêu cầu lấy video của camera. Ông cho biết nếu không xem được cảnh hiện vật bị lấy đi thì sẽ nhờ pháp luật tư vấn để truy cứu.

Vào trước ngày 4/6 năm nay, bảo tàng đã tổ chức triển lãm ảnh chủ đề "Phong trào Dân chủ 1989 và Hong Kong", và thiết kế một khu vực nhỏ để người dân đặt hoa tưởng niệm ngày 4/6. Tuy nhiên, ba ngày sau khi khai mạc, triển lãm đã bị Cục Vệ sinh Môi trường và Thực phẩm đến kiểm tra, cho biết địa điểm này bị nghi ngờ vi phạm các quy định về địa điểm vui chơi và người chịu trách nhiệm có thể bị phạt tiền và phạt tù. “Liên minh” đành phải thông báo đóng cửa bảo tàng vào ngày 2/6.

Bảo tàng bị phá hoại nhiều lần

Có thể nói viện bảo tàng này đã gặp rất nhiều trắc trở, thường bất ngờ bị các băng đảng xã hội đen phá hoại hoặc bị chính quyền đàn áp.

Theo VOA, bắt đầu từ cuối tháng 4/2012, “Liên minh” đã thiết lập viện bảo tàng tạm thời đầu tiên ở Sham Shui Po. Trong đó trưng bày một số di vật và tư liệu văn hóa về sự kiện Thiên An Môn do người dân thu thập được, để khách tham quan hiểu sâu hơn về lịch sử của phong trào ủng hộ dân chủ năm 1989 và Sự kiện ngày 4 tháng 6. Triển lãm kéo dài hơn một tháng và thu hút hơn 18.000 lượt khách tham quan.

Vào tháng 4/2014, “Liên minh” thành lập “Viện bảo tàng Ngày 4 tháng 6” trong một tòa nhà thương mại ở Tsim Sha Tsui thông qua hình thức gây quỹ tư nhân. Tuy nhiên, chủ khu thương mại nghi ngờ tính chất của viện bảo tàng vi phạm quy định nên sau hơn hai năm kiện tụng, bảo tàng ở Tsim Sha Tsui chính thức đóng cửa vào ngày 11/7/2016.

Kể từ cuối tháng 4/2019, “Liên minh” đã mở lại bảo tàng tại vị trí hiện tại trên đường Mong Kok. Tuy nhiên, một vài tuần trước khi mở cửa, nó đã bị đột nhập và phá hủy, cổng sắt bị cạy tung, các công tắc và hộp điện bị đổ nước muối, bảng mạch của điều hòa bị cháy, các vật dụng khác như thùng các-tông, ghế máy tính cũng bị vật sắc nhọn chọc thủng. Còn camera ghi hình của tòa nhà lại không hoạt động bình thường, do đó không thể biết được số lượng kẻ phá hoại và tình huống gây án.

Ngoài ra, sau khi khánh thành, bảo tàng tại Mong Kok cũng đã nhiều lần bị các nhà bất đồng chính kiến quấy rối. Nhưng cũng không có cơ quan chức năng nào tới tuần tra, hoặc thậm chí còn nghi ngờ hoạt động của bảo tàng vi phạm pháp luật.

Liên quan đến việc Sở An ninh Quốc gia Hong Kong công khai phá hoại “Viện bảo tàng Ngày 4 tháng 6” và thu giữ các vật trưng bày trong bảo tàng, một số cư dân mạng đã để lại bình luận rằng cách làm của cảnh sát không khác gì xã hội đen.

Đông Phương

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Bảo tàng Thiên An Môn ở Hong Kong bị cảnh sát lục soát, hủy camera và thay khóa