Cắt nguồn cung khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria, Nga bắn phát súng mạnh mẽ đáp trả phương Tây

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hãng khí đốt Gazprom của Nga vào hôm thứ Tư (27/04) cho biết đã ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria do không nhận được thanh toán bằng đồng rúp. Đây có thể là sự mở đầu cho các biện pháp đáp trả khác của Nga đối với các quốc gia được coi là không thân thiện. Liên minh châu Âu ngay lập tức tổ chức nhiều cuộc họp khẩn cấp về khí đốt.

Nga cắt nguồn cung khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria

Tập đoàn Gazprom hôm thứ Tư (27/04) cho biết họ đã ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria vì hai nước này không trả tiền khí đốt bằng đồng rúp. Đây là phản ứng cứng rắn nhất từ phía Moscow đáp lại các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Ba Lan và Bulgaria là những quốc gia đầu tiên bị nhà cung cấp chính của châu Âu cắt nguồn cung khí đốt kể từ khi xảy ra cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24/02 khiến hàng nghìn người thiệt mạng, hàng triệu người khác phải di dời và làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột với quy mô rộng lớn hơn. Các nước tiêu thụ khí đốt lớn như Đức và Italia vẫn chưa gặp phải vấn đề tương tự.

Gazprom đã cảnh báo rằng quá trình vận chuyển chuyển khí đốt qua Ba Lan và Bulgaria để cung cấp khí đốt cho Đức, Hungary và Serbia sẽ bị cắt nếu Ba Lan và Bulgaria lấy khí đốt một cách bất hợp pháp.

Warsaw (Ba Lan) và Sofia (Bulgaria) cho biết việc ngừng cung cấp khí đốt là hành vi vi phạm hợp đồng của Gazprom, công ty khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu các nước châu Âu trả tiền mua khí đốt bằng đồng rúp sau khi phương Tây đóng băng tài sản của Nga và cô lập Moscow khỏi hệ thống kinh tế của phương Tây do cuộc chiến ở Ukraine. Hầu hết các nước châu Âu đều bác bỏ yêu cầu và vẫn giữ nguyên phương thức thanh toán trước đây của họ. Hợp đồng khí đốt thường được tính bằng USD hoặc EUR. Với yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp, Nga tìm cách củng cố đồng tiền đang gặp khó khăn của mình và buộc châu Âu phải tiếp tục gắn bó với hệ thống ngân hàng nội địa của Nga.

"Các khoản thanh toán cho khí đốt được cung cấp từ ngày 01/04 phải được thực hiện bằng đồng rúp, sử dụng các cách thức thanh toán mới đã được kịp thời thông báo cho các đối tác", theo Gazprom.

Ba Lan đã nhiều lần cho biết họ sẽ không thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng rúp và đã lên kế hoạch không gia hạn hợp đồng khí đốt với Gazprom sau khi hợp đồng này hết hạn vào cuối năm nay.

Bộ trưởng Năng lượng Bulgaria Alexander Nikolov cho biết nước này đã thanh toán tiền mua khí đốt của Nga cho tháng 4 và việc ngừng cung cấp khí đốt sẽ là sự vi phạm hợp đồng hiện tại từ phía Gazprom. Ông Nikolov cho rằng khí đốt tự nhiên đang được Nga sử dụng như là một vũ khí kinh tế và chính trị. Trước cuộc xung đột Ukraine - Nga, 40% lượng khí đốt của châu Âu là tới từ Nga.

Tác động của việc Nga cắt nguồn cung khí đốt lên Ba Lan và Bulgaria

Việc ngừng cung cấp khí đốt của Nga sẽ có ảnh hưởng tương đối hạn chế đối với Ba Lan, quốc gia đã lên kế hoạch để độc lập với khí đốt của Nga vào cuối năm nay. Mặc dù vậy, ông James Huckstepp, trưởng bộ phận phân tích khí đốt EMEA tại S&P Global Commodity Insights cho biết, Ba Lan theo dự kiến ​​sẽ tiếp nhận thêm ít nhất 5 tỷ mét khối khí đốt từ Gazprom, điều rất có khả năng sẽ không xảy ra và cần sự thay thế, có thể là từ Đức.

Vấn đề là lớn hơn nhiều đối với Bulgaria, quốc gia nhập khẩu 3/4 lượng khí đốt của mình từ Nga và có rất ít lựa chọn để dễ dàng thay thế nguồn cung này. Tom Marzec-Manser, người đứng đầu bộ phận phân tích khí đốt tại ICIS, cho biết một đường ống mới nối với Hy Lạp, giúp Bulgaria nhập khẩu khí đốt từ Azerbaijan đã bị đình trệ trong thời gian dài và vẫn chưa hoàn thành. Bằng các thỏa thuận hoán đổi phức tạp, Bulgaria có thể thay thế một phần khí đốt của Nga thông qua một đường ống hiện có nối với Hy Lạp, ông nói thêm.

Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis đã nói với người đồng cấp Bulgaria rằng, Hy Lạp sẽ giúp đỡ Bulgaria. Văn phòng Thủ tướng Mitsotakis từ chối cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Bộ trưởng năng lượng của Bulgaria, ông Nikolov, hôm thứ Tư (27/04) cho biết nước này có đủ lượng khí đốt dự trữ cho tháng tới và đang tìm kiếm các nguồn cung thay thế.

Liên minh cầm quyền của Bulgaria đang bị chia rẽ về vấn đề gửi vũ khí tới Ukraine và các nhà phân tích cho rằng việc ngừng cung cấp khí đốt có thể là một nỗ lực của Moscow nhằm gây áp lực buộc Sofia không gửi hỗ trợ quân sự. Một phái đoàn do Kiril Petkov, Thủ tướng Bulgaria, dẫn đầu, sẽ đến Kyiv trong tuần này.

Nga đã bắn phát súng mạnh mẽ đáp trả phương Tây

Giá khí đốt ở châu Âu đã tăng vọt tới 24%, lên mức 106,42 EUR (112,83 USD) một megawatt giờ sau tuyên bố của Gazprom. Giá khí đốt vẫn ở chỉ ở mức khoảng một nửa so với mức đỉnh vào tháng 3 nhưng cao hơn nhiều so với mức của một năm trước và vẫn là nguồn chính gây áp lực lạm phát lên các nền kinh tế mong manh của châu Âu. Sự tăng giá đột biến xảy ra ngay cả khi thời tiết đang trở nên ấm hơn ở châu Âu, làm giảm nhu cầu về khí đốt tự nhiên để sưởi ấm cho các ngôi nhà và cơ sở kinh doanh.

Các nhà phân tích tại công ty tư vấn năng lượng Rystad cho rằng: “Nga đã bắn phát súng đầu tiên đáp trả phương Tây,” sử dụng năng lượng như một vũ khí.

“Việc Ba Lan và Bulgaria cùng mất quyền tiếp cận khí đốt của Nga không có tác động lớn đến tổng thể thị trường châu Âu, nhưng hậu quả nghiêm trọng hơn có thể xảy ra nếu các quốc gia hay người mua lớn như Đức và Ý bị mất nguồn cung,” công ty Rystad viết cho khách hàng. "Hành động này của Nga nên được xem xét một cách thận trọng như là một tiền lệ".

"Nga đang cố gắng phá vỡ sự đoàn kết trong các đồng minh của chúng tôi", Chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Andriy Yermak, cho biết trên Telegram.

Như để báo trước về cách thức tình hình khí đốt có thể leo thang, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin cho biết hôm thứ Tư (27/04) rằng Moscow nên mở rộng các biện pháp này đối với các quốc gia không thân thiện khác.

Sau cuộc xâm lược của Moscow vào Ukraine, Berlin vẫn đang chạy đua để giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Chính quyền của Thủ tướng Olaf Scholz đang cố gắng hạn chế sự phụ thuộc này bằng cách đẩy mạnh đầu tư vào năng lượng tái tạo và xây dựng các cơ sở phục vụ xuất nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng. Tuy nhiên, cho đến nay Đức vẫn bác bỏ lệnh cấm vận hoàn toàn khí đốt của Nga, do những lo ngại về hậu quả kinh tế.

Đức tin rằng Nga sẽ không cắt nguồn cung. Nga có rất ít lựa chọn thay thế để bán khí đốt của mình, khi phần lớn công suất đường ống của Nga hướng đến châu Âu. Các đường ống dẫn đến Trung Quốc đã hoạt động hết công suất, trong khi những đường ống mới sẽ mất nhiều năm để xây dựng.

Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cũng đang thảo luận về lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Nga hay các biện pháp khác nhằm cắt giảm doanh thu của Nga từ việc bán dầu cho khối này, một phần của vòng trừng phạt thứ sáu của EU kể từ khi Nga xâm lược Ukraine. Ủy ban châu Âu có khả năng sẽ đưa ra một đề xuất vào tuần tới mặc dù một số quốc gia thành viên, bao gồm Hungary và Đức, cho đến nay vẫn chống lại việc ngay lập tức cấm mua dầu.

“Câu hỏi đặt ra là ai kiên cường hơn?… Đây là một phần của cuộc chiến, đây là cách mà cuộc chiến tác động đến chúng ta”, Thủ tướng Latvia Krišjānis Kariņš nói. Ông cho rằng động thái của Nga có thể nhằm làm chậm lại hoặc chấm dứt lệnh cấm vận dầu mỏ của EU. "Người Ukraine đang phải trả giá bằng mạng sống của họ, chúng ta đang trả giá bằng giá năng lượng tăng cao".

Theo các nhà phân tích, trong trường hợp dòng khí đốt của Nga ngừng hoạt động hoàn toàn, các nước châu Âu như Đức sẽ cần phải phân bổ năng lượng và đóng cửa các nhà máy. Tổ chức tư vấn kinh tế hàng đầu của nước này cho biết trong một báo cáo của nhóm hồi đầu tháng 4 rằng Đức sẽ bước vào một đợt suy thoái mạnh nếu nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga bị cắt đứt.

Đầu tháng 4, chính quyền Đức tạm thời chiếm quyền kiểm soát một đơn vị địa phương của Gazprom nhằm đảm bảo khí đốt sẽ tiếp tục lưu thông.

Một phát ngôn viên của Cơ quan Mạng lưới Liên bang của Đức nói rằng an ninh nguồn cung khí đốt ở Đức hiện đang được đảm bảo. Người phát ngôn cho biết: “Chúng tôi đang theo dõi tình hình rất chặt chẽ".

EU họp khẩn về khí đốt sau động thái của Gazprom

Các quan chức EU đang tổ chức các cuộc họp khẩn cấp về khí đốt sau khi Nga quyết định cắt nguồn cung khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria, theo quan chức hàng đầu của khối.

Hôm thứ Tư (27/04), Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết thông báo ngừng cung cấp khí đốt cho một số khách hàng châu Âu của hãng khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga là “vô lý và không thể chấp nhận được”.

“Việc Gazprom tuyên bố đơn phương ngừng cung cấp khí đốt cho các khách hàng ở châu Âu là một nỗ lực khác của Nga nhằm sử dụng khí đốt như một công cụ tống tiền”, bà von der Leyen cho biết trong một phát biểu.

“Điều này là vô lý và không thể chấp nhận được. Và nó một lần nữa cho thấy sự thiếu tin cậy của Nga với tư cách là nhà cung cấp khí đốt”, bà nói.

Bà von der Leyen tuyên bố EU đã chuẩn bị cho kịch bản này và sẽ tiếp tục nỗ lực có được nguồn cung cấp khí đốt thay thế và đảm bảo kho chứa khí đốt sẽ được lấp đầy. Các quy định của EU yêu cầu tất cả các nước phải có phương án dự phòng để đối phó với một cú sốc về nguồn cung cấp khí đốt.

Bà von der Leyen cho biết EU đang phối hợp đối phó với sự leo thang căng thẳng với Nga và “nhóm điều phối khí đốt” của EU gồm đại diện từ chính phủ các quốc gia và ngành công nghiệp khí đốt đã nhóm họp vào sáng thứ Tư (27/04).

Kho khí đốt của EU hiện đang ở mức 32%. Các nước EU đang đàm phán về các quy định đối với tình trạng khẩn cấp, trong đó yêu cầu các nước này phải lấp đầy 80% kho dự trữ khí đốt vào tháng 11 năm nay, để chuẩn bị cho mùa đông, khi nhu cầu sưởi ấm bằng khí đốt lên đến đỉnh điểm.

Bảo Nguyên



BÀI CHỌN LỌC

Cắt nguồn cung khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria, Nga bắn phát súng mạnh mẽ đáp trả phương Tây